Sunday, June 7, 2015

Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và chiến luợc của Trung Quốc (Yuriko Koike - Project-Syndicate)





Yuriko Koike  -  Project-Syndicate     May 27, 2015
Phạm Nguyên Truờng dịch
Ngày 01 tháng 06 năm 2015

Yuriko Koike - cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản

*
Tháng tới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể đầu tiên, mục đích là bắt đầu hoạt động ngay trước cuối năm nay. Và bây giờ Trung Quốc đã gia tăng gấp đôi nỗ lực nhằm bảo đảm vai trò khống chế ở cái ngân hàng mới đuợc thành lập này bằng cách tăng đầu tư, dự định ban đầu từ 50 tỷ, lên 100 tỷ USD.

Khoản đầu tư bổ sung của Trung Quốc chắc chắn củng cố mức độ xếp hạng tín dụng của AIIB. Nhưng nó cũng có thể là điều kiện cần để Trung Quốc giữ được quyền kiểm soát ngân hàng này, vì số lượng các nước đồng ý tham gia cuộc họp thành lập AIIB đã hóa ra lớn hơn rất nhiều so kì vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.


Thực ra, thậm chí ngay cả tăng gấp đôi khoản đầu tư ban đầu cũng sẽ không giúp Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần trong ngân hàng cho vay đa phương mới nhất thế giới này. Tuy nhiên, duờng như cổ phần của Trung Quốc, khoảng 30%, sẽ là lớn nhất so với tất cả 57 nước tham gia, mà kết quả là nước này gần như có quyền phủ quyết đối với các quyết định của AIIB.

Điều này càng làm gia tăng mối quan ngại chính của các nhà kinh tế học phát triển và những nguời theo dõi các mối quan hệ quốc tế khi ngày thành lập AIIB đang đến gần. Nó sẽ trở thành ngân hàng của Trung Quốc, do Trung Quốc, và vì Trung Quốc, hay nó sẽ theo đuổi chương trình nghị sự đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển khu vực, như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB )?

Lời giải thích của Trung Quốc về việc họ hối thúc thành lập AIIB là các nước đang phát triển không được tiếp cận một cách bình đẳng với những khoản vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Có lẽ, điều này còn quan trọng hơn, tiếng nói của họ trong WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ADB còn quá yếu. Nhưng đảm bảo có tiếng nói có lẽ không phải là tất cả những điều mà Trung Quốc muốn.

Thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc đã áp dụng phương pháp tiếp cận “lấy thịt đè nguời” để xây dựng các cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa; thực ra là họ đã tạo ra những hòn đảo ở chỗ mà truớc đây chỉ là rạn san hô. Nước này cũng gia tăng những nỗ lực nhằm biến đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đòi phải đưa nó vào trong rổ tiền tệ, tạo thành đơn vị tính toán của IMF, tức là có quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right). Một số người Trung Quốc thậm chí còn cho rằng giờ tiêu chuẩn của thế giới không được tính bằng giờ ở Greenwich, Anh, mà ở Bắc Kinh.

Sẽ có ích khi so sánh AIIB với ADB. Được thành lập vào năm 1966, ADB luôn luôn do Nhật Bản và Hoa Kỳ lãnh đạo, tổng số vốn của hai nuớc này là 15,7%. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nguời vay lớn nhất của ngân hàng này, chiếm hơn một phần tư danh mục cho vay (riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một nửa tổng số, trong khi các công ty Nhật Bản chỉ được thắng khoảng 1% các dự án do ADB tài trợ).

Có lẽ Trung Quốc đã tính đến miếng bánh to hơn trong khoản tài trợ của ADB nếu họ có cổ phần lớn hơn. Nhưng, theo Yasushi Ando, một trong những nhà đầu tư nhân nổi tiếng nhất của Nhật Bản, khi cho những người vay chủ yếu tiếng nói mạnh mẽ hơn về cách thức làm việc của ngân hàng thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột quyền lợi. Ông cũng chỉ ra rằng trong ngân hàng AIIB, nơi mà Trung Quốc sẽ có số phiếu áp đảo, “các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ giành được tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của chính mình”.

Đối với Trung Quốc, việc có hai ngân hàng phát triển nhắm vào châu Á sẽ cho họ những sản phẩm tốt nhất có thể của thế giới tài chính: chi phí cho tài trợ đầu tư thấp từ ADB, một ngân hàng được các nước phát triển có mức độ tín nhiệm tín dụng cao chống lưng, và có cơ hội sử dụng những quyết định đầu tư của AIIB để lôi kéo các nước láng giềng, làm cho họ trở thành gần gũi hơn về mặt địa chính trị. Ando và các quan chức ở Bộ tài chính của Nhật Bản đang bất bình với sự kiện là Trung Quốc dường như sẽ đạt được mục tiêu của mình với ít hoặc không có sự giám sát nào.

Tất nhiên là Nhật cũng có thể cung cấp công nghệ cao trong hầu hết các cơ hội đầu tư, nhưng giá thường đắt. Vì vậy, có nhiều khả năng là các công ty Trung Quốc sẽ có ưu thế thực sự trong việc đấu thầu cho các dự án do AIIB tài trợ. Đó là lý do vì sao nhiều nhà quan sát lại coi AIIB như là biện pháp nhằm đảm bảo cho các công ty xây dựng Trung Quốc tiếp tục tồn tại vì họ sẽ chẳng đi đâu được một khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa quyết định liệu có nên tham gia AIIB hay không. Thủ tướng Shinzo Abe đã lảng trách việc trở thành thành viên sáng lập, ông bảo rằng “không cần vội” vì những vấn đề chi tiết vể quản trị - ví dụ như điều kiện đầu tư, bỏ phiếu, và quyền phủ quyết - vẫn chưa được xác nhận. Trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​công chúng, do báo Yomiuri Shimbun tiến hành, 73% số người được hỏi đồng ý rằng quyết định của chính phủ là “thích hợp”.

Tại cuộc họp lần thứ bảy các nhà lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương, diễn ra vào tháng này, Abe đã cam kết đóng góp hỗ trợ cơ sở hạ tầng các nước châu Á 100 tỷ Yên (812 triệu USD). Nguồn tài chính được cung cấp từ tất cả các hướng có thể là một đề xuất không tồi đối với các nước đang phát triển nghèo nàn, đang có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc, tạo ra ngân hàng chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ liên kết châu Á vào trật tự kinh tế lấy Trung Quốc làm trung tâm, có thể trở thành một cơn ác mộng. Các ngân hàng phát triển tồn tại để đảm bảo độ tin cậy về tài chính, minh bạch trong quá trình ra quyết định, và cân nhắc về môi trường trong dài hạn. Ngân hàng AIIB chưa cam kết thực hiện bất kỳ tiêu chí nào trong số đó.

Yuriko Koike, là cựu Bộ truởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản, bà từng là Chủ tịch hội đồng Đảng dân chủ tự do Nhật Bản và hiện là nghị sĩ.











No comments: