Saturday, June 27, 2015

Súng giết người (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, June 26, 2015 6:44:06 PM 

Ngày hôm qua, Thứ Sáu 26 tháng 6 năm 2015, một giáo đường Hồi Giáo phái Shi A ở nước Kuwait bị bom, 27 người chết, hơn 200 người bị thương trong số hai ngàn tín đồ dự lễ. Tại Kuwait, dân Shi A chiếm dưới 30% trong dân số 1.5 triệu, đa số theo phái Sun Ni. Người thanh niên 20 tuổi ôm bom tự sát thuộc nhóm IS cực đoan theo phái Sun Ni, ở Iraq và Syria. Hành động sát nhân này người Mỹ gọi là “Hate crime.”  “Hate crime” là “tội ác vì hận thù,” vì lý do màu da, chủng tộc, tôn giáo hoặc các thói kỳ thị khác.

Đêm Thứ Tư vừa qua Briar Creek Baptist Church tại Charlotte, tiểu bang North Carolina bốc cháy. Mục sưMannix Kinsey cho biết nhà thờ thường có 85 tín hữu, phần lớn là người Mỹ gốc Phi Châu. Nhiều người sống chung quanh nhà thờ nói họ không nghĩ đây là một “Hate crime”: “Chung quanh đây không ai thù hận, chúng tôi có 200 sắc dân sống bên nhau, rất hòa thuận.” Vị mục sư nói: “Tôi cầu nguyện Chúa, mong đây không phải là một ‘Hate crime’.”

Sở dĩ ông phải cầu nguyện là vì mươi ngày trước, một “Hate crime” mới diễn ra tại tiểu bang phía Nam, nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal (AME) ở Charleston, South Carolina. Đây là ngôi nhà thờ cổ nhất của người da đen trong cả  miền Nam nước Mỹ. Trong thời gian mới lập, những nô lệ da đen đã phải làm lễ trong bí mật, vì bị cấm, giống như các tín đồ Thiên Chúa Giáo ở La Mã trước đây 20 thế kỷ. Có lúc nhà thờ đã bị đốt trụi, sau một cuộc nổi dậy của những người nô lệ. Dylann Roof đã vào trong nhà thờ ngồi gần một giờ rồi lấy súng bắn chết 9 tín đồ đang dự buổi học Thánh Kinh, trong số đó có Mục sư Clementa Pinckney.

Thủ phạm bị bắt ngay ngày hôm sau. Một thanh niên da trắng 21 tuổi, Dylann Roof đã viết trước trên mạng trong ngày anh ta đi giết người: “Tôi chọn Nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal vì đó có lịch sử lâu đời nhất trong tiểu bang của tôi, và ở đó tỷ số da đen so với da trắng lên cao nhất nước.”

Dylann Roof sống với bà mẹ kế. Năm Roof 14 tuổi, bà đã ly dị bố ruột anh nhưng nhận nuôi cả mấy người con của ông ta. Năm đó Roof đang học lớp 9, và bỏ học. Anh ta đã từng bị bắt hai lần. Trên trang mạng, Roof đưa lên hình của mình, chụp với lá cờ Liên Hiệp (Miền Nam) trong thời nội chiến Mỹ. Anh còn gắn trên ngực áo hình quốc kỳ của hai nước Rhodesia và South Africa, thời còn chính sách bạc đãi người da đen (apartheid). Đó là hai biểu tượng của những người đề cao chủng tộc da trắng ở các vùng phía Nam nước Mỹ. Trên mạng, viết những lời kỳ thị người da đen nặng nề. Nhưng anh vẫn mua được súng bắn tự động, một việc rất dễ dàng ở South Carolina. Tháng Tư vừa qua, nghị viện tiểu bang này mới thông qua một đạo luật cho phép mọi người mang súng mà không cần giấy phép. Tất nhiên, ở South Carolina ai lái xe vẫn cần phải có giấy phép, gọi là “bằng lái xe.”

Cả nước Mỹ xúc động và phẫn nộ về tội ác vì hận thù này. Tổng thống Barack Obama lại lên tiếng chỉ trích các luật lệ kiểm soát súng quá lỏng lẻo, nhưng ông thú nhận “không thấy hy vọng sẽ có hành động nào để thay đổi. Rất khó thay đổi tình trạng súng ở nước Mỹ, vì Hội Súng Toàn Quốc (NRA, National Rifle Association) có đủ sức mạnh giết chết các dự luật kiểm soát việc bán súng và mang súng trước khi ra đời.”

Hội NRA có nhiều cách giết chết các dự luật kiểm soát súng, qua ảnh hưởng của họ trên các đại biểu, nghị sĩ cấp tiểu bang và liên bang. Họ đóng góp vào quỹ tranh cử của các nhà chính trị, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng. Thứ vũ khí mạnh nhất của họ là tạo dư luận trên các đài phát thanh, truyền hình, các tờ báo, trong những mục quảng cáo nhằm đánh bại các ứng cử viên không “đi đúng đường lối” của hội. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, các ứng cử viên bị tấn công có thể bị các cử tri bỏ rơi, đa số thuộc đảng Cộng Hòa ở những vùng thôn quê mà người dân hay đi săn và vẫn coi cây súng là một đồ dùng thông thường trong nhà. Một lý luận của họ là người dân Mỹ cần súng để tự vệ, theo tu chính án số 2 trong hiến pháp Mỹ. Mỗi lần có một vụ thảm sát tập thể, hội NRA lại đưa ra lý luận rằng: Nếu các nạn nhân có súng tự vệ thì chắc họ không chết! Họ thường nêu ra một khẩu hiệu: “Súng không giết, chính người giết người.” Nhưng ở những nước như Anh quốc, Nhật Bản, ít có người mang súng, cũng ít các vụ tàn sát tập thể như ở Charleston và Newton.

Năm 2012, có 20 học sinh trong số 26 người bị giết trong một vụ bắn súng trong một trường tiểu học làng Newton, tiểu bang Connecticut. Hung thủ đã bắn chết mẹ mình trước khi đi giết người. Sau đó, Hội Súng NRA cũng tuyên bố rằng: “Phương cách duy nhất để ngăn cản những người xấu mang súng là những người tốt phải mang súng.’

Trong nước Mỹ có hơn 300 triệu khẩu súng đủ loại lưu hành, cao hơn dân số. Mỗi năm, các công ty Mỹ sản xuất thêm 5 triệu khẩu súng không dùng cho quân đội; bán 90% ở thị trường trong nước. Năm 1994, thời Tổng thống Chinton, quốc hội thông qua đạo luật cấm súng trận (Federal Assault Weapons Ban. Năm 2004, thời Tổng thống Bush, đạo luật hết hạn, Hội NRA đã vận động quốc hội không gia hạn; đạo luật hết hiệu lực.

 Trong năm 2013, ở Mỹ có 11,208 người bị giết bằng súng; và 21,175 người tự sát bằng súng. Trong 13 năm từ năm 2000, có 133 vụ sát hại nhiều người vô tội bằng súng (không kể các vụ băng đảng thanh toán nhau và khủng bố). Cùng thời gian đó, ở nước Anh không có vụ nào. Từ khi ông Obama làm tổng thống, việc thi hành các luật kiểm soát bán súng đã gia tăng. Theo tài liệu của FBI, trong năm 2014 có gần 21 triệu lần kiểm soát lý lịch người mua súng (background checks), so với con số 8.6 triệu vào năm 2004.

Đa số dân chúng Mỹ không dùng súng. Năm 2004 có 40% các gia đình chứa súng trong nhà, năm 2014 chỉ còn 31%, mặc dù tổng số súng vẫn lên. Số người đi săn bắn cũng giảm. Năm 1977, một cuộc nghiên cứu cho biết có 32% dân Mỹ nói vẫn đi săn, năm 2014 xuống chỉ còn 15.4%. Những người có súng phần lớn sống ở miền thôn quê hoặc những người sống tại các vùng ngoại ô giầu có. Người nghèo, người sống trong các đô thị và thuộc các sắc dân thiểu số, gốc Á châu và châu Mỹ La tinh ít dùng súng.

Sau vụ thảm sát Charleston, một người trong Hội đồng Quản trị hội NRA lại đổ tội cho Mục sư Clementa Pinckney! Ông nói rằng tất cả chỉ vì ông Pinckney, là một nghĩ sĩ tiểu bang, năm 2011 đã biểu quyết đạo luật cấm mang súng vào trong các nhà thờ. Ông Joseph Riley, thị trưởng Charleston đã đáp lời: “Chúng tôi không muốn phải sống ở một xứ mà lớp học Thánh Kinh cũng phải thuê người bảo vệ an ninh!” Ông nói: “Chúng ta có thể sống cách khác, tốt hơn.”

Một hậu quả bất ngờ của vụ thảm sát vừa qua là nhiều tiểu bang ở phía Nam nước Mỹ đã hạ lá cờ cũ của Liên Hiệp trong cuộc nội chiến 150 năm trước đây. Dylann Roof choàng lá cờ đó trên mình như một biểu tượng. Nguyên nhân chính gây cuộc nội chiến là Tổng thống Lincoln và Quốc hội Liên bang Mỹ bãi bỏ chế độ nô lệ. Giới quý tộc các tiểu bang miền Nam làm giầu nhờ dùng nô lệ trong các nông trại. Sau này, những người miền Nam hoài cổ giải thích rằng lý do nội chiến là chính quyền trung ương xâm phạm quyền của các tiểu bang; trong đó có luật cấm nô lệ. Lá cờ Liên Hiệp vẫn được dân miền Nam coi như biểu tượng của “chủ quyền” của các tiểu bang. Trên nhiều lá cờ tiểu bang, lá cờ Liên Hiệp nhỏ nằm ở một góc.

Ngay sau ngày 9 người bị giết ở Charleston, khi hình ảnh của Dylann Roof với lá cờ được tung lên mặt báo, lá cờ Liên Hiệp (Confederate flag) đã thay đổi thành một biểu tượng khác. Đới với đa số dân Mỹ, lá cờ này dính liền với các tổ chức kỳ thị người da đen, như Dixiecrat, Ku Klux Klan và Công Dân Trắng (White Citizens). Thống đốc Nikki Haley tuyên bố sẽ không treo lá cờ Liên Hiệp trước tòa nhà quốc hội tiểu bang, lệnh này được 600,000 người dân ủng hộ qua 50 kiến nghị trên internet; chỉ còn chờ được quốc hội tiểu bang thông qua. Năm 2003, tiểu bang Thống đốc Alabama cũng kéo lá cờ Liên Hiệp trước quốc hội xuống. Thống đốc các tiểu bang Georgia đã sửa lá cờ của họ, bỏ hình cờ Liên Hiệp. Virginia, Tennessee và North Carolina đề nghị bỏ hình cờ Liên Hiệp trên các bảng số xe. Tại Mississippi, hình cờ Liên Hiệp được thêm trên lá cờ tiểu bang từ năm 1894, ông chủ tịch quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa cũng đề nghị bỏ.

Phản ứng trong dân chúng Mỹ diễn ra nhanh và quyết liệt. Các công ty thương mại cũng ngả theo dư luận đa số. Các hãng Amazon, Walmart, eBay, Sears và Google từ nay sẽ ngưng bán các lá cờ Liên Hiệp và tất cả các thứ hàng hóa in hình cờ này. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, chắc các nhà chính trị miền Nam sẽ không sử dụng hình ảnh lá cờ này nhiều như trước nữa. Ông Rush Limbaugh, một nhà bình luận bảo thủ nổi tiếng trên radio bài bác việc hạ lá cờ Liên Hiệp. Ông nói rằng những người đang làm việc đó sẽ có ngày đòi bỏ luôn lá cờ nước Mỹ. Nhưng chính chàng thanh niên giết người Dylann Roof nghĩ khác; trong trang mạng, anh ta viết rằng: “Tôi ghét hình ảnh lá cờ Mỹ!”

Nhưng thực ra đổi địa vị lá cờ Liên Hiệp không chắc đã thay đổi tình trạng các vụ giết người bằng súng. Trong quá khứ, mỗi lần một cuộc thảm sát tập thể xẩy ra, dân Mỹ thường đi mua súng nhiều hơn. Họ tin theo lý luận của hội NRA và các báo, đài quảng cáo cho họ. Họ vẫn cổ động dân Mỹ hãy mua súng, để đề phòng những người xấu đang mang súng! Theo lối suy nghĩ đó, mỗi người Mỹ đều nên mang súng, một hay nhiều khẩu súng! Trong một nước Á Rập đang bị quân IS đe dọa chắc dân chúng cần như vậy; nhưng không phải nước nào cũng thế. Trong số các cường quốc kinh tế, chỉ có nước Mỹ là nơi súng nhiều và tội sát nhân cũng nhiều.

Phản ứng của các tín hữu tại nhà thờ AME là một giải pháp khác với chủ trương của hội NRA. Sau khi chín đồng đạo bị giết trong buổi học Kinh Thánh, đại biểu của nhà thờ tuyên bố họ sẵn sàng tha thứ cho hung thủ Dylann Roof. Bà thống đốc tiểu bang South Carolina đã tuyên bố nếu bị tòa kết án, Roof đáng bị tử hình. Nhưng theo lời dậy của Chúa Giê Su thì giết thêm một người không phải là cách trả lời cho tội sát nhân. Chàng thanh niên 21 tuổi này đã phạm tội vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những trò chơi điện tử bạo động và những báo, đài tuyên truyền cho thù hận và bạo lực; trong cả nền kinh tế chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà không quan tâm đến công bằng xã hội, đến tấm lòng bác ái vẫn nằm sẵn trong mỗi con người. Nước Mỹ cần thay đổi nhiều hơn nữa.





No comments: