Thursday, December 22, 2011

ĐƠN ÂM & ĐA ÂM (Minh Văn)



Minh Văn
Thứ Sáu, 23/12/2011

Loài người làm ra âm nhạc là để thỏa mãn thú vui tinh thần của mình. Các nhạc cụ được sử dụng để mô phỏng âm thanh ở trong trời đất, từ đó mà tạo thành âm luật và những cung bậc khác nhau. Cung bậc càng nhiều thì sự mô phỏng âm thanh càng đầy đủ và trung thực. Vì vậy mà người ta tập hợp nhiều loại nhạc cụ, rồi tạo thành dàn nhạc để âm thanh được giao hưởng mà đến tai người nghe vậy. Một cây đàn có nhiều giây thì âm thanh mô phỏng càng nhiều, ngược lại đàn một dây thì bị hạn chế trong việc diễn đạt âm thanh, vì thế mà trở nên đơn điệu.

Trong đời sống con người, việc chỉ tiếp nhận thông tin một chiều khiến cho sự việc thiếu đi tính trung thực và khách quan. Xã hội ngày nay gọi đó là tính Dân chủ. Thiếu đi môi trường dân chủ trong sinh hoạt chính trị hay bất cứ công việc nào khác cũng sẽ dẫn đến một kết quả là sự việc bị che lấp và mê hoặc. Việc người nghe chỉ tiếp nhận thông tin qua một chiều hướng duy nhất khiến cho sự thật bị bưng bít, vì thế mà không thể đạt đến sự dân chủ và tiến bộ. Điều đó cũng như việc nghe đánh đàn một dây vậy.

Xưa, Án Anh đi sứ sang nước Lỗ. Lỗ Ai Công hỏi:
- Tục ngữ có câu: Không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay quả nhân bàn việc với mọi người trong cả nước, nhưng nước Lỗ vẫn loạn là tại làm sao?
Án tử trả lời:
- Sử dĩ ngày xưa nói không hỏi ba người thì bị mê hoặc là vì một người nói sai thì có hai người nói đúng. Vì thế mà ba người đủ làm thành nhiều người. Cho nên không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay bề tôi nước Lỗ có hàng trăm hàng ngàn mà tất cả đều theo cái lợi riêng của họ Quý (Quý Thúc Tôn là đại thần chuyên quyền). Như vậy số người không phải không đông, nhưng lời nói là lời nói của một người. Làm gì có ba người? Vì vậy, dù bệ hạ có hỏi tất cả những người trong nước, nhưng nước cũng vẫn không khỏi loạn!

Nay, ở tại Việt Nam ta. Chính trị thì có đủ các Bộ, Ban, Ngành. Thông tin đại chúng thì có những mấy trăm báo đài cùng truyền hình góp mặt. Các tổ chức chính trị - xã hội có đầy đủ cả, cớ làm sao mà mọi sự rối ren không thể kiểm soát? Đất nước trở nên rối loạn, mọi người đối xử với nhau theo kiểu luật rừng: mạnh được yếu thua. Kinh tế thì tụt hậu so với các nước khu vực, với một nền sản xuất lạc hậu. Dân thì bị thất nghiệp và nạn quan tham sâu mọt hoành hành. Xã hội đầy rẫy những bất công chồng chất, ấy là tại làm sao?

Tại sao có những mấy trăm tờ báo cùng phát thanh truyền hình mà những ý kiến trung thực của người dân không được đề cập? Ngược lại chỉ một mực ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với những thành tích lẫy lừng năm châu bốn biển?

Tại sao chỉ thấy các báo đài tuyên truyền về đường lối, chủ trương của đảng mà không nêu ý kiến của người dân, không nói lên thực trạng bất công xã hội? Xin thưa, đó là vì các báo đài này đều thuộc sự kiểm soát của nhà nước, do đảng nắm giữ.

Các tổ chức chính trị - xã hội có đầy đủ cả, sao lại không đấu tranh cho quyền lợi của con người, không bảo vệ người dân? Xin thưa, nguyên nhân là vì các tổ chức này đều trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, do đảng lãnh đạo.

Vì thế cho nên, tuy có mấy trăm báo đài và đầy đủ các tổ chức xã hội nhưng tất cả đều nói và làm theo sự chỉ đạo của một đảng. Đó là nguyên nhân mà sự thật bị che giấu, dân chủ và nhân quyền bị mất đi.

Trong một đất nước mà không có tự do thông tin thì không có chỗ cho những tiếng nói và quan điểm khác nhau. Trong chính trị thì gọi là mất dân chủ, là chuyên chế, là độc tài. Công việc của một đất nước, một xã hội thì mọi người dân đều được bàn thảo, mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền và trách nhiệm được tham gia. Nay những người tham gia góp ý đều bị quy cho tội danh phản động và thành phần bất mãn thì thử hỏi ai còn dám lên tiếng? Đất nước vì thế mà ngày càng rối loạn vì mất dân chủ, những kẻ có quyền hành làm theo ý riêng mình với mục đích mưu lợi cho cá nhân và phe nhóm.

Một xã hội mà chỉ có một đảng cai trị thì sẽ mất dân chủ, những tiếng nói khác nhau để xây dựng đất nước bị bưng bít và cấm đoán. Mọi thông tin đều bị kiểm duyệt và phải nói theo sự chỉ đạo của nhà nước độc tài. Những tiếng nói dân chủ và khách quan vì thế mà không được cất lên. Điều đó giống như việc nghe âm thanh của cây đàn một giây vậy, đơn điệu và nhàm chán. Nó không thể đại diện được hết những âm thanh khác mà chúng ta cần phải nghe. Âm thanh của một cây đàn sẽ trở nên hay và đa dạng hơn nếu nó được những nhạc cụ khác hỗ trợ. Nói cách khác là khi nghe nhạc hòa tấu thì sẽ hay hơn rất nhiều khi nghe độc tấu.

Con đường duy nhất để có dân chủ là phải có đa đảng trong một đất nước. Có nhiều đảng thì mới thể hiện được hết những trí tuệ và tài năng của mọi người trong xã hội. Chỉ có dân chủ thì thông tin mới không bị bưng bít, sự thật mới có thể đến được với người dân. Khi ấy thì chúng ta sẽ được tiếp nhận thông tin đa chiều và khách quan, điều vẫn diễn ra như cuộc sống vốn có vậy. Chúng ta không còn phải nghe một luận điệu cũ rích và nhàm chán được phát ra từ cây đàn một dây cổ lỗ sĩ nữa, thay vào đó là cả một dàn nhạc với đầy đủ những nhạc cụ khác nhau. Âm thanh vì thế mà trở nên đa dạng, trung thực và khách quan hơn. Giúp thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu của người nghe, cuộc sống vì thế mà trở nên tự do và tươi đẹp!

Cây đàn một dây không thể đại diện cho tất cả mọi loại nhạc cụ được. Âm thanh của nó vốn không phải là tất cả, mà chỉ là một trong những âm thanh mà thôi. Vì vậy không thể nói rằng cây đàn một dây là tất cả âm nhạc, là ưu việt nhất được. Tất cả mọi người dân Việt Nam cũng như tôi đều muốn được nghe âm thanh giao hưởng của một dàn nhạc, chứ không phải thứ âm thanh đơn điệu của cây đàn một dây kia!

Minh Văn (Hà nội, VN)
Ngày 21/12/2011
.
.
.

No comments: