Sunday, December 25, 2011

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, CON BÒ SỮA BỊ VẮT ĐẾN KIỆT SỨC (Phương Minh/Người Việt)



Phương Minh/Người Việt

QUẢNG NAM -Bị khai thác đến cạn kiệt! Ðó không phải là lời nhận xét của người viết bài này, mà là nhận định chung của nhiều du khách và những ai mến mộ văn hóa Chăm cũng như những ai còn xem Mỹ Sơn là một thánh địa cổ của nền văn minh rực rỡ Chăm Pa.

Cỏ ngập tràn một cụm tháp ở Mỹ Sơn. (Hình: Phương Minh/Người Việt)

Thật ra, điều này không phải riêng gì Mỹ Sơn, Angkor Wat, AngKor Thom, Pyramid, Papillon, Taj Mahal,... Cũng từng là những nơi linh thánh hoặc nơi bất khả giao du, qua thời gian, trở thành nơi đến thăm của du khách, nơi để chiêm ngưỡng cái đẹp của quá vãng... Nhưng, vấn đề chính là triết lý về du lịch. Bất kỳ một ngành du lịch của quốc gia nào nếu không có triết lý về nó sẽ dẫn đến lụn bại, đổ nát.

Thánh địa Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, Quảng Nam là một điển hình cho sự thiếu vắng của triết lý ngành du lịch, biến một danh tác nghệ thuật tôn giáo trở thành đống đổ nát không thể cứu vãn vì động cơ thu nhập tài chính.

Trước đây một năm, chúng tôi đến thăm Mỹ Sơn, các cụm tháp còn tương đối cứng cáp, vững chãi, nhưng hai ngày trước đây, trở lại Mỹ Sơn, chúng tôi hết sức bàng hoàng trước cảnh xiêu vẹo, cỏ mọc hoang vu, gạch đá vụn vỡ và nhếch nhác.

Gặp một người trong ban quản lý, yêu cầu giấu tên, hỏi thăm về chuyện ngập lụt các cổ tháp, ông lắc đầu thở dài: “Ở đây không có lụt, mà chỉ có lũ, mưa ngập úng, các con suối dâng cao và ngập vào các ngọn tháp, sau lũ thì cỏ và bùn dày đặc, gạch đất bong tróc, không tài nào xử lý được!”
“Nếu nhổ cỏ thì vài ba viên gạch bong ra theo chân cỏ, mà cỏ mọc đầy các ngọn tháp, chưa biết phải xử lý như thế nào cho đảm bảo không hư hỏng, để xử lý phục chế, có lẽ tốn đến vài chục tỉ đồng...”
“Ðương nhiên là phải phục chế, không thể để đổ nát như thế này, nếu không kịp thời tu bổ, chỉ trong vài năm nữa, các nhóm tháp sẽ thành đống đất gạch.”

Hỏi thăm về kinh phí phục chế cũng như lượng khách du lịch hằng năm đến Mỹ Sơn, chúng tôi được biết lượng khách hằng năm đến thăm Mỹ Sơn vẫn tăng đều, các buổi múa Chăm phục vụ khách du trước đây chỉ diễn ra cho đến 12h trưa, nhưng hiện tại, có thêm ca chiều từ 2h30, giá vé cũng có tăng chút đỉnh vì tiền trượt giá...

Dù có “cấm vào” cũng không cứu được tháp sắp sụp. (Hình: Phương Minh/Người Việt)

Cụ thể: Lượng khách mỗi năm đến Mỹ Sơn: Năm 1999 là: 27,104, trong đó, khách quốc tế: 22,888, nội địa: 4,216; Năm 2010 là: 200,474, quốc tế: 136,580, nội địa: 63,894; 9 tháng đầu năm 2011: 162,423, quốc tế: 108,221, nội địa: 54,202.

Thống kê trên đây cho thấy lượng khách của năm sau nhiều hơn năm trước. Và điều này cũng cho thấy thu nhập tiền vé mỗi năm tăng dần, người vào giẫm tháp mỗi năm nhiều thêm. Và, vô hình trung, một khu đền tháp vốn yên tĩnh trở nên ồn ào.

Hơn nữa, đây là một đền tháp cổ đã xuống cấp trầm trọng, mỗi ngày phải đón nhận những đôi chân nặng nề của người hiếu kỳ, chẳng khác nào một ông già làm xiếc đã đến tuổi nghỉ hưu vẫn còn nằm giữa sân khấu cho người ta giẫm đạp để thỏa chí hiếu kỳ cho chủ gánh xiếc thu lợi nhuận.

Chuyện cỏ và chuyện tiền
Một người nông dân ở gần khu tháp tâm sự: “Nếu đưa cho tôi một triệu đồng, tôi sẽ làm sạch sành sanh cỏ dại mà không ảnh hưởng gì đến tháp!”
Nghe ông nói vậy, chúng tôi lấy làm lạ vì vấn đề xử lý cỏ vẫn còn nan giải đối với ban quản lý khu du lịch Mỹ Sơn, tìm hiểu thêm, ông cho biết: “Ðơn giản thôi, thuốc diệt cỏ hiện nay giá thành rất rẻ, chỉ cần ba trăm ngàn đồng, bơm những nơi cần bơm, một tuần sau cỏ tự chết, theo thời gian, nó tiêu luôn, tôi vẫn còn lãi bảy trăm ngàn đồng, gọi là tiền công.”
Ý tưởng diệt cỏ cho thánh địa Mỹ Sơn bằng thuốc diệt cỏ của người nông dân ở đây có khả thi hay không, chúng tôi chưa dám tin mấy. Nhưng những viên gạch được ông thử “cho ăn thuốc” mỗi năm vẫn còn cứng cáp là có thật, và nhiều dự án trùng tu Mỹ Sơn tốn cả vài trăm tỉ đồng nhưng Mỹ Sơn vẫn xuống cấp cũng là có thật.

Những con số này cũng nói lên được vấn đề: “Khu tháp G đã tiến hành xong giai đoạn 2 và tiếp tục giai đoạn 3 theo thông tin ban đầu, năm 2012 chính phủ Ý tài trợ 420 ngàn Euro tu bổ nhóm G. Thực hiện giữa UNESCO và Italy; Tháp E7 đang được trùng tu, thời gian khoảng 18 tháng, bắt đầu từ tháng 10 năm 2011 với kinh phí gần 9 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Nam và thi công là Viện bảo tồn di tích,” người trong ban quản lý Mỹ Sơn cho biết.

'Con bò sữa' bị vắt kiệt sức
Nhìn cảnh sống khốn khổ của những nghệ nhân Chăm Pa trong đội múa Apsara Mỹ Sơn, nhìn những ngọn tháp điêu tàn và hoang vu, nhìn những đoàn xe chở khách du lịch ầm ầm kéo đến khu đền tháp, nhìn vào lượng tiền thu được từ vé bán cho du khách mỗi ngày không dưới 450 người, lượng tiền thu vào mỗi ngày trên dưới 45 triệu đồng... Rồi lại nhìn con bò đá (bò thần Nandin) nằm nhai ký ức bên cổ tháp. Tự dưng, tôi lại liên tưởng đến con bò sữa.

Di tích Mỹ Sơn đang biến thành phế tích với tốc độ chóng mặt. (Hình: Phương Minh/Người Việt)

Những con bò sữa được cho ăn rơm khô (thứ nó chưa bao giờ ăn ở quê hương của nó, nhưng nó phải ăn khi sang Việt Nam) và hằng ngày phải cho ra sữa, nếu không có sữa, nó vẫn được vắt đến từng giọt!
Bò thần Nandin là biểu tượng thần may mắn, bình an của dân tộc Chăm hùng mạnh một thuở, là vị thần ban phát sức mạnh niềm kiêu hãnh, độ lượng và may mắn.
Nhưng trong trạng huống phục vụ du lịch ở Mỹ Sơn, có lẽ phải nói rằng Nandin cũng là một con bò sữa đang bị vắt kiệt sức, cùng chịu chung số phận với thánh địa hiển linh một thuở vàng son. Thật là tội nghiệp cho Mỹ Sơn!
.
.
.

No comments: