Sunday, December 18, 2011

VƯỢT MẶT - CÓ THỂ hay KHÔNG THỂ ? (Phạm Hoàng Diễm, Nguyễn Thái Học Foundation)



Vượt mặt  -  Có thể hay không thể ?  
Suy ngẫm về bài viết “Hãy đi trước Trung Quốc”  của tác giả Nguyễn Đại Việt
Bài Luận văn số 2 - Học Bổng Nguyễn Thái Học niên khóa 2011

Phạm Hoàng Diễm, thành viên NTHF
Dec 15, 2011

Tôi từng hòa vào dòng thanh niên hăng hái băng qua các con đường Lê Duẩn, Nam Kỳ, hô vang khẩu hiệu “Get out of our teritorial waters” trước khắp các tuyến đường và Đại sứ quán Trung Quốc, không phải để giận dữ trước những trò càn của họ đối với Trường Sa của Việt Nam mà để cho họ biết rằng sẽ luôn còn có cả một thế hệ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, không sợ bất cứ điều gì để giữ lại từng tấc đất của ông cha. Những lúc đó chẳng ai phân biệt trẻ già, sang hèn, tất cả chỉ đơn giản, chúng tôi là người Việt Nam.

Thế nhưng những việc làm ít ỏi đó của chúng tôi chỉ có thể làm một gã khổng lồ như Trung quốc sửng sốt và dè sẻm hơn hành động vì không phải người Việt nào cũng “sợ sệt và run rẩy”.

Grimlatanet đã từng nói “Chỉ có kẻ mạnh hơn mới làm kẻ khác kiêng nể”, vậy có thể nào làm một đất nước với diện tích chỉ bẳng 1/29, dân số chỉ vừa đến 7%, phải làm Trung quốc phải nể mặt ? Đừng vội lắc đầu nếu như chưa nhìn qua Nhật Bản hay Singapore; hơn nữa Nhật từng chiếm đóng Trung Quốc gần 200 năm, điều nào đã làm cho một đất nước Nhật bé nhỏ có thể ghìm cương một gã khổng lồ như Trung Quốc trong gần hai thế kỷ ? Đó không hẳn là do binh đội tinh nhuệ, vũ khí hiện đại mà điều cốt yếu chính ở tư tưởng, tư tưởng ”chinh phục”.

Cái tư tưởng ấy đã không những từng giúp Nhật Bản trở thành một cái tên khét tiếng trong bao cuộc tung hoành khắp Châu Á vào những năm giữa thế kỷ 20, mà tư tưởng ấy còn giúp một đất nước Nhật vốn “nghèo nàn” có thể đứng lên sau một đống đổ nát của chiến tranh một cách nhanh chóng và đẩy bản lĩnh, vươn mình trở thành một con rồng trên thế giới về kinh tế, khoa học kĩ thuật hay giáo dục. So với Trung Quốc, Việt Nam nào có khác Nhật, cũng mang sắc vóc của một cậu bé con bên gã khổng lồ, khác chăng Việt Nam không có cái tư tưởng chinh phục đó mà thôi.

Nguyễn Đại Việt trong một bài báo gửi BBC đã từng viết “Lãnh thổ Việt Nam nhỏ hơn và dân số ít hơn Trung quốc nhưng không có nghĩa là cần phải nghèo và lạc hậu hơn. Việt Nam vẫn có cơ hội và tiềm năng để trở thành một cường quốc kinh tế trước Hoa lục. Nhưng liệu rằng Việt Nam có dám mang tư tưởng đi trước nước láng giềng này không?”

Câu hỏi này là chỉ đơn giản là bảo “có hay không” nhưng vẫn phải làm bao nhiêu thế hệ phải băn khoăn lựa chọn.

Muốn vượt qua được Trung Quốc, phải thực hiểu Trung Quốc, vị trí và con đường đã dẫn đến Trung Quốc ngày nay, tận dụng cơ hội mà những nhược điểm trong quá trình phát triển quá nóng của Trung Quốc để lại. Từ đó, vạch rõ kế hoạch và định hướng một “tư tưởng chinh phục”, chinh phục ở đây phải hiểu là “Vượt mặt” chứ không phải là “đuổi kịp”, vì như thế cuối cùng Việt Nam cũng chỉ như một đứa trẻ lẽo đẽo chạy theo, đứng đằng sau và bị bắt nạt mọi lúc.

Lối đánh “Tiên phát chế nhân” là một lối đánh nổi tiếng trong binh pháp Tôn tử, cũng là chiêu thức mà người anh hùng Lý thường Kiệt đã sử đụng dể có thể tạo nên chiên thắng vang dội trên sông Như Nguyệt cách đây hơn 900 năm, chủ động đánh địch trước để giành thế phản công. Việt Nam cũng có thể như thế, “đánh Trung Quốc” trước để giành thế chủ động, hiển nhiên phải tự hiểu rằng đánh ở đây không phải là tấn công theo nghĩa đen mà là tấn công trên thương trường, vượt mặt Trung Quốc trong kinh tế, giành thế chủ động kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ nước nhà, dùng trí để thắng cường, ắt là cách giải quyết triệt để và bền lâu.

Trở lại với bài viết của Nguyễn Đại Việt trên BBC ngày 22 tháng 8 năm 2007, ông đã chỉ rõ cho ta ba nhược điểm lớn của Trung Quốc: “Thứ nhất là vì kiên trì đeo đuổi mô hình "kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN)", thứ hai là gánh nặng về dân số, và thứ ba là bị thế giới tự do xem là một hiểm họa đối với nền an ninh chung của nhân loại.”

Cả ba nhược điểm này đều là “gót chân Asin” chí mạng của Trung Quốc nhưng lại bị che đẩy bởi những lời nói bóng bẩy, những màn kịch xa hoa đắt tiền của đại lục. Hiện nay, không thể không phủ nhận rằng, tiếng nói của Trung Quốc thật sự có trọng lượng trên nhiều phương diện: là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chủ nhân chiếc ghế hội đồng thường trực của Liên Hợp Quốc và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Thế nhưng đó chỉ là ba phần nổi, bảy phần chìm của tảng băng mang tên Trung Quốc mới là thứ làm người ta e dè nhất. Trung Quốc phát triển nhanh chóng chủ yếu là nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài gần cả trăm tỷ đô đổ vào đây mỗi năm, điều này cho thấy Trung quốc phát triển không dựa vào nội lực của nền kinh tế mà là dựa vào ngoại lực bên ngoài. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay bị chi phối nặng nề bởi những công ty, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; các công ty Trung Quốc đang ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa có tập đoàn nào là có thể đạt được tầm vóc những ông trùm thế giới như Toyota, Microsoft hay GE.

Như Nguyễn Đại Việt đã viết, nguồn vốn khổng lổ đổ vào Trung Quốc phần lớn là do “sức lao động của hơn 1 tỷ dân tạo thành”, nếu như sức lao động ấy không đủ nhiều và rẻ đáp ứng được các tập đoàn, nếu như những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ dân tộc Trung Hoa trở thành hiểm họa thì sự rút lui của các công ty này không phải là không thể, lúc đó Trung Quốc sẽ ra sao? Đứng trên bàn chân kẻ khác, chưa bao giờ là an toàn.

Cái cách vươn mình của Trung Quốc đã không đủ vững chãi thì cái cách điều hành cho sự phát triển của Trung Quốc lại là sự đe dọa lớn đối với nền kinh tế này. Trung Quốc hô vang khẩu hiệu “phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ?” Thế nào là phát triển kinh tế theo lối định hướng xã hội chủ nghĩa ? Đó chẳng qua là một “xã hội không tưởng” mà thôi, con người phát triển là do những nỗ lực của bản thân, kẻ này khác kẻ khác là do họ chăm chỉ và cố gắng, không thể nào tạo dựng một xã hội mà kẻ làm và kẻ không làm đều có thể như nhau, đó chính là bất công; hơn nữa, với tư tưởng này Trung Quốc khó có thể gỡ bỏ những căn bệnh trầm kha là gốc rễ như “quan liêu” hay “tham nhũng”, để rồi chính những điều này lại gây ra một mối nguy mới “sự mâu thuẫn xã hội sâu sắc” , tính mất đoàn kết bên trong nội bộ sẽ là quả bom nổ chậm cho sự suy vong của bất cứ quốc gia nào.

Trung Quốc không những phải loay hoay giải quyết bài toán trong nước mà phải tìm lời giải cho “ ánh nhìn” của thế giới dành cho mình, đó không phải là một ánh nhìn ngưỡng mộ dành cho kẻ đứng đầu mà là e dè đề phòng với một nước bị coi là “hiểm họa của nền kinh tế”. Người dân nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu cho rằng Trung Quốc đã cướp đi công ăn việc làm của họ trước sự đổ bộ không ngừng nghỉ của hàng loạt các mặt hàng giá rẻ. Không những thế, những vụ phát giác về sữa có melamine hay sản phẩm đồ chơi độc hại nhiễm chì đang len lỏi khắp các ngõ ngách, làm người ta phải nhíu mày khi chọn lựa một món hàng “made in China”.

Bên cạnh đó, về chính trị, mặc dù “Biên giới trên lục địa của Trung quốc đi ngang qua 14 quốc gia láng giềng... Tuy là láng giềng, nhưng quan hệ giữa các lân quốc và Trung quốc không mấy tốt đẹp. Các quốc gia này xem Hoa lục là một hiểm họa hơn là một đồng minh, vì Trung quốc chưa bao giờ tỏ ra có thiện ý đối với các nước chung quanh, lại càng không muốn nhìn thấy họ vươn lên, cho dù sự vươn lên ấy sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định lâu dài cho toàn vùng.” Có thể thấy những mâu thuẫn gần đây của Việt Nam hay Philippines với Trung Quốc hẳn là một ví dụ điển hình.

Chính vì thế, nói về Trung Quốc, người ta luôn cảm giác không an toàn , giống hệt như là đánh bạn với một kẻ xấu. Sự bất ổn trong ngoài của Trung Quốc sẽ là một lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong việc lựa chọn con đường đi tới. Muốn hành động, trước hết Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng, phải xác định được vị trí của bản thân mình và phải nuôi được lý tưởng “chinh phục”.

Nên nhớ lý tưởng là điều kiện tiên quyết nếu muốn thực hiện bất cứ việc gì, nếu không có lý tưởng và lòng tin thì sẽ không bao giờ có thể vươn lên được. Muốn đi trước Trung Quốc thì ngay bây giờ phải lấy tư tưởng “Vượt mặt được Trung Quốc “ mà phấn đấu, nếu đã không dám nghĩ thì làm sao mà hành động ? Làm sao mà vươn lên? Làm sao có thể bảo vệ được đất nước, giang sơn ?

Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong việc nuôi dưỡng lý tưởng này. Là tương lai của đất nước thế hệ thanh niên cần có thêm quyết tâm ý chí, tự rèn luyện và học tập để có thể đưa đất nước tiến lên một cách vững chãi nhất, nuôi dưỡng lòng tự tôn, khao khát ý chí vươt qua nhưng vẫn phải ý thức rằng mình đang đứng tại đâu. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” lời nói của cổ nhân đến nay vẫn chưa một lần sai hỏng.

Hơn nữa cần có những nỗ lực trong những hoạt động xã hội để có thể gắn kết cộng đồng với nhau, cố gắng theo đuổi một nghiên cứu khoa học về các vấn đề của đất nước nếu có năng lực. Những công trình đề tài của Trung quốc là còn chưa nhiều thì ở Việt Nam những con số này còn quá ít ỏi, tận lực bỏ thời gian vào dây là cách làm tốt nhất để có thể xây dựng được cho tương lai nước nhà một tài nguyên khoa học, đó là nền tảng của sự phát triển. Hơn nữa, thanh niên còn cần phải có trách nhiệm trong những mối quan hệ với bạn bè quốc tế để đẩy mạnh vị thế và hình ảnh của Việt Nam.

Đất nước ta đang phát triển, là người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, chắc hẳn ai cũng có một lòng thành dành cho đất nước nhưng lòng thành ấy phải nên hóa hành động để có thể làm cho đất nước hưng thịnh hơn xưa.
Nuôi dưỡng lý tưởng cho bản thân, gầy dựng lòng tin cho chính mình, bắt đầu từ mỗi cá nhân sẽ tạo ra sự lan tỏa cho toàn dân tộc, gây dựng ý chí bên trong sẽ tạo ra thế vững chắc nhất cho sự đi lên, hãy làm ngay hôm nay để một ngày kia Việt Nam thực sự hóa rồng.

26.10.2011

Việt Nam hãy đi trước Trung Quốc, Nguyễn Đại Việt, BBC, 27.8.2007

Ảnh (NTHF): Tác giả Phạm Hoàng Diễm đang hoạt động xã hội.

.
.
.

No comments: