Friday, December 23, 2011

TRUNG QUỐC : THÊM MỘT NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN BỊ KẾT ÁN (BBC, RFI, VOA)


BBC
Cập nhật: 19:25 GMT - thứ sáu, 23 tháng 12, 2011

Cây viết người Trung Quốc Trần Vệ bị kết án chín năm tù vì tội "kích động lật đổ nhà nước".

Ông Trần đã công bố trên mạng một số bài tiểu luận, kêu gọi tự do ngôn luận và cải cách hệ thống độc đảng của Trung Quốc.
Ông là một trong số hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ hồi đầu năm nay, sau khi có những lời kêu gọi trên mạng là hãy tổ chức các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, với cảm hứng từ làn sóng nổi dậy ở Trung Đông.
Ông nói với tòa án ông không có tội và rằng "nền dân chủ sẽ thắng thế" ở Trung Quốc, các tường thuật đưa tin.
Ông Trần luôn luôn nhấn mạnh rằng ông chỉ đơn giản là thể hiện ý kiến của mình, theo đúng sự cho phép trong hiến pháp Trung Quốc.
Vợ ông nói với BBC rằng phiên tòa là "màn kịch" và bản án đã được quyết định trước khi phiên tòa được mở.
Bản cáo trạng được đưa ra đối với ông Trần đã liệt kê một số bài bài tiểu luận mà ông viết cho các trang web nước ngoài về các chủ đề gồm cả phần chỉ trích hệ thống chính trị ở Trung Quốc và ca ngợi sự phát triển của xã hội dân sự.

'Người yêu nước'
Phiên tòa kín diễn ra tại Toại Ninh kéo dài chỉ hai giờ đồng hồ. Ngoài án tù, ông Trần bị tước quyền hoạt động chính trị thêm hai năm nữa.
Người ta cho rằng đây là một trong những mức án nặng nề nhất đối với những trường hợp được cho là có liên quan tới Cách Mạng Hoa Nhài, tức nỗ lực nhằm áp dụng mô hình các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập vào Trung Quốc.
Luật sư của ông Trần, Trịnh Kiến Vĩ nói rằng sau khi nghe phán quyết, ông Trần nói với tòa án: "Độc tài sẽ thất bại, dân chủ sẽ thắng thế."

Vợ ông, Vương Hiểu Yến, nói với BBC rằng bà "rất bất bình" với phán quyết.
"Tôi nghĩ rằng phiên tòa hôm nay chỉ là buổi diễn. Đó chỉ là một vở kịch. Phán quyết đã được đưa ra từ trước. Họ không cho phép mọi người lên tiếng. Không có tự do ngôn luận."
Bà cho biết bài luận của ông đã bị hiểu sai ý nghĩa, bị bóp méo, và chồng bà chẳng làm gì để kích động lật đổ hết.
"Anh ấy là một người rất yêu nước. Anh đã chỉ trích Đảng Cộng sản, nhưng đó là nói ra sự thật. Đó không phải là lật đổ."
Bà Vương, người đã có mặt tại tòa án, cho biết chồng bà đã quyết định không kháng cáo, và rằng bà tôn trọng quyết định của ông.
"Anh ấy nói phán quyết sẽ được quyết định trước và có kháng cáo cũng chả giải quyết được gì. Anh ấy muốn hoàn thành án tù nhanh chóng để có thể về nhà," bà nói.
"Chúng tôi có một đứa con gái còn chưa tới 10 tuổi. Tôi sẽ phải giải thích từ từ cho cháu hiểu vì sao cha nó phải ngồi tù."

Các nhà quan sát nhân quyền có mặt tại phiên toàn nói rằng tại đây đã có sự hiện diện của một lượng lớn cảnh sát và rằng có hai nhà hoạt động đã bị đem đi thẩm vấn.

Nhóm vận động Nhân quyền tại Trung Quốc (HRC) nói bà Vương và các thành viên khác trong gia đình ông Trần đã phải đối mặt với sự sách nhiễu từ cảnh sát trong thời gian ông bị tạm giam, và rằng ông Trần đã chỉ được gặp luật sư có hai lần kể từ khi bị bắt giữ.
Nhóm này nói các luật sư biện hộ được thông báo phải trình bày ngắn gọn tại tòa, một dấu hiệu cho thấy giới chức muốn chóng vánh kết thúc phiên xử.
Ông Trần là một người lâu nay ủng hộ đường lối dân chủ, từng bị tù do tham gia phong trào biểu tình của sinh viên hồi năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn.
Ông cũng là người tham gia ký bản Hiến chương 08 - một bản tuyên ngôn đòi cải cách dân chủ do người được trao giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba đồng chấp bút.
Ông Lưu đang chịu án tù 11 năm vì giữ vai trò trong việc in ấn tài liệu này, một bản án bị chính phủ nhiều nước cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên án rộng rãi.

------------------------------

Mai Vân   -   RFI
Thứ sáu 23 Tháng Mười Hai 2011

Ngày 23/12/2011, nhà văn Trung Quốc Trần Vệ bị kết án 9 năm tù với tội danh xúi giục lật đổ chính quyền. Là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giới đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc từ thời Thiên An Môn, ông đã bị Toà án thành phố Toại Trữ -Tứ Xuyên tuyên án sau một phiên xét xử không đầy 3 tiếng đồng hồ.

Một trong các luật sư của nhà văn, khi thông báo tin trên, đã phủ nhận mọi lời cáo buộc của chính quyền. Theo vị luật sư này ông Trần Vệ không có tội gì cả, “ông chỉ viết một số bài tiểu luận trong đó ông không bao giờ kêu gọi lật đổ chính quyền. Ông có chỉ trích đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng không có luật nào cấm đoán điều này.
Các luật sư bà chữa cho nhà văn Trần Vệ cho biết : sau khi nghe phán quyết của toà án, thân chủ của họ đã khẳng khái cho là ông vô tội, dân chủ sẽ thắng và chế độ của những kẻ độc tài sẽ cáo chung.

Nhà văn Trần Vệ là một trong những gương mặt nổi bật trong giới đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. Ông được biết đến trong phong trào Thiên An Môn 1989 và cũng là một trong những người đã ký tên vào bản Hiến chương 08, kêu gọi cải tổ dân chủ ở Trung Quốc.

Ông bị câu lưu vào tháng 2/2011 trong chiến dịch gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến tại Trung Quốc, sau hàng loạt lời kêu gọi tập hợp xuống đường trong tinh thần Cách mạng Hoa Lài.

Phiên tòa xét xử ông Trần Vệ diễn ra một tuần sau khi luật sư Cao Trí Thịnh, một gương mặt bảo vệ nhân quyền tên tuổi khác, bị đưa trở lại tù vì đã ‘‘vi phạm quy tắc tự do có điều kiện”.

--------------------------

Lisa Schlein  -  VOA | Geneva
Thứ Sáu, 23 tháng 12 2011

Các chuyên viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố giác Trung Quốc tiếp tục giam giữ bí mật ông Cao Trí Thạch, một luật sư nhân quyền có uy tín bị bắt năm 2006. Họ kêu gọi Trung Quốc phải trả tự do cho ông này.
Các chuyên viên Liên Hiệp Quốc lo ngại trước các tin tức gần đây nói rằng tòa án ở Bắc Kinh đã rút lại lệnh quản chế 5 năm của Cao Trí Thạch, thay vào đó là bản án tù 3 năm. Lẽ ra hình phạt quản chế sẽ chấm dứt tuần này.
Trong 20 tháng qua, không ai biết chỗ ở của ông Cao, khiến cho nhiều tổ chức nhân quyền lo ngại, kể cả bà Navi Pillay, giới chức đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Ông Rupert Colville, phát ngôn viên của bà Pillay cho biết:
“Trong 20 tháng qua, ông Cao đã bị Bộ Công An theo dõi chặt dưới dạng giống như giam lỏng tại nhà, tại một địa điểm không ai biết. Trường hợp này minh họa cho xu hướng giam giữ và mất tích bí mật của những nhà tranh đấu nhân quyền, một chuyện mà bà Pillay và các nhóm nhân quyền đã chỉ trích nhiều lần trong những năm vừa qua.”

Năm 2005, ông Cao bị thu giấy phép hành nghề luật sư, văn phòng ông bị đóng cửa, dường như là vì ông kêu gọi nhà chức trách ngưng truy bức các tổ chức tôn giáo.
Qua năm 2006 ông bị bắt vì các hoạt động nhân quyền và bị buộc tội âm mưu lật đổ chính phủ.

Phát ngôn viên Colville cho biết trong 7 tháng qua, Cao ủy nhân quyền Pillay 2 lần can thiệp cho ông Cao và những người khác, và theo ông hành động này không phải vô ích, vì mỗi lần Trung Quốc trả lời cho bà Pillay, chúng ta được biết thêm một số thông tin về ông Cao và những người khác.
Ông nói ông Cao tiếp tục bị giam là do Trung Quốc mới sửa đổi luật hình sự tố tụng, trong đó tạo điều kiện để chính quyền có thể giam giữ bí mật. Theo ông, sự sửa đổi này là một bước lùi nghiêm trọng cho các quyền dân sự và chính trị tại Trung Quốc.

.
.
.

No comments: