Nhà văn Đào Hiếu
Viết cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Cập nhật: 14:56 GMT - thứ năm, 22 tháng 12, 2011
Mấy năm trước tôi có nuôi một con chó. Nó rất dễ thương nhưng hay phóng uế bừa bãi.
Nó thường ị ngay trước cửa nhà, tôi tức lắm, dắt nó đến chỗ bãi phân, chỉ cho nó thấy rồi đánh nó. Nó la khóc thảm thiết nhưng rồi vẫn cứ tiếp tục thói quen cũ. Có lần tôi nổi giận đánh nó què chân nhưng vẫn không thay đổi được gì.
Sự trung thành của loài vật
Có điều rất lạ là tuy bị tôi đánh què chân nhưng nó vẫn rất thương tôi. Tôi đi đâu xa về nó đón tôi đầu hẻm, chạy ra mừng, ngoắc đuôi, kêu ăng ẳng, nhào vô người tôi liếm mặt, mừng đến té đái.
Tôi vẫn tự hỏi: tại sao mình đã từng trừng phạt nó tàn nhẫn như vậy, từng đánh nó què chân mà chẳng những nó không oán mình lại còn giữ vẹn tấm lòng trung thành, thương yêu không hề suy suyển?
Nghĩ hoài cũng tìm ra được đáp án: chó là con vật đã được thuần hóa lâu đời, từ nhiều thế hệ, nhiều ngàn năm. Trong đầu nó không còn ý thức về sự phản kháng, sự thù hận, căm ghét chủ nhà. Trong đầu nó chỉ có một ý thức là: VÂNG PHỤC, TRUNG THÀNH, trong đầu nó không hề có ý niệm TỰ DO vì suốt từ đời ông đời cha nó đều làm tôi tớ cho con người, cam chịu đánh đập, xỉ vả, bỏ đói, cam chịu ăn chút cơm thừa canh cặn vì nó nghĩ: trời sinh kiếp chó là phải chịu như thế, không thể khác được. Dù bị hành hạ, bị ngược đãi thậm chí bị giết chóc vẫn cứ trung thành, thương yêu, tôn thờ người chủ của mình như thần thánh…
Khi con người còn ăn lông ở lỗ thì loài chó sống trong rừng, chúng là những con sói hung dữ. Con người thử đánh nó xem, nó sẽ chồm tới, phủ đầu, cắn cổ chết tươi liền. Nhưng từ khi con người văn minh dần dần, đem con sói về nhà nuôi nấng, dạy dỗ, thuần hóa… thì sói đã biến thành chó nhà và dần dà mất đi ý thức phản kháng, ý thức tự do, cùng lúc sự vâng phục, sự trung thành, sự cam chịu hình thành trong “nhân cách” của chúng như một tập tính, một thuộc tính, một bản tính.
Chủ bỏ đói tôi, đánh tôi, giết tôi… đó là quyền của chủ. Còn tôi thương yêu, trung thành với chủ đó là bổn phận của tôi.
Sự ngu trung của con người
Thời phong kiến xa xưa bọn vua chúa vẫn dạy dân kiểu đó: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo dân chết, dân mà không chết là không trung thành). Cái ý thức ấy đã trở thành tập tính, thành chân lý, thành đạo đức.
Cho nên xem các phim lịch sử Trung Quốc ta vẫn thấy nhiều cảnh vua “ban” cho một cận thần hay thê thiếp gì đó một chén độc dược hay một dải lụa để tự tử thì nạn nhân phải quỳ xuống khấu đầu lạy: “thần tạ ơn bệ hạ” là cũng nằm trong cái đạo lý ấy. Đó là thứ đạo lý của những loài vật được thuần hóa.
Truyện Đông Chu Liệt Quốc kể rằng Tề Hoàn Công nói với đầu bếp Dịch Nha: “Món gì trẫm cũng từng ăn qua, chỉ có thịt người là chưa ăn”. Hôm sau Dịch Nha dâng lên vua một món thịt, vua ăn, thấy rất ngon, vừa mềm vừa có hương vị lạ, bèn hỏi đó là thịt gì, Dịch Nha thưa: “Hôm qua bệ hạ nói rằng chỉ có thịt người là chưa được ăn vì thế thần đã làm thịt đứa con trai của mình để dâng lên bệ hạ.”
Sự quy phục mà đạt đến mức đó thì người đã biến thành súc sinh rồi. Xã hội phong kiến xưa không những đã tạo ra một lớp người được thuần hóa mà còn biến họ thành súc sinh.
Tình yêu lãnh tụ
Ngày 17/12/2011 Chủ tịch Kim Jong-il chết trên một chuyến xe lửa. Ông là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Bắc Hàn mặc dù trên thế giới ai cũng biết đây là một trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới.
Hàn Quốc đã từng viện trợ cho Bắc Hàn thuốc men, mì gói, đồ ăn cho trẻ em và các vật phẩm khác với tổng trị giá hơn bốn triệu đôla, đồng thời bác bỏ lời đề nghị của Bắc Hàn muốn được viện trợ xi măng, vật tư xây dựng vì sợ chính quyền Bình Nhưỡng có thể chuyển chúng cho quân đội sử dụng.
Hàn Quốc cũng đã đóng góp tổng cộng 13,12 triệu đôla cho WHO để viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn trong năm 2009.
Theo Tổ chức Ân xá quốc tế thì người dân ở Bắc Hàn có nơi phải ăn cả cỏ dại, vỏ cây và rễ cây để sống qua ngày.
Khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, nhiều người bạn gặp tôi, thắc mắc tại sao một nhà lãnh đạo chỉ biết củng cố quyền lực của phe nhóm mình, bỏ dân đói khổ, rét mướt, lầm than như thế mà khi chết đi người dân lại khóc lóc thảm thiết, kẻ thì đập đầu vào cầu thang, kẻ thì lăn ra đất, người thì ôm mặt kêu trời, nước mắt ràn rụa?
Khi nghe câu hỏi ấy, tôi nghĩ đến con chó của tôi. Tôi đã trừng phạt, bỏ đói nó, đã đánh nó què chân vậy mà khi tôi đi xa về nó vẫn mừng đến té đái. Tôi cũng nghĩ đến những ông quan dưới thời phong kiến bên Tàu khi được vua “ban” cho chén thuốc độc mà còn phải khấu đầu lạy tạ ơn.
Con vật có thể bị thuần hóa. Nhưng con người mà bị thuần hóa đến mức phải khóc thương kẻ đã nô dịch, đã bỏ đói cả dân tộc mình như thế thì tội nghiệp quá. Còn gì là phẩm giá con người nữa hỡi trời!
*
Triều Tiên là một dân tộc anh hùng. Trong Thế chiến thứ 2 họ đã đánh đuổi đế quốc Nhật, trong hòa bình họ đã xây dựng một Hàn Quốc giàu mạnh, văn minh và hiện đại, không hề thua kém các nước châu Âu, được xếp thứ 15 trên thế giới. Dân tộc ấy đã sản sinh ra những tên tuổi lớn trong điện ảnh và ca nhạc như: Han Ga In, Jang Dong Gun, Bi Rain, Song Hye Kyo, và trong bóng đá như Jong Tae-Se (Bắc Hàn), Park Ji Sung (Hàn Quốc)…
Vì đâu mà một dân tộc ưu việt như thế lại phải lâm vào thảm cảnh như hiện nay? Vì đâu mà họ phải khóc lóc thảm thương như vậy? Viết đến đây tôi chợt nhớ hình ảnh một bé gái trạc mưởi một mười hai tuổi, đẹp như thiên thần đã tham dự vào trận khóc lóc bi thương ấy.
Mặt em đầm đìa nước mắt. Những giọt nước mắt ấy không làm tôi xúc động nhưng lại rất đau xót. Trời ơi! một em bé trong trắng, xinh đẹp như thế lẽ ra phải được ngồi bên chiếc đàn piano, bàn tay lướt đi theo những giai điệu đẹp đẽ. Sao em không được làm người tự do? Sao em không được sống hồn nhiên mà lại phải nằm lăn lộn khóc lóc cho một gia tộc đã, đang và sẽ kéo cả một nửa dân tộc Triều Tiên vào thời kỳ bộ lạc?
Rất may là em đã không bị bọn nịnh thần làm thịt để nấu món ăn dâng lên lãnh tụ như anh chàng Dịch Nha thời Xuân Thu nọ.
Các bài liên quan
.
.
.
No comments:
Post a Comment