Saturday, June 20, 2015

Trung Quốc, cường quốc quen thói cưỡng bức (Thụy My - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 19-6-2015 :
Đăng ngày 19-06-2015

Trong bài phân tích mang tựa đề « Trung Quốc, (siêu) cường cưỡng bức »,thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh nhận định, nền kinh tế thứ nhì thế giới và có ngân sách quốc phòng cũng thứ nhì thế giới, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang ở thế tiến công.

Từ dự án « Con đường tơ lụa », nhằm trang bị cơ sở hạ tầng cho Đông Nam Á và Trung Á, những món tín dụng khổng lồ hứa hẹn cho các nước châu Phi và châu Mỹ la-tinh, cho đến việc thành lập các định chế cạnh tranh như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành sách lược ngoại giao kinh tế với nhiều mục tiêu chiến lược khác nhau. Cùng với việc tăng tốc hiện đại hóa quân sự, và chủ nghĩa đại quốc trắng trợn tại Biển Đông, sự tả xung hữu đột này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi, siêu cường Trung Quốc mang lại được những gì.

Sách Trắng quốc phòng của Bắc Kinh hồi cuối tháng Năm mới đây đã thẳng thừng nêu ra trung tâm các quan ngại là « an toàn của các lợi ích viễn hải về năng lượng và nguồn lợi thiên nhiên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, cũng như các định chế, con người và tài sản ở ngoại quốc ». Le Monde cho rằng, sức bật kinh tế vừa là cái cớ vừa là sự cần thiết cho sự bành trướng trên biển đã được lập trình.

Trong Hội nghị trung ương về đối ngoại hôm 28 và 29/11/2014, Tập Cận Bình đã nêu ra điều mà nhà nghiên cứu Timothy Heath của Jamestown Foundation mô tả là một « chiến lược cất cánh thực sự của siêu cường Trung Quốc ». Bắc Kinh, thông qua các chính sách kinh tế « hy vọng làm cho số phận của các quốc gia mới nổi dậy và thịnh vượng ở châu Á - đang ngày càng tăng lên - phải lệ thuộc vào Trung Quốc với tư cách đại cường. Đồng thời khiến Hoa Kỳ phải đứng bên lề trong tương lai khu vực ».

Đạt mục tiêu bất chấp luật pháp và đạo đức

Bắc Kinh đặt mục tiêu khá xa : hải quân Trung Quốc với mỗi một tàu sân bay, không có căn cứ quân sự nào ở nước ngoài. Djibouti có thể là nước đầu tiên cho Trung Quốc đặt căn cứ - việc tham gia chống hải tặc ở vùng vịnh Aden được phương Tây cho là tích cực. Khả năng khác là các hải cảng Trung Quốc xây dựng, như ở Sri Lanka – hiện đang có phong trào bài Hoa, và Pakistan, nơi các dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đòi hỏi các điều kiện an ninh vững vàng.

Không thành lập một khối riêng, không dùng quân đội xâm lăng một nước khác, siêu cường Trung Quốc, theo Le Monde, sẽ linh hoạt, gia trưởng và thực dụng. Tuy nhiên Bắc Kinh rất xuất sắc trong việc sử dụng vũ khí áp bức về kinh tế. Các vụ bắt bí trong thương mại, đầu tư và du lịch rất nhiều lần đã được tung ra để ép các nước châu Á (Nhật Bản, Philippines) và châu Âu (đối với Pháp, sau những cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng năm 2008 và với Na Uy sau khi giải Nobel hòa bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba năm 2011).

Le Monde nhận định, đã hẳn trừng phạt kinh tế thường được các cường quốc phương Tây sử dụng, đối với Nga, Syria, hay Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên các biện pháp đôi khi bị cho là mị dân này vẫn làm dấy lên những tranh luận, và cách tiến hành tương đối minh bạch. Còn với Trung Quốc thì không hề : Nhà nước công an chưa bao giờ đặt ra câu hỏi về giới hạn pháp luật và đạo đức cho hành động của họ. Bắc Kinh chỉ quan tâm đến kết quả, từ việc quản thúc các nhà tranh đấu, ngăn cản các nhà báo làm việc cho đến đóng cửa một tổ chức phi chính phủ.

Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc : Duy trì quyền hành độc đảng

Theo tờ báo, tranh luận xung quanh các hậu quả của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, về tính chất toàn trị của chế độ này, không phải là không quan trọng. Nhất là khi, như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, tác giả bản báo cáo về quan hệ Trung-Mỹ đã đánh giá, rằng hy vọng về dân chủ hóa Trung Quốc nhờ sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và toàn cầu hóa, « chỉ là hoang tưởng ».

Ông Rudd viết : « Tập Cận Bình không cảm thấy rằng khi vừa dấn sâu vào cải cách thị trường để đạt được mục tiêu, đồng thời áp đặt thêm những hạn chế về tự do chính trị cá nhân, là một nghịch lý. Trên thực tế, ông ta còn coi đây là tinh túy của « mô hình Trung Hoa » trước chủ nghĩa tư bản, trước tự do dân chủ phương Tây, mà ông Tập cho là hoàn toàn không thích hợp với Trung Quốc ».

Là con của một trong « Bát đại nguyên lão », người đứng đầu Trung Quốc tự coi mình là người cứu rỗi của Đảng Cộng sản nước này, và của những « thành tựu vĩ đại » - phép lạ kinh tế ba thập niên qua. « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập chỉ có thể thành hiện thực khi đạt được hai « mục tiêu thiên niên kỷ » đã được vạch rõ : tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa trên đầu người từ 2010 đến 2021, và đưa Trung Quốc thành « nước phát triển » từ nay đến 2049. Và với một đòi hỏi cao hơn, đó là bảo vệ bằng mọi giá « chế độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc » - có nghĩa là duy trì quyền hành độc đảng.

Mục tiêu tối thượng này định ra các hành động của chế độ Bắc Kinh trong đối nội cũng như đối ngoại. Bị ám ảnh « thế lực thù địch » xâm nhập, Trung Quốc truy bức các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ nhân quyền, trong khi các NGO này đóng vai trò điều phối những dự án của các định chế quốc tế tại các nước đang phát triển. Người ta cũng không tin AIIB để lại cho họ một khoảng không gian để hành động.

Ngược lại, hai cột trụ cho tính chính danh của Đảng Cộng sản là dân tộc chủ nghĩa, với một Trung Quốc bất di bất dịch trong vấn đề chủ quyền (thực tế hay viễn mơ) ; và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được tăng cường với việc bành trướng ra khỏi biên giới về mọi phương diện.

Sự tích cực xúc tiến « mô hình Trung Quốc » và nâng cao năng lực kinh tế là cơ sở cho một sự đô hộ mới. Le Monde kết luận, và như vậy thế giới cần phải cân nhắc trước vai trò siêu cường Trung Quốc tương lai, cho một thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hẳn đi.

Chiến thắng tạm thời cho « Cách mạng những cây dù » Hồng Kông

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về bầu cử ở Hồng Kông, Le Figaro nhận định : « Hồng Kông, Những Chiếc Dù cuối cùng đã chiến thắng », khi Quốc hội bác bỏ dự luật gây tranh cãi về cải cách thể thức bầu cử, dự kiến thiết lập một nền « dân chủ » dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Tờ báo dẫn lời của giáo sư luật Surya Deva thuộc City University của Hồng Kông, cho rằng đây là chiến thắng của phong trào « Những chiếc dù ». Ông nói : « Các cuộc biểu tình đã không đạt được một nhượng bộ nào, nhưng nay thì Bắc Kinh đã phải chịu đựng thất bại. Cuộc bầu cử này đã vượt ra ngoài Hồng Kông, Đài Loan có thể sẽ noi theo. Các nhà tranh đấu Hoa lục cũng sẽ coi đây là một cú đánh vào chính quyền Bắc Kinh ».

Gary Fong, thành viên ban lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên thì lo ngại phản ứng của Bắc Kinh :« Họ sẽ tìm cách đẩy các dân biểu dân chủ ra khỏi cuộc bầu cử kỳ tới ». Một đại diện People Power, một trong những phong trào dân chủ hứa hẹn « một cuộc đình công lớn » và các hành động « bất tuân dân sự » để gây áp lực với Trung Quốc. Còn Hoàng Chi Phong, khuôn mặt lãnh tụ học sinh 18 tuổi thì muốn đưa cuộc tranh luận về hậu 2047, khi thời kỳ « Một đất nước, hai chế độ » chấm dứt.

NGO ở Nga : Nhiệm vụ bất khả thi

Cũng về vấn đề dân chủ, Libération trong bài « Nước Nga : NGO, nhiệm vụ bất khả thi » cho biết, một khi đã bị Matxcơva cho vào danh sách « cơ quan nước ngoài », các hiệp hội bảo vệ nhân quyền đều bị cô lập và bóp nghẹt.

Đã có 68 NGO bị đưa vào danh sách này, trong đó có Minh bạch Quốc tế, Golos, và đây là sự trừng phạt vĩnh viễn. Hiện nay chỉ có bốn NGO được gạch tên, đó là vì họ đã phá sản. Không chỉ bóp nghẹt về tài chính, Matxcơva còn siết chặt về luật pháp.

Hôm 23/5, ông Putin đã ký thêm một luật mới về các « NGO nước ngoài không cần thiết », với các định nghĩa mơ hồ, có thể đóng cửa không cần án lệnh các tổ chức đe dọa « an ninh quồc gia » hay « các cơ sở của Hiến pháp Nga ». Các nhân viên của họ có thể bị truy tố hay cấm nhập cảnh, và các tổ chức Nga tài trợ bị quy trách nhiệm liên đới.

« Brexit », Waterloo của Anh quốc?

Vẫn tại châu Âu, Le Monde lần đầu tiên có bài xã luận bằng tiếng Anh mang tựa đề « Thưa các vị người Anh, « Brexit » có thể là trận Wateloo của quý vị ! ». Theo tờ báo, khả năng Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu sẽ tai hại cho chính Luân Đôn.

Hai trăm năm đã trôi qua, bây giờ là lúc để nhìn trận Waterloo bằng một con mắt khác. Một quốc gia tự hào khó thể dễ dàng chấp nhận thất bại. Ngày 18/06/1815, nước Pháp không chỉ bị mất đi hàng ngàn chiến binh quả cảm trên chiến trường đẫm máu ở Bỉ, mà còn mất cả vị đại đế : Napoléon bị người Anh đày ra đảo Sainte-Hélène. Pháp cũng mất cả giấc mơ bá chủ.

Một kỷ niệm đớn đau. Thế nên Tổng thống François Hollande vốn không bỏ sót một dịp kỷ niệm nào, lại từ chối tham gia buổi lễ nhân 200 năm trận chiến đã thay đổi bộ mặt châu Âu. Tuy vậy, các nhà bình luận và sử gia Pháp đều nhắc lại thời kỳ này một cách quân bình hơn.

Waterloo đánh dấu một kỷ nguyên hòa bình, ổn định và phát triển chưa từng thấy tại châu Âu. Sau hội nghị Vienna tập trung các cường quốc thời đó, các vương quốc châu Âu thường xuyên gặp gỡ nhau để giải quyết các bất đồng : một hệ thống an ninh tập thể đã khởi đầu.
Hệ quả ngoạn mục khác của trận Waterloo hiếm khi được nêu ra, đó là hai thế kỷ hòa bình Anh-Pháp. Le Monde viết : « Thế nên, nhân danh kỷ niệm 200 năm, chúng tôi xin phép kêu gọi đồng minh Anh quốc hãy chống chọi lại với toan tính quen thuộc là sự cô lập huy hoàng của mình (…) Ngày nay chúng tôi xin trang trọng nói với những người bạn ở bên kia biển Manche, coi chừng, Brexit có thể là Waterloo của các bạn. Và để chắc chắn thông điệp này được nắm rõ, chúng tôi còn làm nhiệm vụ chuyển nó sang ngôn ngữ của các bạn (…). Cũng như năm 1815, tương lai của các bạn là ở châu Âu ».







No comments: