Hoài Hương-VOA
Thứ Hai, 12 tháng 12 2011
Ðại úy James Văn Thạch là một cựu quân nhân Mỹ gốc Việt đã phục vụ 2 tua liên tiếp trên chiến trường Iraq, nơi anh từng đóng vai trò cố vấn quân sự cho quân đội nước này. Đã 2 lần bị thương nặng trong khi thi hành nhiệm vụ, Đại úy James đang tiếp tục được điều trị về Hội chứng hậu Chấn thương tại Bệnh viện dành cho các cựu chiến binh ở vùng thủ đô DC.
Trong Câu Chuyện Việt Nam tuần này, Đại úy James Văn Thạch và mẹ anh, bà Ngọc Thị Thạch, chia sẻ những kinh nghiệm và hy sinh của anh, một trong những quân nhân Mỹ gốc Việt đã gia nhập quân ngũ để bảo vệ Hoa Kỳ chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Ðại úy James Văn Thạch và thân mẫu
Đại úy James Văn Thạch đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ tổng cộng 11 năm. Tốt nghiệp trường Đại học St Johns và trường Luật ở Long Island, New York, James quyết định tham gia lực lượng bộ binh sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Ngũ Giác Đài và Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ đài VOA, Đại Úy James nói rằng như trường hợp nhiều quân nhân đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, biến cố ngày 11 tháng 9 đã đóng vai trò quyết định trong những lựa chọn của anh:
Đại úy James: “Tôi quyết định là tôi có thể tiếp tay bằng cách gia nhập lực lượng bộ binh để chiến đấu cho tự do và bảo vệ Hoa Kỳ chống chủ nghĩa khủng bố. Tôi cảm thấy vụ đánh bom khủng bố tấn công Ngũ Giác Đài và Trung tâm Thương mại Thế giới là một cuộc tấn công phức tạp do những kẻ khủng bố thực hiện. Tôi tin rằng với kiến thức và trí tuệ của mình, tôi có thể trở thành một sĩ quan bộ binh giỏi, tôi tin là tôi có thể tận dụng những kinh nghiệm của gia đình bên ngoại tôi, từng phục vụ trong quân đội miền Nam Việt Nam.”
Biến cố ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi miền Nam mất vào tay Cộng sản miền Bắc, và những gì xảy đến cho thân nhân từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát và quân đội Việt nam Cộng hòa sau ngày 30 tháng Tư, nhiều người bị đưa vào các traị cải tạo, cũng để lại những ấn tượng sâu đậm. Đại úy James cho rằng, những kinh nghiệm cay đắng mà gia đình anh đã trải qua là yếu tố đã hun đúc tinh thần chiến đấu của anh trong cuộc chiến tranh chống khủng bố.
Đại úy James: “Nếu tôi không tiếp tay giúp Hoa Kỳ củng cố thành trì chống khủng bố, nếu Hoa Kỳ thất bại và chúng ta thua, mất đất nước này thì chúng ta sẽ đi đâu tỵ nạn đây? Gia đình mẹ tôi đã rời Việt Nam sau khi cộng sản chiếm miền Nam, nếu bây giờ Hoa Kỳ không còn an toàn nữa, thì chúng ta đi đâu bây giờ?”
Mặt khác, các ông cậu trong gia đình bên ngoại đã chia sẻ những kinh nghiệm chiến đấu của họ, điều mà Đại úy James cho là đã giúp anh chọn cách cư xử đúng đắn trong khi thi hành nhiệm vụ ở Iraq.
Đại úy James: “Gia đình bên ngoại tôi, có nhiều người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt tôi có một ông cậu là lính nhảy dù, lính mũ đỏ. Khi tôi còn nhỏ, cậu thường kể cho tôi nghe về những trận chiến ác liệt với cộng sản miền Bắc. Cậu dạy tôi rằng bất kể ý thức hệ của kẻ thù là gì, chúng ta vẫn phải tôn trọng kẻ thù của chúng ta, và phải chiến đấu với họ trên một sân chơi ngang hàng, bởi vì nếu không tôn trọng kẻ thù thì chúng ta chiến đấu cho cái gì chứ? Cậu tôi tên là Lâm, cậu Lâm dặn dò rằng khi sang tới Iraq, tôi phải tôn trọng kẻ thù và chiến đấu bằng tất cả trái tim, cậu nói rằng với ý tưởng đó trong tâm, tôi sẽ giúp Hoa Kỳ chiến thắng tại Iraq, và đánh bại được al-Qaida.”
Dù phải đương đầu với những phần tử khủng bố tàn bạo đã sát hại hàng ngàn người vô tội, Đại úy James dứt khoát khẳng định lập trường của anh, là tôn trọng các quyền của tù binh thù địch theo tinh thần công ước quốc tế.
Đại úy James nói: “Các phần tử khủng bố nước ngoài có mặt ở Iraq, nhiều người cũng bị tiêu diệt trong các trận giao chiến. Nhưng nếu họ bị thương, tôi phải đổi cách suy nghĩ của mình, và phải đối xử với họ như những chiến binh thù địch bị thương, phải bảo vệ họ theo đúng tinh thần Công ước Genève. Dù cho họ là những phần tử khủng bố, tôi phải dứt khoát trong tâm trí, về nhiệm vụ của mình phải bảo vệ các quyền của họ, bởi vì nếu tôi không bảo vệ quyền lợi cho họ, ai sẽ bảo vệ tôi nếu chẳng may tôi bị thương hay bị bọn khủng bố Iraq hay nước ngoài bắt làm tù binh? Thế cho nên mới có một câu châm ngôn khuyên rằng hãy đối xử với người khác theo cách mà chính bạn muốn được đối xử.”
Hai lần, Đại úy James Thạch bị thương nặng ở Iraq, một lần do một thiết bị nổ tự chế phát nổ, và lần thứ nhì khi một tên lửa Katyusha rơi trúng căn cứ quân sự nơi anh đang có mặt. Đứng cách địa điểm đó chỉ 20 mét, Đại úy James và nhiều binh sĩ Iraq đã bị sức mạnh của vụ nổ hất tung ra xa.
Đại úy James kể về những vết thương chiến tranh của anh như sau.
Đại úy James: “Tôi bị chấn thương não do bom nổ gây ra, ảnh hưởng tới lối suy nghĩ và cách nhận thức, ngoài ra khả năng nhớ những sự kiện mới xảy ra của tôi cũng kém đi, tôi còn mắc chứng sợ ánh sáng, nghĩa là mắt của tôi cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, vì vậy cần phải luôn luôn đeo kiếng mát, và đôi khi tôi bị chứng đau nửa đầu, có khi rất nhức nhối, ảnh hưởng tới nhãn quan, làm cho mắt trông thấy gì cũng mờ. Đôi khi tôi phải che một bên mắt trái vì như thế mới tập trung, và thấy rõ hơn với mắt phải.”
Đại úy James còn bị thương ở cổ, lưng và chân. Đôi khi, anh cần đến gậy hoặc dụng cụ giúp giữ thăng bằng để đi lại. Nếu phải đi bộ một khoảng cách xa, anh phải dùng tới xe lăn.
Nhưng ngoài những vết thương trông thấy được, còn có những vết thương thầm lặng.
Đại úy James chia sẻ: "Tôi còn được giúp các dịch vụ điều trị tâm lý tại bệnh viện dành cho cựu chiến binh, đôi khi ban đêm tôi gặp ác mộng vì đã từng thấy đồng đội bị thương hay bị giết, đôi khi tôi phải chứng kiến thường dân Iraq bị thương hay thiệt mạng. Rất tiếc là đôi khi họ trở thành nạn nhân bị kẹt giữa hai lằn đạn, kể cả các em nhỏ. Cho tới giờ tôi vẫn thấy được nét mặt của các nạn nhân trong tâm trí, và điều đó làm tôi rất đau lòng.”
Thân mẫu của Đại úy James bày tỏ cảm tưởng khi con bà trở về từ chiến trường Iraq.
Bà Ngọc nói: “Nó về thì mừng, nhưng mà bây giờ thì nó không có được bình thường. Nó bị PTSD (Hội chứng Hậu Chấn thương), thành thử phải đi bác sĩ... Nó không được trầm tính như lúc trước, với cái trí nhớ cũng không được bình thường. Nó học trường Luật, ra trường luật rồi mà bây giờ... Người Việt Nam mình thì rất là giỏi toán, hồi nhỏ thì tôi dạy cửu chương, nó học thuộc lòng mà bây giờ đếm số, nó phải đếm bằng tay.”
Chính những vết thương, cả tinh thần lẫn thể xác, đã buộc Đại úy James phải rời lực lượng tác chiến và sau này, từ bỏ quân ngũ.
Tuy vậy, trả lời câu hỏi liệu nếu được bắt đầu lại từ đầu, anh có quyết định gia nhập quân ngũ hay không, thì không một chút do dự, Đại Úy James khẳng định sẽ lại chọn đời lính, bất chấp những gì đã trải qua và những thương tích đang gây vô vàn khó khăn cho sinh hoạt thường nhật của anh.
Đại úy James nói thêm: “Vâng, tôi tin rằng tôi sẽ gia nhập quân đội lại, dựa trên sự khích lệ của gia đình bên ngoại đã từng phục vụ trong quân lực Việt nam Cộng hòa. Tôi tin rằng những hy sinh đó là điều cần làm, bất chấp những thương tích, và cho dù đôi khi rất khó có thể sống với những vết thương của mình, nhưng tôi đã học thiền và vẫn duy trì niềm tin và tư cách của một người Mỹ gốc Việt.”
Người quân nhân Mỹ gốc Việt đã được Quân đội Hoa Kỳ trao tặng Huy Chương Đồng để ghi nhận thành tích thành lập một căn cứ mang tên Tiền đồn Tác chiến Shocker ở đông bộ Iraq tại biên giới tiếp giáp với Iran. Căn cứ này được dùng để yểm trợ các cố vấn quân sự Mỹ làm việc với các sĩ quan Iraq nhằm duy trì và bảo vệ các chốt biên giới, đồng thời ngăn chận các hoạt động buôn lậu cũng như các hoạt động khủng bố xuyên biên giới.
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
.
.
.
No comments:
Post a Comment