Thursday, June 4, 2015

Báo VN hiểu chưa kỹ thông điệp Mỹ? (Nguyễn Giang - BBC)





Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
4 tháng 6 2015

Trong chuyến thăm đến Việt Nam tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, tiến sỹ Ashton Carter, báo chí Việt Nam đồng loạt chạy tít rằng ông Carter “trao kỷ vật đặc biệt cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh” của Việt Nam.

Đó là cuốn nhật ký và thắt lưng của một chiến sỹ bộ đội cộng sản.

Trên trang Facebook của mình, ông Carter viết nguyên văn hôm 2/6:

“Hôm nay, tôi đã hồi hương một số di vật chiến tranh gồm cả cuốn nhật ký của một bộ đội Việt Nam cho Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.” (Today I repatriated several war artifacts including a diary from a Vietnamese soldier to the Vietnamese MOD).

Ông Carter không hề nói rằng đây là một thứ quà tặng, kỷ vật đặc biệt.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay họ sẽ phân công người tìm lại đúng xem các di vật đó của gia đình ai để trao trả.

Là một quan chức dân sự, ông Ashton Carter không chào mà đặt tay lên trái tim, để gửi thông điệp qua cách biểu hiện tình cảm trân trọng cao nhất của người Mỹ tới tất cả các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam chứ không chỉ cho Bộ trưởng Thanh.

Việc trả hai hiện vật từ thời chiến tranh thực ra không mới vì nhiều cựu binh Mỹ đã làm tương tự như bay về Việt Nam trả nhật ký, mũ của bộ đội Bắc Việt hy sinh nhưng vẫn đầy tính biểu tượng vì đến từ một bộ trưởng Hoa Kỳ.

Sinh năm 1952, ông Carter là Bộ trưởng Quốc phòng thứ 25 của nước Mỹ nhưng xuất thân trí thức, với các bằng cấp, nghiên cứu tại Oxford ở Anh, và các trường hàng đầu của Mỹ, từ Harvard, Stanford tới Yale. 

Ông Carter là một trí thức lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực của Hoa Kỳ

Là giáo sư đại học và tác giả của 11 cuốn sách và hơn 100 bài nghiên cứu từ vật lý, công nghệ tới an ninh và quản trị, ông còn tham chính và phụ trách hậu cần, quân trang và công nghệ của Ngũ Giác Đài (2009-2011).

Ngoài ra, chính ông đã giám sát chương trình đưa vũ khí nguyên tử khỏi Belarus, Kazakhstan và Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ.

Gần đây, ông tập trung nghiên cứu về chiến lược quân sự của Trung Quốc ở châu Á và là người cổ vũ cho chính sách xoay trục về quân sự của Hoa Kỳ sang các vùng biển Thái Bình Dương.

Cử một nhân vật khoa bảng và có tầm nhìn như thế sang Việt Nam, Hoa Kỳ hẳn đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi.

Gọi chiếc thắt lưng và cuốn nhật ký là ‘artifact’ (di vật, cổ vật), hẳn ông Carter muốn nhấn mạnh hai bên nên khép lại quá khứ.

Ông cũng cảm ơn phía Việt Nam giúp cho công tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ, việc đã diễn ra từ thời Clinton.

Tức là ông tế nhị nhắc đến mất mát của hai bên và bày tỏ mong muốn quan hệ Mỹ – Việt bước vào một giai đoạn mới.

Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng mang tính bước ngoặt nên các hoạt động ngoại giao hai bên được dư luận hai nước và quốc tế đặc biệt chú ý.

Những cử chỉ, biểu tượng sai hay đúng như cờ sáu sao, lễ kỷ niệm Thế chiến tại Quảng trường Đỏ, bình Trung Hoa, bức ảnh John McCain bên Hồ Tây…đều tạo ra các bình luận nhiều chiều về quan hệ của Việt Nam với các nước khác.

Cần thêm ngôn ngữ cử chỉ

Lịch sử ngành ngoại giao quốc tế cũng không thiếu những truyện thực hoặc ‘truyền kỳ’ mà ý nghĩa chỉ lộ ra sau nhiều thập niên.

Cuộc gặp Nixon – Mao năm 1972 quyết định cả chiến tranh Việt Nam

Quan hệ Trung – Xô xuống dốc thảm hại sau khi Mao Trạch Đông coi mình là ‘Mặt trời Phương Đông’ ngạo nghễ ngồi bên bể bơi mặc quần đùi để đón Nikita Khrushchev ở Bắc Kinh năm 1958.

Năm 1971, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đến gặp lần đầu tiên với Mao Trạch Đông không ở Đại lễ đường Nhân dân lúc ban ngày mà vào một buổi tối, trong căn phòng tối om, nồng mùi thuốc lá.

Không khí của các chuyến đi Kissinger bí mật thực hiện để dàn xếp cho chuyến thăm Trung Quốc bất ngờ năm 1972 của Richard Nixon, người sau cũng mất chức tổng thống Mỹ vì nghe lén, đã cho thấy họ làm gì ở châu Á, cả trong chiến tranh Việt Nam sau đó.

Ngược lại, chỉ một động tác quỳ gối trước tượng đài nạn nhân Do Thái ở Warsaw của Thủ tướng Tây Đức, Willy Brandt năm 1970 khiến mọi đau đớn thời chiến, các tranh cãi biên giới của người Ba Lan với hai nước Đức được hóa giải.

Các lãnh đạo Việt Nam vì thế cần chú tâm hơn đến các động tác mang tính biểu tượng, nhất là khi đứng trước những vấn đề có tranh cãi bằng lời mất nhiều năm cũng không xong.

Cùng lúc, báo chí rất nên chú ý chuyển tải chính xác, cả tinh thần và nội dung những hoạt động của các chính khách, đặc biệt là trong quan hệ Mỹ – Việt vốn còn đang cần rất nhiều nỗ lực hòa giải, vun đắp nếu hai bên thực sự cùng muốn điều đó.

N.G.




No comments: