Mohan Malik - The
Diplomat July 14, 2014
Người
dịch: Viết Tuấn - Hiệu
đính: Kim Minh - Nghiên Cứu Biển
Đông
Thứ bảy, 26 Tháng 7 2014 09:44
Giáo sư Mohan Malik cho rằng đây là thập niên của những
chuyển giao quyền lực ở Châu Á, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng quyết
định cục diện ở khu vực.
*
Hội nghị Shangri-la gần đây ở Singapore đã chứng kiến
những đối đáp có phần gay gắt giữa Trung Quốc và các bên tham dự khác. Việc Bắc
Kinh triển khai giàn khoan cùng hơn 80 tàu bảo vệ ra Biển Đông, chỉ bốn ngày
sau “chuyến thăm mang tính trấn an” của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước
láng giềng Đông Á của Trung Quốc vào tháng 4 năm 2014, được xem là hành động
khiêu khích có tính toán.
Tuy nhiên, động thái trên của Trung Quốc phản ánh
đúng mô hình thúc đẩy yêu sách ở khu vực ngoại vi mà nước này đang áp dụng bằng
hăm dọa, ép buộc, và đe dọa sử dụng vũ lực thông qua “các hoạt động bán quân sự
chưa tới mức chiến tranh” (Paramilitary operations short of war – POSOW). Giàn
khoan của Trung Quốc giống như một thông điệp chính trị thể hiện quyết tâm cũng
như khả năng của nước này trong việc kiểm soát và khai thác Biển Đông đồng thời
phủ nhận các bên yêu sách khác – và nó được gửi tới Washington cũng như Tokyo,
Hà Nội, Manila, Jakarta, và New Delhi.
Cùng với việc thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp,
giàn khoan trị giá 1 tỷ USD này cũng đã khoan một lỗ lớn vào “chiến lược xoay
trục” của Washington bởi nó ảnh hưởng tới uy tín của Washington với vai trò điểm
tựa an ninh của khu vực hay người bảo vệ an ninh. Về cơ bản, đây giống như một
sự mỉa mai cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc sử
dụng chiến thuật cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng. Bắc Kinh cho rằng các láng
giềng nhỏ bé và nước Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực để ngăn cản việc Trung Quốc nỗ
lực biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Trung Quốc hiện đang lặng lẽ, kiên
nhẫn triển khai từng bước và cuối cùng tập hợp tất cả lại “khi điều kiện chín
muồi.”
Nguyên nhân chủ yếu cho việc Trung Quốc hành xử quyết
đoán trên biển là sự dịch chuyển mang tính kiến tạo trong môi trường chiến lược
của Bắc Kinh, diễn ra sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Lần đầu tiên trong
suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào
ở biên giới phía bắc và chính diễn biến địa chính trị quan trọng này lý giải
cho động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc ở bờ biển phía đông và vùng
biên giới phía tây nam. Chúng ta cần nhớ lại rằng các triều đại nối tiếp nhau của
Trung Quốc đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn cản sự quấy nhiễu của người
Mông Cổ và các bộ tộc Mãn Châu ở phía bắc khi các bộ tộc này thường tràn vào cướp
bóc thời nhà Hán.
Năm 1433, trước những cuộc tấn công ngày càng táo bạo
của quân Mông Cổ cùng mối đe dọa từ các bộ tộc ở Trung Á đối với vùng biên
cương tây bắc, các vị vua triều Minh của Trung Quốc đã tạm dừng những chuyến đi
biển tốn kém của Đô đốc Trịnh Hòa để tập trung nguồn lực bảo vệ vùng biên cương
của Vương quốc Trung Nguyên. Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, một nước Nga Sa hoàng
lớn mạnh và tiếp theo đó là Liên Xô luôn là mối quan tâm của các nhà hoạch định
quân sự Trung Quốc. Ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn vào những năm 1950 khi
hai bên có quan hệ nồng ấm, còn lại Bắc Kinh luôn canh cánh hiểm họa từ phía bắc
trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho tới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Bất chấp những quan ngại địa chính trị như Trung Quốc
xâm lấm vùng Viễn Đông và khu vực Trung Á có thể rơi vào vùng ảnh hưởng của nước
này, Tổng thống Nga Vladimir Putin – trước thực tế bị Châu Âu và Mỹ cô lập sau
khi Nga sáp nhập Crimea và tình trạng bất ổn đang tiếp diễn ở miền đông Ukraine
– đã chấp thuận những điều khoản không hề dễ chịu từ Trung Quốc khi ký kết một
thỏa thuận lớn về đường ống dẫn khí đốt nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
năng lượng của Nga ngoài Châu Âu, và biến Trung Quốc trở thành đồng minh quan trọng
của Nga. Trong một loạt vấn đề, Nga và Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc
tế thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Mặc dù Trung Quốc đã không ủng hộ Nga trong vấn
đề Georgia hay Crimea, nhưng ông Putin tin rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bắc
Kinh đang ở giai đoạn nồng ấm nhất.
Nếu “liên minh Trung-Nga” được hồi sinh, thì có một
sự đảo ngược hoàn toàn về vai trò các bên kể từ đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh,
Trung Quốc – chứ không phải một nước Nga suy yếu về kinh tế và nhân khẩu học –
đóng vai trò chủ đạo trong liên minh này. Giống như trong quá khứ, những rắc rối
gặp phải ở phía Tây một lần nữa buộc Nga đưa ra những nhượng bộ ở phía Đông. Kế
hoạch của Bắc Kinh là khiến Nga phụ thuộc kinh tế vào nước này như phương Tây bị
chinh phục bởi hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Ấn Độ cần phải tái điều
chỉnh quan hệ với một nước Nga đang đóng vai trò thứ yếu so với Trung Quốc và
đang cùng chung tay với Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Pakistan.
Không có gì ngạc nhiên khi các phương tiện truyền
thông tràn ngập thông tin về một “liên minh chiến lược Trung – Nga mới có khả
năng thống trị vùng trung tâm [của lục địa Á Âu],” báo hiệu “cơn ác mộng về
tương quan lực lượng theo thuyết Mackinder đối với Washington.” Một số người
liên tưởng việc hình thành trục Bắc Kinh-Moscow-Teheran dựa trên các yếu tố
năng lượng, thương mại và an ninh trên toàn lục địa Á-Âu. Dù nguyên nhân Nga
xoay trục sang Châu Á bắt nguồn từ sự bất ổn ở phía Tây khi nước này ở một vị
thế yếu, nhưng người ta có thể thấy Washington ngày càng bị thách thức bởi các
nước đang tìm cách thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
Vì vậy, quan niệm cho rằng Châu Á bị mất cân bằng
đang trở nên khá phổ biến. Một nước Mỹ mệt mỏi sau các cuộc chiến cùng sự eo hẹp
về ngân sách rõ ràng đã thúc đẩy các cường quốc xét lại như Trung Quốc và Nga hành động. Những nỗ lực của
chính quyền Obama nhằm “tái cân bằng” vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình
Dương bị ảnh hưởng bởi nhận thức chung về sự bất đối xứng chiến lược cùng cán
cân địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc tranh giành quyền kiểm soát
“các tài sản chung” (như biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) ngày càng
quyết liệt. Những quan ngại chiến lược xuất hiện ngày càng nhiều khi tham vọng,
sức mạnh và ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc đi ngược lại với lợi ích của
các cường quốc hiện thời.
Biên tập viên Zackary Keck của tờ Diplomat và
học giả Chen Dingding đã bắt đầu một cuộc tranh luận liệu Trung Quốc trở thành
một bá chủ toàn cầu kiểu khác hay sẽ hành xử giống như Mỹ và các bá quyền trong
quá khứ. Dĩ nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc rất khó tránh tham vọng bá chủ hay
cách hành xử của một siêu cường. Trái với những tuyên bố chính thức, Trung Quốc
đang hành xử không khác gì các cường quốc trỗi dậy đã làm trong lịch sử: Thiết
lập mốc giới mới, vẽ ra các biên giới mới trên đất liền, bầu trời, đại dương
xung quanh khu vực ngoại vi, cố gắng mở rộng biên giới trên bộ và trên biển,
hình thành và sửa đổi các thể chế đồng thời ép buộc các bên khác đi theo quỹ đạo
của mình. Vẽ bản đồ có thể trở thành một ngành kinh doanh phát triển ở Trung Quốc.
Cách hành xử quốc tế của Bắc Kinh (nghĩa là cách “thể hiện sức mạnh” của họ chắc
hẳn sẽ không khác gì các siêu cường khác.
Do vậy, Châu Á-Thái Bình Dương hiện đứng trước ngưỡng
của sự thay đổi – những điều đã biết và chưa biết; đầy rẫy các thách thức và bất
ổn. Tôi cho rằng sẽ có 7 sự dịch chuyển chiến lược lớn quyết định hành vi chiến
lược của Trung Quốc cũng như bối cảnh địa chính trị Châu Á trong nhiều năm cũng
như nhiều thập kỷ tới.
Xung
đột giữa Cường quốc Mới nổi và Cường quốc Hiện thời
Quyền lực trong hệ thống quốc tế mang tính tương đối
và luôn luôn dịch chuyển. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng
đáng kinh ngạc trong việc vạch kế hoạch và huy động nguồn lực quốc gia để thực
hiện các chiến lược hành động với mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế,
ngoại giao và quân sự. Tác động toàn cầu từ sự thành công của Trung Quốc sẽ là
“khổng lồ kiểu Trung Quốc-Chigantic” (ghép hai từ “China” và “gigantic” của từ
điển Oxford). Nếu Trung Quốc duy trì được đà tăng trưởng, tổng sản phẩm quốc nội
của nước này (GDP), quân sự, và chi phí Nghiên cứu và Phát triển có thể cạnh
tranh với các chỉ số tương tự của Mỹ, mặc dù không phải về chất lượng mà về số
lượng. Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ ngang cơ mạnh hơn Liên Xô trước
đây.
Không cường quốc trỗi dậy nào sẽ chấp nhận duy trì
nguyên trạng. Về bản chất, các cường quốc có xu hướng bành trướng. Điều này thực
sự có sức hút khó cưỡng. Năm 2009, một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở
Trung Quốc có nhan đề “Trung Quốc không hài lòng”. Người ta tự hỏi, Trung Quốc
có thể nắm cả thế giới vậy tại sao họ lại không hài lòng.
Trong lịch sử, các cường quốc trỗi dậy thường có những
nỗi lo sợ hoang tưởng và chứa đầy nghi kỵ: họ cho rằng các nước khác quyết tâm
đánh bại và ngăn chặn họ trên con đường tiến tới quyền lực. Kỳ vọng quá nhiều
và quá sớm, các cường quốc này thường phản ứng thái quá. Điều này đôi khi khiến
họ sụp đổ. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Nhật Bản và Đức. Cường quốc đang
lên cũng có xu hướng mạo hiểm, thiếu kiên nhẫn. Họ phô trương sức mạnh và thử
thách quyết tâm của các cường quốc già cỗi. Cường quốc trỗi dậy khai thác điểm
yếu trong quyết tâm – chứ không phải năng lực – của các cường quốc hiện thời bằng
cách sử dụng chiến thuật bất đối xứng để dần loại bỏ vị thế bá chủ của những cường
quốc này.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc
đã chuyển chính sách từ “ẩn mình chờ thời” sang “nắm bắt cơ hội”, vươn lên dẫn
đầu và phô trương sức mạnh nhằm định hình lựa chọn của các bên khác theo hướng có
lợi cho mình.” Trật tự quốc tế sau chiến tranh phụ thuộc vào ba yếu tố: Các
liên minh của Mỹ, vị thế thống trị trên biển không thể thách thức của Mỹ, và
cán cân quyền lực tương đối ổn định. Tất cả những yếu tố trên đang bị thách thức
bởi mục tiêu và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc – nước hưởng
lợi nhiều nhất từ trật tự thế giới sau chiến tranh – giờ đây nhận thấy sự thống
trị của Mỹ không còn đem lại lợi ích cho nước này.
Một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã nhận xét: “Sự hiện
diện của Mỹ và các đồng minh sẽ kìm hãm tương lai phát triển cũng như mục tiêu
trong khu vực của Trung Quốc.” Bắc Kinh coi các liên minh của Mỹ là “tàn dư của
Chiến tranh Lạnh”, cần phải được loại bỏ để khôi phục cái mà nước này gọi là “sự
cân bằng quyền lực tự nhiên trong khu vực“ (nghĩa là: một Trật tự Thứ bậc trong
đó Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm của Châu Á như trong thời cận đại). Chấp
nhận đóng vai trò thứ yếu so với các cường quốc khác không nằm trong gen của
người Trung Quốc. Moscow đã đúc kết điều này một cách đầy cay đắng trong những
năm 1950. Và giờ đến lượt người Mỹ với giấc mơ ấp ủ kết nạp Trung Quốc làm
thành viên đàn em. Nhiều người cho rằng các chế độ không chia sẻ quyền lực hay
tuân thủ nguyên tắc pháp luật cai trị trong chính trị nội địa thì cũng sẽ không
tuân thủ luật lệ trong chính trị quốc tế hoặc chia sẻ quyền lực ở chính trường
thế giới.
Mục tiêu chiến lược Châu Á của Trung Quốc là làm xói
mòn uy tín của Mỹ với vai trò người bảo đảm an ninh khu vực. Bất kể các tuyên bố
ngoại giao của Bắc Kinh như thế nào, “Quan hệ Cường quốc Kiểu mới” thực chất hướng
tới việc Mỹ công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc ở Châu Á trong một thỏa thuận
địa chính trị nhằm hạn chế vai trò và sự hiện diện của Washington tại khu vực,
và gạt bỏ các đồng minh truyền thống của Mỹ (đặc biệt là Nhật Bản) ra bên lề. Sự
thúc ép này sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới bởi Trung Quốc coi Mỹ đang “tụt
dốc không phanh và ngày càng suy yếu trong khi Bắc Kinh ngày càng mạnh hơn.”
Theo quan điểm của Bắc Kinh, vấn đề chính là làm sao
để tận dụng và hưởng lợi từ việc Mỹ suy yếu. Về phía Washington, thách thức là
làm thế nào quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc bên trong trật tự do Mỹ dẫn dắt
mà không giảm bớt vai trò và sự hiện diện của nước này. Bên nào chiếm thế thượng
phong trong cuộc đấu này sẽ quyết định tương lai trật tự thế giới. Chính vì điều
này mà các quan chức chính quyền Obama đã tới thăm các nước Châu Á để trấn an bạn
bè và đồng minh về những cam kết an ninh của Mỹ, đồng thời tái khẳng định quyết
tâm của Washington trong việc tái cân bằng Châu Á.
Điều quan trọng là sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng gặp
phải những thách thức. Dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe, Nhật Bản đang trở
thành một “quốc gia bình thường” với việc dỡ bỏ rào cản về tự vệ tập thể và
chuyển giao vũ khí. Còn Ấn Độ đã tái cân bằng trên phương diện kinh tế và chiến
lược đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong gần hai thập kỷ thực hiện
chính sách “Hướng Đông”. Với chiến thắng của đảng BJP dưới sự lãnh đạo của ông
Narendra Modi trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 2014, Ấn Độ có thể sẽ trở lại đầy mạnh
mẽ. Do Bắc Kinh không từ bỏ chính sách vừa can dự kinh tế đối với Ấn Độ vừa tìm
cách bóp nghẹt nước này về phương diện địa chính trị, một Ấn Độ hồi sinh sẽ trở
thành người bảo vệ cán cân quyền lực Châu Á ở phía nam và chặn đứng nỗ lực thiết
lập vị thế bá chủ của Trung Quốc.
Các nước nhỏ và tầm trung (như Singapore, Hàn Quốc,
Indonesia, Việt Nam, Philippines, và Australia) cũng đang tích cực hành động vì
mục tiêu cân bằng và giành lợi thế. Đặc biệt là Indonesia và Việt Nam đã cải
thiện đang kể sức mạnh hải quân của mình trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở
Biển Đông leo thang.
Về phần mình, nước Nga đang sử dụng nguồn năng lượng
khổng lồ làm công cụ quay trở lại vũ đài chính trị thế giới. Dù cho cuộc khủng
hoảng Ukraina đã giảm bớt sức nóng, chính sách xoay trục Châu Á của Nga vẫn sẽ
được thúc đẩy do sự cô lập từ phương Tây với các lệnh trừng phạt; thỏa thuận
cung cấp khí đốt thời hạn 30 năm của Gazprom cho Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD;
và nhu cầu ngày càng tăng từ các nước láng giềng của Bắc Kinh đối với các khí
tài và nguồn năng lượng của Nga. Nhưng ít khả năng Nga sẽ trở thành một “Canada
của Trung Quốc” mà không có bất kỳ phản kháng nào. Tất cả những điều này đã tạo
nên một môi trường địa chính trị vô cùng rối rắm, phức tạp ở Châu Á.
Những cường quốc hiện nay ở Châu Á-Thái Bình Dương
cũng giống như Đức, Pháp, Anh và Ý ở đầu thế kỷ 20. Họ vươn ra thế giới để tìm
kiếm thị trường, nguồn tài nguyên và các căn cứ; cạnh tranh quyền lực và tầm ảnh
hưởng; chèn ép và tranh giành ở các khu vực khác nhau trên thế giới, qua đó
hình thành những quan hệ đối tác tự nhiên vốn là đặc trưng của chiến lược phòng
ngừa.
Cuộc cạnh tranh quyền lực chủ yếu diễn ra giữa Mỹ và
Trung Quốc, nhưng trên đại dương và đất liền thì là cuộc cạnh tranh giữa Trung
Quốc và Nhật Bản; giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ và Trung Quốc đang
hiện diện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Logic của địa chính trị – đó là Nhật Bản và Ấn Độ quan ngại về vị thế của mình ở
một Châu Á mà Trung Quốc ở vị trí trung tâm – sẽ gắn kết hơn nữa mối quan hệ Nhật-Ấn
dưới sự lãnh đạo của ông Abe và ông Modi. Điều này làm tăng thêm những cạnh
tranh chiến lược giữa Bắc Kinh với Tokyo và New Delhi.
Giống Châu Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20,
Châu Á-Thái Bình Dương đầu thế kỷ 21 xuất hiện một số cường quốc trỗi dậy, đầy
tính ganh đua bên cạnh một số quốc gia suy yếu hoặc dễ bị tổn thương. Các cường
quốc trỗi dậy này hình thành cán cân chiến lược mới do quan hệ đối tác và liên
minh giữa các quốc gia thay đổi. Châu Á-Thái Bình Dương đầu thế kỷ 21 có nhiều
điểm tương đồng với Châu Âu cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chứ không phải
Châu Âu với các cường quốc già cỗi, đang suy yếu của thế kỷ 21. Động thái của
Nga đối với Ukraina có thể khiến các cường quốc Châu Âu không hài lòng nhưng
các nước châu Âu không đưa ra phản ứng chiến lược quan trọng chống lại Moscow.
Điều này chắc chắn không xảy ra ở Châu Á. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại,
Châu Á đang chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Châu Âu. Sự nổi lên của các nhà
lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ một phần bởi
thất bại rõ ràng từ những người tiền nhiệm của họ trong việc đối phó với sự xâm
lấn của người Trung Quốc.
Mối
quan ngại về Địa Chính trị
Đây là thập kỷ của chuyển giao quyền lực ở Châu Á. Đối
với các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc, đây là một thập kỷ đầy nguy hiểm.
Với các nước trong khu vực, Trung Quốc gợi lên một cảm giác bất an vì sự rộng lớn,
mức độ liền kề, lịch sử cũng như sức mạnh của nước này, và quan trọng hơn,
chính bởi ký ức về “hội chứng Vương quốc Trung Nguyên” hoặc hệ thống các nước
chư hầu vẫn chưa phai mờ. Trong lịch sử, Trung Quốc chưa từng chấp nhận chung sống
bình đẳng với cường quốc khác có sức mạnh tương đương hoặc yếu hơn.
Trong quá khứ, một Trung Quốc thịnh vượng và hùng mạnh
đòi hỏi các nước khác phải quy thuận và kính nể. Điều đã thay đổi đó là tham vọng
về ý thức hệ trong quá khứ hiện được thế chỗ bởi các lợi ích kinh tế. Hầu như
không có nước Châu Á nào tin vào luận điệu “Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”
(hãy thử hỏi Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines hay Ấn Độ) hoặc tuyên bố
“Không can thiệp vào công việc nội bộ” (hãy thử hỏi Bắc Triều Tiên, Campuchia,
Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Nepal hay Sri Lanka).
Sự gắn kết trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và
các nước láng giềng Châu Á tạo cảm giác về một sự lệ thuộc cùng tâm trạng thất
vọng. Trong khi các quốc gia này không phản đối sức mạnh cũng như sự thịnh vượng
của Trung Quốc, thì họ cũng không sẵn lòng để mất quyền tự quyết trong việc hoạch
định chính sách. Ngoại trừ một số ít (nhất là Pakistan), còn lại hầu hết các nước
Châu Á (gồm cả Bắc Triều Tiên) không hề mặn mà với việc chung sống trong một
Châu Á do Trung Quốc dẫn dắt hoặc chi phối.
Thay vào đó, những nước này duy trì các liên kết an
ninh hiện có, thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo cùng chiến thuật phòng
ngừa giúp họ tự chủ hành động. Bởi Trung Quốc có vai trò trung tâm trong bối cảnh
địa chính trị Châu Á, “phòng ngừa” hoặc “cân bằng” kiểu cũ đang trở thành lựa chọn
ưa thích nhất của các bên trong khi vẫn duy trì các lợi ích từ việc quan hệ với
Bắc Kinh. Các cường quốc hiện đang tìm cách tái cân bằng vị thế và chiến lược của
mình. Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ, Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ,
Chính sách “Hướng Tây” của ASEAN, Chính sách “Hướng Bắc” của Úc và hợp tác quốc
phòng giữa Nhật Bản với Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ cho thấy xu hướng
này.
Toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt yếu của tất cả các
quốc gia: Dù yếu hay mạnh, lớn hay nhỏ. Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và
các nước láng giềng từ Ấn Độ đến Nhật Bản trong các tranh chấp trên lục địa và
đại dương đều có ý nghĩa địa chính trị. Các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải
quyết cùng “hội chứng Vương quốc Trung Nguyên” dường như bất lợi cho Bắc Kinh
và có lợi cho Washington. Đề cập về căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ tại cuộc
gặp tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn đã
nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel rằng Bắc Kinh sẽ “không thỏa hiệp,
không nhân nhượng, [và] không đánh đổi” trong cuộc chiến bảo vệ cái ông Thường
gọi là “chủ quyền lãnh thổ.” Ông Thường cảnh báo rằng: “Quân đội Trung Quốc sẽ
nhanh chóng tập hợp, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng.”
Người Trung Quốc có lẽ đang kinh ngạc bởi các nước
láng giềng nhỏ bé đã thể hiện quan điểm cứng rắn, đầy thách thức. Bắc Kinh hy vọng
các nước láng giềng tôn trọng lợi ích cốt lõi của mình bằng cách đặt nó lên
trên trên lợi ích quốc gia của chính các nước này – một kiểu quan hệ chư hầu mà
các nước công nhận Trung Quốc là bá chủ của Châu Á. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ
về quân sự của Mỹ được xem là chốt chặn lớn nhất ngăn cản Trung Quốc ép buộc
Châu Á chấp nhận và quy thuận quyền lực của nước này.
Từ năm 2007, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc
trong các tranh chấp trên biển, đất liền ở khu vực ngoại vi của nước này đã đẩy
các nước láng giềng xích lại gần hơn với Washington. Vì vậy, tôi cho rằng giống
như mọi sản phẩm khác thời nay, chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” của
Washington cũng là “Made-in-China”. Các tranh chấp chưa được giải quyết của
Trung Quốc với các nước láng giềng đang tạo ra những liên kết chưa từng có trước
đây. Ví dụ như liên minh Canberra-Tokyo, Manila-Hà Nội, Manila-Tokyo, Tokyo-Hà
Nội, Hà Nội-New Delhi, và Tokyo-New Delhi. Mục tiêu chung của các liên kết này
là tạo đối trọng với Trung Quốc, chứ không phải Nga hay Mỹ. Trên thực tế, các
bên tham gia trò chơi cân bằng này với Trung Quốc (như Ấn Độ, Việt Nam,
Philippines, và Indonesia) đang được Nga và Mỹ trang bị vũ khí.
Trong lịch sử, sự nổi lên của một cường quốc lục địa
dẫn đến việc hình thành liên minh các cường quốc biển để cân bằng lại. Điều này
đặc biệt đúng khi cường quốc lục địa đó có một thể chế chuyên quyền nuôi dưỡng
nhưng nỗi oán hận lịch sử bằng các tranh chấp lãnh thổ, hoặc là một cường quốc
có tính phân cực. Trung Quốc cũng không nằm ngoài quy luật này. Phần lớn các nước
ở khu vực ngoại vi của Trung Quốc coi Mỹ, một siêu cường ở bên ngoài, là đối trọng
thực sự của Bắc Kinh. Các nước đều muốn hưởng lợi từ quan hệ kinh tế với Trung
Quốc, nhưng không bên nào muốn Trung Quốc thống trị khu vực hay các lựa chọn
chính sách của họ bị nước này chi phối. Nói một cách đơn giản, không bên nào muốn
Trung Quốc thay thế ngôi vị bá chủ đang bị suy yếu của Mỹ.
Mặc dù Bắc Kinh muốn khôi phục lại vị thế thống trị ở
Châu Á thời kỳ cận đại, nhưng hoạt động mở rộng lãnh thổ của nước này và những
thay đổi cấu trúc bên trong môi trường địa chính trị Châu Á hơn 300 năm qua
không cho phép hồi sinh hệ thống các nước chư hầu với Trung Quốc ở vị trí trung
tâm. Địa lý là yếu tố quyết định vai trò và sức mạnh của một quốc gia, một yếu
tố không thể nào thay đổi. Lý do quan trọng khiến Mỹ trở thành siêu cường toàn
cầu đó là nhờ vào vị trí địa lý độc nhất của nước này. Các nước láng giềng của
Trung Quốc không phải Canada hay Mexico, mà là các cường quốc – như Nga, Nhật Bản,
Việt Nam, Indonesia, Úc và Ấn Độ – những nước sẽ làm tất cả để chống lại sức mạnh
của Trung Quốc bởi nguyên nhân về lịch sử, nền văn minh, địa chính trị và địa
kinh tế. Sự cách biệt giữa tham vọng ở Châu Á của Trung Quốc và bối cảnh địa
chính trị đang thay đổi đã ngăn cản nước này khôi phục vị thế thống trị trong
quá khứ, điều này đã khiến cho người Trung Quốc cảm thán gọi là “sự bao vây
Trung Quốc.”
Khách quan mà nói, đây đúng hơn là “sự quan ngại địa
chính trị” chứ không phải “sự bao vây”. Sự bao vây, trong khái niệm đa chiều
kinh điển của George Kennan (về kinh tế, ngoại giao, quân sự và chính trị), chủ
yếu phản tác dụng trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Quản lý sự trỗi dậy của Trung
Quốc và tác động đến cách hành xử của nước này là thách thức ngoại giao lớn nhất
đặt ra cho khu vực và thế giới trong những năm tới.
Cuộc
Cạnh tranh Mới mà Cũ
Sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra những lợi ích ngoài
nước, thúc đẩy những tham vọng lớn về địa chính trị, và gần như chắc chắn sẽ dẫn
đến việc tăng cường quân sự. Các bên sẽ tìm kiếm nguồn tài nguyên phục vụ mục
tiêu tăng trưởng công nghiệp; thị trường mới để tiêu thụ hàng hóa; và các căn cứ
để bảo vệ tài nguyên và thị trường giống như cách thức các cường quốc công nghiệp
của Châu Âu tiến hành thuộc địa hóa Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh vào thế
kỷ 18 và 19 trước đây.
Ba yếu tố tài nguyên, thị trường và căn cứ bảo vệ
thường đi cùng với nhau. Trao đổi thương mại, các thị trường, khai thác tài nguyên,
hải cảng và phát triển cơ sở hạ tầng là những thành phần quan trọng trong chính
sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc. Trung Quốc đang xoay trục về phía Tây
(Châu Phi, Trung Đông, Nga, Tây Nam Á và Trung Á) tìm kiếm nguồn tài nguyên, thị
trường, và môi trường ngoại giao. Giống như trong quá khứ, cuộc cạnh tranh “mới”
về cơ bản là cuộc tìm kiếm các thể chế ôn hòa và thân cận làm nguồn cung tài
nguyên và quyền tiếp cận các hải cảng. Trò chơi chính trị thế giới không thay đổi
nhiều, chỉ có người chơi là thay đổi.
Thống
trị Thế giới là Câu chuyện của Quá khứ
Không một cường quốc đơn lẻ nào có thể thống trị thế
giới trong tương lai, bất kể nước này sở hữu bao nhiêu sức mạnh cứng và mềm. Kể
cả liên minh G-2 cũng vậy. Mạnh cỡ nào thực sự không quan trọng bằng việc bạn sở
hữu sức mạnh kiểu gì. Trung Quốc dường như tin rằng nếu nước này đạt được “sức
mạnh tổng thể quốc gia” mọi thứ sẽ đi vào trật tự và các nước sẽ đi theo quỹ đạo
của mình. Tuy nhiên, việc chỉ có “sức mạnh tổng thể quốc gia” sẽ không giúp Trung
Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu. Cường quốc trở thành siêu cường phải có
sự ủng hộ của các nước vừa và nhỏ. Với số lượng đồng minh là 58 nước và đối tác
tiềm năng là 41 nước trên toàn thế giới, Mỹ vẫn là một siêu cường không có đối
thủ. Sự ủng hộ của các cường quốc vừa và nhỏ, hoặc không có điều này, sẽ là sự
khác biệt lớn quyết định thành công hay thất bại của việc trở thành siêu cường.
Bạn không thể trở thành một nhà lãnh đạo nếu không có những người ủng hộ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Ai Cập
là hai quốc gia bậc trung kiểu “gió chiều nào xoay chiều ấy.” Khi Trung Quốc và
Ai Cập chuyển từ ủng hộ Liên Xô sang ủng hộ Mỹ, hai nước này đã trở thành những
nhân tố quan trọng trong cán cân quyền lực ở Châu Á và Trung Đông. Cán cân lực
lượng đã thay đổi không có lợi cho Liên Xô và phần còn lại là lịch sử. Tái hiện
nước cờ địa chính trị này, Washington đang tìm cách lôi kéo các “quốc gia đảo
cánh” mới như Ấn Độ, Indonesia để tạo thế đối trọng với Trung Quốc.
Luận
điểm của Mackinder hay Mahan đều giá trị như nhau
Trọng tâm địa chính trị Châu Á đang dịch chuyển vào
lục địa đã tác động đến các cường quốc biển. Luận điểm của Mahan hay của
Mackinder, Spykman, Kautilya và Sun Zi đều quan trọng. Mặc dù tập trung vào cạnh
tranh trên biển, nhưng các trung tâm kinh tế, các thể chế mới, hành lang giao
thông, đường sắt cao tốc, đường cao tốc và hệ thống các đường ống đang thay đổi
môi trường địa chính trị của lục địa Á-Âu. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh,
phần lớn sự tăng trưởng kinh tế diễn ra bên trong hệ thống liên minh “trục và
nan hoa” của Mỹ ở các vùng biển Châu Á. Thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh, tăng trưởng
kinh tế đã diễn ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và lục địa Đông Nam Á, bên ngoài mạng lưới
liên minh Mỹ-Thái Bình Dương.
Trung Quốc, giống nước Anh và nước Nga trong quá khứ,
hiện đang sử dụng phương tiện giao thông hiện đại, đường sắt cao tốc, đường cao
tốc, mạng lưới đường ống để vẽ lại bản đồ địa chính trị của lục địa Á-Âu. Là một
phần trong chiến lược “Hướng Tây”, Bắc Kinh đã đầu tư hàng trăm tỷ để tạo “hệ
thống trục và nan hoa kinh tế” ở lục địa Châu Á bằng các đường ống, đường cao tốc,
mạng lưới đường sắt liên kết Trung Quốc với các khu vực Trung Á, Tây Nam Á và
Đông Nam Á. Các nan hoa hoặc hành lang huyết mạch này sẽ vận chuyển nguyên liệu
thô và nguồn năng lượng, đồng thời xuất khẩu các hàng hóa của Trung Quốc tới những
khu vực trên và xa hơn nữa. Tuy nhiên, lục địa Á-Âu chưa được quan tâm thích
đáng bởi ba thế kỷ thống trị đại dương của người Mỹ gốc Anh dường như khiến các
nhà hoạch định chính sách mắc hội chứng “mù đất liền”.
Công
nghệ: Một Đòn bẩy Thực sự
Công nghệ chính là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Trong
thời chiến hay thời bình, công nghệ định hình mối quan hệ giữa các quốc gia.
Công nghệ quyết định thứ bậc trong quan hệ quốc tế. Rất ít nhà kinh tế dự đoán
Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Tại sao lại như vậy? Bởi họ đã
không thể thấy trước được tác động của công nghệ trong tương lai. Cũng như
không ai vào năm 1990 có thể đoán biết cách thức Internet sẽ thay đổi mọi thứ,
sự phổ biến nhanh chóng của những công nghệ đột phá như in ấn 3D/4D, thành tựu
của công nghệ sinh học, người máy, và điện toán lượng tử là những nhân tố quyết
định cuộc chơi. Một cuộc cách mạng trong sản xuất dựa trên công nghệ in ấn
3D/4D có ý nghĩa gì nếu được sản xuất -tại-Trung Quốc? Những đột phá công nghệ
trong tương lai chắc chắn sẽ tạo ra người chiến thắng và kẻ chiến bại mới, đồng
thời cũng đem lại các cơ hội và thách thức mới.
Địa chính trị và địa chất học có mối liên hệ chặt chẽ
với nhau. Khi Trung Quốc và các nước khác cho rằng Mỹ đang suy yếu, thì nước
này thấy mình ở đỉnh đạt với khả năng tự cung cấp năng lượng, nhờ thành tựu đột
phá trong “công nghệ phân tách bằng thủy lực” (fracking technology). Cuộc cách
mạng về khai thác đá phiến có thể giúp Mỹ hồi sinh và kéo dài sự thống trị đối
với trật tự quốc tế. Sự bùng nổ năng lượng tại Mỹ và Canada – nếu tận dụng triệt
để – có khả năng thay đổi động lực sức mạnh giữa các cường quốc và vực dậy những
liên minh của Mỹ. Điều này có thể khiến người chiến thắng hôm qua trở thành kẻ
thua cuộc ngày mai. Giống như một Trung Đông “già cỗi” đang “hướng Đông” để
thúc đẩy quan hệ năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ, một “Trung Đông mới” (bao
gồm Canada và Mỹ) có thể đang “hướng Tây” để bán dầu – khí trong đá rắn cho Nhật
Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, và các nước Đông Nam Á. Dầu – khí trong đá phiến sẽ không
chỉ tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Mỹ, mà còn làm thị trường dầu mỏ thế giới
đa dạng, giúp bình ổn giá dầu, đồng thời các nước tiêu thụ sẽ giảm bớt sự phụ
thuộc quá mức vào một Trung Đông biến động, các cacten OPEC, và nước Nga của
ông Putin.
Tương
lai Địa chính trị Châu Á
Những xu hướng chiến lược này sẽ định hình tương lai
địa chính trị Châu Á, đặc biệt là tác động qua lại giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật
Bản và Ấn Độ. Sự bất cân bằng sức mạnh giữa các cường quốc dẫn đến việc mỗi bên
sẽ thiết lập các liên kết linh hoạt, tạm thời với những bên khác khi lợi ích của
họ có điểm đồng; tận dụng sự ủng hộ của một bên để chống lại bên khác khi có
xung đột quyền lợi; ngăn chặn hai bên khác hình thành liên minh chống lại mình
bởi các nước có xu hướng cạnh tranh, liên minh và liên kết lại khi mục tiêu
song trùng.
Dĩ nhiên, Trung Quốc là mảnh ghép quan trọng nhất
trong bức tranh địa chính trị này. Không quốc gia nào có thể đe dọa Trung Quốc
khi nước này hiện nay đã lớn mạnh. Là quốc gia lớn nhất (về mặt lãnh thổ) và
hùng mạnh nhất (về mặt kinh tế và quân sự) ở Châu Á, chỉ khi Bắc Kinh dừng lại
và chấp nhận duy trì nguyên trạng lãnh thổ trên bộ và cũng như trên biển thì nước
này mới có thể hóa giải được các liên minh của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và
giảm bớt lý do nước này hiện diện tại khu vực. Nhưng chúng ta không nên tin vào
khả năng này: Một chiến lược gia Trung Quốc (cơ bản nhắc lại lời Bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc) từng nói: “Từ bỏ yêu sách đối với ‘các vùng đất bị mất vào
tay nước khác’…là điều khó tin và không thể xảy ra.”
Do quân đội nhân dân Trung Quốc sẽ không chấp nhận
duy trì nguyên trạng lãnh thổ hiện nay, câu hỏi đặt ra cho Mỹ và các đồng minh
là cách thức duy trì cán cân quyền lực đủ mạnh nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động
hăm dọa và xâm lấn, đồng thời trấn an bạn bè và đồng minh đang phải đối mặt với
một Trung Quốc đầy tự tin với quyết tâm thiết lập vị thế thống trị trên lục địa
Châu Á và các vùng biển liền kề. Hòa bình và ổn định sẽ được duy trì nếu các cường
quốc hướng tới xây dựng một Châu Á đa cực với các tổ chức đa phương toàn diện
cùng các cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự ganh đua, cạnh tranh và thậm
chí là xung đột có thể dẫn đến trật tự lưỡng cực hoặc việc Bắc Kinh tìm cách
thiết lập lại trật tự đơn cực mà nước này ở vị trí trung tâm, theo đó Trung Quốc
sẽ hành xử như một bá quyền và đòi hỏi sự quy thuận, triều cống từ các nước
láng giềng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, không điều
gì là chắc chắn trong cuộc sống cũng như vũ đài chính trị – trong nước hay quốc
tế. Tương lai không phải là một đường thẳng. Nó đầy rẫy những bước ngoặt, vấp
ngã, thất bại, điều bất ngờ và sự trái ngược, không liên tục và phi tuyến tính.
Liên Xô và Nhật Bản chính là những ví dụ cho thấy việc Trung Quốc trỗi dậy
không có gì là chắc chắn.
Trong lịch sử, các cường quốc trỗi dậy, kỳ vọng quá
nhiều quá sớm, thường bộc lộ sức mạnh một cách khác thường, và đây là kẻ thù
nguy hiểm nhất của chính những nước này. Khác những gì sách giáo khoa Quan hệ
Quốc tế dạy chúng ta, chính sách đối ngoại của một quốc gia không chỉ là những
tính toán về sự được mất hoặc câu chuyện thiệt hơn. Đó là tổng hòa của năm yếu
tố: Khát vọng, sức mạnh, lợi ích, kiêu hãnh và định kiến. Điều này khiến việc dự
đoán tương lai của Trung Quốc hay tương lai chính trị thế giới trở nên hết sức
khó khăn.
Nguy cơ của những tính toán sai lầm nằm ở chỗ: Quân
đội Trung Quốc đánh giá quá cao sức mạnh của mình, trong khi phần còn lại của
thế giới đánh giá quá thấp tham vọng, sức mạnh cũng như mục đích của Bắc Kinh.
Mohan Malik là Giáo sư chuyên về An ninh Châu Á tại
Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu. Ông là chủ biên
của cuốn An ninh Biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (Rowman & Littlefield, sẽ xuất
bản tháng 10 năm 2014) và tác giả cuốn sách Trung Quốc và Ấn Độ: Cuộc đối đầu của
Hai Cường quốc (Nhà xuất bản Lynne Rienner, 2011). Bài viết đăng trên trang “The
Diplomat“.
No comments:
Post a Comment