Sunday, June 7, 2015

Căng thẳng trên Biển Đông (Nguyễn Đạt Thịnh - Viễn Đông Daily)





Nguyễn Đạt Thịnh  -  Viễn Đông Daily
06/06/2015

Hôm thứ Năm 21 tháng 5/2015, một chiếc thám thính cơ P8-A của Hải Quân Mỹ bay vào không phận Trường Sa; trong lòng phi cơ, ngoài phi hành đoàn và các chuyên viên tình báo quân sự, còn có một toán phóng viên của đài truyền hình CNN.

Chính phủ Mỹ ý thức được là mọi biến chuyển lớn đều cần sự đồng thuận của dư luận trong nước, và dư luận thế giới, do đó họ đặt một ưu tiên rất cao cho công tác thông tin, hy vọng thuyết phục quần chúng, bằng những bài tường thuật trung thực và vô tư của truyền thông. Dĩ nhiên những bản tin đầy đủ chi tiết, được mọi người tín nhiệm hơn là một thông cáo vắn tắt, thiếu sống động của quân đội.

Việc mời một toán phóng viên truyền hình tháp tùng chuyến bay thám thính trên Biển Đông còn nói lên ý định của Hoa Kỳ thực sự muốn dẫn chứng nguy cơ bế tắc không lưu, hải lộ, và muốn can thiệp vào tình hình Biển Đông.

Một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa còn do Việt Nam chiếm giữ

Nói cách khác, Biển Đông -sau nhiều năm tháng là khó khăn của Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á- đang trở thành vấn đề của Hoa Kỳ.

Bay trên không phận Trường Sa, phóng viên CNN ghi âm tiếng nói của một sĩ quan hải quân Trung Cộng, nói với phi hành đoàn Mỹ trên chiếc phi cơ thám thính, “Đây là hải quân Trung Quốc, chúng tôi cảnh cáo chiếc phi cơ ngoại quốc đang bay vào vùng báo động quân sự. Yêu cầu rời khỏi vùng này ngay tức khắc."

Chiếc P8-A bay tương đối thấp -15,000 bộ- trên không phận Trường Sa; phóng viên truyền hình nhìn thấy rất rõ phi đạo của phi trường mới hoàn thành trên đảo, và nghe -cũng rất rõ- tiếng cảnh cáo của nhân viên hải quân Trung Cộng gọi thêm 7 lần nữa, yêu cầu máy bay thám thính Mỹ rời khỏi không phận Trường Sa.

Người nhân danh hải quân Trung Cộng nói bằng tiếng Anh, được phóng viên CNN ghi âm và tường thuật “One warning said simply: “You go!” Another said: “This is the Chinese navy. This is the Chinese navy. Please go away quickly.” (Có người chỉ vắn tắt đuổi "Đi đi!" Người khác lại nói, "Đây là hải quân Trung Quốc. Đây là hải quân Trung Quốc. Xin vui lòng cấp tốc rời vùng.")

Trước đó 10 ngày -ngày 12 tháng 5/2015- Ngũ Giác Đài đã cho tờ Walll Street Journal biết dự định đưa chiến hạm và máy bay quân sự vào Biển Đông để thử nghiệm nguyên tắc tự do lưu thông trên không phận và hải lộ quốc tế.

Ngày 16 tháng 5, tại Bắc Kinh, Ngoại Trưởng John Kerry nói với phóng viên truyền thông là ông vừa khuyến cáo ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị “lập tức cùng với mọi quốc gia khác bắt tay vào việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, và mở đường cho một giải pháp ngoại giao.”

Kerry phản đối mạnh mẽ việc quân đội Trung Quốc kiến tạo các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Vương Nghị cũng nói với truyền thông: “Việc xây dựng tại Nam Sa và một số đảo đá ngầm hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải Trung Quốc. Tôi tái khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của phía Trung Quốc cứng như đá và bất di bất dịch.”

Thử nghiệm quyết tâm cứng như đá của Trung Cộng, Hoa Kỳ đang liên tục gửi phi cơ quân sự và chiến hạm vào không phận và hải phận Trường Sa. Giới truyền thông Mỹ châm biếm Trung Cộng đang xây một giải 'Great Wall of Sand' (Vạn Lý Sa Thành) trên Biển Đông.

Mặc dù không lệ thuộc quá đáng vào dư luận quần chúng quốc nội và thế giới, nhưng Trung Cộng cũng vẫn phản công Hoa Kỳ trên địa hạt này; tờ báo Anh ngữ của Tầu - tờ The Global Times- phỏng vấn ông Li Jie, một chuyên viên về hải quân, hải phận, và đăng lên quan điểm của ông.

Li Jie nói, “Dụng tâm của Hoa Kỳ là khuấy động và khuyến khích bất mãn tại các quốc gia Đông Nam Á đối với Trung Quốc.” Le Jie còn cho là việc quân nhân hải quân Trung Cộng cảnh cáo chiếc máy bay thám thính của Hoa Kỳ cũng chỉ là việc thông thường mà mọi quốc gia đều làm, mỗi khi máy bay lạ xâm phạm không phận của mình.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gửi máy bay và tầu chiến vào không phận, hải phận Trường Sa.”

Thật ra phía thay đổi lập trường về Biển Đông không phải là Trung Cộng mà là Hoa Kỳ; từ năm 1995, Trung Cộng đã khởi công xây dựng pháo lũy, bến tầu, và cơ sở hành chánh của họ trên những hải đảo họ lấn chiếm được trên Biển Đông. Năm đó, Hoa Kỳ phổ biến một bản tuyên cáo, xác định không bênh vực phe nào trong cuộc tranh chấp sáu nước về chủ quyền trên 750 hải đảo lớn, nhỏ, chìm hay nổi trên mặt nước biển; diện tích chung của những hòn đảo này lên đến 425,000 cây số vuông.

Hoa Kỳ khuyến khích các quốc gia liên hệ giải quyết vấn đề chủ quyền của họ một cách ôn hòa, và chỉ đòi hỏi Trung Cộng tôn trọng quyền tự do xê dịch trên không, và dưới biển, vì Biển Đông là con đường giao thương giữa các quốc gia Âu và Á Châu.

Nhưng 20 năm sau -năm nay- Hoa Kỳ nhận ra nguy cơ Trung Cộng khóa hải lộ và hành lang không lưu trên Biển Đông, nếu Hoa Kỳ không chặn đứng ý đồ của Trung Cộng xây một giải Vạn Lý Sa Thành, với tối thiểu 5 hòn đảo nhỏ khác trên Biển Đông đang được đổ đá làm nền, rồi thổi cát từ lòng biển lên làm đất.

Hiện Trung Cộng đã có đến 5 phi trường dã chiến trên những hòn đảo tương đối lớn; họ hãnh diện gọi đó là “những hành không mẫu hạm” không bao giờ bị đáng chìm.

Hôm mùng 4 tháng Sáu, đài BBC loan tin Việt Nam tổ chức tour cho du khách ra thăm Trường Sa; phóng viên BBC nói ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du Lịch Thành phố HCM tuyên bố ý định này với họ; tuy nhiên Sở còn chờ sự chấp thuận của Bộ Quốc Phòng.
Ông Khánh nói thêm, “Khoảng cách rất xa nên đòi hỏi phương tiện vận chuyển phải tốt, thời tiết phải tốt -phải mưa thuận, gió hòa. Mỗi năm chỉ tổ chức du lịch được có sáu tháng thôi. Sáu tháng còn lại khí hậu không thích hợp cho việc du lịch bằng đường biển.”

Ông Khánh ca ngợi cảnh biển ở Trường Sa “rất đẹp,” và tôm cá rất tươi, rất ngon, tạo hấp dẫn cho du khách.

“Chúng tôi đi thăm thấy vẻ đẹp thiên nhiên ở Trường Sa, thấy đất nước của mình, lãnh thổ của mình, cảm thấy mình có tài nguyên du lịch như vậy nên có ý tưởng sẽ giới thiệu với du khách Việt Nam để họ có cơ hội biết thêm về tài nguyên đẹp như vậy.”

Trong lúc Sài Gòn nói chuyện đưa du khách ra Trường Sa ăn cá nướng thì Manila biểu tình với khẩu hiệu South China Sea Does Not Belong To China (Biển Hoa Nam không thuộc Trung Hoa).

Đông Nam Á đã đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ trong lúc Hoa Kỳ theo đuổi một mục tiêu khác tại Biển Đông: họ chỉ muốn hải lộ và hành lang không lưu trên Biển Đông không bị tắc nghẽn vì những đòi hỏi chủ quyền không phận và hải phận quanh những hải đảo mà Trung Cộng lấn chiếm của các quốc gia Đông Nam Á. Chính những hải đảo đó mới là mục tiêu tranh đấu của các quốc gia Đông Nam Á.

Trong giả thuyết Trung Cộng chấp nhận tự do không lưu và hải lộ, liệu Hoa Kỳ có còn pivot (chuyển mình) đưa 60% sức mạnh quân sự về Châu Á-Thái Bình Dương nữa không? Hay Hoa Kỳ lại trở về thế vô can -không bênh vực nước nào trong 6 nước đang tranh chủ quyền trên biển và đảo thuộc Biển Đông?

VNCH có sẵn câu trả lời: Hoa Kỳ rời bỏ chiến trường ngay khi họ hoàn thành mục tiêu riêng của họ -mục tiêu đó 45 năm trước là bắt liên lạc được với Trung Cộng.

Cái khó trong vị thế siêu cường, đòi Hoa Kỳ đóng vai trò thẩm phán quốc tế, dù họ muốn tránh vai trò sen đầm quốc tế. Tránh cũng không được vì họ đang là sen đầm trừng phạt lực lượng IS của giáo phái Sunni, để bảo vệ tín đồ Shia, tương đối ít sắt máu hơn.

Hiểm họa Trung Cộng trên đấu trường Biển Đông lớn hơn hiểm họa IS trên sa mạc Trung Đông; Tập Cận Bình không biểu diễn trò cắt đầu con tin, ông ta chỉ cướp cơm chim của ngư dân Đông Nam Á; Trung Cộng sẽ trở thành bá chủ toàn cầu, nếu Hoa Kỳ để mặc họ làm bá chủ Biển Đông. (nđt)

---------------------------------

Nguyễn Đạt Thịnh  -  Viễn Đông Daily
03-06-2015

Ngày mùng 1 tháng Sáu 2015, tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter ký chung một văn kiện với tổng trưởng Quốc Phòng Việt Cộng Phùng Quang Thanh; viên chức Mỹ đánh giá nội dung văn kiện vừa ký rất quan trọng, có khả năng đưa Việt Nam đến kỹ nghệ cộng tác sản xuất quân trang, quân dụng cho quân đội Hoa Kỳ.

Danh xưng bằng Anh ngữ của thỏa ước này là Joint Vision Statement on Defense Relations (Bản Tuyên Bố Chung về Viễn Tượng Tương Quan Quốc Phòng); cái tên đính chánh tính “thỏa ước” của văn kiện ký kết -đó chỉ là một bản “tuyên bố chung”, không ràng buộc cả đôi bên vào bất cứ một hành động cụ thể nào.

Tuy nhiên, việc người Mỹ ký và giải thích bản tuyên bố chung này cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ: nhất quyết "nhẩy vào Biển Đông". Chính ông Carter giải thích, “Tiếp nối việc năm ngoái chúng tôi giải tỏa một phần việc cấm bán vũ khí cho Việt Nam, lần này, lần đầu tiên, Hoa Kỳ cam kết sẽ cộng tác với Việt Nam trong việc phát động giao thương quốc phòng, để tiến tới tình trạng chung sức sản xuất.”

Thử đặt câu hỏi, "Hoa Kỳ cam kết sẽ làm gì cho Việt Nam?" để thấy câu trả lời của Carter là, “sẽ cộng tác với Việt Nam trong việc phát động giao thương quốc phòng, để tiến tới tình trạng chung sức sản xuất.”

Nhưng sản xuất những gì? Mỹ sẽ giao cho Việt Cộng việc đúc súng, đạn hay sản xuất quân xa, chiến hạm? Chắc chắn Mỹ sẽ không chung sức với Việt Cộng trên địa hạt kỹ nghệ quốc phòng để sản xuất những quân cụ, khí giới mà Việt Cộng không có khả năng sản xuất. Ngược lại gần như chắc chắn Việt Cộng sẽ nhận được nhiều lô thầu may quân phục, đóng giầy bốt, trị giá năm bẩy chục triệu, hoặc vài ba trăm triệu mỹ kim.

Những quân trang, quân phục này có thể được giao cho quân đội Mỹ sử dụng, hay phân phát cho quân đội các quốc gia đồng mình với Mỹ.

Tờ Washington Post nhận định, “Bản Tuyên Bố Chung về Viễn Tượng Tương Quan Quốc Phòng, chỉ là một 'bản tuyên bố chung', Carter cố thực hiện và tạo cho nó một giá trị.”

Phía Việt Cộng lạc quan hơn, họ hy vọng sẽ nhận được việc sản xuất những sản phẩm kỹ thuật mới, và quân cụ cho quân đội Mỹ, và ngay chính quân đội của họ. Hiện nay, Việt Cộng mua của Nga dến 90% vũ khí; nếu Mỹ tạo cho họ cơ hội để tự thực hiện quân dụng, vũ khí, đạn dược, thì việc phải nhập cảng quân cụ sẽ giảm bớt.

Dụng tâm của Mỹ mua chuộc Việt Cộng - quốc gia thân Trung Cộng trong khối những quốc gia Đông Nam Á- có thể là lý do khiến Carter bay thẳng đến Việt Nam ngay sau khi đọc diễn văn tại Hội Nghị Shangri-La chống việc Trung Cộng lấn chiếm Biển Đông.

Đến Hải Phòng ngày 31 tháng 5/2015, Carter lập tức đến thăm hai căn cứ hải quân và cảnh sát biển Việt Cộng; tại 2 địa điểm này ông tuyên bố với phóng viên truyền thông là ông sẽ khuyến cáo Việt Nam đừng tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông nữa; không mấy người Việt hiểu tại sao Carter lại khuyến cáo như vậy; trước đó, cũng không mấy người hiểu dụng ý của ông, khi ông khuyến cáo các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương ngưng, đừng xây dựng những hải đảo nhân tạo trên Biển Đông -vùng biển còn đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia. Nhưng Carter không đóng kịch, không giả ngây thơ, tưởng là Việt Nam và Phi Luật Tân đều đang thi nhau tung bạc tỉ vào Biển Đông để đổ đá làm nền xây phi trường trên hải đảo.

Carter muốn bảo Trung Cộng phải ngưng, không được “pháo đài hóa” hải đảo họ chiếm giữ trên Biển Đông nữa, vì ông đã yêu cầu những quốc gia Biển Đông khác ngưng không làm như vậy nữa.

Dù không hiểu Carter muốn nói gì, nhưng mọi người vẫn biết là ông không nói càn, không buột miệng muốn nói gì thì nói; họ ý thức được là mỗi câu ông nói ra đều đã được Ngũ Giác Đài mổ xẻ, cân nhắc từng li, từng tí một, vì đó là chính sách quân sự của Hoa Kỳ tại Biển Đông và Thái Bình Dương.

Chắc chắn sau khi ông tuyên bố, nhân viên tùy tùng cùng đi với ông đến Việt Nam sẽ giải thích tường tận với chính phủ Việt Cộng dụng ý ông muốn nói gì.

Nhưng không ai, kể cả ông Carter, giải thích được ngân khoản 18 triệu mỹ kim, Carter tuyên bố Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Việt Cộng để mua tầu tuần bảo vệ ngư dân, bảo vệ bờ biển Việt Nam; có thể Việt Cộng cũng không hiểu ông muốn gì khi ông chỉ cho họ có $18 triệu, số tiền không đủ dính tay cán bộ Việt Cộng - nổi tiếng trên toàn cầu về tài tham nhũng hạng nặng.

Không hiểu, nhưng nhìn trên thị trường chiến hạm, chắc chắn tổng trưởng Quốc Phòng Việt Cộng Phùng Quang Thanh không mất thì giờ dòm ngó đến chiếc tiềm thủy đĩnh Ohio ($7 tỉ), chiếc hàng không mẫu hạm CVN-78 Gerald R Ford ($13 tỉ rưỡi), hay chiếc khu trục hạm DDG 1000 Zumwalt ($6 tỉ). Ông Thanh tìm xuống loại patrol boat -loại tầu tuần của cảnh sát biển- và gặp đô đốc Thad Allen -chỉ huy trưởng Coast Guard Mỹ. Ông đô đốc 4 sao, chỉ cho ông tướng Việt Cộng cũng 4 sao coi 34 chiếc tầu tuần ông mới sắm cho Cảnh Sát Biển Mỹ với giá $1.5 tỉ -tính ra mỗi chiếc tròm trèm $50 triệu.

Viện trợ quân sự là một hình thức tham chiến của Hoa Kỳ; mặc dù người lính Mỹ không hiện diện tại Ukraine, chính phủ Mỹ vẫn giúp Ukraine kháng chiến chống Nga, và những thân binh gốc Nga. Nhưng Mỹ không giúp Ukraine súng, đạn; trong năm 2015, Mỹ chỉ cung cấp cho Ukraine những nhu yếu phẩm không giết người như radar, drones, radios, y cụ, y dược, và những chiếc quân xa Humvee không bọc sắt, trị giá chung là 75 triệu mỹ kim.

Tại Iraq ngoài hỏa lực không yểm, Hoa Kỳ còn viện trợ $2.1 tỉ cho 12 quốc gia tham dự việc huấn luyện quân sự cho quân lực Iraq, và $2.1 tỉ trực tiếp cho Iraq.

Trong một cuộc họp báo tại tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad, ông John Allen, đại sứ đặc nhiệm của tổng thống Obama nói viện trợ của Hoa Kỳ cho Iraq được thường xuyên tái xét để linh động đáp ứng tình hình giao tranh với quân ISIS.

Liên quan với Việt Cộng cũng sẽ được đánh giá từng ngày, để gia giảm đúng mức, hầu tạo ra thế Việt Cộng thân Mỹ, nếu chưa là đồng minh của Mỹ trong cuộc tranh hùng với Trung Cộng trên Biển Đông.

Hoa Kỳ đang rõ rệt “xoay mình trở lại Á Châu-Thái Bình Dương”, với việc thay đổi vị đô đốc tư lệnh USPACOM (The United States Pacific Command).

Tại buổi lễ tiếp nhận chức tư lệnh USPACOM (The United States Pacific Command- Quân Khu Thái Bình Dương) hôm 27-5, đô đốc Harry B. Harris Jr., bày tỏ lập trường cứng rắn đối với hoạt động xây dựng trái phép 7 hòn đảo nhân tạo của Trung cộng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một trong những thách thức mà ông phải đối mặt khi tiếp nhận vị trí mới.
“Mỹ sẽ tái lập thế cân bằng ở Thái Bình Dương. Lực lượng kết hợp của chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè ở khu vực. Nếu được yêu cầu, chúng tôi sẽ chiến đấu ngay buổi tối hôm nay (27-5) để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực này” - ông Harris phát biểu trong lễ nhậm chức.

Đánh giá việc ông Carter ký bản “Thông Cáo Chung” với Việt Cộng là nỗ lực của Mỹ nhằm tách Việt Cộng ra khỏi thế thân Trung Cộng, là đánh đúng giá; nhưng nhận xét về nỗ lực này, mọi người đều phải thấy là Hoa Kỳ vụng về, coi thường Trung Cộng, và nhận xét sai về khả năng “mua” Việt Cộng của người Tầu.

Họ có thể trả 100 lần cao hơn cái giá $18 triệu người Mỹ bỏ ra, để chỉ yêu cầu Việt Cộng duy trì thế đứng hiện tại Biển Đông - thế cứ duy trì tình trạng võ trang chiếm giữ những hải đảo Việt Cộng còn đang chiếm giữ.

Vì chỉ cần duy trì cái thế nguyên trạng hiện nay, Trung Cộng cũng đã đủ thuận lợi để đẩy Hoa Kỳ vào chỗ đuối lý -Hoa Kỳ muốn họ giải trang, điều vô lý khi Việt Cộng vẫn còn võ trang chiếm đóng một số hải đảo trên Biển Đông.

Như trong một cuộc mua đấu giá, Mỹ có thể trả giá $3.6 tỉ -nhiều gấp đôi giá tỉ tám của Trung Cộng; nhưng liệu Mỹ có phá giá để mua tranh Biển Đông với Trung Cộng hay không? Và liệu Việt Cộng có dám bán mạng, bán ghế ngồi để thân Mỹ hay không?

Mặc dù qua đời đã gần đủ 200 năm, nhưng cụ Nguyễn Du vẫn phê bình ván bài Bản Tuyên Bố Chung về Viễn Tượng Tương Quan Quốc Phòng rất chính xác và thâm thúy, qua 2 câu thơ:

“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”

Câu chuyện còn hứa hẹn nhiều gay cấn. (nđt)





No comments: