Tuesday, December 20, 2011

VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG & VẬN ĐỘNG TRÍ THỨC (Việt Hoàng, CH Nga)



Việt Hoàng
Thứ ba, 20 Tháng 12 2011 12:05

Khi nói đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (gọi tắt là Tập Hợp) một số người cho rằng đây là tổ chức chính trị "hàn lâm" hay "sa lông". Họ cho rằng một tổ chức chính trị thì không cần lý thuyết dài dòng mà nên hành động cụ thể bằng cách cử cán bộ đi sâu, đi sát vào các tầng lớp nhân dân nghèo khổ (như công nhân và nông dân) giác ngộ cho họ và khi có thời cơ thì đứng dậy làm cách mạng lật đổ chính quyền… Đây là mô hình làm cách mạng kiểu cộng sản trước đây và bây giờ vẫn được một số tổ chức chính trị ủng hộ và học tập.

Tập Hợp rõ ràng là không đi theo con đường này. Thay vì phương pháp "vận động quần chúng" nhân dân để làm một cuộc cách mạng "từ dưới lên", tức là một cuộc "cách mạng đường phố", Tập Hợp chọn phương pháp "vận động trí thức" để làm một cuộc cách mạng dân chủ "từ trên xuống", một cuộc cách mạng ôn hòa và không đổ máu.

Vì sao Tập Hợp chọn con đường này? Và liệu nó có kết quả hay không?

Đầu tiên phải nói ngay rằng, một cuộc cách mạng dù là "cách mạng dân chủ" thì bản chất của nó vẫn là một cuộc đổi đời cho cả dân tộc và toàn thể dân chúng, vì vậy không thể không có những nghiên cứu kỹ càng và cẩn thận. Không những thế, nó (các nghiên cứu này) cần được trình bày công khai cho mọi người dân được biết để cùng góp ý, chỉnh sửa và cuối cùng là để đi đến một sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân.

Hơn 600 năm trước, Nguyễn Trãi trong Đại Cáo Bình Ngô cho rằng muốn chiến thắng quân thù thì phải suy xét kỹ càng về sách lược đồng thời phải hiểu được tình thế, vận mệnh đất nước:
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

Vì thế, nếu ai đó cho rằng Tập Hợp là một tổ chức chính trị "hàn lâm" thì cũng đúng thôi, chúng tôi xin nhận. Chúng tôi cho rằng muốn hành động đúng và có kết quả tốt thì phải có tư tưởng, lý thuyết dẫn đường. Cách mạng khác với chơi xổ số, không thể trông chờ vào sự may rủi. Giới kinh doanh cũng có câu "làm ăn không tính, ở lính suốt đời".

Trong "Dự án chính trị" của mình, Tập Hợp không những đưa ra những phương pháp đấu tranh thiết lập dân chủ cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mà còn đi xa hơn nữa, đó là đề nghị một mô hình quản lý đất nước trong tương lai. Có thể có người cho rằng làm việc này là sớm, thế nhưng nhìn những gì đang diễn ra tại các nước Ả Rập vừa giành được dân chủ thì mọi người sẽ phải đồng tình và ủng hộ chúng tôi. Nhân dân Ai Cập vẫn phải xuống đường để đòi quân đội chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự, hơn 40 người chết để cuộc cách mạng dân chủ tại đây không chết yểu.

Lý do khiến Tập Hợp chọn phương pháp đấu tranh "vận động trí thức" thay vì "vận động quần chúng" là tránh để Việt Nam rơi vào hỗn loạn và đổ máu. Mọi cuộc cách mạng đường phố đều dẫn đến những hậu quả khôn lường và sẽ ảnh hưởng lâu dài cho tương lai đất nước. Bài học lịch sử từ việc "cướp chính quyền" bằng bạo lực của đảng cộng sản đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho dân tộc và đất nước, có lẽ, không ai không thấy. Vì vậy chúng tôi không muốn đi theo vết xe đổ đó.

Chúng ta phải làm cách mạng bằng con đường khác, văn minh hơn, nhân bản hơn và ít đổ vỡ hơn đó là cuộc cách mạng từ trên xuống ("diễn biến từ bên trong và bên trên" như báo chí lề phải vẫn hay cảnh báo mọi người). Để điều đó xảy ra thì trí thức Việt Nam phải thức tỉnh và nhập cuộc. Chính sự đoàn kết và sự dứt khoát của tầng lớp trí thức sẽ dẫn đến cuộc cách mạng này.

Liệu phương pháp mà Tập Hợp đề nghị trí thức Việt Nam hành động có thể thành công không?

Dứt khoát là sẽ thành công nếu trí thức Việt Nam chịu dấn thân, chấp nhận cùng đứng chung vào một tổ chức đối lập dân chủ.

Có người hỏi rằng tại sao Tập Hợp vẫn chưa thành công? Chúng tôi cho rằng chúng tôi không những sẽ không thành công mà còn có thể thất bại nếu trí thức Việt Nam không vượt qua được chính mình. Di sản của lịch sử và văn hóa Khổng Giáo vẫn còn là gánh nặng chưa thể trút khỏi suy nghĩ của nhiều trí thức Việt Nam. Di sản đó cần được rũ bỏ một cách dứt khoát để trí thức Việt Nam hiểu rằng đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau, nó không bao giờ là cuộc đấu tranh giữa các cá nhân, vì vậy phải có tổ chức. Không có tổ chức thì chúng ta sẽ không làm được gì và chế độ cộng sản vẫn tồn tại dù là tồn tại một cách dặt dẹo và vớ vẫn.

Chúng tôi tin rằng trí thức Việt Nam hiểu và ủng hộ Tập Hợp nhưng họ vẫn chưa tin rằng trí thức Việt Nam có thể làm được cuộc cách mạng dân chủ bất bạo động. Họ cho rằng mọi chế độ độc tài chỉ chấp nhận rút lui khỏi chính trường sau một cuộc nổi dậy bằng bạo lực của dân chúng. Thật ra điều này không hoàn toàn sai vì các chế độ độc tài đều rất bảo thủ, cực đoan, cố chấp, tự tin một cách mù quáng và chỉ chịu nhường chỗ khi bị tiêu diệt. Thế nhưng độc tài, vì không có lý tưởng để gắn kết nên dễ tan vỡ. Ở nước Nga và Đông Âu trước đây và bây giờ là các nước Ả Rập, các chế độ độc tài đã kết thúc một cách rất nhanh chóng.

Muốn cuộc cách mạng nhung diễn ra ở Việt Nam thì tầng lớp trí thức cần nhập cuộc ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn và tiềm năng như Tập Hợp để tạo thành một đối lập dân chủ thật sự hùng mạnh. Như người viết đã từng đề nghị, chỉ cần vài nghìn trí thức Việt Nam thay vì viết thư ngỏ và kiến nghị bằng việc công khai đứng về phía Tập Hợp thì mọi sự sẽ nhanh chóng khác đi. Khi đó chính quyền phải tìm cách để đối thoại với Tập Hợp. Đối lập dân chủ càng mạnh chừng nào thì chính quyền phải nhường bước nhiều chừng ấy.

Thử nhìn trường hợp Miến Điện là thấy rõ. Nếu không có bà Aung San Suu Kyi và tổ chức "Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ" (NLD) thì làm sao Miến Điện có được những thay đổi kỳ diệu như vừa qua?

Một "Aung San Suu Kyi" của Việt Nam ở đâu? Tất nhiên người đó không thể từ trên trời rơi xuống, một "minh chúa" xuất hiện như một số người tưởng tượng sẽ không xảy ra. Trí thức Việt Nam đã không biết cách tạo dựng cho mình một lãnh tụ. Lãnh tụ đó không ở đâu xa mà luôn ở bên cạnh chúng ta. Thủ lĩnh của tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh nhất, được trí thức ủng hộ nhất, sẽ là lãnh tụ của đối lập. Người đó, nếu được đề cử thì người viết sẽ chọn ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông Kiểng được biết đến như là một nhà tư tưởng (người khai sáng) và một nhà cách mạng (người dẫn đường) xuất sắc nhất hiện nay.

Bản thân ông Kiểng cũng như Tập Hợp chỉ có một tham vọng duy nhất đó là động viên trí thức Việt Nam cùng đứng lên để thiết lập một chế độ dân chủ cho Việt Nam. Dưới chế độ dân chủ đó thì trí thức Việt nam phải là người dẫn đường và lãnh đạo của nhân dân. Chổ đứng của Tập Hợp sau này khi đất nước có dân chủ là do người dân Việt Nam quyết định. Tập Hợp tôn trọng luật chơi dân chủ và tôn trọng sự lựa chọn của người dân Việt Nam.

Một vấn đề mà trí thức Việt Nam cần thay đổi cách nhìn nhận ngay từ bây giờ, đó là sự e dè và sự thành kiến đối với các tổ chức chính trị. Họ cần phải hiểu một điều rất quan trọng là nếu không có sự tham gia của các tổ chức chính trị đối lập dân chủ vào chính trường thì sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào là thực chất.

Nói một cách ngắn gọn là nếu không có đối lập thì không có dân chủ. Còn việc tham gia hay ủng hộ một tổ chức chính trị nào đó lại là việc khác và rất quan trọng. Có những tổ chức đối lập cuội được chính quyền dựng ra làm cái bẫy bắt những người yêu nước.

Cách tốt nhất là nên ủng hộ những tổ chức chính trị đứng đắn đã có thời gian dài hoạt động để kiểm chứng như Tập Hợp, một tổ chức chính trị đối lập với hàng trăm con người với gần 30 năm gắn bó với nhau mà không có điều tiếng gì thì đó cũng đã là một kỷ lục cần ghi nhận.

Việt Hoàng (Cộng hòa Nga)
.
.
.

No comments: