Friday, December 16, 2011

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NƯỚC SNG SAU HAI MƯƠI NĂM ĐỘC LẬP (TS Viachíelav Vashanov)



TS Viachíelav Vashanov
“Báo độc lập” (Nga)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM  -  Tài liệu tham khảo đặc biệt   -  Thứ tư, ngày 14/12/2011

TTXVN (Mátcơva 10/12)
Posted by basamnews on 15/12/2011

“Báo độc lập” (Nga) gần đây đăng bài của giáo sư, tiễn sĩ Viachíelav Vashanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trực thuộc bộ phát triển kinh tế và Viện Hàn lâm khoa học Nga, nội dung như sau:

Trong thế kỷ XX trên thế giới đã diễn ra hai sự kiện địa chính trị quan trọng nhất – cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga, với sự hình thành Liên Xô, và sự tan vỡ của Liên bang Xôviết năm 1991 thành 15 quốc gia có chủ quyền.
Hai mươi năm đã trôi qua. Từ năm 1991, nền kinh tế của các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây đã vận hành theo thể chế kinh tế thị trường và đạt được những kết quả khác nhau.

Các nước SNG
Sự phát triển kinh tế của các nước trong không gian hậu Xôviết trong những năm 1991 – 2010 có thể chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên (1991-1995): Các nước thuộc Liên Xô trước đây đã có độc lập về chính trị, được quốc tế công nhận và hình thành luật pháp, gia nhập các tổ chức quốc tế, v.v.. Trong những năm này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở tất cả các nước cộng hoà đều sụt giảm mạnh.
Giai đoạn thư hai (1996 – 2000): Nét đặc trưng của giai đoạn này là các quốc gia mới độc lập củng cố chủ quyền về mặt chính trị, tạo ra các hệ thống tài chính và kinh tế hoạt động tự chủ – tiền tệ, ngân sách, chính sách thuế và hải quan, v.v.. Giai đoạn này là thời kỳ kinh tế tương đối ổn định, mức lạm phát giảm mạnh. Tuy nhiên đến năm 2000, trong số tất cả các nước cộng hòa liên bang cũ, chỉ có GDP của Extônia vượt mức năm 1991 còn Udơbêkixtan chỉ đạt 1%.
Giai đoạn thứ ba (2001-2010): Kinh tế ở tất cả các nước thuộc Liên Xô trước đây tiếp tục được củng cố, các nguồn lực được sử dụng tối đa, các cải cách thị trường trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế được tiến hành.
Năm 2010, GDP ở Adecsbaigian, Bêlarút, Cadắcxtan, Tuốcmênixtan, và tất cả các nước khu vực khu vực Bantích đã vượt mức 1991. Cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu (cuối năm 2008) đã lám chậm lại tốc độ phát triển kinh tế, nhưng đến cuối năm 2010, một số nước trong không gian hậu Xôviết đã bắt đầu vượt qua khủng hoảng.
Một số nước đã dựa trên sự phát triển tích cực của các tổ hợp nhiên liệu năng lượng. Chẳng hạn, Adécbaigian, nơi có nguồn dầu mỏ tiềm năng dồi dào ước tính 4 tỷ tấn, trong 20 năm đã tăng sản xuất dầu mỏ bình quân đầu người gấp 3 lần. Ở nước này việc sản xuất xi măng, ngũ cốc và thịt bình quân theo đầu người cũng tăng lên.
Trong 20 năm trở lại đây, việc khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên ở Cadắcxtan diễn ra với nhịp độ rất nhanh. So với năm 1991, đến cuối năm 2009 sản xuất dầu mỏ bình quân đầu người ở nước này tăng 3,1 lần và khí đốt – 1,5 lần. Sản xuất ngũ cốc bình quân đầu người cũng tăng lên – từ 731kg lên 1302 kg, hay 1,8 lần. Mức lương danh nghĩa/tháng tăng gần 10 lần, và GDP bình quân đầu người năm 2010 chiếm vị trí thứ hai trong số các nước SNG.
Tuốcmênixtan là một trong năm quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên, và thứ tư về sản xuất dầu mỏ trên lãnh thổ Liên Xô trước đây. Sau khi độc lập, công nghiệp dầu khí và dệt may là những ngành được ưu tiên phát triển. Tuôcmênixtan dựa vào việc mở rộng xuất khẩu nặng lượng không chỉ sang Nga, mà sang cả Ucraia, Iran, Trung Quốc và các nước khác. Mặc dù năm 2010, sản xuất khí tự nhiên giảm 2 lần, nhưng nước này thông qua việc mở rộng xuất khẩu khí đố mà có thể giải quyết được nhiều vấn đề phát triển kinh tế – xã hội.
Chính sách công nghiệp ở Udơbêkixtan trong giai đoạn cải cách trước hết nhằm đảm bảo độc lập về kinh tế (đặc biệt an ninh năng lượng), cũng như phát triển ưu thế của ngành công nghiệp khai khoáng đòi hỏi nhiều vốn, gắn với việc sử dụng các nguồn nguyên liệu khoáng chất phong phú.
Trong những năm 1991 – 1999, trong bối cảnh nhịp độ và khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp dầu khí ở hầu hết các nước SNG đều suy giảm, thì khai thác dầu mỏ và khi ngưng tụ ở Udơbêkixtan tăng 2,9 lần, còn khí đốt – 1,35 lần. Năm 1990, tại Udơbêkixtan riêng dầu mỏ bảo đảm 28% nhưng từ năm 1996 Udơbêkixtan đã không chỉ chấm dứt việc nhập khẩu dầu, mà còn tăng xuất khẩu lên 3,3 lần. Nói chung, tới năm 2010, nước này tăng sản lượng dầu mỏ lên 78% (5 triệuh tấn).
Tuy nhiên, một vài sự chuyển dịch tích cực trong phát triển tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của Udơbêkixtan chưa cải thiện được căn bản tình hình kinh tế – xã hội hiện vẫn căng thẳng. Tiền lương danh nghĩa trung bình/tháng ở Udơbêkixtan là dưới 200 USD, mức độ thất nghiệp cao, một bộ phận dân cư có khả năng lao động buộc phải tới Nga và các nước khác kiếm việc làm.
Trong thời kỳ hậu Sôviết, mặc dù dân số giảm, Nga đã giảm sản lượng bình quân đầu người một số sản phẩm quan trọng: điện năng – 4,3%, dầu mỏ – 7,2%, khí đốt – 1,2%, than đá – 23,7% và xi măng – 35%, thép cán kim loại màu – 20%, thịt (chế biến công nghiệp) – 40%. Chỉ có sản lượng ngũ cốc năm 2010 tăng 14%.
Nền kinh tế Bêlarút những năm 1991 – 2010 nói chung không tồi. Ở nước này, tỷ lệ công nghiệp chiếm khoảng 1/3 GDP. Nét đặc trưng của ngành công nghiệp quốc gia là sản xuất các thành phẩm, đa phần dành để xuất khẩu.
Trong 20 năm thời hậu Xôviết, Bêlarút tăng sản lượng dầu mỏ bình quân đầu người là 2,8%, khí tự nhiên – 22,7%, xi măng – 96%, thép cán kim loại đen – 2,3 lần, ngũ cốc – 44%.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới nền kinh tế Bêlarút. Giữa năm 2011, đồng rúp của nước này đã mất giá, mức lương danh nghĩa trung bình đã giảm 25 – 30 %, nợ nước ngoài tăng lên.
Nước cộng hoà lớn nhất (sau Nga) trong không gian hậu Xôviết – Ucraina – 20 năm tồn tại độc lập không đảm bảo được sự phát triển kinh tế bình thường. Trong thập kỷ qua ở Ucraina các nguồn dầu và khí đã giảm do khai thác quá nhiều. Hiện nay bằng dầu mỏ của mình, Ucraina là một trong những quốc gia giàu nhất ở châu Âu về sự đa dạng và số lượng tài nguyên khoáng chất. Trong một thời gian dài nước này giữ vị trí chủ chốt trên thế giới về khai thác than, quặng sắt và mănggan.
Tuy nhiên, trong 20 năm, mặc dù dân số giảm 12%, sản xuất điện năng bình quân đầu người ở Ucraina đã giảm 44%, dầu mỏ – 18%, than đá – 54%, xi măng – 51%, thép cán kim loại đen – 57%, thịt chế biến công nghiệp – 74%. chỉ có sản xuất ngũ cốc tăng 34%.
Ở các quốc gia châu Âu khác thuộc SNG (Ácmênia, Grudia, Mônđôva), trong 20 năm độc lập, tình hình kinh tế xã hội của họ trở nên tồi tệ.
Ở Ácmênia, những hậu quả của trận động đất năm 1988 và của cuộc xung đột vũ trang với Adécbaigian đã làm cho nước cộng hòa có ưu thế về công nghiệp với tiềm năng khoa học kỹ thuật mạnh, thêm những khó khăn trong thời kỳ chuyển đổi. Kể từ đầu những năm 1990, Ámênia như bị phong tỏa. Đường bộ và đường sắt giữa Adécbaigian và Ácmênia ngừng hoạt động, còn giao thông đường sắt chạy qua Grudia đến Nga, do cuộc sung đột Grudia – Ápkhadia, cũng bị ngừng lại.
Trong 20 năm, sản xuất điện năng bình quân đầu người ở Ácmênia giảm 53%. Sản xuất xi măng – cơ sở của ngành công nghiệp xây dựng giảm gần 70%. Đồng thời nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất ngũ cốc và thịt chế biến công nghiệp tính theo đầu người ở nước này đã tăng lên. Trong lĩnh vực xã hội, tiền lương danh nghĩa trung bình trong năm 2010 không vượt quá 280 USD.
Grudia đã giảm sản xuất bình quân đầu người đối với tất cá các sản phẩm chủ yếu, gồm: năng lượng điện – 42%, than – 31%, xi măng – 3%, ngũ cốc – 14%, và thịt chế biến công nghiệp – 93%. Mức lương danh nghĩa trung bình /tháng là khoảng 250 USD.
Mônđôva kỷ niệm 20 năm độc lập với những kết quả kinh tế – xã hội nghèo nàn. Xung đột vũ trang trong khu vực Pridnestrovie năm 1992 đã dẫn đến sự tách ra trên thực tế của khu vực này, nơi tập trung phần lớn tiềm năng kinh tế của nước này. Chính quyền khu vực Pridnestrovie đã duy trì được nhiều xí nghiệp công nghiệp quan trọng mà sản phẩm của nó đang cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới. Ở mônđôva trong hai 20 năm sản xuất điện năng đã giảm 90%, xi măng – 45%, ngũ cốc – 20%, thịt chế biến công nghiệp – 93%. Lương danh nghĩa trung bình/tháng – khoảng 240 USD. Khu vực nông nghiệp – ngành chủ đạo của nước này – hoạt động trong điều kiện thiết bị cũ kỹ, thiếu sự hỗ trợ đầu tư, giá năng lượng và phân khoáng tăng.
Đến năm 2010, người dân Cưrơgưxtan và Tátgikixtan sống tồi tệ hơn so với thời Xôviết. Các cuộc cách mạng, dẫn tới thay đổi chính quyền, và các cuộc xung đột sắc tộc ở Cưrơgưxtan, đã đưa nền kinh tế nước này tới khủng hoảng. Sản xuất điện năng tính theo đầu người giảm 42%, khối lượng sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác mỏ, chế tạo máy và công nghiệp thực phẩm đều giảm đi. Nợ nước ngoài, chưa tính khoản nợ đáng kể của Câu lạc bộ Pari, là khoảng 2,7 tỷ USD (hơn 60% GDP). Tại Cưrơgưxtan tiền lương danh nghĩa trung bình/tháng là thấp nhất trong khối SNG – 151 USD trong năm 2010; GDP bình quân đầu người – chỉ 840 USD.
Người dân Tátgikaxtan còn ở trong tình hình kinh tế xã hội tồi tệ hơn. Từ năm 1992 đến năm 1996 cuộc nội chiến đã diễn ra, dẫn đến sự tan rã gần như hoàn toàn nền kinh tế của đất nước này và làm gần 100 nghìn người thiệt mạng (nhiều hơn số người chết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại). Đàn ông trong độ tuổi lao động hầu hết là những người tàn phế. Nền kinh tế của Tátgikixtan đã phải chi phí cho cuộc chiến tranh hơn 7 tỷ USD, khoản tiền cần thiết để khôi phục nền kinh tế của đất nước. Sự suy giảm trong sản xuất là do các mối quan hệ kinh tế hiện tại bị phá vỡ và chính sách kinh tế không hiệu quả trong các cải cách thị trường. Hàng trăm sĩ nghiệp lớn và nhỏ của ngành chế tạo máy, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm trở nên thua lỗ, không còn hoạt động. Ở Tátgikixtan có mức lương danh nghĩa trung bình/tháng thất nhất trong só các nước trong không gian hậu Xôviết – 70 USD, cũng như GDP bình quân đầu người thấp nhất – 745 USD.

Các nước khu vực Bantích
Trong thời kỳ hậu Xôviết, các nước khu vực Bantích dường như là ở trong tình hình kinh tế, xã hội tốt hơn so với các quốc gia – thành viên SNG. Nga đã giúp các nước này một phần.
Từ 2001, tờ The New York Times đã viết: “Trong thập kỷ qua, ba nước ở khu vực Bantích đã thu được lợi nhuận đáng kể do Nga thanh toán thuế quá cảnh dầu mỏ và các hàng hoá khác thông qua cảng Tallin ở Extônia, và cảng Véntpilsở Látvia và các cảng khác. Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, ít nhất 25% kinh tế của Látvia và Extônia gắn với thương mại. Những khoản lợi nhuận thu được là nhờ Nga”.
Theo thống kê chính thức, trong những năm 1998 – 2000 , 18 – 20% GDP có được ở Látvia là do các hoạt động dịch vụ vận chuyển suất khẩu quá cảnh. Sau khi độc lập ở Látvia đã diễn ra các cải cách kinh tế mạnh mẽ, đồng tiền mới được đưa vào sử dụng, tư hữu hoá được tiến hành. Trong những năm 2000, nền kinh tế Látvia tăng trưởng ổn định mức 5-7% mỗi năm (năm 2006 – 12,6%, năm 2007 – 10,3%) trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009. Do khủng hoảng ở Látvia, tiền lương trung bình /tháng năm 2009 đã giảm xuống 650 euro (929 USD). Đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20% dân số. Đây là một trong những chỉ số cao nhất trong EU. Ở Látvia, năm 2010 so với năm 1991, sản xuất điện năng cho mỗi đầu người tăng 11%, sản lượng ngũ cốc cho mỗi đầu người tăng 53% và thịt chế biến công nghiệp – 21%. Đến năm 2010, GDP bình quân đầu người ở Látvia là khoảng 10 nghìn USD.
Tại Lítva, trong những năm đầu dộc lập, do tình hình tài chính bất ổn, GDP của nước này thấp nhất trong khu vực Bantích. Sau đó từ năm 2001, kinh tế đã tăng trưởng ổn định, lạm phát hàng năm giảm 8,7% năm 1997 xuống không quá 2,5 – 2,7% trong năm 2009. Từ năm 2001 đến năm 2008, lương trung bình/tháng tăng từ 270 lên đến 620 euro. Do khủng hoảng tài chính, năm 2009 lương đã giảm xuống 590 euro. Trong 20 năm độc lập, sản xuất điện năng cho mỗi đầu người giảm 46%, trong đó một phần do Nhà máy điện hạt nhân Ignalin ngừng hoạt động theo yêu cầu của EU, Lítva nhận được khoảng 31% viện trợ tài chính từ tất cả các nguồn thu của ngân sách trong năm 2009. Trong năm 2010, sự hỗ trợ này đã tăng lên đã tăng lên vài phần trăm, việc này cho phép GDP bình quân đầu người ở Lítva đạt được 11,440 USD.
Extônia là nước phát triển nhất trong số các nước hậu Xôviết xét về mặt kinh tế. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở nước này được thực hiện nhờ tiến hành tự do hoá, tư nhân hoá nhanh chóng, cơ cấu lại và cải cách thể chế. suy thoái kinh tế trong những năm 1991 – 1994 đã được thay bằng tăng trưởng trong năm 1995, và từ năm 2000 đến năm 2006, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm, theo các số liệu khác nhau, từ 8,5 – 9,1%. Đến năm 2007, Extônia chiếm vị trí thứ nhất về GDP bình quân đầu người trong số các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây và chiếm vị trí thứ ba ở Đông Âu sau Xlôvênia và Cộng hòa Séc. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của nước này. Trong năm 2009, GDP của Extônia giảm 14,1%. Theo số liệu thống kê của cơ quan thống kê châu Âu, tháng 9 năm 2010 so với tháng 9 năm 2009 sản xuất công nghiệp ở Extônia 31,1%. Tăng trưởng GDP trong năm 2010 là 3,1%.
Tháng 9/2010, Hiệp hội các nhà tuyển dụng lao động Extônia, công bố một báo cáo trong đó nói rằng tỷ lệ có việc làm ở nước này tăng lên so với thời kỳ trước khủng hoảng năm 2008. Extônia có mức thuế thấp, hiệu quả sản xuất và năng xuất lao động cao. Ở Extônia, có khoảng 30 xí nghiệp thuộc tổ hợp nhiên liệu và năng lượng hoạt động trên cơ sở sản xuất và sử dụng đá phiến dầu, ngành công nghiệp hoá chất có khoảng 60 xí nghiệp, ngành chế tạo máy – 20 xí nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng – 23 xí nghiệp, ngành công nghiệp nhẹ công nghiệp thực phẩm – hơn 150 xí nghiệp. So với năm 1991, đến 2010 tại Extônia sản lượng ngũ cốc tăng 21% và thịt chế biến công nghiệp – 16%.

Kết quả chung
Những hậu quả của sự sụp đổ của Liên Xô có thể được chia thành, đầu tiên là những hậu quả về chính trị, thứ hai là hậu quả về kinh tế, và thứ ba, hậu quả về xã hội, liên quan đến những cư dân nói tiếng Nga.
Những hậu quả về chính trị đối với tất cả các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây là tích cực. Việc có chủ quyền nhà nước và sự công nhận của cộng đồng quốc tế đã nông cao đáng kể vị thế của giới tinh hoa nhà nước. Các chức vụ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, đại sứ và các vị trí có uy tín khác của quốc gia mới độc lập dường như do các thủ lĩnh dân tộc và những người thân cận với ban lãnh đạo cũ của các nước cộng hòa cũ nắm giữ. Phần lớn, họ là tồng lớp doanh nhân – tinh hoa mớI, kể cả các chủ ngân hàng và các chủ xí nghiệp lớn. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, vấn đề xây dựng các mối quan hệ mới, xây dựng lại từ đầu nền kinh tế quốc gia và nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc được đặt ra đối với các quốc gia độc lập. Trong giai đoạn đầu hình thành quốc gia mới, không phải tất cả cá nước đều giải quyết tốt những vẫn đề chính trị nảy sinh. Ở một số nước SNG xảy ra xung đột nội bộ và giữa các quốc gia (Grudia, Acmênia, Adécbaigian, Tátgikixtan, Mônđôva, Udơbêkixtan, Cưrơgưxtan), việc này chứng tỏ giới tinh hoa mới chưa trưởng thành về chính trị, thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong việc thảo ra những thỏa thuận và thỏa hiệp.
Về hậu qả kinh tế, thì đối với các quốc gia mới độc lập tình hình tương đối không đồng nhất. Phân tích thực tiễn hoạt động kinh tế của các nước SNG và các nước khu vực Bantích trong thời gian 20 năm cho thấy chỉ có Adécbaigian, Bêlarút, Cadắctan, Nga và Tuốcmênixxtan, cũng như các nước khu vực Bantích phần nào cải thiện được vị trí kinh tế của họ so với những năm 1990 – 1991. Ở những nước này, GDP bình quân đầu người ở mức 6 – 9 nghìn USD, và các nước khu vực Bantích – 10 nghìn USD. Mức lương danh nghĩa trung bình/tháng – đạt mức 400 – 600 USD, ở các nước khu vực Bantích – 800 – 1100 USD. Tuy nhiên những con số này là tương đối và không phản ánh sự phân hoá lớn về thu nhập, đặc biệt là ở Nga và Cadắcxtan, nơi mà 10% người giàu nhất nắm giữ đến 80% thu nhập của đất nước.
Ở Ácmênia, Grudia, Cưrơgưxtan, Mônđôva, Tátgikixtan, Udơbêkixtan và Ucraina, tình hình kinh tế xấu hơn so với thời kỳ Liên Xô. ở những nước này đặc điểm là mức GDP tính theo đầu người tương đối thấp – 880 – 2500 USD, lương trung bình/tháng chỉ đạt 300 USD. Cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế của các nước này.
Hậu quả tiêu cực nhất của sự sụp đổ của Liên Xô là tình hình xấu đi của bộ phận dân cư nói tiếng Nga ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Năm 1991, có khoảng 24 triệu người sống trên lãnh thổ của các nước SNG.
Tiếc rằng khi ký hiệp định thỏa thuận thành lập SNG, không ai trong Ban lãnh đạo nước Nga mới nghĩ đến số phận của những người này. Với việc các thủ lĩnh địa phương lên nắm quyền, tình cảnh của những người Nga ở những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây trở nên xấu đi bởi nhiều người trong số họ muốn trở về quê hương, thế nhưng Tổ quốc lại không mong chờ họ trở lại. Theo ước tính sơ bộ, tới năm 2010, ở các nước SNG và khu vực Bantích có khoảng 10 triệu dân nói tiếng Nga sinh sống. Một bộ phận không định trở về nước Nga, một bộ phận khác thích ứng với các bộ phận sống mới, còn một số thì hi vọng vào luật pháp của Nga cho phép những người tỵ nạn từ các nước SNG được tự do cư trú, một bộ phận khác nữa thì nhìn phương Tây như là tương lai hứa hẹn, nơi có thể tới để sống. Chính sách của Nga đối với đồng bào ở các nước thuộc Liên Xô trước đây cần ủng hộ họ trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế, tạo các điều kiện thuận lợi cho họ trở về quê hương và thích ứng với hiện thực của Nga.
Hiện nay, báo chí nêu ra một số kịch bản phát triển của Nga, trong đó có kịch bản nước Nga tan vỡ thành các quốc gia độc lập, tự chủ. sự tiếp tục phân hoá về thu nhập trong các tồng lớp dân cư Nga, tình cảnh kinh tế – xã hội của người dân đang xấu đi, sự phân bố không công bằng các nguồn của cải tự nhiên và các quý chủ yếu, chính sách quốc gia không suy tính kỹ,… có thể sẽ thúc đẩy quá trình như vậy. Ở Nga hiện nay không có lực lượng thống nhất. Vì vậy chính sách nông cao phúc lợi kinh tế – xã hội của các dân tộc Nga, mọi người bình đẳng trước pháp luật, sự san bằng về kinh tế giữa các chủ thể ở Nga, việc tạo các điều kiện bình thường để tổ chức và tiến hành kinh doanh, đấu tranh thực sự chống tham nhũng, thu thuế hợp lý, có chính sách xã hội hiệu quả đối với những người về hưu và những người nghèo, hỗ trợ cho khoa học, văn hoá, giáo dục, là những nhân tố quan trọng để đoàn kết xã hội./.

.
.
.

No comments: