Hồn Việt Thế Kỷ 21
2011/12/23 at 23:05
Sáng mai thức dậy mơ thấy hòa bình[1]. Vẫn còn nhớ mang máng câu này không biết ở đâu.
Sáng mai thức dậy đứa cháu nói gì không hiểu. Khi hỏi nó chỉ tròn xue mắt, lắc đầu nguầy nguậy.
Sáng mai thức dậy lếch thếch ra đầu ngõ. Rừng cờ đỏ sao vàng, nửa quen nửa lạ[2].
Sáng mai thức dậy làm người xa lạ. Lưỡi cứng tiếng đầu đời, tiếng mẹ ru một thời.
Sáng mai thức dậy kết thúc đại hội Đảng vùng tự trị. Wen Zhong Zhi được bổ nhiệm Toàn quyền Yueh Nan.
Sáng mai thức dậy vực người với hồi tưởng năm xưa. Việt Nam, 2011.
Thế là đã thấm thoát gần 20 năm kể từ mùa hè năm ấy. Mười mấy cuộc biểu tình yêu nước bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Hà Nội, Sài Gòn. Các bạn mình cũng không ít người đã tham gia các cuộc biểu tình đó. Các em, chú, bác, ông, bà, ai ai cũng có mặt.
Phải rồi, chẳng quên nào anh Hải Điếu cày và cô Thanh Nghiên bị giam cầm cả vài năm trước. Cậu Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Huy Thức, ông Đặng Kim Anh lúc ấy đang thụ án dài. Anh Ba SG, Tạ Phong Tần bị bắt biệt tăm. Em Minh-Hạnh thì chôn vùi tuổi xuân vì tranh đấu cho những người lao động khốn cùng. Anh Cù Huy Hà Vũ con nuôi cụ Xuân Diệu cũng vừa bị vào tù. Paulus Lê Văn Sơn với mẹ già hấp hối chết dần trong mong mỏi. Rồi cô Minh Hằng thì bị tống vào tập trung cải tạo như thưở vừa chấm dứt chiến tranh. Cánh thanh niên bao nhiêu người biệt tăm tích. Cậu Hiếu, Người Buôn Gió, lúc ấy cũng đương đầu trước kiểu rập khuông vừa cảnh cáo vừa truy lùng nên chọn kháng cự bằng cách trốn chạy không biết đi đâu về đâu. Còn khối vạn người nữa, chẳng cách gì nhớ hết!
Lúc ấy mình làm gì nhỉ? Ồ, mình đã khôn ngoan tránh xa. Chỉ cần làm tốt trong chuyên môn. Chức danh và việc làm không cho phép mình vấy vào các “thế lực thù địch”. Chẳng gì mình cũng là thành phần trí thức chứ lỵ. Thức thời, thời phải thế.
Chẳng phải mình luôn tỏ ra là có tư duy độc lập trong vị thế trung lập đâu. Mình chỉ muốn chứng minh rằng-thì-là không hề bị ảnh hưởng bởi các thế lực lề phải-lề trái, chính thống-đối lập, truyền thống-đương đại, vân vân và v.v. Vì từng tuyên bố hoàn toàn khẳng định không thiên vị bên nào cơ mà.
Có kẻ phê phán rằng đó là trò sáu ngón (a sleight-of-hand) phủi bỏ trách nhiệm, dối lòng. Mặc kệ nó!
Có kẻ cho rằng mình chuyên xử dụng thủ thuật ngụy biện đánh tráo phạm trù, hoả mù bối cảnh cốt để lý giải cho quan điểm sai lệch. Hắn—một trong những kẻ suy diễn phê phán ấy—đặt câu hỏi phải chăng chỗ đứng trung lập thực sự là không thiên vị? Chưa hết. Nó lại quy kết rằng thực ra trung lập là tránh né xung đột giữa hai lực lượng đối lập nhau, và tiện bề nép bóng phe quyền thế để có lợi bản thân. Hắn lại còn chất vấn có thật sự tư duy độc lập thì không cần nền tảng? Rốt cuộc hắn bảo: núp bóng tư duy độc lập không dựa trên nền tảng quan điểm là tráo trở hầu phát ngôn theo hai mặt của một vấn đề. Mặc kệ nó!
Hắn kêu gào “giờ phẫn nộ![3]”. Mình trầm ngâm “chưa phải lúc!”
Chả phải là lỗi thằng khách quan, thằng lịch sử, thằng thiên tai, thằng thế lực thù địch, thằng đánh máy chứ có phải là lỗi của ai đâu nào mà kêu gào, mà phẫn nộ.
Mình là trí thức đứng trên thời cuộc. Không dính dáng với chính trị.
Mình chẳng phải lên tiếng. Vả lại được gì hay chỉ là rách việc (mất việc)?
…
…
…
Hà Nội bây giờ ra sao nhỉ? Nghe rằng cụ rùa đã vào lăng và Hồ Gươm lấp đất tạo mặt bằng cho phát triển đô thị. Biết làm gì, đến như mình đây cũng không được ở Hà Nội, thủ đô một thời.
À mình chợt nhớ ra rồi. Năm 2011, cũng là ba con giáp từ ngày binh lửa tàn vào năm 1975. Năm 2011 ấy đúng ra phải gọi là năm châm lửa.
Cuộc diễn biến hòa bình trong Bộ chính trị và Trung ương Đảng đã hoàn tất qua sắp xếp nhân sự. Phong hàm, phong tướng[4], phong học vị cho những mác lê, cái lưỡi và đầu gỗ. Tung hô vạn tuế mười sáu chữ vàng, bốn tốt để vùi con đỏ[5] vào vòng đói rách, mất đất canh nông, mất biển ngư trường.
Tiến trình diễn biến hòa bình trong lòng người dân Việt Nam bắt đầu sang trang. Hoàng Sa – Trường Sa trở thành ngôn từ nhạy cảm để không một cá nhân nào có quyền bày tỏ tình cảm yêu tổ quốc. Các tổ hợp thương mại, bất động sản, công trình đổi ruột sang tên qua các khoảng vốn đầu tư “lạ”. Rừng, mỏ khoán nhượng trăm năm. Cờ TQ sáu sao thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài truyền hình, và nghi thức ngoại giao quan hệ TQ. Phong trào phát huy “tư tưởng Hồ Chí Minh”, “giáo dục nhân dân”[6] về “láng giềng hữu nghị” về “ổn định hòa bình”.
Cờ TQ 6 sao (Nguồn: Reuters)
Khắp nơi đâu đó thầm thì âm vang tiếng uất nghẹn của những người yêu nước trong chốn lao tù[7]. Cứ thế dân đen nhẫn nhục, sĩ phu xu phụ, quan quân cầu vinh hưởng lợi[8]. Cao trào vô cảm xã hội và miễn nhiễm lương tâm lên đỉnh điểm cuối năm 2015, kết thúc một tiến trình diễn biến hòa bình hoàn toàn thắng lợi.
Yueh Nan – 2029.
Sáng nay thức dậy ai còn ai mất? Cậu Hán-Nôm vẫn còn lao cải. Người Buôn Gió thì cuốn theo gió bụi. Nguyễn Tiến Trung thụ án rồi trục xuất lưu vong. Huỳnh Thục Vy chung thân quản chế tại gia. Riêng anh André Menras giờ ra sao nhỉ sau khi hồi hương về cố quận Phú-lang-sa vì quốc tịch Việt đã xóa sổ? Còn ai hay mỗi mình ta, kẻ vật vờ sau những lọc lừa…mình lọc lừa mình lọc lừa hắn lọc lừa đời…đời lọc lừa mình lọc lừa chúng hắn lọc lừa lẫn nhau…
Sáng nay thức dậy nghĩ mình mới qua đời– hay mất tự bao giờ.
Sáng nay thức dậy qua một giấc ngủ dài. Giấc ngủ bao mươi năm chưa thức.
Sáng nay thức dậy trên đất nước ổn định “hòa bình”.
Sáng nay thức dậy mình là người Yueh Nan.
[1] “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình”, Nhật ký Đặng Thùy Trâm
[2] VN đón Tập Cận Bình bằng cờ Trung Quốc 6 sao – Một ngôi sao “lạ” xuất hiện trên cờ TQ, Đàn Chim Việt
[3] Giờ phẫn nộ!, Vietsoul21.net
[5] “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, Bình Ngô Đại Cáo
[6] Hình ảnh lá cờ TQ trong lễ đón Ông Tập Cận Bình, Blog Nguyễn Xuân Diện
[8] Đừng nói chuyện nhầm lẫn với những thằng bán nước, Dân làm báo
.
.
.
No comments:
Post a Comment