27-3-2012
Khi nhiều tuổi, người ta hay sống về quá khứ. Năm nay tôi đã hơn 82 tuổi, cũng gọi là khá cao, nhiều khi nhớ lại cuộc đời từ khi còn nhỏ, muốn viết ra vừa để ôn lại cho mình, vừa để cho bà con, bạn bè, nhưng vì tôi rất ngại nói về mình nên cứ lần lữa mãi. Nay ngày càng thấy trí nhớ càng kém, sợ để lâu quên mất mà trí nhớ của tôi không tốt như nhiều người khác nên mới viết bài này, tập trung vào những năm kháng chiến chống Pháp để cống hiến các bạn đọc, đặc biệt với các bạn trẻ trong lứa tuổi 20-30 để gửi gấm những tâm sự của một người cùng trạc tuổi với các bạn 50-60 năm về trước.
Tôi chọn thời kỳ này là vì đó là thời kỳ tôi mới trưởng thành từ lúc tuổi 19, 20, thời kỳ sung mãn, đẹp đẽ nhất của đời người để xây dựng cho tương lai; riêng cho lứa tuổi tôi, nó lại nằm ở một thời kỳ đặc biệt của đất nước, bắt đầu được độc lập năm 1945 sau gần một thế kỷ dưới sự đô hộ của ngoại bang; độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại muốn trở lại. Trước nguy cơ lại rơi vào ách nô lệ, toàn dân đã hăng hái tham gia vào cuộc kháng chiến và kết quả là sau trận Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta đã thắng lợi vẻ vang: thực dân đã phải vĩnh viễn ra đi.
Đối với các bạn trẻ ngày nay, hoàn cảnh có thể nói cũng tương tự như đối với tôi ngày xưa, và có phần khó khăn hơn vì nếu trước kia thực dân là người Pháp, thì bây giờ chúng là bọn bành trướng đại Hán nguy hiểm hơn nhiều, và chúng còn được bọn Việt gian bản xứ đang cầm quyền làm tay sai phục vụ.
*
Bài này gồm bốn phần:
1 - Đại đội cảm tử
2 - Trường Thiếu sinh quân LK IV
3 - Một khóa chỉnh huấn chính trị
4 - Tôi bỏ Đảng
*
Trước khi nói về cuộc kháng chiến toàn quốc thực thụ kể từ ngày 19 tháng 12 năm 1946, tôi mạn phép nói qua về bản thân tôi, trong thời kỳ tiền kháng chiến. Kể từ khi hiểu biết đôi chút, chạc 13, 14 tuổi, tôi thường tự hỏi tại sao người Pháp lại qua nước mình cưởi đầu cưởi cổ người mình, mỗi khi học và đọc sử, tôi rất phục những anh hùng như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ … Tôi rất ghét Tô Định và rất thương Hai Bà khi Hai Bà phải tuẫn tiết ở Hát Giang, tôi hãnh diện về những trận đánh phá quân Mông cổ dưới đời Trần, những trận thắng quân Thanh của vua Quang Trung; tôi sung sướng khi Henri Rivière, rồi Francis Garnier bị giết.
Tôi tự hỏi tại sao lại gọi một người chống Pháp như Đề Thám là giặc …
Rồi mỗi ngày đi học ở trường Bưởi bằng tàu điện, khi dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm qua tượng Paul Bert đứng để bàn tay trên đầu một người Việt Nam ngồi dưới chân, nhiều khi tôi cảm thấy mối tủi nhục của dân tộc, và ghét Gia Long đã đem quân Pháp sang để mở đường cho thực dân sau này.
Năm 1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, tôi vui mừng biết bao khi Nhật trả chính quyền cho chính phủ Trần Trọng Kim. Sau khi Việt Minh đảo chính cướp chính quyền và tuyên bố Việt Nam độc lập chẳng được bao lâu thì thực dân Pháp lại lăm le trở lại. Trước nguy cơ cho nền độc lập còn mới mẻ vì mưu toan trở lại của thực dân, tôi thấy mình cần phải đóng góp cái gì cho đất nước. Tôi tham gia tự vệ thành phố, rồi một cơ hội đến cho tôi: một người bạn cùng phố có một người anh họ tên là Lê Hữu Qua (Anh Qua sau làm thiếu tướng, theo Vũ Thư Hiên cho biết trong "Đêm giữa ban ngày") muốn giới thiệu tôi vào làm Phòng Tư Pháp sở Công An Bắc Bộ, tuy làm không lương, chỉ ăn trưa, nhưng tôi cũng nhận. Phòng Tư pháp lúc đó do anh Lê văn Lăng sinh viên Luật làm trường phòng.
Gần đây, được đọc tiểu sử của anh Lê Hồng Hà trong internet, tôi mới biết anh Hà lúc đó cũng làm cùng sở nhưng ở phòng Chính trị; anh Hà cùng tuổi với tôi và có thể đã cùng học ở trường Tiểu học Hàm Long (Léonet), 3 lớp chót với tôi do các thầy Kiên, Hải, Đông phụ trách vào những năm 1936-39. Tôi nhắc lại điều này không phải vì "thấy sang bắt quàng làm họ", mà vì tôi mừng thấy anh sau làm lớn nhưng cuối cùng cũng đã thấy con đường đúng nên nhận người bạn xưa, chứ chức tước của ngay Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng cũng chẳng có giá trị gì đối với tôi, vì đó là những chức tước của Đảng cs tự phong, đâu có phải là của dân bầu lên. Mới đây đọc bài "Phỏng vấn Lê Hồng Hà" của Phạm Hồng Sơn trong Dân Luận ngày 6 mar 2012, tôi mới xác định được các điều trên là đúng, và tôi mừng thấy anh còn sống.
Làm ở sở Công an ở đường Gambetta, tôi có một kỷ niệm là một hôm tôi thấy học sinh Chu Văn An đi biểu tình phản đối chính phủ bắt thày Nguyễn Gia Tường, giáo sư môn Vạn Vật có tiếng mà tôi rất phục. Đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy một hàng dài nhiều toán học sinh vừa đi vừa hô khẩu hiệu, lúc đó tôi tự hỏi tại sao họ lại bắt thẩy. Nghe nói thầy thuộc Quốc Dân đảng, ở Ngũ Xã, thì Quốc Dân đảng là một đảng yêu nước với đảng trưởng Nguyễn Thái Học, một anh hùng dân tộc, cớ sao lại bắt thầy? Mãi lâu sau này tôi mới biết chủ trương tiêu diệt các đảng phái của cs thời đó.
Một kỷ niệm khác là có lần vào một buồng tôi thấy vài dụng cụ, đặc biệt là một bình quay điện để tra tấn làm tôi nghĩ mình không thể làm việc lâu ở đây được.
Làm được ít tháng, có thông cáo của chính phủ tuyển học sinh vào trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 mở tại tại Sơn Tây vào tháng 5/1946, với điều kiện đủ sức khỏe, học lực diplôme trở lên, tôi thấy đúng với nguyện vọng của mình muốn tích cực bảo vệ nền độc lập của đất nước nên làm đơn xin gia nhập ngay. Khi được nhận rồi, tôi mới báo cho gia đình biết vì sợ nói trước, cậu (ông thân sinh) tôi lúc đó ở Thái Bình, sẽ ngăn cản.
Trước khi khóa học sắp bế mạc vào đầu tháng 12/1946, nhà trường có cho học viên chọn 3 nơi muốn đến. Tôi đã chọn Hà Nội, Lạng Sơn và Sông Cầu, địa điểm sau cùng do một người bạn cùng khóa, anh Thực, giới thiệu, nói trong đó vui lắm và tôi cũng muốn đi xa cho biết. Tôi trao đổi địa chỉ gia đình với vài bạn để khi cần thì liên lạc, trong đó có anh Trần Hậu Tưởng, anh Tưởng cho tôi biết địa chỉ của ông thân sinh anh là Trần Hậu Niệm, chủ sự Kho Bạc Hưng Yên, tôi cho anh địa chỉ cậu tôi là chủ sự Thuế quan Thái Bình.
Nhưng khi danh sách đưa ra thì tôi lại nằm trong số 12 người đi Khu IV, do anh Hà Vinh Thăng làm trưởng nhóm; anh Thăng là con ông Tuần phủ Ninh Bình và cũng là người bạn cùng khóa với tôi ở trường Bưởi. Ngày hôm sau, 12/12/1946, toán chúng tôi được xe camion nhà binh chở đi Hà Nội. Ngủ một đêm ở Cống Vọng và tờ mờ sáng ngày 13/12 xe chở chúng tôi ra ga Hàng Cỏ để đáp xe lửa đi Vinh ngay vì tình hình lúc đó rất khẩn trương. Dọc đường đến ga, tôi cảm thấy không khí chiến tranh có vẻ căng thẳng khi tại nhiều ngã tư đã có những ụ lớn được đắp lên chuẩn bị chống xe tăng.
Vào trinh diện Bộ Tư lệnh LK IV trong thành Vinh, một số chúng tôi được gia nhập trung đoàn 57, trong đó có tôi và 3 người tôi còn liên lạc thường xuyên, đó là anh Hồ Trinh, anh Hà Thúc Tế và anh Cao Qùy, các bạn khác thuyên chuyển đi đâu tôi không biết và không hề được tin tức.
Đơn vị đầu tiên tôi được bổ nhiệm vào là Đại đội cảm tử với chức vụ trung đội trưởng; cùng với tôi có anh Hồ Trinh đã nói ở trên, và anh Trần Ngọc Khuê từ trường Lục quân Quảng Ngãi tới, mỗi người nắm một trung đội. Đai đội trưởng là anh Hồ Khắc Thuần, chính trị viên đại đội là anh (Hoàng Như?) Quý. Đại đội cảm tử dùng toàn đại đao, còn súng chỉ là những thân tre - vì vũ khí lúc đó rất thiếu -, mới đầu đóng ở xã Hưng Long, thuộc huyện Hưng Nguyên, ngay sát thành phố Vinh. Xã này đất cát nên sạch sẽ, các đường làng hai bên có những rặng tre cao ngất mát mẻ, và có một bà mẹ chiến sĩ nổi tiếng là mẹ Viện, cùng với con gái của mẹ là cô Châu khá đẹp, bộ đội nào đi qua cũng phải biết đến.
Chúng tôi hàng ngày tập đâm lê bằng súng tre và đại đao ở sân vận động Vinh, có một cán bộ người Việt Nam mới (quân nhân Nhật không chịu về nước khi thua trận) chỉ dẫn, và đại đao thì được anh Trung đoàn phó Văn Lễ chỉ thêm cho một bài tập, múa theo chữ Tất () cũng hay (bài múa theo chữ "tất" ngày nay thỉnh thoảng tôi còn tập tay không thay cho tài chi khó học); sau lại được một cán bộ Trung Quốc đến tập cho cách dùng đại đao chống với lưỡi lê khi sáp lá cà.
Trên tôi quên nói là khoảng một tuần sau khi chúng tôi tới Khu IV thì xảy ra toàn quốc kháng chiến. Sau này khi làm bí thư cho anh Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Phó LK IV, trong một thời gian vào năm 1948-49, anh có cho tôi xem cuốn “Vũ Lục Ký” của anh, một cuốn sách có giá trị lịch sử vì đó là mệnh lệnh tác chiến bắt đầu vào 8 giờ tối ngày 19 /8 /1946 khi nhà máy điện Hà Nội được lệnh cúp điện, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
Để chuẩn bị cho chiến tranh, theo chính sách vườn không nhà trống, Đại đội chúng tôi được lệnh tham gia việc phá sập các nhà cửa ở thành phố Vinh. Khi ấy chúng tôi đóng ở chùa Sư Nữ cách Vinh chừng 1km trên Quốc lộ số 7 (?) từ Vinh lên Mường Xén qua Nam đàn, Thanh chương, Đô lương. Một kỷ niệm ở đây là chúng tôi được dịp ăn khá nhiều thịt chó do có lệnh giết chó, sợ khi du kích di chuyển, chó sủa sẽ bị lộ; dân chúng cho bộ đội chó vì không nỡ tự giết; và cũng là lần đầu tiên tôi được ăn thịt dơi, các đội viên bắt dơi về ăn để cải thiện sinh hoạt, thịt dơi nạc và ăn cũng được.
Được tin quân Pháp sắp đổ bộ lên Nghệ an, đại đội cảm tử chúng tôi được cung cấp bom ba càng để phá chiến xa địch, cũng do cán bộ người Nhật huấn luyện cách đâm bom vào xe tăng. Chắc có nhiều bạn đã nghe nói hay đọc về bom ba càng nhưng chưa biết bom ba càng là gì. Tôi xin có vài dòng để các bạn có một ý niệm về loại bom này:
Bom 3 càng được chế tạo nguyên tắc đạn lõm (charge creuse / hollow or shaped charge) mà khi học ở trường Võ bị, chúng tôi đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn giảng sơ qua khi ông dạy về súng bazooka, nay tôi thêm một số chi tiết lấy trong internet:
Đạn lõm là một khối chất nổ có hình lõm lại như một cái phễu, mục đích là để tập trung tác dụng của năng lượng được phát ra khi nổ (hình A). Khi đạn nổ, năng lượng tập trung lại vào trung tâm một khoảng trống đằng trước dọc theo trục đạn. Hiện tượng này, gọi là tác động Monroe (Hình B). Các chất hơi do chất nổ gây ra tạo thành một luồng khí mạnh đập vào mục tiêu bằng thép với một tốc độ chừng 8 000m / giây và với sức xuyên phá hơn 10 triệu kg/cm2. Để tăng thêm hiệu quả, một lớp “lót “ (liner) kim loại thường là đồng được gắn trên bề mặt chỗ lõm. Khi đạn nổ, tấm lót bằng kim loại đó tạo thành một mũi nhọn bằng kim loại nóng chảy, và để đạt được kết quả tối đa, đạn phải được cho nổ cách mục tiêu một khoảng cách được tính sẵn. (Hình C, D)
Hình D (để ý lớp lót kim loại)
Trong thế chiến 2, vũ khí nhẹ chống xe tăng là bazooka (một loại hỏa tiễn) chế theo nguyên tắc đạn lõm, thân dài, đuôi có cánh, được lắp vào một ống dài đặt trên vai xạ thủ, có pin phát điện làm nổ hạt nổ, có thể bắn xa chừng 50m.
Việt Nam không có bazooka, nên chế ra bom 3 càng: bom hình nón, sơn đen, đáy tròn đường kính theo tôi nhớ độ 25cm, không bắn được từ xa nên phải có một cái cán gỗ dài chừng 1m30 lắp vào đầu đạn do người đem lại gần xe tăng.
khi lâm chiến, phải tháo chốt an toàn ở đầu đạn rồi cầm bằng 2 tay như một lực sĩ nhảy sào cầm sào, để tiến lại gần xe; khi đâm thì nâng ngang lên vai đâm mạnh 3 cái càng vào xe (làm một mũi nhọn ở đầu cán đâm vào hạt nổ đốt thuốc nổ thường là trinitrotoluene hay TNT) rồi xoay nhanh người về đằng sau nằm sấp xuống. Như trên đã nói, cần có một khoảng cách giữa đạn và mục tiêu để có hiệu quả tối đa, 3 cái càng làm nhiệm vụ đó, điều mà khi viết bài này tôi mới suy nghiệm ra.
Cũng may là Pháp không đổ bộ lên Thanh-Nghệ-Tĩnh nên không có dịp dùng tới bom ba càng; lúc đó, tôi cho rằng khi đâm bom vào xe thi lúc bom nổ mình cũng khó mà thoát chết, trong lòng tôi đã định rằng, giả sử phải dùng đến, thì nếu có bị bao vây thì tôi sẽ cứ dùng đại đao xông lên chém bừa cho chúng bắn chứ không chịu bắt làm tù binh.; và tiếc là tôi không có hai đời sống chứ nếu có thì vẫn cứ sẵn sàng hy sinh cả hai cho tổ quốc.
Cuối năm 1950, tin anh Hoàng Minh Chính chỉ huy một dội quyết tử đột kích sân bay Bạch Mai gần Hà nội phá một số máy bay của Pháp làm chúng vô cùng hoang mang và động viên tinh thần chiến đấu của mọi người. Sau này, được đọc một tài liệu nói về vụ đột kích trên, tôi mới biết đội quyết tử đó của anh Chính đã dùng bom ba càng và lựu đạn để phá hủy máy bay Pháp.
*
Một kỷ niệm khác quan trọng hơn là trong khi đại đội đang đóng ở Đô Lương thuộc huyện Anh Sơn thì một hôm đầu tháng hai 1947, anh đại đội trưởng Hồ Khắc Thuần hỏi riêng với tôi rằng tôi có muốn vào Đảng không. Tôi từ xưa vốn ghét bóc lột và bất công mà nghe nói ĐCS tranh đấu cho công bằng xã hội nên tôi rất bằng lòng; hơn nữa tôi vẫn phục những người CS vì muốn tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà nên nhiều người đã hy sinh hoặc bị thực dân đày ra Côn đảo; tuy nhiên, tôi còn đang lưỡng lự vì nghe nói đảng viên phải gương mẫu, chịu khổ trước dân và hưởng thụ sau dân, tôi không hiểu mình có làm được như vậy không, thì anh Thuần nói ngay rằng chủ tịch Hồ Chí Minh hay cụ Nguyễn Ái Quốc cũng là CS đấy.
Vì từ khi cướp được chính quyền ngày 19/8/1945, do tuyên truyền rỉ tai không biết từ đâu hay do báo chí, được nghe nói ông Hồ đã từng bôn ba lâu năm ở hải ngoại để tranh đấu cho nền độc lập của đất nước nên tôi rất ngưỡng mộ ông; hơn nữa chỉ nghe tên Nguyễn Ái Quốc, cũng đủ làm tôi tin ông là một người yêu nước, Bởi vậy tôi nghĩ mình chỉ cần cố gắng làm hết bổn phận, chắc cũng có thể được nên tôi đã bằng lòng gia nhập Đảng. Vào ngày 13 (?) tháng 2 năm 1947 tại Đô Lương, huyện Anh Sơn, tôi làm lễ tuyên thệ trước hình ảnh ông Hồ, Mác và Lenin, 2 người giới thiệu là anh Thuần đại đội trưởng và anh Quý, chính trị viên đại đội. Cùng tuyên thệ với tôi còn có 2 anh trung đội trưởng kia là Hồ Trinh và Trần Ngọc Khuê, hẳn 2 anh cũng đã được dò hỏi từ trước.
Sau này, khoảng 1995, khi tôi liên lạc được với các bạn Võ bị, anh Trinh cho tôi hay anh sau đã làm thẩm phán, và tin cho biết anh Khuê đã là đại tá hồi hưu và được cấp một biệt thự lớn ở Thủ đức.
Đại đội di chuyển luôn, quanh quẩn trong mấy huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn và Hưng Nguyên. Một buổi tối, trong khi trung đội tôi đang sinh hoạt trên sân phơi thóc tại nhà một người dân ở Hưng Nguyên cũng gần Vinh, thì có anh Thanh, trưởng ban Cán bộ phòng Chính trị tới tham gia. Tôi ngưng lại để anh Thanh nói chuyện với trung đội. Tôi nhớ anh nói nhiều về Liên xô, ca tụng đời sống sung sướng của dân LX; đặc biệt anh bảo rằng ở LX bây giờ, người dân muốn ăn bao nhiêu thịt thì ăn và nước ta sau cũng sẽ như vậy. Tôi không tin, nhưng sự nghi ngờ của tôi chỉ thoáng qua rồi quên đi. Tôi liên tưởng tới một bài hát đang thịnh hành lúc đó mà tôi chỉ còn nhớ câu đầu là: Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa... và cuối bài có mấy chữ …. đời đời nở hoa.
Sau này tôi mới thấy một trong những kỹ thuật tuyên truyền của CS là tha hồ dối trá, bịa đặt, phóng đại. Thí dụ thì nhiều lắm, chắc ai cũng ít nhiều nhận xét thấy. Tôi chỉ đưa ra vài ví dụ điển hình như chuyện ông Hồ không có vợ vì hy sinh hạnh phúc cá nhân để chỉ nghĩ đến việc giải phóng cho dân tộc; chuyện em Nguyễn Văn Tám tự tẩm dầu xăng đốt kho đạn của Pháp được Trần huy Liệu bịa ra để động viên tinh thần chiến đấu của học sinh; và ngay bản thân tôi, khi tôi đã vượt biển ra đi thì chừng 2 năm sau, tôi nhận được thư của anh Hải, giáo sư Việt văn, chồng cô Kim Thành, giáo sư Pháp văn cùng trường Võ Tánh đã vượt biên sang Pháp, cho biết sau khi tôi ra đi, công an Nha Trang tuyên bố với các giáo sư là tôi đã bị bắt và xử tù 14 năm, ai có muốn thăm thì chúng sẽ cho đi. Bởi vậy, có thể nói họa hoằn lắm tôi mới đọc báo trong nước, và với cảnh giác cao, có khi còn phải hiểu ngược lại.
Một người với óc phán đoán trung bình cũng phải thấy tại sao cs giữ độc quyền thông tin, cấm báo chí tư nhân, kiểm soát internet: đó chẳng qua chỉ vì sợ sự thật.
*
Vì chiến tranh không xảy ra ở 3 tỉnh Thanh-Nghệ- Tĩnh, nên nhiệm vụ của tôi nặng về huấn luyện.
Vào năm 1947-48, tỉnh Nghệ An có nhiệm vụ huấn luyện tân binh bổ sung cho chiến trường. Có tất cả 3 khóa, mỗi khóa chừng hai tháng. Mỗi khóa, tân binh được tổ chức thành 3 trại, mỗi trại có từ 1 200 đến 1 500 tân binh đóng ở các huyện Anh sơn, Thanh chương và Nam Đàn, và tôi đưởc cử làm trại trưởng 1 trong 3 trại cả ba khóa. Chương trình chính gồm cơ bản thao diễn (đi, đứng, quay phải, trái,... tập họp...), cá nhân chiến đấu, tiểu đội chiến đấu, súng trường, lựu đạn. Cuối khóa có thi đua và trong 3 khóa, trại tôi đều đứng nhất, khóa 1 được thưởng cờ "Trung với nước, Hiếu với dân" của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh, và khóa 3, cờ "Một Hậu bị quân hùng hậu" của Hội Liên Việt Tỉnh trao, cờ cỡ 40 x 60cm bằng nhung đỏ có tua vàng, chữ lớn thêu màu vàng coi rất đẹp.
Rõ ràng nông dân đúng là nòng cốt cung cấp quân lính cho kháng chiến, vì chỉ riêng tỉnh Nghệ năm đó đả cung cấp hơn 1 vạn quân cho chiến trường, đủ cho hơn một sư đoàn. Vậy mà người nông dân luôn luôn bị bạc đãi, cả ngay bây giờ cũng vậy. Cứ thấy dân quê bị cướp đất, cướp nhà, nghèo khổ đến nỗi trẻ em thất học vì không đủ tiền đóng góp cho trường, phải đi lượm thức ăn thừa để ăn hay các bao ni lông trong các đống rác để đem bán, phụ nữ phải đi làm điếm, gái ôm đủ thứ, hoặc lấy chồng ngoại quốc mới thấy số phận hẩm hiu của người nông dân Việt Nam dưới chế độ vô ơn bội nghĩa của cs.
(còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment