Monday, December 26, 2011

TUYẾT QUỐC SỈ (Nguyệt Quỳnh)



Nguyệt Quỳnh
Cập nhật: 25/12/2011

Nhấp chén rượu mài gươm giận chém đá.
Tấc cô thần nghịch tử có ai chia?
Buổi Âu phong Á vũ vẫn còn mê.
Chưa thức giấc cùng ta tuyết quốc sỉ?

Lý Đông A

Rửa nhục nước, tuyết quốc sỉ là mối quan tâm canh cánh của tiền nhân ta từ muôn đời. Người Việt Nam ta rất coi trọng việc giữ gìn thanh danh, phải chăng cũng chính điều này đã giữ cho dân ta đứng vững suốt một ngàn năm Bắc thuộc. Chủ nghĩa Đại Hán đã khiến Trung Quốc lúc nào cũng muốn thôn tính và biến nước ta thành một quận huyện của họ. Tuy nhiên, điều lạ lùng là chiếm trọn mảnh đất nhỏ bé đó lại là điều không dễ dàng gì đối với một đế quốc hùng mạnh như Trung Quốc. Với ý thức quốc gia rất sớm, tổ tiên ta đã chấp nhận hy sinh xương máu để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Nhiều phen tiền nhân ta đã đánh thắng, và đánh thắng một cách lẫy lừng những đội quân lừng danh, đập tan mộng xâm lăng của những vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc như Vương Triều của Hốt Tất Liệt, Vương Triều vua Càn Long… Tôi vẫn yêu vô cùng cái hình ảnh người lính trong những câu thơ của Bắc Phong:

Ánh mắt bừng lên lửa căm hờn
Theo người áo vải đất Tây Sơn
Đuổi giặc Mãn Thanh về Phương Bắc
Rồi cắp giáo đi giữa biên cương

Ngay từ thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ ngoài việc ra sức đồng hoá dân tộc ta về nhiều mặt, họ còn cho áp dụng luật pháp rất hà khắc, tàn bạo đối với những ai chống đối, thể hiện qua những hình phạt như xẻo mũi hay thích chữ vào mặt. Dù vậy vẫn không khuất phục được dân tộc Lạc Việt, những cuộc khởi nghĩa vẫn liên tiếp nổi lên bắt đầu bằng cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng. Sau khi hai bà thất trận, trầm mình ở sông Hát, Giao Châu lại trở lại thành một quận huyện trực thuộc nhà Hán. Để làm nhục dân ta, giặc cho thu hết các trống đồng, đồ bằng sắt, những biểu tượng của nền văn hoá Âu Lạc, đúc thành cột đồng Mã Viện với lời hăm doạ “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Cột đồng Mã Viện cho đến tận giờ không biết đã chôn vùi nơi nào, nhưng những nhục hình tàn bạo của giặc vẫn không dập tắt được các cuộc khởi nghĩa cho đến ngày người anh hùng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở trận Bạch Đằng, tự mình xưng vương hiệu, thành lập hẳn một triều đại, chính thức xác lập nền độc lập cho nước nhà.
Ngày nay, biển đông đang bị uy hiếp, tàu Trung Quốc ngang nhiên bắn giết ngư dân vô tội, ngang nhiên cắt dây cáp của các tầu Bình Minh,Viking II ngay trong thềm lục địa Việt Nam. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến những năm tháng lịch sử dưới triều Trần. Dân tộc Việt Nam đang bị thử thách, dân tộc Việt Nam đã từng bị thử thách, phải chăng chúng ta đang sống ở những giây phút gian nan quyết định sự sống còn của Đại Việt ngày xưa. Chỉ ở những giây phút này, tôi mới hiểu rõ những suy nghĩ có lẽ đã làm trắng những mái đầu, trắng những đêm sâu để câu trả lời được dâng lên bệ ngọc: hy sinh. “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh – hy sinh”.

Hy sinh. Hai chữ hy sinh quyết liệt chợt làm tôi thấm thía. Đó là xương, là máu của anh em của con cháu mình, trước khi biến thành lời rắn rỏi, thành những quyết tâm vàng đá hẳn đã có những dòng lệ nóng rơi trên tay áo vải của người cha người ông trong gia đình. Hy sinh. Chỉ ở những giây phút sinh tử này người ta mới cảm nhận được bao máu xương cha ông mình đã đổ xuống cho ngày nay ta ngửa mặt nhìn đời. Nếu không có những hy sinh cần thiết ấy có lẽ đất nước đã mất dấu trên bản đồ thế giới từ lâu. Và những hy sinh truyền đời của tiền nhân đã làm nên một tục lệ muôn đời của dân tộc, tục lệ thờ cúng những anh hùng, những thủ lĩnh.

Đối với dân tộc ta, không có cái nhục nào bằng Quốc nhục. Hãy lật trang sử mà xem dân ta rửa nhục nước trải bao thời đại thăng trầm của lịch sử. Khi Hốt Tất Liệt sai Sài Thung sang sứ nước ta, cậy thế nước lớn Sài Thung ngạo mạn, vô lễ cưỡi ngựa xông thẳng vào cấm thành. Bị quân vệ ngăn lại, hắn liền dùng roi quất mạnh vào đầu vào cổ quân ta. Được tin, vua Trần Nhân Tông bèn sai Thượng Tướng Chiêu Vương Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Sài Thung nằm khểnh trong phòng không thèm ra, Quang Khải đành phải lui về. Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra nỗi nhục chung của dân tộc trong bài Hịch Tướng Sĩ của ông:“…ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ…” Nỗi Quốc nhục bỗng nhanh chóng biến thành lời thề Sát thát trên cánh tay người tráng sĩ Đại Việt. Và chiến thắng lần thứ ba của quân dân ta đã khẳng định với quân thù về biên cương, về lãnh thổ của mình.

500 năm sau, đất nước lại rơi vào triều đại của hôn quân Lê Chiêu Thống. Sau khi ra đón đại quân của Tôn Sĩ Nghị vào thành Thăng Long, Lê Chiêu Thống hàng ngày chầu chực ở dinh Tôn Sĩ Nghị để nhận lệnh, thậm chí có lần hắn không thèm tiếp, đành phải bỏ ra về. Dân chúng Bắc Hà chán ngán nói với nhau: “Nước Nam ta từ khi có đế vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế”. Trước sự nhu nhược của Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị coi rẻ vua quan nhà Lê, để mặc cho lính Thanh tha hồ ra tay cướp bóc, hà hiếp dân lành. Căm giận trước cảnh đất nước bị quân giặc giày xéo, dân chúng Bắc Hà đã tìm về dưới ngọn cờ nghĩa của Tây Sơn. Chỉ trong vòng 10 ngày ngắn ngủi vua Quang Trung đã tập hợp được hơn 10 vạn quân ở Nghệ An. Chiến thắng Đống Đa là một chiến thắng thần tốc, chiến thắng của những con người muốn rửa nhục nước. Cuộc tiến quân của quân dân ta tuy âm thầm nhưng sấm sét như lời hịch xuất quân : “Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ ...” Chiến thắng chớp nhoáng này đã làm kinh hoàng cả triều đình Mãn Thanh và vị vua kiệt hiệt Càn Long.

Malcolm X bảo rằng: “Lịch sử là trí nhớ của con người, và nếu không có trí nhớ, con người thoái hóa thành con vật cấp thấp.”Chúng ta, kẻ thừa hưởng ân sủng những hy sinh của biết bao xương máu tiền nhân. Chúng ta, những giọt máu của những chiến binh ngày nào khắc trên cánh tay hai chữ Sát Thát. Một Cù Huy Hà Vũ đơn độc, một Điếu Cày tay không, một Đỗ thị Minh Hạnh chân yếu tay mềm cũng chấp nhận trả cái giá cho phẩm giá của quê hương. Khi vua ta là Lê Chiêu Thống, dân ta không ngồi yên cam chịu. Lúc nước nhà gặp nguy biến dân ta không khoanh tay đợi chờ một minh chúa. Tụ nghĩa Lam Sơn là một điển hình, ta đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi sau mười năm kháng chiến gian khổ. Chiến thắng đó là do sự đồng lòng cùng nhau quy tụ lại nơi rừng núi Lam Sơn để cùng phất cờ khởi nghĩa.

Ngày nay, dân ta đang sống trong bóng đêm của sự gian ác! Phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài làm nô lệ! Biển đảo quê hương đang mất dần, tổ quốc đang lâm nguy! Lãnh đạo đất nước ươn hèn chẳng khác gì Lê Chiêu Thống ngày xưa. Mặc cho lương dân vô tội bị bắn giết, ức hiếp ngay trên vùng biển quê mình, chúng cúi gập đầu chào đón quân xâm lược bằng lá cờ sáu sao, tự coi giang sơn tổ quốc tiền nhân gầy dựng là một quận huyện của Tàu. Nỗi nhục này là nỗi nhục chung cho cả dân tộc, cả người trong lẫn ngoài nước. Thiết tưởng lúc này đây, nếu không là lúc chúng ta cùng nhau “Tuyết Quốc Sỉ” thì còn chờ đợi ai làm thay cho mình. Lịch sử là trí nhớ của con người, trong mỗi giai đoạn khốn cùng - nếu cùng nhau - chúng ta sẽ chấm dứt mọi đau thương bằng một bình minh dân tộc.
.
.
.

No comments: