Lê Diễn Đức
Thu, 06/04/2015 - 20:40 — ledienduc
Tàu nạo vét của Trung Quốc đang xây dựng một hòn đảo
ở vùng biển xung quanh Đá Vành Khăn ở Quần đảo Trường Sa - Ảnh: US Navy
Tiếp
theo sự kiện giàn khoan HD 981 năm 2014 được lắp đặt trong khu vực chủ quyền của
Việt Nam, từ một năm qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo trên các bãi
đá tại Biển Đông và bồi đắp trái phép hơn 800 héc ta. Trong tháng 4, quân đội
Trung Quốc đã hoàn tất một đường băng có thể tiếp nhận máy bay quân sự.
Âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc đã có từ rất
lâu với thuyết đường lưỡi bò 9 đoạn bao gồm 80% lãnh hải Biển Đông, xâm chiếm bằng
vũ lực quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1998.
Giấc mộng làm bá chủ, kiểm soát lưu thông hàng hải của
Trong Quốc đang là thực tế hiển nhiên và nhà cầm quyền Trung Quốc cũng không giấu
giếm tham vọng của mình, tất nhiên, dưới một cái cớ khác là "dựa trên bằng
chứng lịch sử".
Sách trắng về Đường lối Quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc
Phòng Trung Quốc ban hành ngày 26 tháng 5, cho thấy những lợi ích của Trung Quốc
gắn liền với sự bành trướng ảnh hưởng lên toàn cầu, lôi kéo Đài Loan, mở rộng sự
kiểm soát quân sự đối với hai vùng biển là Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tại cuộc Đối thoại Shangri-La mới đây, Bộ trưởng quốc
phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động cải tạo các hòn
đảo, bãi đá trên Biển Đông cũng như hành động vi phạm “các chuẩn mực và luật
pháp quốc tế vốn đang làm tổn hại tới cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình
Dương, và những đồng thuận trong khu vực về sử dụng biện pháp ngoại giao, phản
đối sự ép buộc”.
Trước phát biểu của ông Ashton Carter, người phát
ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố rằng, "hoạt động
xây dựng trên Biển Đông của Trung Quốc nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc
và các hoạt động này là hợp pháp, hợp lý và phù hợp”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc,
thậm chí còn tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ hòng ngăn cản Trung Quốc xây dựng
trên khu vực Biển Đông thì kết cục không thể tránh khỏi sẽ là chiến tranh.
“Nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ đó là Trung Quốc phải
ngừng các hoạt động của mình, thì chiến tranh Mỹ - Trung trên Biển Đông là
không thể tránh khỏi”. “Cường độ của cuộc xung đột sẽ lớn hơn nhiều những gì
người ta thường nghĩ tới về một vụ va chạm”, tờ báo viết.
Rõ ràng, trên mặt trận ngoại giao Mỹ và Trung Quốc
đang thực hiện những cuộc đấu khẩu, thách thức nhau và đồng thời cũng tiến hành
một số động tác diễu võ giương oai như việc Trung Quốc mang vũ khí tới các đảo
đang xây dựng, đuổi máy bay do thám của Mỹ trong khu vực 12 hải lý, hay Mỹ sẵn
sàng điều động máy bay, chiến hạm tới Biển Đông.
Về thực chất, tôi cho rằng, khó có khả năng đụng độ
quân sự trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc, ít nhất trong nhiệm kỳ của Tổng
thống Barack Obama.
Mỹ là một cường quốc kinh tế và quân sự, đồng thời
công nghệ quốc phòng vẫn vượt trội so với Trung Quốc, nhưng Mỹ sẽ không mở một
cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc vào thời điểm hiện nay, với cái giá phải
trả sẽ quá đắt. Thứ nhất, tiềm lực quân sự của Trung Quốc có khả năng đối đầu
và gây thiệt hại. Thứ nhì, các lợi ích kinh tế đang ràng buộc hai quốc gia này
quá lớn để có thể dẫn đến sụp đổ và gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn thế giới.
Mặt khác nếu Trung Quốc khai hoả mở chiến tranh với
Mỹ thì sẽ là một hành động tự sát. Tất cả mọi phương tiện, kể cả 250 dầu đạn hạt
nhân của Trung Quốc, chưa phải là đối thủ của Mỹ. Kinh tế của Trung Quốc sẽ suy
sụp nếu chiến tranh Trung-Mỹ xảy ra và sự nổi loạn của xã hội Trung Quốc là khó
tránh khỏi.
Cho nên cả hai bên sẽ cùng thách đố nhau nhưng việc
anh anh cứ làm, việc tôi tôi cứ làm, dù cường độ có thể gia giảm tuỳ mức độ
căng thẳng của tình hình.
Mỹ lên tiếng và có hành động đe doạ là cốt kìm hãm sự
tiếp tục của Trung Quốc trong vấn đề xây dựng đảo để khẳng định chủ quyền trên
Biển Đông, gây nguy hại cho tự do hàng hải trong một vùng chiếm tới 40% vận
chuyển thương mại thế giới từ trước đến nay. Thế nhưng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ
mưu đồ của mình và đang đặt Mỹ vào thế lưỡng nan.
Theo Richard Fisher, thành viên cấp cao của Trung
tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, Mỹ còn rất ít thời gian để đối phó.
Ông nói rằng, Mỹ chỉ có một khung thời gian ngắn để hành động.
“Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phớt lờ chúng ta, tiếp tục
xây dựng nhiều căn cứ hơn, và tiếp tục kiểm soát khu vực này khi họ có điều kiện
để làm điều đó”, Fisher nhận định.
Mặc dù ông Fisher cho rằng “đây là chuỗi sự kiện phải
ngăn chặn ngay lập tức”, nhưng Mỹ sẽ chẳng làm gì khác ngoài việc duy trì sự hiện
diện và các hành động mang tính răn đe, sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông, từ trên
không phận cũng như vùng biển chung quanh các khu vực quần đảo Trường Sa và hợp
tác quân sự mạnh mẽ hơn với các đồng minh Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines,
Indonesia...
Lời phát biểu ngày 01 tháng 06/2015 tại Tòa Bạch Ốc
của Tổng thống Obama trong lúc tiếp kiến những nhà lãnh đạo trẻ vùng Đông Nam
Á, khá mềm mỏng trước những sự kiện được cho là nóng bỏng.
Barack Obama nói hoà bình và ổn định, trong đó có tự
do hàng hải ở Biển Đông, đã giúp cho khu vực này được thịnh vượng trong mấy
mươi năm qua. Ông cũng cảnh cảnh báo sự thịnh vượng của vùng Đông Nam Á có thể
gặp rủi ro vì các nước trong khu vực thực hiện những hoạt động lấp biển để lấy
đất và tìm cách khẳng định chủ quyền đối với những khu vực ở Biển Đông có tranh
chấp.
"Và, sự thật là, Trung Quốc sẽ thành công. Họ lớn,
họ mạnh. Dân họ có tài và họ làm việc chăm chỉ, và có thể một số yêu sách của họ
là chính đáng. Nhưng, họ không nên tìm cách xác lập điều đó bằng cách hiếp đáp,
xua đuổi người khác. Nếu quả thật là những yêu sách của họ là chính đáng, các
nước sẽ công nhận" - Barack Obama nói.
Bài viết "China's
Island Building Poses Dilemma for U.S." trên tờ Wall Street Journal
ngày 31 tháng 5 đề cập tới mâu thuẫn nội bộ trong Chính phủ Obama, có nhiều ý
kiến trái ngược về cách đối phó với Trung Quốc. Có phe cho rằng Mỹ phải
cương quyết cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cũng có phe ngả theo ý không nên quá
cứng rắn mà nên chia vùng ảnh hưởng với Trung Quốc!
Việt Nam nằm trong áp lực của cả hai phía về tranh
chấp Biển Đông. Về quân sự, Việt Nam chưa đủ tiềm lực và cũng không muốn đối đầu
với Trung Quốc trên biển, về kinh tế hoàn toàn lệ thuộc và gắn bó lợi ích. Cho
nên Hà Nội chỉ khoa trương trên mặt trận ngoại giao, phản đối mồm về hành động
của Trung Quốc và ra vẻ ủng hộ lập trường các nước khác liên quan đến vấn đề an
ninh Biển Đông. Hà Nội thật sự bất lực trước sự chiếm đóng thực tế và vĩnh viễn
Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc.
Hà Nội, bám lấy Trung Quốc để duy trì hệ thống chính
trị và lợi ích, nhưng trong tư thế làm điếm mà lại không muốn bị hiếp đáp quá
nên phải đu giây với Mỹ mà thôi.
Những ai cho rằng nếu có chiến tranh Trung-Mỹ, vấn nạn
độc tài cộng sản sẽ được giải quyết, là ngộ nhận. Trong lịch sử không đặt ra chữ
"nếu".
© Lê
Diễn Đức - RFA
No comments:
Post a Comment