Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 22-07-2015
Trung
Quốc lúc nào cũng tố cáo Mỹ đi ngược lại lập trường mà Washington luôn khẳng định
là « trung lập », không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Nhân vật phụ
trách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 21/07/2015 đã nói lại cho rõ : Hoa Kỳ không hề trung lập trong
vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, và sẽ can dự mạnh mẽ để đảm bảo
sao cho tất cả các bên đều tuân thủ luật lệ.
Ông Daniel Russell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách
Đông Á-Thái Bình Dương đã khẳng định một cách rõ ràng lập trường trên đây của
Hoa Kỳ nhân Hội nghị khoa học lần thứ năm về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington tổ chức.
Theo báo mạng Nhật Bản The Diplomat số ra ngày hôm
nay, 22/07, nhà ngoại giao Mỹ đã làm rõ quan điểm của Mỹ về Biển Đông khi trả lời
chất vấn của một người Trung Quốc tham gia Hội nghị về sự « trung lập » của Mỹ
trong hồ sơ Biển Đông.
Cho đến nay, Washington luôn luôn khẳng định rằng dù
không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông,
nhưng Mỹ mong muốn là vấn đề được giải quyết đúng theo quy định của luật pháp
quốc tế mà không được dùng đến các biện pháp cưỡng bức. Quan điểm đó tuy nhiên
đã bị hiểu sai thành ‘trung lập thuần túy’, nhất là Trung Quốc, lúc nào cũng tố
cáo Washington ‘thiên vị’.
Theo ông Russel, lập trường trung lập của Mỹ chỉ áp
dụng cho các đòi hỏi chủ quyền, chứ không áp dụng cho cách thức giải quyết
tranh chấp : « Chúng tôi không hề trung lập khi vấn đề tôn trọng luật pháp quốc
tế được đặt ra. Chúng tôi sẽ can dự mạnh mẽ khi nói đến nhu cầu tuân thủ các luật
lệ ».
Trong phát biểu của mình tại CSIS, Trợ lý Ngoại trưởng
Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ đang khuyến khích các bên liên quan ở Biển Đông tạo ra
không khí và điều kiện thuận lợi để xử lý các tranh chấp bằng phương cách hòa
bình, ngoại giao và hợp pháp, cho dù tình hình đang căng thẳng lên một phần vì
các hành động quyết đoán của Trung Quốc.
Đối với ông Russel, cần phải nỗ lực giảm mức độ căng
thẳng hiện nay, tạo ra một không khí thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình
tranh chấp theo hai hướng : thương thuyết và trọng tài.
Để làm điều này, các bên tranh chấp – tất cả, chứ
không riêng gì Trung Quốc – cần phải chấm dứt các hành động gây căng thẳng, như
cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa các cơ sở. Trung Quốc hiện bị cáo buộc nước
gây căng thẳng, với các công trình bồi đắp đảo đá và xây dựng cơ sở rầm rộ ở Biển
Đông.
Về hướng thương thuyết giữa các bên tranh chấp, ông
Russel công nhận rằng đây là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Dù
không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã lưu ý rằng các
tuyên bố « độc đoán » của một số quốc gia, theo đó họ có chủ quyền « không thể
chối cãi » tại Biển Đông, đang là cản lực được dựng lên trên con đường đàm
phán.
Về hướng nhờ trọng tài quốc tế, ông Russel nêu bật vụ
Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trự. Đối với Trợ lý Ngoại
trưởng Mỹ, cho dù kết quả ra sao, cả Bắc Kinh lẫn Manila đều phải chấp hành quyết
định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý của tòa án, vì cả hai đều đã ký kết
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Về phần nước Mỹ, ông Russel tái khẳng định quyết tâm
của Hoa Kỳ trong việc tôn trọng lời hứa bảo vệ các đồng minh và cam kết bảo đảm
an ninh khu vực, cũng như giúp phát triển các tổ chức có hiệu quả về an ninh. Để
làm điều này, Hoa Kỳ sẽ giúp các quốc gia duyên hải nâng cao năng lực giám sát
vùng biển của mình, đồng thời tiếp tục các chiến dịch nhằm thể hiện quyền tự do
lưu thông trên Biển Đông.
No comments:
Post a Comment