Wednesday, April 4, 2012

NHỮNG GIẢI PHÁP CHO SÔNG HỒNG, DÒNG SÔNG ĐANG BỊ "BỨC TỬ" (Trọng Thành, RFI)



Trọng Thành   -   RFI
Thứ tư 04 Tháng Tư 2012

Quản lý sông Mê Kông từ nhiều năm nay đã trở thành một vấn đề quốc tế, trong khi đó, sông Hồng, con sông mang lại nguồn sống cho hàng chục triệu cư dân Việt Nam ở miền Bắc lại ít được chú ý. Không chỉ suy kiệt về nước, sông Hồng còn bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như từ bên kia biên giới. Giải pháp nào cho dòng sông đang rơi vào tình trạng bị « bức tử » ?

Nước bị suy kiệt và ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của hàng tỉ con người trên hành tinh chúng ta. Tại Việt Nam, trong vòng mươi năm trở lại đây, vấn đề có đủ nước và nước sạch đang được đặt ra ngày càng cấp thiết. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nhìn chung Việt Nam đang bị động trước những thách thức này. Vốn không phải là một quốc gia thiếu nước, nhưng hiểm họa không có đủ nước đang trở thành nhãn tiền đối với Việt Nam.

Bên cạnh nguồn nước mưa và các sông ngòi trong nước, hơn phân nửa lượng nước của Việt Nam đến từ các con sông xuyên quốc gia, đặc biệt là sông Mê Kông và sông Hồng. Quản lý sông Mê Kông từ nhiều năm nay đã trở thành một vấn đề quốc tế, trong khi đó, sông Hồng, con sông mang lại nguồn nước cho hàng chục triệu cư dân Việt Nam ở miền Bắc lại ít được chú ý.

Cho đến khi, cách đây ít năm, công luận đều sững sờ khi thấy con sông vốn mang hình ảnh phù sa cuồn cuộn chảy, bị cạn đáy vào mùa khô. Không chỉ suy kiệt về nước, sông Hồng còn bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải trong nước, cũng như từ bên kia biên giới. Hai ba năm trở lại đây, công luận lại ngỡ ngàng vì mực nước ở Lào Cai, cửa ngõ của dòng chính sông Hồng từ Trung Quốc sang nhiều lần xuống thấp đến mức kỷ lục và ô nhiễm đến mức không ngờ.
Giải pháp nào cho dòng sông đang rơi vào tình trạng bị « bức tử », như nhiều người nhận xét ?

Các khách mời trong chương trình tạp chí xã hội của RFI về chủ đề nước sông Hồng tuần này là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, giáo sư Ngô Đình Tuấn, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên Nước và Môi trường Đông Nam Á, bà Đỗ Hồng Phấn, cố vấn trưởng VNWP - Mạng lưới Cộng tác vì Nước Toàn cầu tại Việt Nam (từ Hà Nội) và ông Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế (từ Sài Gòn).

Không còn dòng sông ký ức

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn là một trong 17 nghệ sĩ đến từ năm nước Đông Nam Á tham gia vào cuộc triển lãm « Phong cảnh sông nước biến đổi », do Bảo tàng mỹ thuật VN và Viện Goethe tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 12 đến ngày 29/04/2012 (sau đó các tác phẩm sẽ được trưng bày tại TP HCM và thủ đô các nước Đông Nam Á khác). Tác phẩm được trưng bày thể hiện cái nhìn của các nghệ sĩ về sự thay đổi của các dòng sông lớn của khu vực, các sông Hồng, Mê Kông, Irrawaddy và Chaopraya. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giải thích nguồn cơn nào đã khiến ông chọn đề tài sông Hồng, khi tham gia triển lãm này:

« Tôi học nhiếp ảnh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ năm 2008. Khi tôi về nước năm 2009, tôi giật mình khi thấy sông Hồng … sông Hồng như trong ký ức gần như không còn nữa. Nước mất hết. Con sông gắn với những áng văn thơ của Việt Nam từ xưa đến giờ gần như không còn tồn tại nữa.
Chính vì ảm ảnh về thị giác ấy mà tôi tham gia dự án triển lãm này. Thật ra công việc này giúp tôi tìm lại nguồn cơn, vì sao nước ở phía dưới này nó lại cạn kiệt như thế. »

Quản lý tài nguyên nước : một công việc hết sức phức tạp

Các biện pháp giải quyết vấn đề sông Hồng bị suy kiệt và suy thoái, cần phải được đặt trong một tầm nhìn chung về tài nguyên nước tại Việt Nam và khu vực, và quá trình biến đổi khí hậu. Đó là cái nhìn của giáo sư Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á :

« Về vấn đề này, đứng ở góc độ nhà nước hiện nay là như thế này. Một là cố gắng tạo đồng thuận của các nước thượng nguồn, nhằm chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, đồng bộ, đại biểu, thông tin về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lãnh thổ nước mình.
Thứ hai, phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng các trạm quan trắc tại các sông xuyên biên giới : Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia.
Thứ ba là, ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng hàng năm, cả mùa lũ, lẫn mùa cạn.
Thứ tư là, tập trung nghiên cứu đầy đủ và tin cậy về quy hoạch phát triển nguồn nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, từ nay đến năm 2020, 2030 và 2050, tại hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, xét đến các hoạt động kinh tế xã hội tại các nước thượng nguồn, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành các hồ chứa ở các nước thượng nguồn và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời chống ngập úng cho các thành phố và các khu đô thị, các khu công nghiệp và các khu vực nông thôn.
Ý thứ năm là, sớm ban hành luật Tài nguyên nước sửa đổi và văn bản dưới luật để sớm đưa luật vào cuộc sống hàng ngày của người dân, và là cơ sở pháp lý quan trọng, cho việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông có chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường (...) ».

Quản lý tài nguyên nước là một chuyện rất phức tạp. Theo chuyên gia tư vấn về chính sách nước Marc Laimé, để quản lý được tài nguyên đặc biệt này, việc tiến hành các hợp tác và thương thuyết trên các cấp độ và qui mô khác nhau là điều mấu chốt. Sau đây là phát biểu của ông Marc Laimé với RFI, trước hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về nước lần thứ 6 ở Marseilles:

« Về vấn đề quản lý nước, không nên đặt tin tưởng vào một giải pháp mầu nhiệm trong nay mai, nhờ vào một tổ chức của LHQ chuyên về nước, nhờ sự ra đời của một loạt các hiệp định, hiệp ước. Toàn bộ sự khó khăn trong vấn đề này là ở chỗ : Việc cải thiện năng lực quản trị nước nằm ở công việc thương thuyết trên mọi cấp độ, cấp độ quốc tế đối với một số vấn đề, cấp độ quốc gia đối với một số vấn đề khác, cấp độ khu vực và cấp độ địa phương.
Cần phải có rất nhiều giải pháp thuộc đủ loại khác nhau. Với sự phức tạp của thực tế, không thể nào hy vọng có được một hiệp ước giải quyết trọn gói. Bởi vì, cùng một lúc cần phải nâng cao các hiểu biết về các nguồn tài nguyên nước, xây dựng các cơ sở hạ tầng giúp cho việc dự trữ và xử lý nước, điều khiển việc tiêu thụ và các tác động gây ô nhiễm, xem xét lại chính sách nông nghiệp, thiết lập các phương pháp phân xử mới giữa các nhu cầu sử dụng nước khác nhau.
Tất cả những điều này yêu cầu đòi hỏi phải có công nghệ, đòi hỏi năng lực điều hành đa cấp. Không thể nào làm được điều này chỉ với các lời tuyên bố. Đây là một quá trình lao động không ngừng, ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình quản lý nước. »

Trung Quốc hợp tác rất ít với Việt Nam trong việc quản lý sông Hồng

Bên cạnh việc xây dựng mới hệ thống quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, việc hợp tác quốc tế đối với con sông xuyên quốc gia như sông Hồng là một điều mang tính quyết định. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này hợp tác với phía Trung Quốc có thể coi là việc hết sức khó, bà Đỗ Hồng Phấn, cố vấn trưởng Mạng lưới Cộng tác vì Nước Việt Nam cho biết :

« Việt Nam đã từng đặt vấn đề với Trung Quốc nhiều rồi. Tỉnh liên quan đến mình là Vân Nam. Nhưng Vân Nam luôn luôn nói là phải hỏi ý kiến Trung ương, cho nên cũng chưa bao giờ họ cho tài liệu cả, cụ thể là về sông Hồng, sông Đà và sông Lô. »

Về vấn đề này, giáo sư Ngô Đình Tuấn bổ sung :

« Bộ Tài nguyên Môi trường đã cử nhiều đoàn, ở cấp thứ trưởng trở lên sang làm việc bên Trung Quốc. Hiệu quả là, họ cung cấp cho ta một số tài liệu về một số trạm khí tượng, thủy văn trong mùa lũ, còn mùa cạn thì không có. Thứ hai là, về yêu cầu của ta về thông tin, đặc biệt là về quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng, bên phần Trung Quốc, thì họ chưa cung cấp. Ngoài ra, các đoàn nghiên cứu khoa học có sang, bản thân tôi có sang, họ có cho một số tài liệu, nhưng đều là những cái đã in thành sách, còn những thông tin khác thì không đáp ứng được yêu cầu của ta ».

Quan niệm của Trung Quốc về tài nguyên nước xuyên biên giới lạc hậu so với thế giới

Hợp tác quốc tế để quản lý các dòng sông xuyên quốc gia, trong đó có sông Hồng là một vấn đề nan giải, tuy nhiên đây là một vấn đề liên quan trực tiếp đến hơn một nửa cư dân hành tinh, sống ở các vùng châu thổ của các con sông xuyên quốc gia. Căng thẳng về nước có thể là đầu mối cho những xung đột quốc gia. Hiện tại, như các nhận xét của giáo sư Ngô Đình Tuấn và bà Đỗ Hồng Phấn, hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam về sông Hồng chỉ vừa mới bắt đầu và sự đóng góp của Trung Quốc là rất ít. Bản thân Trung Quốc lại vốn là một trong ba quốc gia không tham gia vào Công ước LHQ về các dòng nước quốc tế 1997. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, luật pháp quốc tế về quản lý tài nguyên nước đã có nhiều phát triển. Từ Sài Gòn, chuyên gia luật quốc tế Hoàng Việt nhận định :

« Gần đây ở Việt Nam, bắt đầu hướng đến việc tìm hiểu luật pháp quốc tế (về nước sông xuyên quốc gia). Tôi xin nhắc lại một nhận xét rất quan trọng đã được một luật gia trình bày. Đó là chúng ta phải dựa vào luật pháp quốc tế, để yêu cầu Trung Quốc phải có những động thái thích hợp đối với việc kiểm soát và quản lý nước trên sông Hồng.
Trước đây, trên thế giới, có một số học thuyết cho rằng, các quốc gia có chủ quyền tuyệt đối trên phần dòng sông chảy vào lãnh thổ mình, hoặc nằm trên lãnh thổ mình. Có lẽ là bây giờ Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm tương tự như vậy : nước trên vùng sông của họ thì họ muốn làm gì thì làm. Thế nhưng, học thuyết chủ quyền tuyệt đối này cho đến bây giờ, thì ngay cả trong các điều ước quốc tế, các thực tiễn quốc gia, cũng như trong các án lệ quốc tế, các tòa án quốc tế và các trọng tài cũng bác bỏ học thuyết này, và không bao giờ coi đó là một nguồn.
Hiện bây giờ, trong các nguồn quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp về nước, cũng như là quản lý các nguồn nước quốc tế, có bốn nguyên tắc cơ bản.
Nguyên tắc thứ nhất là sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn nước quốc tế. Theo nguyên tắc này, thì tất cả các quốc gia nếu có các nguồn quốc tế, đều phải có quyền sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước đó. Trong khi sử dụng công bằng và hợp lý cái quyền của mình, thì các quốc gia này, cũng phải tôn trọng quyền sử dụng công bằng của các quốc gia láng giềng khác, cũng có chia sẻ nguồn nước đó.
Nguyên tắc thứ hai là, nguyên tắc nghĩa vụ không gây hại. Theo nghĩa vụ này, khi khai thác sử dụng và phát triển một nguồn nước quốc tế nằm trong phạm vi lãnh thổ của mình, thì quốc gia ven nguồn nước đó phải có nghĩa vụ không gây hại đáng kể về số lượng, cũng như chất lượng nước cho các quốc gia ven nguồn nước khác.
Nguyên tắc thứ ba là, nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia của mỗi nước, mỗi quốc gia quyết định có hợp tác hay không với các quốc gia khác. Tuy nhiên, một quốc gia ven nguồn nước sẽ phải hợp tác với một quốc gia khác trong trường hợp có những công trình ảnh hưởng, hoặc có thể gây ra các tác hại đáng kể đến quốc gia láng giềng khác. Ví dụ, Trung Quốc xây dựng các công trình thủy điện. Có công trình sát với biên giới Việt Nam chỉ có mười ba cây số. Tổng cộng họ đã xây 11 công trình. Nếu xảy ra một sự cố, 11 thủy điện này bị bể, thì hậu quả sẽ rất lớn đối với vùng hạ lưu. Chính vì vậy, trong thực tiễn quốc tế, cũng như nguyên tắc quốc tế đã được đặt là, trong trường hợp ấy, phải có sự hợp tác để ngăn chặn và giải quyết các hậu quả nếu có.
Nguyên tắc thứ tư là về nghĩa vụ bảo vệ môi trường nguồn nước. Mỗi quốc gia đều phải có nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái nước, cũng như ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm, bảo vệ dòng chảy tự nhiên.
Bây giờ thì khi Việt Nam tham gia đàm phán với Trung Quốc, thì Trung Quốc vẫn tự cho mình là một nước lớn, và vẫn cho rằng là, họ có toàn quyền trên vùng nước thuộc lãnh thổ của mình. Nhưng, rõ ràng là trong sự hợp tác quốc tế và theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế, thì Trung Quốc cũng phải có nghĩa vụ trao đổi, cũng như là gìn giữ để cho Việt Nam được hưởng đó. Nếu chúng ta biết sử dụng tốt các diễn đàn quốc tế, công luận quốc tế, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về các nguồn nước, thì có lẽ chúng ta có thể bảo vệ được lợi ích của chúng ta trên vùng nước sông Hồng, nguồn nước sông Hồng. »

Nhà nước - « người trông coi » tài nguyên nước

Để có thể hợp tác thực sự hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước, các quốc gia cần phải chấp nhận các thay đổi rất lớn trong quan niệm đối với tài nguyên nước. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI, Ông Bernard Barraque, giám đốc nghiên cứu của CNRS - Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp, tại CIRED (trung tâm quốc tế nghiên cứu về môi trường và phát triển), giải thích về điều này qua kinh nghiệm của Liên Hiệp Châu Âu và khu vực Cận đông:

« Tôi thấy Châu Âu, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu với chính sách về nước, đang làm được một việc có thể coi là mẫu mực. Đó là việc công nhận rằng, tài nguyên nước cần được chia sẻ một cách hợp lý và công bằng. Việc công nhận này đã dẫn đến sự biến đổi của các Nhà nước về bản chất, trong vấn đề này. Các Nhà nước không còn tuyên bố là chủ nhân của các nguồn tài nguyên nước.
Tôi dùng lại một câu nói của người đồng nghiệp của tôi, một trong các nhà luật học xuất sắc nhất của tổ chức FAO, người Ý. Nhà luật học nói, trước đây các Nhà nước coi mình là chủ nhân của các tài nguyên nước, thì bây giờ, ở những nơi nào mà mọi việc diễn ra tốt đẹp, thì chính là ở đó nhà nước chỉ đóng vai trò « người trông coi » các tài nguyên nước, và người đứng ra bảo đảm để sao cho, việc phân phối các nguồn tài nguyên nước giữa những người sử dụng, có thể diễn ra một cách hợp lý.
Cần phải chú ý rằng, các xung đột lớn về nước thường nổ ra trong nội bộ các quốc gia. Về con sông xuyên quốc gia Euphrades ở vùng Cận Đông, chính là ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, ở bên trong Syria và ở bên trong Irak, mà xung đột căng thẳng nhất. Có một bộ phim tài liệu rất thú vị về câu chuyện này cho thấy, sở dĩ có khả năng bùng nổ chiến tranh về nước giữa ba quốc gia kể trên, là vì tình hình nội bộ liên quan đến nước của từng quốc gia, đã hết sức phức tạp, hết sức mâu thuẫn.
Trở lại với kinh nghiệm Châu Âu, không chỉ các nhà nước lui về phía sau trên phương diện quyền sở hữu, mà các nhà nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu còn sẵn sàng hành động, khi nào việc chia sẻ tài nguyên nước không được thực hiện một cách công bằng và hợp lý, đặc biệt là bảo vệ chất lượng nước, như đòi hỏi của thông tư của Liên Hiệp Châu Âu về nước. »

« Núi liền núi, sông liền sông » : cái nhìn mới về quan niệm của một thời

Tạp chí về nước sông Hồng tạm khép lại với tiếng nói của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, tác giả các bức ảnh mang chủ đề « Dự cảm Sông », trong triển lãm về các con sông lớn ở Đông Nam Á sắp khai mạc. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn muốn sống lại quan niệm của một thời : « Núi liền núi, sông liền sông », qua một tác phẩm tham gia vào triển lãm ảnh:

« Thế hệ của bọn tôi, thế hệ 7x, thì không biết đến các chữ này. ‘‘Núi liền núi, sông liền sông’’ là một ám ảnh từ xưa đối với Việt Nam. Tôi viết sáu chữ ấy, bắt nguồn từ những ký ức trong quá khứ. Đến thế hệ của tôi bây giờ, tự dưng người ta lại nhắc lại sáu chữ này. Tôi muốn dùng khái niệm này để đưa lên thành một sự đối lập, so sánh với những hiện tượng đang còn, vẫn còn là những vấn đề rất là nóng trên dòng sông Hồng.
Tôi muốn nhìn dòng sông Hồng, như một thực thể sống. Nó không thể nào bị đối xử như là một cái đoạn rời ra, tự dưng tồn tại độc lập. Một đoạn như vậy phải bắt đầu từ đâu đấy ?! Nếu từ đâu đấy thì cũng phải ảnh hướng xuống phía dưới.
Sáu chữ này sau đó, tôi sẽ đặt để đúc đồng, gò nổi, giống như các chữ Phúc, Lộc, Thọ, được đặt vào khung kính, bây giờ đang rất thịnh hành ở Việt Nam. Người ta làm những chữ này vào mùa xuân, cho những ước muốn về tương lai. »

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn bà Đỗ Hồng Phấn, các ông Hoàng Việt, Ngô Đình Tuấn và Nguyễn Thế Sơn đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay.

Các bài liên quan :

.
.
.


No comments: