Monday, December 19, 2011

RƯƠNG BÁU TRỊNH PHONG (truyện ngắn lịch sử của Đoàn Nhã Văn)



Ðoàn Nhã Văn
Thứ Sáu, 16 tháng 12 2011

Hai Hùng nằm ép người xuống đám cỏ tranh còn đẫm hơi sương, theo dõi bầy nai từ trên ngọn đồi thoai thoải đang từng bước xuống bên dưới, nơi những đám cỏ non xanh rờn thi nhau vụt lên trong những ngày đầu xuân. Hắn nằm im, cố nén hơi thở của mình. Tay đang cầm chiếc cung và một mũi tên đang chuẩn bị. Khi những chú nai tơ đến gần, Hai Hùng gắn mũi tên vào. Sợi dây cung được kéo căng không một tiếng động. Trong một tích tắc, một tiếp phập vang lên, bầy nai chạy ngược lên ngọn đồi. Một chú nai chồm tới trước rồi quỵ ngã.
Hắn được mọi người trong Thành tặng biệt danh "thần tiễn" với bách phát bách trúng. Mỗi lần hắn cầm cung tên ra đi, thì dường như ngày ấy binh lính trong thành được hưởng thịt tươi. Hai Hùng là con nhà võ. Người ta kể lại rằng, bố hắn là người Bình Định, nhưng vào lập nghiệp ở Phủ Bình Khang. Nhiều lần, ông tay không đã hạ được cọp, khiến nhiều người khâm phục. Mà cọp Khánh Hòa thì nổi tiếng từ lâu. Bởi thế mới có câu "Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận". Hai Hùng thừa hưởng võ nghệ của Cha. Sau này, hắn còn nổi tiếng hơn cha ở môn bắn cung. Hắn theo Bình Tây Đại Tướng của đất Khánh Hòa - Trịnh Phong - từ nhiều năm trước, sau khi cha hắn mất. Trịnh Phong xem hắn như một người thân tín.

*

Đã quá nửa giờ Tuất. Ánh trăng vằng vặt rọi nghiêng cửa Thành, hắt xuống một bóng đen dài. Bên trong thành, cả một vùng không gian im ắng. Đầu dãy nhà ở hướng tây, hai người lính, lưng đeo trường kiếm, đứng yên lặng như hai pho tượng. Nơi chiếc bàn gỗ, phía trước dãy nhà, ba bóng người đang thì thầm to nhỏ. Một người trong bọn họ có bộ râu quai nón thật đậm và đôi mắt sáng quắt. Hai người kia, một người dáng tầm thước nhưng hết sức rắn rỏi, và người nọ dong dỏng cao, da trắng. Họ đang nắm trọng trách đầu tàu của nghĩa quân theo lệnh Cần Vương chống Pháp, tại phủ Bình Khang.
Sáng nay, tin từ Phan Rí đưa ra, vài ngày nữa, quân Pháp sẽ theo đường thủy, đổ bộ lên Nha Trang, sau đó sẽ phối hợp với quân bộ đánh vào thành Diên Khánh. Từ chiều đến giờ, đã hết mấy tuần trà, cả ba cứ thì thầm to nhỏ. Họ đang tính toán cách nào để bảo tồn lực lượng, gầy dựng cơ sở, cất giấu binh lương, để chiến đấu lâu dài. Người có bộ râu quai nón thật đậm chính là "Bình Tây Đại Tướng" của đất khánh Hòa - Trịnh Phong, đang chia sẻ ý nghĩ của mình.
- Nếu chúng chỉ dựa vào súng trường cá nhân, chúng ta có thể giữ vững thành này không khó, dù vũ khí của mình thô sơ hơn. Tuy nhiên, ông nói chậm lại và giọng trầm xuống, nếu chúng sử dụng sơn pháo...
- Nếu quân đội chúng lên đến 500 và thêm sơn pháo thì đệ e rằng công cuộc giữ thành phải rất gian truân. Người có dáng tầm thước nói.
Cả ba im lặng thật lâu. Giữa một không gian tĩnh lặng, những chú dế uống sương đang gáy lên từng hồi rền rã như lay động cả ánh trăng vàng. Mãi một lúc sau, Trịnh Phong mới lên tiếng.
-Nếu bọn chúng sử dụng sơn pháo, chúng ta chỉ còn một con đường: bỏ thành.
Nói đến đây, khuôn mặt ông như dấy lên một niềm đau khó tả. Làm sao không đau, khi làm tướng không giữ được thành. Nhưng bây giờ, trên vai ông không phải chỉ có ông và một vài người thân tín, mà là bao nhiêu nhân mã trong thành, bao nhiêu thóc lúa từng dành dụm. Phải thoái một bước để giữ gìn lực lượng. Có lẽ hai người kia hiểu được nỗi đau của ông, nên ngồi im lặng.
Trịnh Phong lại lên tiếng:
-Có lẽ chúng ta sẽ thoái về vùng Ninh Hòa, Hòn Khói để bắt tay với Tổng Trấn Trần Đường. Hai huynh nghĩ sao?
Không một ai kịp lên tiếng. Ông dứt khoát:
-Khuya nay, Nguyễn huynh dẫn đầu đoàn binh mã, và di chuyển thóc lúa cùng những đồ dùng cần thiết đi trước. Lương thực mang theo càng nhiều càng tốt. Khi gặp Trần huynh, bàn với Trần Huynh là mình sẽ về rừng núi Hòn Khói, Hòn Hèo. Bằng mọi cách, huynh phải mang theo hai chiếc rương đó và bảo vệ cho bằng được. Đó là sự sống còn của chúng ta. Chỉ có ba chúng ta mới biết hai chiếc rương này. Ngoài Trần Huynh ra, sau này không cho bất kỳ một ai khác biết được. Còn Đoàn huynh và tôi sẽ ở lại đây cùng hai trăm binh mã gọn nhẹ. Khi cần, chúng tôi sẽ rời thành vào giờ phút mà địch không ngờ, mà không bị vướng bận. Cho nên, trách nhiệm của Nguyễn huynh nặng nề hơn chúng tôi nhiều lắm...
*

Sử chép rằng...
Ngày 5-7-1886, đội quân viễn chinh đổ bộ lên Phan Rí và đến cuối tháng 7-1886 thì chiếm xong Bình Thuận. Đầu tháng 8-1886, quân viễn chinh Pháp do đại úy Lhermitte chỉ huy với các loại vũ khí hạng nặng như sơn pháo 80, đội quân được trang bị bằng súng Grass do Trần Bá Lộc (Phủ Lộc) chỉ huy, đặt dưới quyền của Công sứ người Pháp E.Aymonier, bằng đường bộ và đường thủy tiến ra Khánh Hòa. Hai mũi giáp công, quân viễn chinh tấn công thành Diên Khánh....

Mặt trời mới chếch về hướng tây, nhưng mây đen vần vũ kéo về, báo hiệu những trận mưa lớn sẽ tới. Trịnh Phong đang đốc thúc quân sĩ chuẩn bị cho một trận chiến sống còn. Ông và những thủ lãnh ngày đêm đốc thúc quân lính luyện tập, không chỉ về vũ khí, mà còn về mặt tinh thần. Ông dấy lên trong lòng họ một niềm tự hào: chống Pháp để cứu giang san. Vì thế, tinh thần của họ rất cao, và dù vũ khí của binh lính khá thô sơ so với quân viễn chinh, nhưng cũng có nhiều loại khả dụng cho từng trường hợp.
Nhóm quân sĩ đánh gần thì được trang bị bằng giáo, đủ cỡ khác nhau, mà cây dài nhất cũng phải lên đến hai thước. Trong số những người sử dụng giáo, có những cây giáo có ngạnh ở thân dài khoảng 3 đến 4 tấc. Thân giáo có tiết diện vuông thon dần về mũi, ngạnh vuông nhọn dài khoảng 1 đến 2 tấc. Chuôi giáo có lỗ chốt đinh để gắn vào cán. Một số binh sĩ khác được trang bị bằng câu liêm. Đây là loại vũ khí khá phổ biến, rất dễ sử dụng trong cận chiến, vì có khả năng vừa bổ, vừa móc kẻ thù. Cấu tạo câu liêm cũng gồm 2 phần là mũi và chuôi tra cán. Mũi thẳng theo trục dọc của chuôi tra cán (phần giáo), sát đầu cán vòng ra một lưỡi hình trăng khuyết, đầu phẳng, sắc (phần câu). Phần cuối đốc câu tạo thành chuôi tra cán. Loại câu liêm này thì kích thước thường lớn hơn loại câu liêm gặt lúa thông thường, có độ dài khoảng 5-6 tấc. Đây là loại được rèn chế khá cầu kỳ.
Nhóm binh sĩ chuyên đánh xa thì có lao, móc câu, mũi tên. Lao là loại vũ khí có khả năng sát thương đối phương trong một khoảng cách xa. Sức đẩy vũ khí đi xa do sức của con người, và sức đẩy cơ học. Phần đầu của lao giống mũi tên có cánh lớn. Thông thường, có 2 hoặc 3 ngạnh, miệng tra cán dài, kích thước trung bình từ 2-3 tấc. Móc câu mà nghĩa quân đang sử dụng là loại móc câu chùm, hình dáng giống chiếc mỏ neo nhưng có 3 móc câu uốn cong lên, dùng để quăng, móc.
Và đặc biệt, toán quân sĩ sử dụng cung tên là toán quân thiện xạ dưới sự chỉ huy của Hai Hùng. Đây là toán quân mà Hai Hùng cho luyện tập ngày đêm, ở vườn chuối , sau thành Diên Khánh.
Khi trời bắt đầu chuyển mưa lâm râm, Viên đại úy Lhermitte ra lệnh nã những tràng súng, từng hồi, từng hồi vào thành. Hắn tính toán: pháo dập trước, sẽ làm hàng ngũ quân phòng bị trong thành hoang mang. Súng trường tấn công sau sẽ tiêu diệt hết, không chừa một mống. Hắn không muốn bất cứ kẻ nào chạy thoát. Bởi chạy thoát lúc này là đồng nghĩa với việc: hắn sẽ gặp lại sự kháng cự sau đó, và sẽ khó khăn hơn để nhổ cỏ tận gốc. Sau gần nửa tiếng nã pháo, hắn ra lệnh tấn công. Quân của Lhermitte với súng trường có gắn lưỡi lê, trong quân phục chỉnh tề, đồng loạt tiến về phía cổng thành. Quân của Trịnh Phong không hề nao núng. Toán quân của Hai Hùng từ xa, đồng loạt nhả tên. Có những kẻ bị trúng tên, khựng lại, nhưng toán quân viễn chinh vẫn đồng loạt tiến về phía trước, đạn bắn ra từng phát một về phía thành. Khi họ áp sát thành thì cũng là lúc hàng trăm nồi nước sôi từ trên thành dội xuống, cùng lúc hàng trăm móc câu phóng ra. Kẻ trúng đạn, người bị phỏng, kẻ bị thương la liệt. Tiếng la hét của cả hai bên vang dội khắp núi rừng lân cận, đến nỗi lũ cọp khét tiếng trong vùng cũng hoảng hồn bỏ chạy thục mạng vào rừng sâu. Máu thấm đỏ một góc thành.
Sau hơn nửa tiếng đồng hồ đánh nhau dữ dội, thấy không thể giải quyết nhanh, gọn như đã tính toán, Lhermitte cho lệnh rút quân. Và sau đó, cho quân di chuyển cách xa thành khoảng hơn 500 thước, dựng trại qua đêm. Hắn là con cáo già của chiến trường. Hắn sợ rằng, dàn quân cận thành sẽ bị quân Trịnh Phong lén đánh bất ngờ trong đêm. Nhưng con cáo già cũng có lúc lầm lẫn. Khi màn đêm vừa buông xuống, Trịnh Phong ra lệnh cho Hai Hùng chuẩn bị cuộc thoái lui để bảo toàn lực lượng như dự tính. Đầu giờ Hợi, trời trút nước dữ dội. Tín hiệu được đưa ra. Từng nhóm người đội mưa, lầm lủi rời khỏi thành. Màn đêm và mưa gió giúp họ vượt qua sự để ý của lính viễn chinh một cách dễ dàng. Gần hai trăm người, ngựa, những kẻ bị thương, cùng lương thực đã ra khỏi thành một cách an toàn. Ra khỏi thành, họ cho ngựa phi nước đại về hướng Bắc, bắt tay với nghĩa quân của Tổng Trấn Trần Đường.
*
Cả tháng nay, sau khi lui quân về đây, nghĩa quân của Trịnh Phong và Trần Đường đã đánh một trận sinh tử với địch phía đông bắc Ninh Hòa, bằng một trận phục kích, tạo nên một cơn gió lửa giữa một đồng cỏ hoang, mọc cao đến hơn đầu gối, đốt cháy và giết gần 300 tên địch. Sau trận phục kích đó, đoàn quân viễn chinh bắt đầu tấn công dữ dội lên căn cứ địa của nghĩa quân. Tấn công, rồi rút về. Tìm và diệt.
Để bảo tồn lực lượng, Trịnh Phong ém quân, trốn kỷ. Họ chỉ lộ diện khi cần. Mỗi lần xuất hiện là gây cho địch một tổn thất nào đó, và lại rút lên núi cao. Quân Pháp nhiều lần lùng sục, nhưng không tìm ra tông tích. Làm sao kiếm cho ra nghĩa quân giữa một vùng núi non rộng lớn và rất cheo leo, hiểm trở này.
Ba tuần rồi, quân Pháp kiên nhẫn đóng trong những vùng lân cận. Cũng ba tuần, nghĩa quân nằm ém chặt trên những ngọn núi của dãy Hòn Hèo. Lương thực cũng vơi dần. Trịnh Phong và những thủ lãnh của nghĩa quân bắt đầu bồn chồn, sốt ruột.
Sáng nay, Trịnh Phong cho gọi Hai Hùng và Sáu Nhỏ - tên bộ hạ thân tín của Hai Hùng - vào căn chòi trên đỉnh núi. Hắn có biệt danh Sáu nhỏ vì hắn thứ sáu, và người hắn nhỏ thó, hai tai vểnh lên, nhưng lúc nào cũng muốn nghe ngóng. Cặp mắt của hắn, khi nhìn ai là muốn lia một ánh mắt sắc lẻm về người đối diện. Lia tới, và kéo về lập tức, nhưng nắm bắt được ngay người đối diện đang nghĩ gì. Hắn theo Hai Hùng đã được gần ba năm. Một quãng thời gian đủ cho Hai Hùng và những người lãnh đạo nghĩa quân tin dùng.
Trịnh Phong giao cho Hai Hùng và Sáu Nhỏ một sứ mạng đặc biệt, liên hệ đến sống còn của nghĩa quân. Chiều hôm đó, khi màn đêm vừa buông xuống, Hai Hùng và Sáu Nhỏ bắt đầu xuống núi. Theo hẹn, đến chiều hôm sau, cả hai phải trở lại. Vậy mà, đã hai ngày đêm, vẫn chưa có tin tức của họ.
Trịnh Phong cùng vài người nữa đang bàn bạc nơi chiếc bàn, kê bằng một tảng đá lớn, kế bên căn chòi của ông. Trăng đã chếch ngang đầu núi, hắt xuống những chiếc bóng đen của ông và mấy cộng sự. Như con beo gấm của núi rừng, Trịnh Phong đánh hơi, thấy hiểm nguy đang giăng phía trước. Tờ mờ sáng hôm sau, Trịnh Phong cùng một người thân tín di chuyển từng chiếc rương vào thật sâu, trong một hang núi rất kín đáo. Một hang núi có miệng hang thật nhỏ, đủ một người lách vào, với cây mọc um tùm bên ngoài. Nhưng càng đi sâu vào trong, hang mở ra, đủ chỗ cho khoảng hơn 50 người ngồi quây quần.
*
Giữa căn phòng trống trải, thấp lè tè, ngọn đèn dầu chỉ đủ hắt ánh sáng lên mặt của những người chung quanh. Hai Hùng bị trói, hai tay bị bẻ quặt ra sau, ôm cây cột giữa nhà. Gã thông ngôn phừng phừng đôi mắt:
- Trịnh Phong trốn ở đâu?
Câu hỏi vừa dứt, chiếc roi da bò quất ngang ngực, để lại một tiếng vút, sắc gọn. Gã thông ngôn lập lại:
- Trịnh Phong trốn ở đâu?
Lần này, chiếc roi vứt ngang khuôn mặt. Một vết đỏ dài chạy theo bề ngang sống mũi. Máu mũi chảy ra từng giọt, từng giọt. Vẫn im lặng.
Roi da bò là loại roi bện xoắn lại bằng da bò, dài khoảng hơn một thước.
Trong tiếng nhịp tim của mình, Hai Hùng còn nghe tiếng la ở phòng bên. Vậy là Sáu nhỏ cũng đang bị tra tấn.
- Trịnh Phong trốn ở đâu?
Hai Hùng gióng tai nghe ngóng trong lúc đang bị tra tấn. Hai Hùng là con nhà võ, có thể chịu đựng những đòn thù dã man. Không một chút sợ hãi gợn lên trong lòng. Hắn chỉ sợ Sáu Nhỏ. Không phải lo sợ Sáu Nhỏ phản bội, mà là sợ y không chịu nổi những nhục hình.
Từng tràng roi vút xuống, vút xuống. Khuôn mặt nhòe máu, Hai Hùng vẹo đầu sang bên và nghe như cả người đang bay bỗng. Lúc đó, chiếc roi da bò mới ngưng lại.
Từ phòng bên cạnh, Sáu Nhỏ cũng chết đi sống lại nhiều lần dưới sự tra tấn của kẻ thù.
Khuya hôm ấy, khoảng đầu giờ Dần, trong lúc sức cùng lực kiệt, chúng lại lôi Hai Hùng và Sáu Nhỏ ra tra khảo tiếp. Lần này, chúng không còn sử dụng roi da bò nữa. Dụng cụ khổ hình đã nâng lên một bậc cao hơn. Chiếc roi tra khảo giờ này là chiếc roi vặn thừng, một phát minh thời bấy giờ trong kỷ nghệ tra tấn của người Pháp. Loại roi vặn thừng có gắn đinh ở phía cuối, mỗi lần đánh vào và khi nhấc roi lên, da thịt người tù dính theo từng mảng. Chỉ thấy thôi, cũng đã đủ kinh hoàng, nói gì đến bị tra khảo.
Lần này, chúng cột Hai Hùng giữa nhà. Đem chiếc ghế đặt không xa. Chúng cho Sáu Nhỏ ngồi lên, chứng kiến cảnh tra tấn.
Lại những câu hỏi cũ, xoay quanh việc Trịnh Phong và Trần Đường đang ẩn náu ở đâu.
Hai Hùng vẫn không hề hé môi. Chiếc roi vặn thừng quất ngang ngực. Và khi kéo về, một mảng da dính theo, máu ròng ròng chảy. Hai Hùng nén đau, không hề lên tiếng.
Chiếc roi vặn thừng lại vun vút trút xuống thị da của người nghĩa quân. Máu đã lênh láng trên sàn nhà. Sáu Nhỏ nhắm mắt, không dám nhìn từng lớp thịt da bị bóc trên cơ thể của Hai Hùng. Hắn thầm phục sự gan dạ của người đàn anh. Hai Hùng giờ như một cái xác.
Trưa hôm sau, đến lượt Sáu Nhỏ. Lần này, chúng đổi chiến thuật. Chúng ngon ngọt dụ dỗ Sáu Nhỏ. Nhưng anh chỉ một mực yên lặng. Chúng bảo: chỉ cần Sáu Nhỏ dẫn đường, sau khi bắt được Trịnh Phong, Sáu Nhỏ sẽ được thả ra, và còn được hưởng những bổng lộc khác, kể cả những tài sản của nghĩa quân...Không có gì dụ dỗ được anh. Anh không nhìn thẳng bọn chúng, mà nhìn ra xa thẳm, nghĩ về người Đại Tướng của mình....
Chúng lại dùng một hình thức mới, một cách tra tấn dã man khác. Cách tra tấn này tạo cho người bị tra tấn cái cảm giác mình đang bị chết chìm. Trước tiên, họ đặt Sáu nhỏ nằm trên một chiếc ghế gỗ, dài, mặt hướng lên trần nhà. Hai bên má có hai khúc cây ngắn chận lại, giữ cho cái đầu nằm yên một chỗ. Hai chân bị trói vào thân ghế. Hai tay bị trói, đưa qua khỏi đầu, buông thõng xuống dưới. Một tấm vải đen, tương đối dày, sợi to, phủ lên mặt của Sáu Nhỏ. Một vòi nước được nối vào một thùng nước rất lớn, từ từ chảy vào miệng, vào mũi của người nghĩa quân. Nước từ từ chảy. Kiểu tra tấn nay bắt buộc nạn nhân phải nuốt nước. Ban đầu, thấy kiểu này chẳng có gì đáng sợ. Vậy mà, chỉ từ phút thứ năm trở đi, Sáu Nhỏ đã choáng váng. Nước vào miệng, vào mũi ngày càng nhiều làm cho y không thở được. Nước cứ tiếp tục chảy...Họ cũng chẳng cần hỏi cung. Sáu Nhỏ như thấy mình chìm dần, chìm dần giữa một dòng nước xoáy. Cái ảo giác bị dìm chết bao trùm lấy Sáu Nhỏ. Y vẫn gan dạ, không khai báo. Mãi cho đến lúc, y thấy mình như chìm xuống dưới một đáy hồ mênh mông, nước lạnh ngắt, đôi chân như bị đeo đá, y cố trườn người lên mặt nước, nhưng đôi chân cứ kéo xuống. Đó là lúc y đưa đôi tay bị trói, khẳng khiu của mình lên khỏi đầu, như cố níu lấy vật gì, rồi hét lớn.....
Chỉ hai ngày sau, Trịnh Phong bị sa lưới. Sau đó, quân Pháp bủa đi lùng sục khắp nơi, nhưng vẫn không thể kiếm ra kho lương thực của nghĩa quân.
Buổi sáng tại pháp trường, Trịnh Phong cùng những nghĩa quân anh hùng của đất Khánh Hòa thản nhiên nhận cái chết, đầu lìa khỏi thây. Người ta thấy cuối hàng người đã ngã ngựa ấy, một Sáu Nhỏ hốc hác, tiều tụy. Đôi mắt của hắn nhìn về những người dân không còn cái sắc lẽm của ngày thường. Không ai thấy Hai Hùng ở đâu.
*
Sử chép rằng....
Sau khi Trịnh Phong bị bắt, và bị chém đầu, quân Pháp vẫn chưa tìm ra chỗ trú của Trần Đường. Chúng đã sử dụng những biện pháp khủng bố dã man như đốt trụi nhà cửa, giết sạch dân làng từ già đến trẻ, phạt tiền rất nặng những làng có người tham gia kháng chiến, kết hợp với thủ đoạn mua chuộc… Lực lượng nghĩa quân ngày một tổn thất. Tổng trấn Trần Đường không thể thấy những người dân lành mỗi ngày bị khủng bố một cách tàn nhẫn, nên đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng. Một số nghĩa binh đã rút ra Phú Yên tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân của Lê Thành.

Từ đó đến nay, qua bao nhiêu mưa nắng của cuộc đời, không nghe ai nhắc đến hai chiếc rương bí mật của Trịnh Phong. Giờ này, chúng vẫn còn đâu đó trên dãy núi Hòn Hèo.
Năm rồi, tôi đưa vợ con về Nha Trang. Gia đình tôi đã dành một ngày leo núi Hòn Hèo, rồi thả lòng mình theo dọc con suối mát lạnh. Ngồi trên tảng đá lớn giữa dòng suối, Tôi kể cho vợ con nghe về hai chiếc rương của Bình Tây Đại Tướng đất Khánh Hòa. Con gái tôi nhanh miệng nói: Ba mà biết hai rương báu ở đâu thì gia đình mình sẽ giàu sụ. Tôi nói với con gái: hai chiếc rương đó chắc chứa nhiều của cải, nhưng cái mà những vị anh hùng như Trịnh Phong, Trần Đường và những nghĩa quân để lại, còn quý hơn gấp vạn lần những chiếc rương ấy. Đó chính là trái tim của họ với xã tắc ông cha. Họ đã quên thân mình vì yêu từng ngọn cỏ, thương từng tấc đất của quê hương. Họ đã ngã xuống một cách kiêu hùng, để tiếp tục dưỡng nuôi những hạt mầm mới cho mai sau. Đó là những hạt mầm: không vì bất cứ lý do gì mà can tâm bán nước... Và tôi cũng kể thêm về những điều ghi lại trong gia phả.
Con gái tôi nhìn ra xa, thật xa. Trong mắt dường như ươn ướt ./.

Đoàn Nhã Văn
8/2011

Ghi chú:
Bán đảo Hòn Hèo nằm ở phía Nam đầm Nha Phu thuộc địa phận huyện Ninh Hòa. Hòn Hèo còn có tên gọi là Phước Hà Sơn, do địa danh này là một quần thể có trên 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, cao nhất là Hòn Hèo (813m) nằm chính giữa. Theo các lão ngư kể lại, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều loại mây, gióng rất to và dài, nhiều hoa văn… nên nhiều người ra đây khai thác về làm tủ, ghế, rương, tráp… và đặc biệt là làm gậy chống, dân gian gọi là cây hèo. Vì vậy, dân trong vùng gọi Phước Hà Sơn là Hòn Hèo.

Ðường dẫn liên hệ

.
.
.

No comments: