Monday, April 2, 2012

THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2 : XẢ NƯỚC TỐI ĐA KHẮC PHỤC (Tuổi Trẻ)



Tấn Vũ ( Tuổi Trẻ)
Thứ Hai, 02/04/2012, 08:21 (GMT+7)

TT – Ngày 1-4, đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu có buổi thị sát tại đường hầm trong bờ đập của thủy điện Sông Tranh 2.


Tham dự đoàn công tác còn có Cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng, đặc phái viên của Chính phủ về năng lượng điện Thái Phụng Nê cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Bắc Trà My.

Cũng như các buổi khảo sát trước, báo chí không được tham dự và mọi con đường vào khu vực này đều bị khóa kín. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau hơn một giờ khảo sát các đường hầm chính trong thân đập bị rò rỉ nước, đoàn công tác có cuộc họp kín tại nhà điều hành của Ban quản lý dự án thủy điện 3.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đưa ra nhiều phương án khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bờ đập thủy điện này, đặc biệt là trong các đường hầm. Phương án ưu tiên là khắc phục phần thấm nước gây hiện tượng rò rỉ nước ở phía thượng lưu của con đập.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thống nhất phương án sẽ mời một số chuyên gia đầu ngành về thủy điện, giảng viên của các trường đại học từng phản biện và có ý kiến đóng góp về thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua tham dự hội thảo tìm giải pháp khắc phục sự cố của đập. Tuy nhiên, sau cuộc họp chiều qua, phương án này bị bác bỏ vì lý do các giải pháp khắc phục và sự cố của đập hoàn toàn nằm trong khả năng giải quyết của các cơ quan liên quan. Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, cho hay hiện tại các lỗi rò rỉ của con đập đang được các nhà thiết kế vẽ lại bản vẽ chi tiết để khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đích thân khảo sát trong lòng đập, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho hay huyện có phần cảm thấy an tâm khi mực nước hạ xuống thấp và nước trong lòng đập được thu gom. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng nói trước mắt chính quyền tỉnh đồng tình với cách giải quyết của Bộ Công Thương. Theo ông Thu, những ngày qua thủy điện đã tăng cường phát hết công suất của hai tổ máy, nên lượng nước trong hồ xuống gần 7 m so với tuần trước. Đến chiều 1-4, mực nước tại hồ đo được là 160 m (cao hơn mực nước chết 20 m).

Theo báo cáo, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ưu tiên cho nhà máy tiến hành phát điện tối đa, làm giảm nhanh nước lòng hồ để khắc phục sự cố. Dù đồng ý với phương án này nhưng ông Thu cũng lo lắng về việc thủy điện Sông Tranh 2 xả cạn nước hồ trong khi mùa khô chưa đạt đỉnh sẽ khiến vùng hạ lưu sông Thu Bồn có nguy cơ bị nhiễm mặn.

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại hiện trường cho thấy đến chiều 1-4, vai trái bờ đập chính vẫn bị thấm nước và nhiều khe nước nhỏ xì thẳng từ thân đập ra bên ngoài. Toàn bộ mặt đập bị thấm nước. Tại hành lang kỹ thuật có hai ống nước bằng nhựa lớn được bắt dính vào tường chạy dọc theo đường hầm, đưa nước thẳng từ lòng bờ đập đổ ra ngoài, bên ngoài nhiều ống nhựa thu gom nước vẫn ào ạt chảy.

Theo Ban quản lý dự án thủy điện 3, với cường độ xả nước qua tuôcbin như hiện tại (230 m3/giây), nếu thời tiết không mưa lớn, trong vòng 10-15 ngày mực nước hồ sẽ về mực nước chết (140 m). Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế gồm sáu cửa xả tràn và không có cửa xả đáy, lượng nước trong lòng hồ chỉ có đường thoát duy nhất là qua hai tổ máy phát điện.

T.V.
----------------------------------

Rút đơn kiện, được hỗ trợ bổ sung 1,5 tỉ đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vừa ký quyết định điều chỉnh, thay đổi một số nội dung về việc tiếp tục hỗ trợ đối với 19 hộ dân ở thôn 6, thuộc xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Đây là các hộ dân từng “cố thủ” không chịu di dời ra khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi thủy điện này tích nước. Lý do: mức hỗ trợ di dời thấp, không hợp lý. Ngay sau đó, 19 hộ dân này đã kiện UBND huyện Nam Trà My và EVN.
Theo quyết định điều chỉnh vừa ban hành, phía tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ 19 hộ dân trên khoản tiền hơn 1,5 tỉ đồng nếu các hộ thống nhất rút đơn kiện địa phương và EVN. Trong trường hợp các hộ dân không thống nhất rút đơn kiện sẽ không được hưởng khoản hỗ trợ nói trên. Theo danh sách, hộ có mức hỗ trợ cao nhất gần 175 triệu đồng, hộ thấp nhất gần 39 triệu đồng.
VÕ TRƯỜNG

.
.
.
Bài và ảnh: Hoàng Thu Minh (NLĐ)
Thứ Ba, 03/04/2012 07:05

Tái định cư tại khu vực rừng phòng hộ, điều kiện ăn ở lại quá khó khăn, hàng chục ngàn hộ dân thuộc diện di dời để nhường chỗ cho các công trình thủy điện ở miền Trung đành phá rừng để làm rẫy, đem gỗ bán kiếm tiền.

Trong những ngày đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam) rò rỉ nước gây lo lắng trong dư luận, chúng tôi trở lại các khu tái định cư ở lưu vực công trình này và chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười của hàng ngàn người dân nơi đây.

Không phá rừng, lấy gì sống!

Ông Hồ Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2007, 674 hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số) được tỉnh di dời đến nơi mới. Đó là khu vực giữa rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Trà Bui.

Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2) xây nhà tái định cư cho dân song chưa được một năm, nhà đã xuống cấp, nứt nẻ, lại không phù hợp với tập tục nên họ dựng chòi hoặc vào rừng đốn gỗ về làm nhà sàn bên cạnh để ở”.

Hàng chục mét khối gỗ chò nằm la liệt trong rừng phòng hộ đầu nguồn thôn 2,
xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam vừa bị cưa hạ

Chỉ tay về phía những vạt rừng phòng hộ trống hoác, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, xót xa: “Từ ngày người dân vùng lòng hồ thủy điện đến đây tái định cư, do chưa được tỉnh, huyện cấp đất sản xuất, chưa được chuyển đổi ngành nghề nên hằng ngày, họ mang cưa máy vào rừng xẻ gỗ đem bán, đồng thời phát rừng để trồng hoa màu. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng họ bảo không phá rừng làm nương rẫy thì lấy gì sống qua ngày”.

Từ tờ mờ sáng, từng tốp thanh niên ở xã Trà Bui vác cưa máy vào rừng, bắt đầu đốn hạ những cây gỗ quý. Gỗ được xẻ thành từng phách rồi dùng trâu kéo ra bìa rừng. Xế chiều, họ gom thực bì đốt dây leo, cỏ dại để phát quang cả khu rộng lớn.

Ông Võ Anh Tuấn, phụ trách Trạm Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, ngao ngán:
“Việc đưa dân tái định cư vào giữa rừng phòng hộ như vậy chẳng khác nào ép họ trở thành… lâm tặc bất đắc dĩ! Mỗi mùa phát rẫy, bà con nơi đây lại có thêm một đám rẫy mới, đồng nghĩa với rừng phòng hộ dần dần bị thu hẹp. Do địa hình phức tạp, lực lượng lại mỏng, khi chúng tôi đến nơi thì họ đã cưa xẻ gỗ từ lúc nào rồi. Nhiều lần, chúng tôi ra quân ngăn chặn thì bị họ mang rựa, dao dọa chém. Họ nói rằng không cho phá rừng thì liệu chúng tôi có nuôi nổi cả chục miệng ăn nhà họ không?!”.

Gần 700 m3 rừng đã bị ngốn

Chỉ trong 2 ngày 23 và 24-3 vừa qua, lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ Sông Tranh 2 đã phát hiện ông Hồ Văn Giỏi và ông Hồ Văn Đoàn ở thôn 2, xã Trà Bui chặt hạ trái phép hơn 55 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ. Hai ông Đoàn và Giỏi khai nhận do không có đất sản xuất nên đã đốn hạ 6 cây chò hơn 100 năm tuổi để lấy đất làm nương rẫy. Hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2 đang tạm giữ số gỗ này để xử lý theo quy định.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, từ năm 2007 đến nay, người dân ở các khu tái định cư thuộc lưu vực công trình này đã phá hơn 46 ha rừng phòng hộ, ngốn gần 700 m3 gỗ rừng tự nhiên. Ông Hồ Văn Xanh ở xã Trà Bui thật thà nói: “Tôi vừa mua gỗ chò, chua của người dân phát nương, làm rẫy trên rừng về làm nhà sàn. Tốn hết 10 triệu đồng đấy! Tập tục của đồng bào là cúng mùa, ăn trâu quê, đến nơi ở mới mà không có nhà sàn gỗ thì không được”.

Dọc đường về trung tâm thị trấn Bắc Trà My và các khu tái định cư ở xã Trà Bui, nhiều nhà sàn gỗ đồ sộ nằm san sát, kéo dài hàng cây số. Theo tính toán của người dân địa phương, mỗi nhà sàn cần ít nhất 15 m3 gỗ; nếu kể thêm giường, tủ, bàn uống nước thì phải lên đến hơn 20 m3. “Do chất lượng nhà tái định cư kém, không phù hợp với tập tục của đồng bào nên hầu như hộ nào cũng làm thêm một cái nhà sàn để ở, sinh hoạt. Vì không nằm trong diện hưởng chính sách nhà 167 nên hơn 400 nhà sàn gỗ họ đã dựng là trái phép” - ông Đinh Văn Xuân nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Xuân, biết người dân vào rừng phòng hộ cưa gỗ đem về làm nhà sàn là trái phép nhưng biết làm sao được khi đó là nhu cầu bức thiết của họ.

Khó tránh chuyện mất rừng
Ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, khẳng định: “Việc quy hoạch dân tái định cư vào lâm phận và lên đầu nguồn các con sông là một nghịch lý bởi theo tập quán, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số là đốt rừng làm rẫy. Tất cả các hộ dân diện tái định cư vào nơi ở mới hoàn toàn không có đất sản xuất, không có việc làm, cuộc sống rất khó khăn nên việc họ vào rừng khai thác gỗ trái phép và xâm canh, chặt phá rừng làm nương rẫy là không thể tránh khỏi”.

Kỳ tới: Vật vạ tái định cư
Bài và ảnh: Hoàng Thu Minh

.
.
.

No comments: