BBC
Cập nhật: 11:22 GMT - thứ bảy, 10 tháng 12, 2011
Moscow có cuộc biểu tình mà phe đối lập nói là lớn nhất trong suốt 20 năm qua tại Nga.
Hàng chục ngàn người dự kiến tụ tập tại quảng trường phía nam điện Kremlin, nhằm thể hiện sự giận dữ đối với kỳ bầu cử quốc hội gây tranh cãi vừa qua.
Các cuộc tuần hành với quy mô nhỏ hơn đang diễn ra tại nhiều thành phố trên cả nước.
Người biểu tình cáo buộc là đã có sự gian lận rộng khắp trong kỳ bỏ phiếu diễn ra hôm Chủ Nhật, tuy đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất đã bị giảm mạnh số phiếu ủng hộ.
Hàng trăm người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống ông Putin hồi tuần trước, chủ yếu diễn ra tại Moscow và St Petersburg.
Ít nhất 50.000 cảnh sát và lính chống bạo động đã được triển khai tại Moscow trước các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy.
Phe đối lập nói họ hy vọng sẽ có chừng 30.000 người xuống đường tại thủ đô trong cuộc biểu tình "Đòi Bầu cử Công bằng".
Phóng viên BBC Daniel Sandford tại Moscow nói trong tuần trước, thành phố trông giống như một quốc gia của cảnh sát chứ không phải là một nơi dân chủ.
Phóng viên BBC nói nếu diễn ra theo đúng dự kiến thì các cuộc biểu tình sẽ làm rung chuyển sự thống trị chính trị vốn đã kéo dài 12 năm của Thủ tướng Vladimir Putin.
Giới chức cho phép các cuộc biểu tình được tổ chức ở một số địa điểm cụ thể tại một số thành phố, sau khi đàm phán với các lãnh tụ đối lập.
Tại Moscow, hai bên đã đạt thỏa thuận theo đó giới chức cho phép lượng lớn người tham gia nếu như việc tuần hành được thay đổi vị trí, từ Quảng trường Cách mạng ở khu trung tâm ra Quảng trường Bolotnaya, một đảo nhỏ nằm trên sông Moscow.
Tại St Petersburg, 13.000 người đã cam kết trên mạng xã hội Vkontakte là sẽ đi biểu tình, với 20.000 người khác nói có thể sẽ tham gia.
Giới chức đã cấp phép cho việc tiến hành biểu tình tại một địa điểm, nhưng nói việc biểu tình ở bất kỳ nơi nào khác cũng sẽ là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý.
Các kết quả chính thức sau kỳ bầu cử Duma Nga cho thấy đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bị giảm số phiếu ủng hộ từ 64% xuống 49%, tuy nhiên con số này vẫn khiến đảng dễ dàng giữ vị trí là đảng phái lớn nhất.
Tuy nhiên, hiện đang có quan điểm rộng khắp, được củng cố thêm bởi các video quay bằng điện thoại di động và thông tin tải trên các mạng xã hội, rằng đã xảy ra tình trạng gian lận lớn trong kỳ bầu cử và đảng của ông Putin đã lừa dối để giành chiến thắng, phóng viên BBC nói.
--------------------------------
BBC
Cập nhật: 15:52 GMT - thứ sáu, 9 tháng 12, 2011
Các diễn biến sau bầu cử Hạ viện ở Nga đã khiến các chính trị gia cao cấp và nhà báo Nga - Mỹ lời qua tiếng lại trong mấy ngày qua.
Hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Nga Vladimir Putin rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton khuyến khích phe đối lập biểu tình.
Người phát ngôn từ Washington, Mark Toner nói: "Khó có thể nghĩ ra điều gì xa sự thật hơn thế."
Trước đó Ông Putin nói: "Tôi đã theo dõi các phản ứng đầu tiên của các đối tác Hoa Kỳ của chúng ta.
"Trước hết, đó là những gì bà ngoại trưởng đã làm, bà ấy nói rằng bầu cử là gian dối và không công bằng, cho dù bà ấy chưa nhận được các tài liệu từ các quan sát viên bầu cử...
"Bà ấy đã mớm lời cho các nhà hoạt động ở trong nước chúng ta, đã ra tín hiệu."
Ông Putin, người nói người dân có quyền biểu tình và chính quyền cần đối thoại với họ, cũng tố cáo điều mà ông gọi là "sự can thiệp vào công việc nội bộ" của Nga khi Hoa Kỳ cung cấp tài chính cho một số tổ chức của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói các chương trình tài trợ của Hoa Kỳ nhằm ủng hộ "quá trình bầu cử công bằng, tự do và minh bạch" chứ không phải để gây ảnh hưởng tới các nhóm chính trị.
'Nực cười'
Báo Pravda - Sự thật - của Nga cũng chỉ trích phản ứng của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ.
Tờ báo dẫn lại lời phát biểu của bà Clinton hậu bầu cử: "Người Nga, cũng như người dân ở khắp mọi nơi, xứng đáng có quyền [đòi hỏi] tiếng nói của họ được lắng nghe và lá phiếu của họ được kiểm.
"Và điều này có nghĩa là họ xứng đáng hưởng cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch và có các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm trước họ."
Pravda bình luận: "Người Nga sẽ tự biết họ xứng đáng với điều gì. Họ không cần lời khuyên từ bà Clinton."
Tờ Washington Post của Hoa Kỳ trong khi đó có bài xã luận nói cuộc bầu cử Hạ viện cho thấy sự không hài lòng rõ ràng của người Nga với ông Putin khi mà đảng Nước Nga Thống Nhất của ông chỉ đạt 27% sự ủng hộ tại St Petersburg, thành phố quê hương của vị thủ tướng.
Báo này cũng nói tại Chechnya, nơi bị tàn phá bởi cuộc chiến do ông Putin tiến hành, 99% người dân tham gia bỏ phiếu và 99,5% ủng hộ đảng Nước Nga Thống Nhất và cho rằng ở đây có sự gian lận.
Mubarak của nước Nga?
Washington Post cũng so sánh ông Putin với cựu lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak, người bị cuộc nổi dậy của người dân phế truất.
Tờ báo nói việc ông Putin quyết định đẩy ông Medvedev sang một bên để trở lại vị trí tổng thống trong năm sau đã "chấm dứt niềm hy vọng đang tan dần của người dân rằng đất nước có thể tiến tới một hệ thống chính trị cởi mở hơn."
Washington Post bình luận: "Việc phục hồi [của ông Putin trở lại vị trí tổng thống] cho thấy sự trường tồn của tình trạng tội phạm đã nhiễm vào mọi ngóc ngách của chính phủ Nga và sự trì trệ kinh tế khiến nó [nước Nga] phải lệ thuộc vào xuất khẩu dầu khí và các nguyên liệu thô khác."
Các nhà bình luận của tờ báo có xu hướng dân chủ tự do ở Washington cho rằng ông Putin sẽ dùng điều mà họ gọi là "hối lộ" để vượt qua các khó khăn hiện nay bằng cách tăng chi tiêu chính phủ.
Họ cũng nói dựa vào những gì ông Putin đã làm trong quá khứ người ta có thể suy đoán ông sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc và "tìm kẻ thù ở trong và ngoài nước" nhằm đối phó với các khó khăn trước mắt.
Ngoại trưởng 'mất trí'?
Tờ Pravda của Nga lại tìm tới báo The Guardian của Anh để có bằng chứng chỉ trích Hoa Kỳ.
Họ nói The Guardian "có tiếng về các bài viết chống Nga" nhưng cũng phải chạy bài báo với tít "Dư âm bầu cử Nga không phải là khoảnh khắc Quảng trường Tahrir".
Tác giả bài báo David Hearst được trích lời nhận định rằng cho dù phong trào biểu tình ở Nga có nhiều điểm chung với Mùa xuân Arab, nó vẫn quá "đa dạng và bị động về chính trị".
Ông Hearst nhận xét các đảng đối lập ở Nga vừa chia rẽ và vừa không được lòng dân với đảng khá nhất, Đảng Quả Táo chỉ được 3,3% phiếu.
Pravda nói chính ông Hearst muốn nói rằng Mùa xuân Arab không thể xảy ra ở Nga nhưng các nhà lãnh đạo Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn tìm cách "can thiệp vào công việc nội bộ của Nga" cứ như thể là "một lời nói từ Brussels hay Washington sẽ đủ để kéo sập chế độ."
Bình luận về phát biểu của bà Clinton về bầu cử Nga, Pravda viết:
"Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton không đếm xỉa gì đến dữ liệu. Bà tuyên bố chế độ của Nga là trái phép và đòi khôi phục tính chính danh ở Nga...
"...Cuộc cách mạng màu, điều không thể xảy ra ở Nga, đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt vọng từ Hoa Kỳ.
"Có phải bà Clinton mất trí rồi không?
"Có lẽ vậy."
Hai đảng độc tài?
Trong khi đó tại Nga các đảng đối lập vẫn tiếp tục thách thức kết quả bầu cử cả về mặt pháp lý và qua các cuộc biểu tình đang được lên kế hoạch.
Ông Putin nói người dân có quyền biểu tình nếu họ tôn trọng luật và chính quyền cần đối thoại với những người phản đối kết quả bầu cử.
Cũng có lãnh đạo tôn giáo Nga lên tiếng kêu gọi con chiên không tham gia biểu tình và nói rằng "quyền lực đều do Chúa ban" và tham gia biểu tình là "nổi loạn".
Bản thân ông Putin được cho là đang giữ khoảng cách với Đảng Nước Nga Thống Nhất sau khi đảng này bị mất khoảng 15% sự ủng hộ của dân chúng so với kỳ bầu cử trước.
Các nhà bình luận từ Nga nói ông muốn chứng tỏ ông là nhà lãnh đạo vượt lên trên đảng phái và vì lợi ích của các nhóm khác nhau trước cuộc bầu cử tổng thống trong năm 2012.
Cũng có nhà bình luận cho rằng Hạ viện Nga nay thuộc về hai đảng "độc tài" - Nước Nga Thống Nhất và Đảng Cộng sản.
Cử tri Nga trong khi đó có những phản ứng khác nhau về những lời qua tiếng lại giữa Moscow và Washington.
Người nói Hoa Kỳ cần cắt đứt mọi quan hệ với Nga nếu họ nói rằng chính quyền Nga "không chính danh" trong khi người lại nói "bạo chúa Nga còn hơn dân chủ Mỹ".
.
.
.
No comments:
Post a Comment