3-4-2012
Tháng 11/1954, tôi xin nghỉ phép một tháng để về thăm gia đình ở Hà Nội mới được Pháp trao lại. Với số tiền bán mấy chỉ vàng ông thân tôi cho khi tôi về Thái Bình thăm nhà năm 1948, tôi mua một chiếc xe đạp Sterling cũ nhưng còn tốt, theo Quốc lộ số 1 đi ra Hà Nội sau khi nghỉ ở Nam Định một ngày tại nhà một người sui gia với ông thân tôi.
Tới Hà Nội, tôi được biết gia đình tôi đã vào Sài Gòn từ 1951. Nghe tin tôi về Hà Nội, ông thân tôi gửi cho tôi 2 lạng vàng, nhờ đó tôi có thể sống thoải mái ở Hà Nội tại nhà một người dì. Dù ý định vào Nam đã có từ lúc ra đi, việc ra đi vào Nam của tôi thực ra cũng sau nhiều ngày tháng phân vân, đắn đo suy nghĩ ở hay đi. Đi thì bao công lao trước coi như không kể, mà thực ra tôi cũng chẳng cho là công lao mà chỉ xem là làm nhiệm vụ một người dân đối với tổ quốc, mà ở lại thì với cuộc đấu tranh giai cấp mà tôi không tán thành vì tính chất bất công và ghét vì tính chất dã man của nó nên cuối cùng tôi quyết định đi vào Nam, coi như mình đã làm tròn nghĩa vụ một công dân trong cuộc giành độc lập cho đất nước. Phải ra đi để mở rộng tầm mắt, xem đời sống trong một xã hội tư bản như thế nào để mà so sánh. Và sau 2 ngày 2 đêm trên chiếc tàu há mồm Marine Serpent, sau khi có dịp ngắm cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long, tôi đã cặp bến Sài Gòn, bắt đầu một cuộc hành trình mới trong cuộc đời.
Đến đây tôi phải cám ơn anh Nguyễn Kiện - Trưởng phòng CT Bộ Tư lệnh LK IV vì anh đã thi hành đúng chính sách của Đảng Cộng sản mở mắt cho tôi biết thế nào là đấu tranh giai cấp, đưa tới việc tôi xin ra Đảng trước kia để có hậu quả tốt đẹp ngày nay.
*
Đến đây, có thể coi như đã kết thúc những kỷ niệm của tôi trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Bây giờ ôn lại, tuổi đã cao, rất có thể không biết lúc nào mình sẽ ra đi, tôi thấy thời gian đi nhanh quá! Hơn 60 năm đã qua, đúng là như bóng câu qua cửa sổ, tôi có những ý nghĩ như sau:
1 - Tôi thường không tin ở số mệnh nhưng đôi khi cũng phải cho là đời người có số, may rủi không biết sao lường trước được. Khi trường Võ Bị mãn khóa, mỗi người được chọn 3 nơi muốn đến, tôi xin đi Hà Nội, Lạng Sơn là những nơi sẽ xảy ra những cuộc chiến ác liệt và Sông Cầu, nhưng tôi không hiểu theo tiêu chuẩn nào, nhà trường lại đưa tôi vào LK IV? Ở LK IV, tôi lại được đóng ở 3 tỉnh phía Bắc là Thanh, Nghệ, Tĩnh - 3 tỉnh duy nhất được yên ổn; sau này tôi xin ra sư đoàn để chiến đấu cũng không được, thành thử tôi cho là có số thọ, trong khi có bạn như anh Phạm Văn Hiếu cũng khá thân với tôi trong trường - con ông thú y sĩ Phạm Văn Huyến và là anh của bà Ngô Bá Thành lại hy sinh ngay từ đầu 1947 ở mặt trận Nam Định, cùng nhiều người khác nữa cũng đã lần lượt hy sinh trong suốt thời chống Pháp.
2 - Tuy nhiên, ngoài những nhân tố bên ngoài, có khi cũng có những nhân tố do bản thân mình quyết định. Đó là trường hợp tôi đã bỏ vào Nam sau khi nước nhà được độc lập. Điều này cũng do những nhận xét, phán đoán cá nhân về Đảng Cộng sản trong một quá trình dài như tôi đã nói ở những phần trên.
Sau năm 1975, với hiệp định Paris, tôi đã ở lại Việt Nam với mục đích góp phần xây dựng đất nước. Nhưng sau 16 tháng, thay vì hòa hợp hòa giải dân tộc như chính quyền Hà Nội đã long trọng ký kết, tôi chỉ thấy đàn áp, không khí ngột ngạt, cướp bóc hoặc công khai như đuổi nhà, tịch thu vơ vét tài sản của dân, hoặc gián tiếp như đổi tiền và nhất là thủ đoạn lừa bịp để bắt sĩ quan, công chức miền Nam đi học tập cải tạo – đúng ra là đi tù khổ sai vô hạn định. Tôi đã hoàn toàn hết tín nhiệm vào Đảng Cộng sản và Chính quyền ngoài Bắc và tôi đã bỏ nước ra đi.
Việc ở lại một năm rưỡi khi Sài Gòn thất thủ cũng có cái hay là giúp tôi thấy rõ bản chất xảo trá và tàn ác không thể thay đổi được của bè lũ Cộng sản: Trước kia, dân Việt Nam đã bị Hồ Chí Minh lừa đem đấu tranh giai cấp vào cuộc kháng chiến giành độc lập nay lại bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ lừa - lần này chẳng những lừa dân Việt Nam mà còn lừa cả Thế giới khi không thi hành hiệp định Paris. Bởi vậy, tôi dứt khoát hẳn với chúng.
Có người bạn làm bác sĩ tên Xuân (tên giả) đã rời Việt Nam trước ngày 30.4.1975 gặp tôi khi tôi mới sang Canada nói anh cứ phân vân không hiểu anh ra đi như vậy có đúng không; ngược lại anh Vũ Hữu Nghi (đã mất), bạn dạy trường Trung học Võ Tánh với tôi ở lại thì tiếc đã không bắt chước tôi vượt biển lo cho tương lai con cái (nay mấy đứa con anh đều đã ra đi, ở Mỹ hay Pháp); còn chị Tâm (tên giả), giáo sư trường Nữ Trung học Nha Trang thì hối hận vì đã không bỏ nước nên các cháu tuy học giỏi mà phải làm những việc không ra gì.
Bây giờ ôn lại, tôi không hề tiếc về những quyết định quan trọng của mình và cho là tôi đã có những hành động đúng:
- Thứ nhất, tôi đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp vì lòng yêu nước vô bờ bến dù biết là có thể hy sinh đến tính mạng và tôi hãnh diện về điều đó. Năm 1951, ở Nghệ An, tôi nghe tin Phạm Duy đã “dinh tê”, ý nghĩ dinh tê cũng thoáng trong óc tôi, nhưng chỉ trong một chớp mắt, tôi cho là không thể được vì tuy không tán thành việc đấu tranh giai cấp của Cộng sản, tôi cho rằng dù sao cũng có chính nghĩa hơn là theo Pháp. Khi vào Nam, gặp những bạn học cũ thì nhiều người đã có những địa vị cao hay những bằng cấp lớn, tôi được an ủi và mừng thấy những bạn đó rất quý trọng tôi, có anh còn giới thiệu em gái cho tôi nữa.
- Thứ hai, khi nước nhà đã giành được độc lập, tôi thấy nhiệm vụ đã tròn, tôi đã quyết định vào Nam để mở rộng tầm mắt vì tôi thấy trong những năm kháng chiến dưới chế độ Cộng sản, có những điều tôi cho là vô lý, khó tin như nói Đảng luôn luôn đúng (bây giờ thì ai cũng thấy Đảng đã có những sai lầm nghiêm trọng); khi đọc duy vật lịch sử thì nghe nói xã hội loài người đi từ cuộc sống nguyên thủy trải qua những chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản rồi cuối cùng sẽ đi tới chế độ Cộng sản khoa học, tôi nghĩ sao lại quyết đoán như vậy mà chẳng có gì chứng minh cả? Thế rồi lại đặt ra bức màn sắt, bức màn tre để bưng bít thông tin làm tôi tự đặt ra nhiều nghi vấn. Quan trọng hơn hết là tôi không tán thành cuộc đấu tranh giai cấp vì nó chỉ là thay sự bất công này bằng một sự bất công khác và tôi thấy việc đấu tố địa chủ quá dã man, tàn ác!
- Thứ ba, sau khi Cộng sản chiếm được miền Nam, thấy chế độ lại có phần tệ hơn trước nhiều, tôi đã vượt biển ra đi tìm tự do.
3 - Về sự thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng Cộng sản cho là hoàn toàn do công lao của ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản. Tôi xin trích một đoạn trong bài tôi viết trong Tập san Y sĩ số 134 tháng 2-1997 của Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada dưới bút hiệu Lan Thạch tựa là “Vài ý kiến về bài “Tư tưởng Hà sĩ Phu có gì mới lạ?” của bác sĩ Nguyễn Gia Tiến về vấn đề này:
“... Ông Tiến nói trong suốt 50 năm lịch sử, người Quốc gia chưa bao giờ nhầm lẫn về bản chất của nhóm Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu chống Pháp 1945. Theo tôi thì ngược lai mới đúng! Trừ một số trí thức và người lãnh đạo các Đảng phái Quốc gia như Việt Nam Quốc Dân đảng, Đại Việt,.. hầu hết những người Việt Nam yêu nước hoặc đã không hiểu, hoặc đã nhầm lẫn về bản chất Cộng sản nên đã nhiệt tình tham gia hay ủng hộ Việt Minh để tranh đấu cho nền độc lập của đất nước. Bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ vào tháng 9 năm 1945, nhiều thanh niên tri thức yêu nước đã xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Và từ khi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, có thể nói một phần lớn nhân dân Việt Nam đã tham gia kháng chiến trong mọi ngành từ quân đội đến hành chánh, từ giao dục đến tư pháp,... hay ít nhất cũng tản cư không hợp tác với quân xâm lược.
Nếu ngươi dân, kể cả nhiều nhà trí thức không hiểu hay nhầm lẫn thì cũng dễ hiểu vì lúc đó, hầu như chẳng có ai có kinh nghiệm về Cộng sản và có rất ít hay không có sách vở, báo chí nói về Cộng sản, trừ vài tờ báo như tờ Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Đảng, chẳng có mấy hiệu quả trước kinh nghiệm tuyên truyền của cộng sản từ ngày 2-9-1945 đã nhanh tay chớp thời cơ cướp được chính quyền giành thế thượng phong. Tiếc là các Đảng phái Quốc gia dù được Quốc dân đảng Tàu giúp đỡ cũng không địch nổi Cộng sản, phải rút sang Tàu, thành thử Cộng sản nắm được quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi dân ta đã thắng được quân thực dân xâm lược, dù không ưa gì Cộng sản cũng phải công nhận phần nào công lao của Đảng Cộng sản.
Có người cho rằng, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì trước sau với trào lưu đả thực của lịch sử, nước ta cũng sẽ giành được độc lập như Algérie, Maroc, Nam Dương,... Điều đó không sai, nhưng chẳng may cho vận mệnh dân tộc ta, sự lãnh đạo của Cộng sản giành được độc lập cho nước ta đã là một thực thể lịch sử, chứ không phải là một huyền thoại như ông Tiến nói. Chúng ta công nhận mặt đó nhưng chúng ta chống điều cho rằng nhân dân phải biết ơn Đảng Cộng sản, nhà văn Dương Thu Hương đã nói thêm là "ngược lại Đảng Cộng sản cũng phải biết ơn nhân dân". Tôi đồng ý với Dương Thu Hương và thêm lý do là không có nhân dân, Đảng Cộng sản không thể thành công, còn nhân dân không có Đảng Cộng sản vẫn sẽ có độc lập và với một giá ít đắt đỏ hơn nhiều.
Đồng thời chúng ta cũng không bạch hóa những tội lỗi của Hồ Chí Minh, tay sai của Cộng sản Quốc tế đã đem giai cấp đấu tranh lồng vào cuộc kháng chiến chống thực dân, điều mà anh Hà Sĩ Phu gọi là ký sinh trùng của phong trào dân tộc, gây ra bao tội ác với nhân dân ta, làm cho dân tộc ta nghèo khổ, đất nước ta lụn bại như ngày nay, thua cả những nước xưa kém ta. Tôi nhớ cách đây không lâu, tôi được đọc một quyển sách nói về Đặng Tiểu Bình của một tác giả Mỹ, trong đó cho thấy Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đánh giá Mao trạch Đông là có công 7 phần và có tội 3 phần (Điều này cũng được báo Newsweek số đặc biệt về Đặng Tiểu Bình ngày 07/03/1997 nói đến). Lịch sử sau này sẽ đánh giá Hồ Chí Minh, riêng tôi thì cho rằng công may ra chỉ có 1 phần, còn tội thì phải tới 9 phần hay hơn nữa.’’
Để minh họa các tội ác của Hồ Chí Minh, tôi tạm đưa ra tài liệu sau đây của một tác giả mà tôi quên không ghi tên (có lẽ của anh Ngô Nhân Dụng):
“Việc áp đặt chủ nghĩa cộng sản Xít-ta-lin-nít trên vận mạng dân tộc Việt Nam là một tội ác. Những người đã sống ở miền Bắc đã chứng kiến các thảm họa do chính sách tập thể hóa, đánh tư sản, đấu tố giết người do Hồ Chí Minh chủ trương.
Nhưng nhiều người cả hai miền Nam-Bắc coi tội đó cũng còn nhẹ hơn tội gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn từ năm 1959 đến 1975 mà Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm làm chết hàng triệu thanh niên vì một chủ nghĩa sai lầm, vì áp dụng một chế độ tàn ác, ngu dốt, và tham nhũng tràn ngập, đúng là một tội ác lớn.
Nhưng nhiều người Việt ở trong nước bây giờ còn thấy một tội ác khác của Hồ Chí Minh, một tội lớn hơn nữa - Đó là tội hủy hoại cả nền đạo lý của dân tộc. Bao nhiêu điều nhân nghĩa tổ tiên truyền lại đã bị xóa bỏ, thay thế tất cả các giá trị bằng một lòng trung thành với Đảng, tức là trung thành mù quáng trước mệnh lệnh của bọn lãnh đạo Đảng. Bọn này sống giả dối, chuyên dùng thủ đoạn gian dối, độc ác, gieo những hạt giống xấu cho cả xã hội. Đó là di sản kinh hoàng nhất mà Hồ Chí Minh đã để lại trên đất nước ta.
Chiến tranh chấm dứt, cảnh chết chóc có thể quên đi sau mười năm. Kinh tế suy sụp có thể phục hồi dần dần sau khi chịu thay đổi cho người dân sinh hoạt tự do hơn. Nhưng một nền đạo lý bị tàn phá thì phải vài thế hệ mới tái lập được. Đó là tội ác lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam”.
Cho đến nay, tôi vẫn bảo lưu ý kiến nói trên của tôi về công và tội của Hồ Chí Minh và có phần mạnh hơn nữa vì năm đó tôi chưa có máy điện toán nên chưa biết việc Hồ Chí Minh, qua Phạm Văn Đồng, công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều người cứ đổ tội cho việc công nhận trên là do Đồng vì người ký là Đồng, thì cũng tội cho ông ta. Thật ra ông chỉ là người bảo sao làm vậy. Ông đã từng nói: “Làm thủ tướng thật tôi chẳng có quyền gì hết. Bộ trưởng hay thứ trưởng có phải do tôi chọn đâu, họ làm không tốt thì không phải lỗi tại tôi” (Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên) thì việc trọng đại tán thành bản công bố của Tàu hẳn ông ký chỉ vì cương vị ông phải làm. Bởi vậy tội là của Bộ Chính trị nói chung lúc bấy giờ, đứng đầu là Hồ Chí Minh, người có tội nặng nhất.
Tưởng cũng nên nhắc lại lời tuyên bố dưới đây của Trung Quốc khi đọc lại công hàm của ông Phạm Văn Đồng:
Thì ra trước đây, thấy các ngư phủ Việt Nam bị cấm đánh cá mỗi năm ba tháng, bị các tàu Trung cộng bắt, tịch thu, phạt vạ vì theo các thông tin của Tàu, họ đã đánh cá trong hải phận Trung Quốc và Hà Nội chỉ dám phản kháng lấy lệ. Tôi cũng lấy làm lạ chẳng lẽ bọn lãnh đạo CSVN lại quá hèn yếu như thế?
Nay đã rõ:
Tàu cộng nói rằng Biển Đông là của chúng vì trước kia Phạm Văn Đồng đã công nhận rồi. Và theo nguyên tắc Estoppel thì giờ không thể nói ngược lại được.
- Mới đây theo BBC ngày 20.7.2011, lần đầu tiên một tờ báo của Việt Nam (chắc thay mặt Đảng và ngụy quyền Cộng sản) đưa ra giải thích về nội dung công hàm của Phạm Văn Đồng:
Bối cảnh “phức tạp và cấp bách”.
Bài viết của Nhóm Phóng viên Biển Đông trên tờ Đại Đoàn kết phân tích về bối cảnh của bản Công hàm 1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc là thời điểm "có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo Luật pháp Quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan".
Trong bối cảnh đó, bản công hàm được giải thích là "đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp", tức "chỉ là những tuyên bố mang tính chính trị và ngoại giao chứ hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý".
Bài báo viết: "Nội dung công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Theo tôi, lập luận trên không vững vì tại sao tình hình phức tạp ở Tàu lúc đó có liên quan gì đến Việt Nam mà Đồng phải ký công hàm công nhận lời tuyên bố của Chu Ân Lai đòi lãnh hải Trung Quốc bao gồm luôn Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta?
Và công hàm đã quá rõ, đâu có cần phải tuyên bố từ bỏ chủ quyền.
Phải chăng vì đề phòng Mỹ chiếm Hoàng Sa nên phải giao cho Tàu “giữ hộ” (!?) hay vì tinh thần một thế giới đại đồng không tưởng, dù Hoàng Sa, Trường Sa thuộc ta hay thuộc Tàu cũng vậy thôi?
Theo tôi nghĩ thì lý do thực sự là vì vào thời điểm trên, CSVN đang dự trù kế hoạch "giải phóng" miền Nam, rất cần sự giúp đỡ của Tàu, dù có bị mất Hoàng Sa, Trường Sa. Chẳng qua chỉ là một sự đổi chác ngầm giữa hai bên.
Hồ Chí Minh đã từng kết tội Gia Long "cỏng rắn cắn gà nhà", nay chính Hồ Chí Minh lại "đuổi sói ra cổng trước, rước cọp vào cổng sau". Không phải từ ngày Phạm Văn Đồng ký công hàm mà ngay từ khi Hồ Chí Minh mời cố vấn Tàu sang giúp đánh Pháp khi Mao Trạch Đông thắng Tưởng giới Thạch vào 1949.
Hiện nay, Hà Nội cuống quýt bênh vực Phạm Văn Đồng chẳng qua chỉ là vì muốn người dân quên trách nhiệm của Hồ Chí Minh mà thôi.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cựu phóng viên đài VOA Nguyễn Vĩnh Châu của tạp chí Hợp lưu 106 vào tháng 01/2009, tiến sĩ sử Vũ Ngự Chiêu, người đã khám phá ra hồ sơ xin nhập học trường Thuộc Địa nhưng không được chấp nhận của Nguyễn Tất Thành, cho biết rằng: Người mà chúng ta biết như Hồ Chí Minh sau này đã rời nước không vì muốn tìm đường cứu nước, mà chỉ vì những tao ngộ bản thân (cha bị cách chức, tống giam, nên phải bỏ nửa chừng,...). Từ cổng hậu đóng kín của trường Thuộc địa, Hồ Chí Minh sẽ tìm thấy cánh cửa mở rộng của Đại Học Phương Đông của Liên Xô 12 năm sau...
Trả lời câu hỏi cuối cùng về công hay tội của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, TS Vũ Ngự Chiêu nói:
“Có lẽ còn quá sớm để đánh giá Hồ Chí Minh! Vấn đề tùy thuộc ở những gì những người kế vị Hồ Chí Minh sẽ thực hiện trong tương lai.”
Các bạn hãy đọc tiếp để thấy cái quan đã 40 năm dư, bây giờ đã đủ để định luận được chưa?
*
Tiếc thay, những người kế vị Hồ Chí Minh lại đã "học tập đúng theo gương bác Hồ" của chúng, đã nhường thêm đất đai bằng những bản hiệp ước phân định biên giới do Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng,… ký sau này. Hẳn nhưng hiệp ước này chứa nhiều bí ẩn nên không được công khai tuyên bố.
Sau đây là vài công trạng chính của Dũng, theo Bài "Thành tựu của Thủ tướng" đăng trên Dân Luận ngày 10/08/2011:
- Truy bức và bỏ tù rất nhiều luật sư, giới mà có thể nói hiểu biết về luật pháp vững hơn mọi giới khác, như là: Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Trần Đình Triển....
- Cho Trung Quốc khai thác Bauxite ở Lâm Đồng và Tây Nguyên.
- Khoảng 300.000 ha rừng đầu nguồn ở các khu vực trọng yếu của Việt Nam đã được cho nước ngoài thuê phần lớn là Trung Quốc.
- Cho Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án lớn, các nhà nhà máy nhiệt điện, điện đạm Cà Mau, xi măng, các dự án xây dựng,… dọc theo đất nước, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
- Giải thể Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS (Institude of Development Studies) - một viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt giải thể Tổ Tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam, gồm nhiều chuyên gia độc lập, ưu tú, do những người tiền nhiệm của ông đã lập ra.
Tuy chưa ký hiệp định nhượng đất nào nhưng những việc Nguyễn Tấn Dũng đã làm cũng không kém phần tai hại, quan trọng nhất về mặt quân sự.
Về mặt quân sự, việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một sai lầm nguy hiểm vì ai cũng biết ai chiếm được Tây Nguyên là rất dễ uy hiếp miền đồng bằng duyên hải; chính Cộng sản Bắc Việt trước kia cũng đã dùng Ban mê Thuột để làm bàn đạp tấn công Miền Trung; các rừng đầu nguồn dọc biên giới sẽ trở thành những căn cứ quân sự lý tưởng khi cần tấn công Việt Nam. Trung Quốc sẽ đem dân đến ở, lâu ngày sẽ trở thành dân bản xứ.
Hẳn Nguyễn Tấn Dũng và các cố vấn quân sự của hắn không thể không biết những điều đó. Nhưng một mặt, có tin cho biết Nông Đức Mạnh đã được Trung cộng thưởng 300 triệu USD, Dũng 150 triệu USD khi cho phép Tàu khai thác bauxite. Mặt khác, Dũng nói việc trên nằm trong chủ trương lớn của chính phủ. Phải chăng đó là những căn cứ, những lực lượng sẽ giúp Tàu xâm chiếm nước ta, phối hợp với một kế hoạch tấn công miền Bắc tương tự như kế hoạch A chế phục Việt Nam trong 31 ngày đã đăng trong Đối thoại ngày 7/08/2008 (Blog Hồ Gươm); hay cứu nguy cho bè lũ bán nước khi chúng bị dân chúng nổi dậy đánh chúng không còn đường thoát?
Tô giới Tàu ở Lâm Đồng
Như vậy, rõ ràng mất biển, mất đất cho Tàu là hậu quả của việc bán nước của đảng CSVN khởi đầu là từ Hồ Chí Minh.
Vua Lê thánh Tông xưa truyền lệnh: “Kẻ nào làm mất một tấc đất của đất nước là kẻ đó có trọng tội với Tổ tông”
Năm 1405, Hồ Quý Ly dưới sự đe dọa của vua Minh Vĩnh Lạc, sai Hoàng Hối Khanh làm sứ đi cắt đất, lấy Lộc Ninh, Cổ lâu 30 xã cho giặc Minh, đất bị mất rộng đến 5 ngày đường. Về việc này, sách Đại Việt Sử ký Tiền Biên ghi “Cái tội bán đất của Quý Ly, giết đi cũng không hết tội được’’ (“Khởi hành” số 58 tháng 8/2001)
Cái tội cắt đất và biển của Hồ Chí Minh và “hậu duệ’’ của Hồ cho Tàu ngày nay lớn hơn nhiều cho nên tội của nhà Hậu Hồ, nếu có thể nói như vậy, nặng hơn gấp bội và là một vết nhơ ngàn đời cũng không thể xóa được.
Than ôi! Bao đất đai biển cả, bao di tích sử oai hùng, bao cảnh đẹp, bao tài nguyên mà tổ tiên ta đã mất biết bao xương máu để gìn giữ, nay chỉ vì muốn duy trì độc quyền thống trị để hưởng những đặc quyền đặc lợi cho bản thân và gia đình, nên cả một bè lũ gian manh, phản quốc đã dâng cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Những đất đai mất đi gồm những điểm chiến lược đã giúp tổ tiên chúng ta chống nhiều cuộc xâm lăng của phương Bắc trong quá khứ, nay đã trở thành bàn đạp để phương Bắc trong tương lai có thể tấn công nước ta một cách dễ dàng (chú thích 1) và các đảo mà Hồ Chí Minh dâng cho Tàu không những làm ta mất đi bao nguồn hải sản dồi dào và những mỏ dầu vô giá, nay giúp Trung Quốc sau này có thể phong tỏa bờ biển chúng ta, gây bao khó khăn cho con cháu chúng ta trong việc bảo vệ đất nước.
Bởi vậy, theo tôi, tội nặng nhất của Hồ Chí Minh là tội đã nhường Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc: Nếu một nền đạo lý bị tàn phá phải vài thế hệ mới tái lập được thì đất, biển dâng cho kẻ thù truyền thống phương Bắc biết đến bao giờ mới thu hồi lại được, năm, mười thế hệ, hay mất hẳn giống như Lưỡng Quảng ngày xưa?
Một tờ báo mới đây cho biết các tư bản đỏ sau khi đã tham nhũng có tới hàng trăm, ngàn triệu đôla nay lại còn có một mong ước là tên chúng được đặt thành tên phố. Tôi nghĩ tới những tượng, đường phố trước kia mang tên các thực dân Pháp như Paul Bert, Henri Rivière, Francis Garnier, Gambetta, Harmand,… đã bị phá hủy hay xóa bỏ sau ngày 19.8.1945, thì một ngày không xa, những tượng, đường phố mang tên các thực dân bản xứ cũng không tránh khỏi cùng số phận. Đấy là chưa kể nếu có tượng để lưu tên thi rất có thể là những tượng giống như tượng Tần Cối và vợ quỳ lạy Nhạc Phi bên Tàu để làm gương cho hậu thế.
Tượng Tần Cối và vợ quỳ lạy Nhạc Phi tại TQ (nguồn: Wikipedia Nguồn các biếm họa: VN Exodus)
Bây giờ nghĩ lại, giá như còn ở lại thì tôi sẽ hối hận chừng nào vì vô tình đã trở thành đồng lõa với một đảng cướp lưu manh, một chế độ mang bao tội lỗi với dân tộc, đất nước.
Tất nhiên tôi thông cảm với nhiều người vì lý do này hay lý do khác phải sống dưới chế độ Cộng sản dù chẳng ưa gì chế độ đó và trân quý những ai đã hay đang chờ cơ hội để chống lại bọn bán nước và đặc biệt kính trọng những người chọn ở lại để tranh đấu cho dân chủ, độc lập của Tổ quốc và những bạn trẻ đang dấn thân, hy sinh tương lai đầy hứa hẹn của mình chỉ vì tương lai của đất nước.
KẾT
Cuối cùng, như tôi đã nói ở đầu bài trong phần 1, tôi ghi lại những kỷ niệm này đặc biệt là dành cho các bạn trẻ vào tuổi tôi hơn 50, 60 năm về trước, tôi muốn nhắn các bạn trẻ đó một đôi điều:
Tương lai đất nước chúng ta là ở trong tay các bạn. Nhiệm vụ của lớp người như chúng tôi đã sắp chấm dứt. Nhiệm vụ của các bạn ngày nay rất nặng nề để nước Việt Nam yêu quý của chúng ta không trở thành một tỉnh hay một chư hầu của Trung Quốc.
Trung Quốc ngày nay đang tiến bộ mạnh về kinh tế cũng như về quân sự. Nhưng các bạn nên nhớ rằng tuy vậy Trung Quốc cũng chưa mạnh bằng dưới thời nhà Nguyên lúc đó đã tạo ra một đế quốc rộng lớn lan rộng tới tận Đông Âu gồm cả Liên bang Xô Viết, các nước Hồi giáo Afghanistan, Iran, Irak rất cuồng tín, rất khó xâm chiếm, vậy mà ba lần bị nhà Trần đánh bại.
Hơn nữa thế giới ngày nay đâu có giống thời Thành Cát Tư Hãn Mông Cổ muốn làm mưa làm gió gì thì làm.
Từ khi Trung cộng lập huyện Tam Sa để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, với phong trào biểu tình chống Trung Quốc gần đây suốt mấy tháng trời liên tiếp tại Hà Nội và Sài Gòn, tôi rất mừng thấy tinh thần yêu nước của toàn dân Việt Nam già, trẻ, trai, gái, sinh viên, trí thức đã có cơ hội bùng nổ.
Biểu tình chỉ chấm dứt khi có lệnh của UBND Thành phố Hà Nội. Lệnh không có ai dám ký vì hẩn tên nào cũng biết đó là tội lỗi nên không dám gánh trách nhiệm.
Về vụ anh Vươn mới đây, theo ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ CSVN tại Thailand: "Tiếng súng hoa cải của anh Đoàn Văn Vươn mới đây chống lại các hành vi cưỡng đoạt của nhà cầm quyền nhân danh thực hiện “sự cưỡng chế theo luật” để thu hồi đất đai đã báo động nấc cao nhất người dân có thể làm gì và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.” (Bauxite VN 13-02-2012)
Điều đó cho thấy dân trí đã tăng thêm, một điều rất khích lệ.
Trong khi đó, xu hướng tiến tới dân chủ đa nguyên và nhân quyền ngày càng dâng cao trên toàn thế giới; Miến Điện là ví dụ mới nhất sau các vụ nổi dậy ở Tunisie, Ai cập, Libye. Các nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay nếu biết theo trào lưu tiến hóa của xã hội loài người là một điều may cho dân tộc và cho chính họ.
Dân tộc ta, với tinh thần bất khuất tự ngàn xưa, chẳng chóng thì chầy sẽ vượt qua thử thách hiện thời.
Dân ta đang cần những nhà lãnh đạo tài ba có thể tập hợp toàn dân đứng lên dẹp bọn phản quốc và xóa hẳn mọi ý đồ xâm lăng của kẻ thù truyền kiếp. Đất có tuần, dân có vận, chẳng qua vận mệnh dân ta chưa đến, thời cơ chưa tới, chúng ta cần kiên trì, một người nào đó sẽ xuất hiện là nhà lãnh đạo, đó rất có thể là người trong các bạn.
Cuối cùng tôi xin thưa với các bạn là tôi đã mất rất nhiều thì giờ để suy nghĩ xem mình có đánh giá Hồ Chí Minh vì định kiến hay không? Tôi đã cố xem Hồ Chí Minh có ưu điểm gì, có thật yêu nước không? Kết quả là tôi thấy Hồ Chí Minh không yêu nước từ khi theo Quốc tế đệ tam vì phải nguyện đặt quyền lợi dân tộc dưới quyền lợi Quốc tế. Chính Hồ Chí Minh đã từng khoe khoang khi so sánh một cách hỗn xược với đức Trần Hưng Đạo:
“Bác đánh quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi dẫn năm châu tới đại đồng”
Và khi chết ông ta đã mong trở về với Mác-Lê chứ không phải với tổ tiên của ông ta.
Có thể cho ông ta một vài ưu điểm như ông ta là một người khá thông minh, trung thành với một chủ nghĩa mà ông ta đã đeo đuổi.
Có một vấn đề tôi muốn đưa ra cùng các bạn đọc để xin các bạn cho ý kiến là vấn đề tôi đã nói ở trên là "... nếu có tượng để lưu tên thì rất có thể là những tượng giống như tượng Tần Cối và vợ quỳ lạy Nhạc Phi."
Có nên áp dụng việc đặt tượng như vậy đối với những tên bán nước ở VN không?
Nếu có thì lợi và hại ra sao?
Những tên nào nên tạc tượng?
Nếu chúng còn sống thì sao?
Đặt tượng ở đâu?,...
Bắt đầu tháng 6 năm 2008
Xong tháng 8 2010 Cập nhật tháng 3 năm 2012
.
.
.
No comments:
Post a Comment