Wednesday, December 7, 2011

NHÀ BÁO NGUYỄN QUỐC PHỎNG VẤN GS-TS VŨ MINH GIANG về VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG (ĐCV Online)



Nguyễn Quốc - phỏng vấn
07-12-2011

DCVOnline: Vấn đề chủ quyền biển - đảo của Việt Nam ngày càng được nhiều người quan tâm, nhất là trước những động thái gây hấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong thời gian này. Những cuộc biểu tình trước sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, những cuộc tụ tập “tuần hành” tự phát trong nhiều Chủ nhật liên tiếp của nhiều người ở Sài Gòn và Hà Nội cũng nằm trong mối quan tâm chung đó.

Anh Nguyễn Quốc, một nhà báo tự do hiện đang cộng tác với nhiều tờ báo lớn tại Hà Nội đã có bài phỏng vấn ông Vũ Minh Giang là Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài phỏng vấn, một cách tổng quát, đã đặt ra nhiều vấn đề có liên quan đến chủ quyền quốc gia và những sự việc đang diễn ra xung quanh đề tài này.

Tất cả các câu hỏi đều được trả lời.

Tuy nhiên, bài phỏng vấn này không/chưa được đăng tải trên báo chí chính thống trong nước.

Qua một thân hữu, DCVOnline đã có được bài phỏng vấn của hai người, một hỏi và một đáp, đều không-phải-ở-lề-trái.

Xem đây là các quan điểm của một trí thức trong nước, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn này với độc giả DCVOnline.

----------------------------

Tập hợp chứng cứ về thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng sa & Trường sa để phát triển chứng lý, quan điểm về những cuộc tuần hành của một số người dân… là những điều mà Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang chia sẻ khi được hỏi về vấn đề Biển Đông. Dưới đây là bài phỏng vấn với ông.

Nguyễn Quốc: Với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, Gíao sư nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay?

Vũ Minh Giang: Trước hết, Biển Đông, theo cách gọi hiện nay, là một vùng biển rộng, nằm xung quanh nó là các quốc gia Đông Nam Á. Một vùng biển rộng thường có nhiều vấn đề nảy sinh. Công ước quốc tế đưa ra các khái niệm như vùng đặc quyền, lãnh hải… Tuy nhiên, có những vùng biển không đụng tới lãnh hải, đặc quyền nào.

Lý do tranh chấp ở Biển Đông, trước hết, về mặt tương quan, nó không gần hay xa quốc gia nào. Thứ hai, Hoàng Sa, Trường Sa là những quần đảo không có dân cư. Thứ ba là khi các quốc gia đã nhìn thấy lợi ích tiềm ẩn ở Biển Đông, họ sẽ “nhảy vào”.

Vấn đề là ai “nhảy” vào là chính đáng. Điều này phải xem xét dựa trên pháp lý quốc tế. Thông lệ quốc tế là xem chứng cứ của từng quốc gia đưa ra, trong đó có chứng cứ lịch sử, chứng minh quốc gia đó đã thụ đắc ở vùng biển đó hay chưa. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là họ có thực thi chủ quyền ở vùng biển đó hay không.

Nguyễn Quốc: Gíao sư có thể nói rõ hơn về việc thực thi chủ quyền của các nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa & Hoàng Sa?

Vũ Minh Giang: Nhiều quốc gia đã từng có các đội thuyền của ngư dân, của thủy quân đi qua Biển Đông, nhưng chưa ai dừng chân vì dân cư không thể sinh sống ở đây. Trung Quốc nói rằng họ đã đến Biển Đông từ rất sớm – thời Trịnh Hoà (Đô đốc thời nhà Minh). Nhưng Việt Nam có chứng cứ cho thấy đã đặt chân lên vùng biển này sớm hơn Trung Quốc rất lâu – từ thời nhà nước Chăm-pa.

Những chứng cứ của Việt Nam còn gồm có bản đồ vẽ từ thế kỉ 17, sách chép từ thế kỉ 18 thời các Chúa Nguyễn, cuốn Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn. Đây là những chứng cứ không thể chối cãi, bởi tín ngưỡng và sử chép thể hiện sự thực thi chủ quyền. Sau này, rõ rệt hơn và còn lưu giữ được là những dụ, những sắc cho các hải đội ra Hoàng Sa, Trường Sa thời nhà Nguyễn (bắt đầu từ đời vua Minh Mạng). Cùng với nội dung chép của Phủ Biên Tạp Lục, đó là những chứng lý phù hợp với quy định quốc tế hiện tại. Trong khi đó, Trung Quốc rất yếu lý trong việc đưa ra chứng cứ về thực thi chủ quyền.

Ngoài ra, trong cuốn Tiến trình Lịch sử Việt Nam của tôi có viết về một câu chuyện có thật, kể rằng một con tàu của công ty Đông Ấn Hà Lan khi mắc cạn ở khu vực Biển Đông, biết rằng vùng biển này thuộc về Chúa Nguyễn, đã cho người báo cáo và hỏi ý kiến Chúa Nguyễn. Đây là một chứng cứ lịch sử, được thông lệ quốc tế chấp nhận.

Nguyễn Quốc: Giáo sư nghĩ thế nào về công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc vào ngày 14/09/1958?

Vũ Minh Giang: Chúng ta phải xét đến bối cảnh lúc bấy giờ. Trong khi đang bộn bề lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bức thư của Cố Thủ tướng chỉ đồng ý một cách chung chung.
Đúng như theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 7 tháng 8 năm 1979 thì: Sự diễn giải của Trung quốc về bản công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn trên tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung quốc.

Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á, cho rằng công hàm không có sức nặng ràng buộc pháp lý và nếu khi đó Hà Nội có phản đối tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải thì cũng không ngăn được Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.

Và các nhà làm luật đang giúp Việt Nam hóa giải công hàm đó.

Tôi cho rằng cơ sở mạnh nhất của Trung Quốc hiện tại là công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vậy nên, chúng ta phải giải thích rõ ràng công hàm: đó là một tuyên bố rất chung chung, đồng thời nên nghiên cứu kĩ bối cảnh lúc đó.


Nguyễn Quốc: Thời gian gần đây, một số người dân Việt Nam đã tổ chức tuần hành xung quanh khu vực Đại sứ quán Trung Quốc vào mỗi ngày Chủ Nhật. Gíao sư nghĩ gì về phản ứng này?

Vũ Minh Giang: Đây là một biểu hiện hết sức bình thường. Nó xuất phát từ tâm lý, tình cảm của người dân. Nhiều người dân cho rằng các nhà lãnh đạo đã chưa đưa ra ngay giải pháp nào để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Chúng ta cần kiềm chế và phải có niềm tin vào Chính phủ. Ngược lại, Chính phủ cũng phải đẩy mạnh truyền thông cho dân hiểu và thêm tự tin. Chúng ta cần những biện pháp khôn ngoan hơn.

Nguyễn Quốc: Theo Gíao sư, hướng giải quyết cho vấn đề Biển Đông là gì?

Vũ Minh Giang: Theo ý kiến cá nhân của tôi, trước hết, chúng ta nên bắt đầu từ những căn cứ khoa học chắc chắn nhất, tập trung vào nghiên cứu, gia cố, tập hợp chứng cứ. Cụ thể là khai thác những tài liệu từ thời Chăm-pa, tư liệu về Công ty Đông Ấn Hà Lan… Đó là những chứng cứ có lợi cho chúng ta.

Trên cơ sở tập hợp chứng cứ, chúng ta củng cố và xây dựng chứng lý, phát triển thực lực quốc gia, đẩy mạnh công tác truyền thông cả trong và ngoài nước, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế là những trụ cột giúp Việt Nam đòi lại được chủ quyền. Sự thật khách quan đó đang được nhiều nhà khoa học thừa nhận, tuy vậy đó là một thử thách không hề dễ dàng.


Bài do thân hữu DCVOnline chuyển, DCVOnline biên tập và minh hoạ.

----------------------------------------------



Vũ Hữu San
17/11/2009
.
.
.

No comments: