Saturday, June 20, 2015

Những điều nên biết về tháng Ramadan Hồi Giáo (Hà Tường Cát/Người Việt)





Thursday, June 18, 2015 8:41:37 PM

Ngày Thứ Năm, 18 Tháng Sáu, năm nay là khởi đầu của tháng Hồi Giáo Ramadan. Từ thời gian gần đây, sinh hoạt của 1.6 tỷ dân Hồi Giáo nhiều lúc có tác động ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác trên thế giới, nên chuyện Ramadan không chỉ riêng có ý nghĩa tôn giáo truyền thống, mà đã trở thành quen thuộc trong thời sự quốc tế.

Tiêu biểu của tháng Ramadan là sự nhịn đói trong ngày. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều phải thực hiện nghiêm túc quy định: Mỗi ngày từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng kể cả một hớp nước lạnh. Các nước Hồi giáo đều là “xứ sở uống trà,” nhưng tháng Ramadan, đến các cơ sở vào giờ làm việc trong ngày thì sẽ không có trà, không có nước uống. Trung Ðông, xứ sở của sa mạc, thời tiết nóng và khô, suốt một ngày không uống mước là sự chịu đựng khá vất vả

Ðể chuẩn bị cho sự nhịn đói ấy, mỗi ngày trước bình minh, dân Hồi Giáo ăn bữa sáng sớm có tên gọi là “suhoor” sao cho có thể chịu đựng đói và khát trong suốt một ngày.

Ðến buổi tối, người ta thường chấm dứt thời gian trai giới theo kiểu của Ðấng Tiên Tri Muhammad hơn 1,400 năm trước, bằng cách hớp một ngụm nước và ăn vài trái chà là (date). Sau đó được phép ăn uống như bình thường, và ở các gia đình khá giả thì bữa ăn đó có thể là một bữa tiệc linh đình.

Hành động nhịn ăn nhịn uống nhằm luyện cho con người sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng. Trong thời gian nhịn ăn ban ngày cũng không được phép tổ chức hay tham dự những cuộc vui chơi giải trí, không được làm chuyện quan hệ vợ chồng.

Ramadan là tên gọi của tháng thứ chín trong lịch Hồi Giáo và nếu tính theo dương lịch thì thay đổi từng năm, không có thời gian cố định. Lịch Hồi Giáo là một loại âm lịch thuần túy, không điều chỉnh với dương lịch để phù hợp với các mùa trong năm như lịch Tầu hay lịch Ta, nghĩa là không có tháng nhuận vài ba năm một lần. Do đó lịch Hồi Giáo chỉ ứng dụng được cho những sự kiện tôn giáo, không sử dụng được cho nông nghiệp như loại nông lịch của các nước Á Ðông.

Năm âm lịch căn cứ vào tuần trăng, chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Ðất, một vòng khoảng 27 ngày 7 giờ nghĩa là dưới một tháng. Như thế một năm của lịch Hồi Giáo ngắn hơn một năm dương lịch khoảng 11 ngày, có nghĩa là tháng Ramadan (tháng thứ 9) mỗi năm sẽ sớm hơn lên nếu tính theo dương lịch.

Tháng Ramadan có thể sai khác một vài ngày ở những nước Hồi Giáo vì vị trí địa dư và cách quan sát mặt trăng. Saudi Arabia, Ai Cập, Iran, Indonesia loan báo tháng Ramadan khởi đầu ngày 18 Tháng Sáu, nhưng Pakistan chọn ngày 19.

Năm nay tháng Ramadan rơi vào đầu mùa hạ ở Bắc Bán Cầu, trời nóng hơn và thời gian nhịn đói trong ngày dài hơn. Các học giả Hồi Giáo khuyến cáo tín đồ ở các nước Bắc Âu - mỗi ngày mặt trời ở trên đường chân trời 16 giờ hoặc hơn - tính thời gian căn cứ theo một nước có đông dân Hồi Giáo ở gần nhất để tránh khỏi phải nhịn ăn uống quá dài trong ngày. Tuy nhiên bà Pia Jardi, chủ tịch Liên Ðoàn Hồi Giáo Phần Lan ở Helsinki, xác định rằng tín đồ tai đây mỗi ngày sẽ có 21 giờ nhịn ăn uống và chỉ có 3 giờ để ăn. Bà giải thích: “Nên tiết chế chuyện ăn uống và như thế mới tuân thủ đúng thực tế cùng tinh thần đơn giản của Ramadan.” Bà nói thêm: “Người nhịn được lâu có nghĩa là sẽ không cần ăn uống nhiều vào những lúc khác.”

Quy định nhịn ăn uống được miễn trừ cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có mang. Một số nước Hồi Giáo cũng cho quân đội và công nhân lao động nặng được phép sinh hoạt ăn uống như bình thường. Có trường hợp các kỳ tranh giải thể thao quốc tế, như Thế Vận Hội hoặc FIFA World Cup, rơi đúng vào tháng Ramadan và các phái đoàn vận động viên được linh động thích ứng với hoàn cảnh.

Dân Hồi Giáo cũng được khuyên tránh nói năng tục tĩu, gây gổ, bạo hành,... tuy nhiên trên thực tế các cuộc xung đột hay hành động khủng bố vẫn có thể xảy ra trong tháng Ramadan. Trong thời gian này những tín đồ Hồi Giáo trung kiên tuân hành đúng quy định 5 lần cầu nguyện mỗi ngày và y phục cũng được chú ý cho thích hợp với truyền thống hơn.

Tuy thế dân thiểu số Hồi Giáo Uighur ở Trung Quốc lại phàn nàn nhiều sự cấm đoán của đảng Cộng Sản về tháng Ramadan, Các cán bộ, công nhân viên, giáo chức và học sinh không được phép nhịn ăn uống, đến giáo đường cầu nguyện trong giờ làm việc, thanh niên không được để râu dài và phụ nữ bị cấm mang mạng che mặt

Một trong những mục tiêu quan trọng của tháng Ramadan là công việc từ thiện. Mỗi buổi tối các khu phố ở những thành phố lớn đều tổ chức những bữa ăn từ thiện ở nơi công cộng, bàn ghế được kê thành từng dãy tại công viên hoặc hè phố rộng. Trước khi mặt trời lặn, những người nghèo cùng con cái đến những tụ điểm này, ngồi vào bàn một cách rất trật tự. Mặc dù đã nhịn ăn nhịn uống cả ngày, ngối trước những hộp đồ ăn và những ly nước lạnh rót sẵn, nhưng không một ai động đến, Chỉ khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong lời câu nguyện: “Không có thần linh nào xứng đáng để được tôn thờ ngoài Thượng Ðế (Allah), và Muhammad là thiên sứ của Ngài,” mọi người mới bắt đầu ăn uống. Sau khi ăn uống, mọi người đi chơi, hoặc ra công viên ngồi nói chuyện cho đến khuya mới về nhà nằm nghỉ. Thống kê của nhà nước Ai Cập cho biết trong tháng Ramadan, lương thực và thực phẩm tiêu thụ nhiều gấp hơn hai lần các tháng khác trong năm.

Tuy nhiên có nhiều chỉ trích phê phán về sự kiện Ramadan càng ngày càng bị thương mại hóa. Buổi tối là thời gian cho các tiệm bán đủ mọi loại hàng với những quảng cáo tràn đầy để thu hút dân “shopping.” Tại các nước UAE (Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Á Rập), nhà của các ông hoàng mở cửa suốt đêm cho dân chúng vào ăn, uống trà, cà phê và trò chuyện. Các khách sạn lớn cũng cung cấp bữa ăn sang trọng từ tối cho đến sáng và các chương trình truyền hình giải trí thâu được nhiều quảng cáo phát đi rộng rãi cho dân chúng.

Tháng Ramadan được chia đều làm ba giai đoạn 10 ngày, đầu tiên là cầu nguyện rồi tới xóa tội, cuối cùng là cầu xin được thoát phải xuống hỏa ngục, và chấm dứt tháng Ramadan là ba ngày lễ lớn có tên Eid al-Fitr.

Nghi thức này là một trong 5 tín điều bắt buộc của những người theo đạo Hồi, bao gồm tuyên thệ trung thành với tín ngưỡng, cầu nguyện hàng ngày, làm việc bác ái từ thiện, chấp hành quy luật tháng Ramadan và hành hương về thánh địa Mecca ít nhất một lần trong cuộc đời.






No comments: