Saturday, June 20, 2015

Vì sao dự luật bầu cử bị bác bỏ tại Nghị viện Hồng Kông? (RFI)





Đăng ngày 18-06-2015 

Ngay sau khi dự án cải cách dân chủ bị Nghị viện Hồng Kông bác bỏ, báo South China Morning Post trên mạng, ngày 18/06/2015, cung cấp các thông tin liên quan đến sự kiện này trong bài « Dự án cải cách dân chủ ở Hồng Kông bị bác bỏ trong lúc phe thân Bắc Kinh bỏ ra ngoài Nghị viện do ‘hiểu lầm’ ».

Cơ quan lập pháp Hồng Kông chiều nay (18/06/2015) đã bác bỏ kế hoạch cải cách bầu cử của chính quyền liên quan đến việc bầu Trưởng đặc khu vào năm 2017, trong lúc các nghị sĩ phe thân Bắc Kinh lại bỏ ra ngoài Nghị viện do hiểu lầm rằng cuộc bỏ sẽ phiếu sẽ được hoãn lại.

Chỉ có tám nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ dự thảo sau khi khoảng 30 thành viên của phe thân chính quyền ra khỏi phòng họp, chưa đầy một phút trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, khi ông Lâm Kiện Phong (Jeffrey Lam Kin-fung), Phó Chủ tịch Liên minh Kinh tế Dân sinh Hồng Kông, đã đề nghị các đồng nghiệp của mình chờ đợi ông Lưu Hoàng Phát (Lau Wong-fat), được mệnh danh là « Vua đất - Thổ Hoàng Đế », đồng thời cũng là một nhà lập pháp thuộc Liên minh.

Khi có tiếng chuông báo hiệu là các nhà lập pháp tiến hành bỏ phiếu, ông Lâm Kiện Phong đã đứng lên và đề nghị hoãn bỏ phiếu để « thảo luận thêm », nhưng Chủ tịch Hội đồng Lập pháp đặc khu hành chính Hồng Kông – Nghị viện, ông Tằng Ngọc Thành (Jasper Tsang Yok-sing), đã từ chối.

Thành viên của các tổ chức ủng hộ, trung thành với chính quyền trung ương và địa phương, thuộc Liên minh Dân chủ Cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông (DAB), Hội liên hiệp Công hội Hồng Kông (Federation of Trade Unions) và liên minh đều bỏ ra ngoài.

Dưới sự thúc giục của một số nghị sĩ ủng hộ dân chủ, Chủ tịch Nghị viện Tằng Ngọc Thành đã quyết định là có đủ số nghị sĩ cần thiết (quorum) để tiến hành bỏ phiếu và, đúng như dự kiến, tất cả 27 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã bỏ phiếu chống lại dự thảo sau 10 giờ tranh luận trong cả ngày hôm qua và kéo dài đến sáng nay. Lá phiếu chống thứ 28 là của bác sĩ Lương Gia Lưu (Leung Ka-lau), đại diện cho giới y tế và là nghị sĩ thân chính quyền. Không có ai bỏ phiếu trắng.

Giải thích việc bỏ ra ngoài Nghị viện, bà Lý Tuệ Quỳnh (Starry Lee Wai-king), Chủ tịch DAB cho biết, đảng của bà đã đề nghị giải lao trước khi bỏ phiếu bởi vì họ muốn đợi ông Lưu Hoàng Phát, đang bị bệnh, nhưng vẫn muốn bỏ phiếu.

Bà Lý nói, « Chúng tôi muốn có đủ tất cả mọi thành viên khi chúng tôi bỏ phiếu nhưng do một số hiểu lầm, trục trặc thông tin, các lá phiếu của chúng tôi không được thể hiện tại Nghị viện ».

Chỉ có 8 nhà lập pháp thân chính quyền đã bỏ phiếu thuận cho dự án, bao gồm 5 nhà lập pháp thuộc Đảng Tự do, bà Trần Uyển Nhàn (Chan Yuen-han), nghị sĩ thuộc Hội liên hiệp Công hội Hồng Kông và hai nghị sĩ độc lập là Lâm Đại Huy (Lam Tai-fai) và Trần Kiện Ba (Chan Kin-por).

Không có ai thuộc DAB, liên minh và Tân Đảng Nhân dân đã có mặt để bỏ phiếu.

Chủ tịch Nghị viện Tằng Ngọc Thành đã không hủy cuộc bỏ phiếu.

Nghị sĩ Đàm Diệu Tông (Tam Yiu-chung) thuộc DAB cho biết là kết quả phù hợp với những gì mà ông dự đoán. Ông kêu gọi những người ủng hộ (dự thảo) hãy duy trì cảnh giác và kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ dân chủ không nên cản phá dự án cải cách nữa.

Lãnh đạo phe dân chủ nói rằng sự vắng mặt của các nghị sĩ ủng hộ chính quyền cũng tương đương như bỏ phiếu chống trong hồ sơ này.

Nghị sĩ Lương Gia Kiệt (Alan Leong Kah-kit), thuộc Đảng Công Dân, đồng thời cũng là lãnh đạo của một nhóm liên minh bao gồm 23 nhà lập pháp dân chủ, nói : « Theo thủ tục của Nghị viện, vắng mặt được coi như bỏ phiếu chống. Đây là một sự kiện lịch sử trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay ».

Chủ tịch Đảng Lao động Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) nói thêm: « Lịch sử đứng về phía dân chủ ».

Bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau Wai-hing), Chủ tịch Đảng Dân chủ, cho biết: "Đối với những người bỏ ra ngoài, không ở trong Nghị viện, họ có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền Hồng Kông ».

Bà nói : « Thế nhưng, kế hoạch cải cách tồi tệ này chỉ có được 8 phiếu thuận trong tổng số 70 nghị sĩ, đây là một thông điệp rõ ràng cho chính quyền trung ương và cộng đồng quốc tế là cần phải tiến hành ngay lập tức một cuộc cải cách mới ».

Trong bài phát biểu kết thúc cuộc tranh luận sáng nay, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-Ngor), Chánh Văn phòng chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông tuyên bố rằng công tác cải cách của chính quyền đã được tiến hành « cởi mở và minh bạch ».

Bà nói : « Dự án cải cách của chúng tôi hợp hiến, hợp pháp và hợp lý. Đây là dự án cải cách tốt nhất trong tình hình hiện nay ».

Bà Lâm nói thêm rằng xã hội cần gạt sang một bên các khác biệt vì lợi ích của sự phát triển thành phố.

Bà cho biết : « Tôi không biết khi nào chúng ta sẽ lại tiến hành (cải cách), nhưng tôi nghĩ chúng ta cần khẳng định các giá trị cốt lõi và niềm tin của chúng ta ở Hồng Kông ».
« Xã hội cũng nên xem xét và suy nghĩ về quá khứ, về những gì đã xảy ra trong 20 tháng qua, và chúng ta nên gạt bỏ những khác biệt ... bởi vì chúng ta vẫn cần phải làm việc với nhau để giải quyết các vấn đề kinh tế và đời sống của chúng ta ». « Chúng ta cần phải hợp lý, thực tế và hiểu biết trong việc giải quyết các vấn đề, và chúng ta cần phải trao đổi thông tin bằng nhiều cách khác nhau ».

Không có sự ủng hộ của phe đối lập dân chủ, thì có thể biết trước là kế hoạch cải cách sẽ bị bác bỏ vì không hội đủ hai phần ba số phiếu thuận trong tổng số 70 thành viên Hội đồng Lập pháp.

Theo tiến sĩ Trương Sở Dũng (Cheung Chor-yung), chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Đô thị Hồng Kông nhận định : « Việc bỏ phiếu chống dự án cải cách có thể làm cho những người ủng hộ dân chủ cảm thấy tốt. Nhưng điều này không hề giúp Hồng Kông tiến lại gần nền dân chủ hơn. Bắc Kinh dường như sẽ không nhượng bộ ».

Giáo sư Lô Triệu Hưng (Sonny Lo Shiu-hing), Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Viện Giáo dục Hồng Kông, chia sẻ quan điểm tương tự và cho biết: « Bắc Kinh xem việc thông qua kế hoạch cải cách như là một tiêu chuẩn đánh giá mức độ trung thành chính trị của người dân Hồng Kông».

Trung Quốc đã có phản ứng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, hôm nay, 18/06, cho biết « vẫn tiếp tục các nỗ lực » hướng tới việc tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu chức vụ Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông.

Một trong  những nguyên nhân chính dẫn tới việc phe dân chủ Hồng Kông bác bỏ dự án cải cách bầu cử là các ứng viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà Bắc Kinh đề ra.

--------------------------
BBC
18 tháng 6 2015

Sau phiên tranh cãi gay gắt các nhà lập pháp Hong Kong đã bác bỏ kế hoạch cải cách chính trị gây tranh cãi được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Các dân biểu thân chính quyền đã rút khỏi trụ sở lập pháp trước khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành.

Chương trình cải tổ chính trị cho Trung Quốc quyền chọn lựa các ứng viên cho chức lãnh đạo Hong Kong.
Kế hoạch này đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn vì phe đấu tranh dân chủ gọi đây là "dân chủ giả hiệu".

Sau khi các dân biểu thân Trung Quốc rút đi, những người còn lại đã bỏ phiếu với 28 phiếu chống và 8 phiếu thuận. Kế hoạch nói trên cần 47 phiếu mới có thể thông qua.

Khung cảnh tại nghị trường rất hỗn độn, nhiều người không hiểu chuyện gì xảy ra.
Ông James Tien thuộc đảng Tự do thân chính quyền nói: "Chúng tôi không hiểu có chuyện gì khi một số đại biểu tự nhiên bước ra ngoài".
"Chúng tôi quyết định ở lại và bỏ phiếu".
Sau đó, một số dân biểu thân Bắc Kinh nói đã có sự hiểu lầm khi họ đề nghị được nghỉ giải lao 15 phút nhưng chủ tịch không đồng ý.

Quyền bầu cử

Kế hoạch cải tổ chính trị cho tất cả các công dân Hong Kong quyền bầu người đứng đầu thành phố vào năm 2017, nhưng chỉ trong số các ứng viên mà một ủy ban thân Bắc Kinh đã chọn lựa.
Việc bác kế hoạch này có nghĩa trưởng đặc khu hành chính sẽ tiếp tục được một ủy ban 1.200 thành viên, với nhiều thành viên thân Bắc Kinh, chọn lựa.
Sự thất bại của chương trình cải cách chính trị xảy ra sau một năm tranh cãi căng thẳng ở Hong Kong.

Tháng Chín năm ngoái, các nhà vận động đã chiếm nhiều nơi trong thành phố và đòi quyền bầu cử trực tiếp cho tất cả mọi người.
Các cuộc biểu tình đã làm tê liệt thành phố, cảnh sát đụng độ với người biểu tình.
Sau hai tháng ròng rã và không có nhượng bộ từ hành chính trưởng quan CY Leung, cuối cùng cảnh sát đã dỡ bỏ lều trại của người biểu tình.




No comments: