Saturday, December 10, 2011

MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM với NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 10 THÁNG 12


Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi
Ngày 10.12.2011

LỜI DẪN:: Hôm nay là ngày 10 tháng 12 năm 2011. Cách đây đúng 63 năm, vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời. Kể từ đó ngày 10 tháng 12 mỗi năm được đặt tên là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.

Để tìm hiểu ý nghĩa Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi có buổi thảo luận với GS Nguyễn Thanh Trang, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, từng là một trong những sáng lập viên Mạng Lưới Nhân Quyền VN, và hiện là Chủ tịch Uỷ Ban Nghiên Cứu Sách Lược Hưng Quốc của LLCQ. Sau đây là cuộc thảo luận của nhà báo Hải Sơn với GS Nguyễn Thanh Trang.


Hải Sơn: Kính chào GS Nguyễn Thanh Trang. Trước hết, xin giáo sư cho biết sơ lược về sự hình thành bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

NTT: Sau khi trải qua hai trận đại chiến thế giới kinh hoàng, tang tóc với hàng triệu người vô tội và binh sĩ bị tử thương hoặc tàn phế, nhân loại đã thấy rằng chính các chế độ độc tài, phi nhân, chà đạp nhân quyền đã là nguyên nhân gây nên thảm họa và đại bất hạnh cho loài người. Vì thế, ngay sau khi được ra đời năm 1945, Liên Hiệp Quốc đã thành lập một Ủy Ban đặc nhiệm gồm nhiều chuyên gia lỗi lạc từ 18 quốc gia Âu Mỹ, Á Châu và Phi Châu bỏ công nghiên cứu và biên soạn trong hơn hai năm mới hoàn tất được bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, một văn kiện đề cao các quyền làm người, không phân biệt nguồn gốc quốc gia, chủng tộc hay giới tính. Nó đánh dấu một bước tiến quan trọng và lớn lao của cộng đồng nhân loại văn minh.

Hải Sơn: Được biết năm 1966, LHQ lại còn ban hành hai Công Ước về Nhân Quyền, đó là (1) Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và (2) Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Xin giáo sư cho biết Tuyên Ngôn khác với Công Ước như thế nào? Tại sao LHQ phải cần có thêm hai Công Ước về Nhân Quyền?

NTT: Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một văn kiện nói lên ly tưởng mà mọi quốc gia thành viên của LHQ đều theo đuổi, là đề cao phẩm giá và các quyền làm người căn bản, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính. Nhưng, về phương diện luật pháp, tuyên ngôn chỉ là một bản tuyên bố y định, nên nó không có hiệu lực pháp ly. Vì vậy, LHQ đã phải ban hành hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền năm 1966.

Hai Công Ước nầy là những hiệp ước quốc tế, phải được quốc hội phê chuẩn. Vì thế nó có giá trị cưỡng hành và cao hơn luật pháp và hiến pháp quốc gia. Cho đến nay đã có trên 140 quốc gia hội viên phê chuẩn. Cộng Sản Việt Nam cũng đã gia nhập hai Công Ước nầy năm 1982. Nghĩa là nhà cầm quyền Hà Nội đã cam kết tôn trọng nhân quyền và không thể nào ngụy biện cho rằng vì dị biệt văn hóa nên nhân quyền của các nước Á Châu như Việt Nam khác biệt với nhân quyền của các nước tây phương.

Hải Sơn: Ngoài các văn kiện liên quan đến Nhân Quyền vừa nói trên, vào năm 1998, Liên Hiệp Quốc cón đưa ra bản Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Đây là một văn kiện ít được nhắc đến, và vì thế, cũng rất ít người biết đến. Xin giáo sư tóm lược về nội dung và tại sao LHQ phải ban hành văn kiện quan trọng nầy?

NTT: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời và sau khi duyệt lại tình hình nhân quyền trên thế giới trong nửa thế qua, LHQ đã thấy rằng tại nhiều quốc gia, nhân quyền vẫn còn bị vi phạm hết sức trầm trọng. Nhiều quốc gia hội viên và ngay cả những nước đã phê chuẩn hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền vẫn chưa thi hành đứng đắn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Vì vậy, vào ngày 9-12-1998, LHQ đã thông qua bản Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền với 20 điều khoản, nhằm 3 mục tiêu chính yếu sau đây:

(1)        Xác định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và chính phủ trong nỗ lực đề cao và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do căn bản, phổ quát;
(2)        Yêu cầu các chính phủ, các cơ quan của LHQ và các tổ chức ngoài chính phủ (NGO) tăng cường nỗ lực quảng bá và giảng giải bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và bản Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền để cổ súy Nhân Quyền và giúp mọi người khắp nơi trên thế giới am hiểu nội dung và sự quan trọng của các văn kiện nầy.
(3)        Đòi hỏi các nhà cầm quyền phải đưa môn học về Nhân Quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường Trung học và Đại học. Đặc biệt, trong các chương trình huấn luyện luật sư, cành sát, công an, công chức và quân nhân cũng phải có môn học về Nhân Quyền để mọi giới chức am tường luật lệ và trong khi thi hành công vụ, họ phải triệt để tôn trọng nhân quyền của dân chúng.


Hải Sơn: Theo nhận xét của giáo sư, tình trạng Nhân Quyền hiện nay tại Việt Nam như thế nào?

NTT: Nói chung, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay không có gì sáng sủa. Như đa số chúng ta đều biết, trong mấy năm qua, năm nào các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Hội Ky Giả Không Biên Giới, Tổ Chức Human Rights Watch, Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đều lên án nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền một cách nặng nề và có hệ thống.

Đặc biệt trong hai năm qua, vấn đề đàn áp các tôn giáo đã gây xôn xao dư luận thế giới, nỗi bật nhất là vụ công an tấn công Chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng và khủng bố giáo dân Công Giáo tại Huế và Thái Hà, Hà Nội.

Riêng năm nay, mới vào trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Hoa Thịnh Đốn đã có cuộc thảo luận về Nhân Quyền giữa hai phái đoàn ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ. Và ngay sau đó, trưởng phái đoàn của Hoa Kỳ, ông Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Nhân Quyền, Dân Chủ và Lao Động đã than phiền nhà cầm quyền Hà Nội thiếu thiện chí trong việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Công an và bọn côn đồ do công an tổ chức đã đàn áp và khủng bố người dân khắp nơi và trong mọi lãnh vực, từ Internet, báo chí, đến những người biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc cầu nguyện phản đối chính quyền địa phương cướp đoạt tài sản của các giáo hội. Chỉ trong vòng hai năm qua, Hà Nội đã bắt giam và kết án tù trên 40 nhân vật bất đồng chính kiến, trong số đó có những vị lãnh đạo các tôn giáo, những nhà báo tự do, những cây viết trên các trang báo điện tử, những công nhân lao động, thợ thuyền, và những người yêu nước lên án Trung Cộng xâm lăng, v.v. Ông kêu gọi Hà Nội hãy trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, đặc biệt nêu tên LM Nguyễn Văn Ly, luật sư Lê Trần Luật và nhà báo Điếu Cày. Phái đoàn Mỹ cũng khuyến cáo Hà Nội hãy tôn trọng tự do báo chí, để cho dân chúng được tự do xử dụng Internet, và Việt Nam cần phải có một ngành tư pháp độc lập thì đất nước mới có thể giàu mạnh, theo kịp đà tiến bộ của các nước văn minh tiến bộ trên thế giới. Nói tóm lại, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tồi tệ và chưa có dấu hiệu cởi mở tiến bộ như đang xảy ra tại Miến Điện.

Hải Sơn: Cám ơn GS Nguyễn Thanh Trang đã chia sẻ một số nhận định về Ngày Quốc Tế Nhân Quyền./.

-------------------------------


---------------------------------

Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi
Ngày 10.12.2011

Lời dẫn: Vào tháng qua, Mạng lưới Nhân quyền VN đã bầu chọn và quyết định trao giải thưởng nhân quyền năm nay cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Tương tự như mọi lần, các cái loa của đảng CSVN lập tức có bài chỉ trích và bôi xấu. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nhận định về các lời hằn học của một bồi bút của đảng, qua sự trình bày của anh Song Thập.

Trong nhiều năm qua, mỗi khi các tổ chức nhân quyền quốc tế hay Việt Nam trao giải thưởng cho vài người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước, là mấy cái loa tuyên truyền của đảng lập tức được khởi động để chống đối, xuyên tạc và mỉa mai đủ thứ chuyện.

Lần này cũng thế, qua giải thưởng nhân quyền năm 2011 mà Mạng lưới Nhân quyền cho Việt Nam trao cho Tiến sĩ luật khoa Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Nhưng kỳ này đảng ta có lẽ kiếm không ra người nên chọn đại một tay lính tiên phuông, có bút danh là An Phú, bắn phát súng "nhỏ' trên tờ báo Công An Nhân Dân số ra ngày 30/10.

Gọi là "nhỏ" vì nội dung bài viết có tựa đề "Ý đồ xấu của việc trao giải nhân quyền 2011" nghe quá quen thuộc. Đại khái như những "kẻ cầm đầu bọn phản động nước ngoài" muốn lợi dụng lãnh vực nhân quyền để chống phá "nhà nước Việt Nam", bằng cách dụ dỗ những "kẻ xấu trong nước" để tiến hành chiến dịch "diễn biến hòa bình". Dĩ nhiên bài báo cũng nêu lên tên tuổi của những người mà tác giả gọi là phản động ở nước ngoài như các ông Nguyễn Thanh Trang, Nguyễn Ngọc Bích, Đoàn Việt Trung hay Đỗ Như Điện của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Nói một cách tóm tắt là nội dung của bài viết của ông An Phú quen thuộc đến độ người ta chỉ cần thay đổi tên tuổi và bản án tù của người nhận giải, tổ chức nào trao giải thưởng, và ngày tháng trao giải là đủ để lãnh tiền nhuận bút và được đảng xoa đầu khen thưởng. Nhưng dĩ nhiên là cách hành văn phải tỏ ra hằn học thì mới chứng tỏ được mình có "đảng tính" và có lập trường bảo vệ với chế độ đến cùng thì mới mong lọt được mắt xanh của đảng.

Thế nhưng tác giả An Phú đã không giấu nổi sự thèm thuồng khi hai lần nhắc đến số tiền 3000 Mỹ kim sẽ được trao tặng cho Tiến sĩ Hà Vũ và cô Minh Hạnh. Ông Phú nhắc đến số tiền này không dưới hai lần trong bài viết. Điều này cho thấy tư duy của những người cộng sản hiện nay, đặc biệt là trong đầu những tay bồi bút, chỉ quanh quẩn với chữ "tiền". Chữ tiền ám ảnh họ đến độ vu cáo người yêu nước đi biểu tình là vì được trả tiền, tương tự như đám dân phòng được công an trả tiền để kéo đến đập phá nhà thờ Thái Hà.

Nếu còn liêm sỉ thì họ phải nhận thức được rằng những số tiền đó, dù lớn đến độ nào, cũng không bù đắp được những mất mát và hy sinh của những người được trao giải thưởng đó. Giải Nobel Hòa Bình trao cho những người như ông Nelson Mandela, bà Aung San Suu Kyi hay ông Lưu Hiểu Ba có đủ bù đắp cho những năm tháng đọa đày của họ trong nhà tù của các chế độ bạo tàn hay không?

Chắc chắn là khi chấp nhận bước vào con đường tranh đấu, những người đó không hề nhắm đến những cái giải thưởng hay các số tiền đó. Điều mà họ nhắm đến là làm sao dẹp bỏ được những bất công trong xã hội, mang đến hạnh phúc và an lạc cho đồng bào mình. Họ cũng thừa biết là mình có thể bị bỏ tù, bị tra tấn hay bị thủ tiêu bất cứ lúc nào. Nhưng họ vẫn làm. Vì biết rõ một điều là mình đã làm đúng. Đúng với lương tâm và bổn phận của một con người, trước nỗi đau khổ của đồng loại.

Chính vì thế họ hơn xa những người khác và rất xứng đáng được vinh danh. Và quyền vinh danh hay tặng thưởng huy chương không phải là một đặc quyền của đảng cộng sản hay bất cứ một quốc gia nào. Xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn là nhờ có những con người can đảm và đầy khí phách đó. Họ là những tấm gương sáng để cả nhân loại noi theo và học hỏi.

Chỉ có những kẻ thiển cận, hay bồi bút của chế độ, mới có lối lập luận rằng việc trao giải cho những tù nhân bị án tù là điều sai trái. Nếu thế thì tại sao đảng CSVN lại lên tiếng chúc mừng ông Nelson Mandela, người bị chính phủ Nam Phi kết án tù chung thân, sau khi ông nhận giải Nobel Hòa Bình?

Nếu so với Tiến sĩ Hà Vũ và cô Minh Hạnh thì tội danh của ông Mandela còn nặng hơn nhiều, vì có cả tội chủ trương vũ trang nổi dậy để lật đổ chế độ. Nhưng chính nhờ giải đó mà toàn thế giới mới biết đến sự hy sinh to lớn của ông trong cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho người da đen Nam Phi. Nó dẫn đến việc chế độ kỳ thị chủng tộc phải thương thuyết với ông Mandela để cải tổ xã hội nhằm chấm dứt các cuộc bạo loạn kéo dài mấy thập niên và tái thiết đất nước.

Chỉ với một cái giải nhỏ nhoi mà cả đảng đã lồng lộn lên. Nếu ủy ban Nobel Hòa Bình trao giải cho một nhà dân chủ Việt Nam thì không hiểu là sẽ có bao nhiêu bài viết hằn học như ông An Phú trên các loa tuyên truyền của đảng, nhất là khi giải thưởng này lên đến vài trăm ngàn Mỹ kim?

Nhưng dù có được trao giải hay không, thì tên tuổi của những người Việt dũng cảm đó cũng được khắc ghi trong lòng dân tộc. Họ là niềm hãnh diện của các thế hệ hôm nay và ngày mai!
Lê Phục Văn

---------------------------

Trà Mi  -  VOA    -   Thứ Hai, 24 tháng 10 2011



.
.
.

No comments: