Tuesday, December 20, 2011

KHẨN CẤP LÀM NGƯỜI ? (Nguyễn Gia Kiểng)



Nguyễn Gia Kiểng
Thứ ba, 20 Tháng 12 2011 15:31

Lịch sử sẽ ghi nhận năm 2011 như là một năm rất khác thường, mở đầu một cách buồn nản và đen tối rồi kết thúc với đầy biến cố, thử thách và hy vọng.

Nó bắt đầu với thảm kịch nói lên sự nhục nhằn của người dân và sự vênh váo của các chế độ độc tài bạo ngược. Tại một thị trấn nhỏ không ai biết đến của nước Tunisia một thanh niên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp phải đi bán rau bị công an tát tai. Uất ức quá anh ta tự thiêu. Sinh viên xuống đường biểu tình và chính quyền Ben Ali thẳng tay đàn áp như thường lệ. Các chế độ độc tài Ả Rập tỏ ra rất vững vàng với các lãnh tụ giàu có ghê gớm và nắm chắc công an, quân đội. Trung Quốc được ca tụng như là một phép mầu kinh tế vì vẫn tăng trưởng mạnh mẽ như không hề có khủng hoảng toàn cầu. Tại Nga những thăm dò dư luận vẫn cho thấy Putin không những được tín nhiệm mà còn được ngưỡng mộ. Tại Việt Nam Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ đang bị bắt giam một cách tùy tiện chờ ra tòa lãnh án; cả hai sẽ bị xử những bản án rất nặng ngay sau đó; đàn áp chính trị đã gia tăng rõ rệt từ hơn một năm trước với những án tù hung bạo mà không gặp phản ứng đáng kể nào; đại hội 11 của Đảng Cộng Sản xác nhận quyền lực áp đảo của Nguyễn Tấn Dũng, người chủ trương đàn áp thẳng tay. Các chế độ độc tài xem ra vững chắc hơn bao giờ hết. Nhất là các nước dân chủ lớn lại đều khốn đốn trong khủng hoảng kinh tế. Những người dân chủ có mọi lý do để thất vọng.

Nhưng rồi một cách rất không ngờ Ben Ali bỏ chạy khỏi Tunisia, Mubarak bị truất phế và bị đem xét xử tại Ai Cập. Các chế độ al-Assad tại Syria và Abdallah Saleh tại Yemen khốn đốn. Các chế độ quân chủ chuyên chính Maroc và Jordan vội vã tự cải tổ để dân chủ hoá. Với một vận tốc kỷ lục khối Ả Rập chuyển hóa về dân chủ. Biến cố trọng đại này cần được nhận định đúng với ý nghĩa lịch sử của nó. Sau các chế độ quân chủ thần quyền, chủ nghĩa quốc gia sô vanh, rồi chủ nghĩa cộng sản, Hồi Giáo là trở ngại lớn cuối cùng trong cuộc hành trình của thế giới về dân chủ.

Như để tiếp nối Mùa Xuân Ả Râp, ngay gần chúng ta và một cách cũng bất ngờ không kém Miến Điện đột ngột phát động tiến trình dân chủ hóa.

Cuối năm đến lượt Trung Quốc và Nga, hai thành trì đồ sộ và kiên cố được coi là chỗ dựa của các chế độ độc tài, bắt đầu chao đảo.

Trái với mọi dự đoán, đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin đã chỉ được 49%, thay vì 65% bốn năm trước đây mặc dù những gian lận trắng trợn và chồng chất (số phiếu đếm được đã bằng 128% số cử tri mặc dù nhiều người đã tẩy chay). Nếu không nó chưa chắc đã được 30%. Một loạt biểu tình phản kháng rầm rộ đã nổ ra, ngay tại Petrograd, quê hương và sào huyệt của Putin. Thần tượng Putin đã sụp đổ. Putin có thễ vẫn sẽ được bầu làm tổng thống năm 2012 nhưng ông và chế độ của ông không còn có thể là chỗ dựa cho ai cả và có lẽ cũng không còn dám thách thức lương tâm thế giới để bảo vệ các chế độ bạo ngược anh em nữa. Còn Trung Quốc? Sự thực càng ngày càng được phơi bày. Biện minh duy nhất của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế, nhưng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ là một sự phá sản chưa tuyên bố. Người ta nể Trung Quốc vì số dự trữ ngoại tệ trên 2000 tỷ USD nhưng tổng số nợ không hy vọng đòi lại của các ngân hàng Trung Quốc có thể là 6000 tỷ hay nhiều hơn. Mỗi tỉnh của Trung Quốc đều là một nước Hy Lạp về mặt tài chính. Ngay cả những con số tăng trưởng sấp sỉ 10% của Trung Quốc có thể cũng chỉ là dối trá. Thực tế Trung Quốc không có 1350 triệu dân như hình ảnh thông thường; đó chỉ là một quốc gia với tối đa 100 triệu dân. Sức mạnh kinh tế của nó là khối 1250 triệu người nô lệ bị khai thác như những cỗ máy, phải làm việc đến kiệt sức và bị vất bỏ khi không còn sản xuất được. Chế độ này không thể sống khi khối người nô lệ nhận ra là họ cũng phải có quyền sống như những con người. Và họ đang ý thức được điều này nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại. Trung Quốc sắp lâm vào khủng hoảng, thậm chí bạo loạn, có thể ngay trong năm 2012 và sẽ không còn có thể là chỗ dựa cho một chế độ độc tài nào cả.

Năm 2011 đã là năm động đất và sóng thần đối với các chế độ độc tài.

Tuy vậy chúng ta chỉ có thể khẳng định năm 2012 sẽ là năm của một vận hội rất lớn cho cuộc vận động dân chủ sau khi giải tỏa hai lo âu.

Trước hết, thế giới đang khủng hoảng lớn, dân chủ và nhân quyền có thể không còn là những ưu tiên. Lo âu này tự nhiên nhưng không đúng. Một kịch bản đã trở thành quen thuộc: các thị trường chứng khoán xuống mạnh sau một tin xấu hay sau khi các định chế thẩm định (rating agency) bày tỏ sự quan ngại; các cấp lãnh đạo các nước lớn gặp nhau và đồng ý bơm thêm vài trăm tỷ USD vào sinh hoạt kinh tế; các thị trường chứng khoán phục hồi phần nào; cho đến khi một tin xấu khác đến, hoặc các chuyên gia nêu ra một lo âu khác v.v. Các hội nghị thượng đỉnh cũng đều giống nhau: chúng đều đi đến kết luận là phải thay đổi cơ cấu nhưng lại không đạt được tới đồng thuận về những biện pháp. Như vậy thì cuộc khủng hoảng này có nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Nó không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính bởi vì các biện pháp tài chính đã chỉ có tác dụng băng bó nhất thời. Nó cũng không hẳn là một cuộc khủng hoảng chính trị bởi vì người ta đã không thể đồng ý trên những thay đổi hiển nhiên. Thực tế nó là một cuộc khủng hoảng của các giá trị, như càng ngày người ta càng nhận ra. Người ta đã lơ là với các giá trị nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình và hợp tác và cho phát triển bền vững. Khủng hoảng giá trị tất nhiên đưa tới khủng hoảng chính trị bởi vì chế độ chính trị nào cũng được xây dựng trên một số giá trị. Đến lượt nó khủng hoảng chính trị tất nhiên đưa tới khủng hoảng kinh tế vì chính trị chi phối kinh tế.

Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ là hậu quả tự nhiên của chủ nghĩa thực tiễn (realism) đã ngự trị từ gần hai mươi năm qua. Năm 1992 Bill Clinton, một thanh niên trốn lính, thiếu cả kinh nghiệm lẫn đạo đức, đắc cử tổng thống Mỹ và thi hành triệt để chủ nghĩa thực tiễn mà ta có thể tóm tắt như sau: quyền lợi phải được được đặt lên trên hết và đặt ra trước hết; mỗi khi có xung đột giữa đạo đức và quyền lợi thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Khẩu hiệu của Clinton là "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid!), nghĩa là bất chấp tư tưởng chính trị và các giá trị đạo đức. Clinton đã bình thường hóa quan hệ với các chế độ bạo ngược, đã chấp nhận để chúng tha hồ đàn áp đối lập dân chủ nhân danh ổn định, mặc sức bóc lột công nhân và hủy hoại môi trường để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ. Với sức mạnh áp đảo của Hoa Kỳ Clinton cũng đã áp đặt chọn lựa thực tiễn này lên mọi quốc gia. Hậu quả là các chế độ độc tài bạo ngược được củng cố, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới; các nước dân chủ nợ nần chồng chất vì nhập siêu, trong khi những cấp lãnh đạo như Clinton không thể áp đặt những cố gắng mà chỉ có một chọn lựa là chạy trốn về phía trước, nghĩa là tiếp tục khuyến khích tiêu thụ và thả lỏng tín dụng làm trầm trọng thêm sự thâm thủng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng. Obama khi lên cầm quyền cũng muốn tiếp tục, và còn muốn đẩy mạnh hơn, chủ nghĩa thực tiễn. Ông đã chỉ thay đổi thái độ phần nào sau khi rõ ràng là chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản. Đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó không thực tiễn. Nó sai.

Giai đoạn Clinton cũng là giai đoạn Jacques Chirac cầm quyền tại Pháp. Chirac là một chính trị gia chuyên nghiệp và cũng là mẫu người làm chính trị đáng ghét nhất, nghĩa là chỉ biết có danh vọng, quyền lực và quyền lợi. Chirac là nguyên thủ quốc gia phương Tây duy nhất công khai tuyên bố, và tuyên bố nhiều lần, rằng dân chủ không phù hợp với các nước chưa phát triển. Với Mỹ và Pháp, trong tay những người cầm quyền "thực tiễn" như thế làn sóng dân chủ thứ ba, sau khi đạt tới cao điểm năm 1989 với sự sụp đổ của bức tường Berlin và năm 1991 với sự giải thể của Liên Bang Xô Viết, đã khựng hẳn lại. Và các chế độ bạo ngược được một giai đoan thoải mái.

Để có một ý niệm về sự tồi tệ của Clinton và Chirac trong thập niên 1990 xin nhắc lại một thảm kịch. Năm 1995, chính quyền độc tài quân phiệt Abacha tại Nigeria đã bắt giam và sau đó đem treo cổ nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và môi trường bằng đường lối ôn hòa Saro Wiwa cùng với năm chí hữu của ông chỉ vì năm trước đó, 1994, ông được giải Right Livelihood, một giải thưởng được nhiều người coi là tương đương với giải Nobel về hòa bình, và trở thành một biểu tượng. Clinton đã không dám can thiệp và lên án vì lý do là nếu như thế Abacha sẽ hủy bỏ các hợp đồng dầu khí đã ký với Hoa Kỳ và chuyển cho nước Pháp của Jacques Chirac bởi vì Chirac không lên tiếng.

Chủ nghĩa thực tiễn đã là chỗ dựa lý thuyết của các chế độ độc tài hậu cộng sản mà đặc tính chung là trần trụi về mặt tư tưởng và cầu mong thế giới cũng không có tư tưởng chính trị. Cuộc khủng hoảng này đang buộc thế giới xét lại từ nền tảng, nó là một thành tố cốt lõi của làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang sống. Từ cuộc xét lại đau nhức nhưng phải có này một trật tự thế giới mới sẽ hình thành, đặt nền tảng các giá trị dân chủ nhân quyền và môi sinh. Các chế độ độc tài bạo ngược sẽ bị nhìn như chúng phải được nhìn: những quái thai.

Có nên sợ rằng Trung Quốc trong cơn bối rối sắp tới sẽ gây hấn với bên ngoài trong mục đích tạo đoàn kết bên trong và Việt Nam sẽ lâm nguy không?

Tôi nghĩ là không. Lịch sử dài của Trung Quốc cho thấy là Trung Quốc chỉ gây hấn với bên ngoài khi mạnh bên trong. Trong lịch sử Trung Quốc các cuộc chiến đều được phát động trong những giai đoạn cường thịnh. Lý do là vì các chế độ chuyên chính Trung Quốc đều không đặt nền tảng trên một tinh thần quốc gia quá khích, như chế độ Quốc Xã Đức chẳng hạn, mà trên quan hệ thống trị và đàn áp, vì thế các chính quyền Trung Quốc không có khả năng kích thích tinh thần dân tộc trong những lúc chao đảo. Chúng ta chỉ cần cảnh giác chứ không có lý do để lo sợ.

Nhưng chúng ta đã chuẩn bị chưa hay sẽ lại bỏ lỡ cơ hội một lần nữa?

Câu hỏi càng nhức nối vì nếu so sánh với sự dũng cảm của người Ả Rập tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen và nhất là Syria hiện nay thì phải nói là chúng ta quá bạc nhược. Cũng đừng quên là chính quyền cộng sản Việt Nam chưa hề phải đương đầu với một cuộc biểu tình đòi dân chủ đáng kể nào. Thua xa Miến Điện, chúng ta chưa có một tổ chức dân chủ nào được thế giới biết đến và ủng hộ. Tại sao?

Phải gạt bỏ thẳng thắn và dứt khoát lập luận cho rằng đó là vì dân trí ta thấp kém. So với Tunisia và Ai Cập dân trí Việt Nam còn cao hơn nhiều, như tôi đã có dịp nhận xét tại chỗ. Quần chúng nào bị áp bức cũng sẵn sàng đứng dậy nhưng cũng chỉ đứng dậy nếu được động viên và lãnh đạo. Và đây là công việc của trí thức. Trong lịch sử thế giới cận đại cuộc đấu tranh thay đổi chế độ nào cũng đều do trí thức chủ xướng. Tình trạng rã rượi hiện nay chỉ là do trí thức Việt Nam kém. Kém về ý chí đấu tranh lẫn kém về kiến thức chính trị và kém về kỹ thuật đấu tranh chính trị. Chúng ta vẫn còn thiếu một tầng lớp trí thức chính trị. Chúng ta không biết nhưng cũng không muốn học hỏi.

Đó là do một di sản văn hóa. Hãy thử tưởng tượng nếu được nghe kể chuyện một người suốt đời chỉ mơ ước được làm tay sai không điều kiên cho một ông chủ, để rồi lúc nào cũng sợ sệt vì có thể bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí bị giết vì bất cứ lý do gì, và cho rằng sống như thế là vinh quang. Chúng ta sẽ nghĩ gì? Chắc chắn là chúng ta sẽ kinh hoàng không thể tin có thể có những người mắc bệnh tâm thần nặng đến như thế. Nhưng đó chính là nhân sinh quan của ông cha chúng ta. Các khai quốc công thần, anh hùng hào kiệt mà chúng ta tôn thờ đều như thế cả. Trí thức Việt Nam đã tôn sùng mẫu người đó trong cả ngàn năm mà không thấy có gì bất ổn. Trí thức Việt Nam vẫn còn không bình thường. Họ vẫn còn coi làm chính trị là để làm quan chứ không phải để thay đổi xã hội. Trí thức Việt Nam không phải là trí thức tranh đấu mà là trí thức phục vụ, và trong sự phục vụ cúi đầu đó họ đã bỏ mất một phần đáng kể tâm hồn. Văn hóa Khổng Giáo tàn phá trí tuệ và nhân cách của chúng ta một cách nghiêm trọng hơn là chúng ta tưởng.

Năm 2012 chưa đến nhưng có thể chúng ta đã lỡ hẹn rồi. Trừ ra nếu chúng ta vượt thoát khỏi được chính mình và khẩn cấp lấy quyết định sống như những con người bình thường, nhưng những con người.

Nguyễn Gia Kiểng
(12/2011)
.
.
.

No comments: