Thursday, December 8, 2011

60 NĂM HOÀN VŨ NHÂN QUYỀN (Đinh Từ Thức)



10.12.2008

Tám giờ tối ngày 9 tháng 12, 1948, căn phòng lớn của Palais de Chaillot, Paris, đầy vẻ trang nghiêm. Năm mươi tám lá quốc kỳ mầu sắc khác nhau làm cho không khí thêm phần rực rỡ. Các đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như giới truyền thông và quan khách hoàn toàn im lặng. Charles Malik, triết gia kiêm nhà ngoại giao từ quốc gia tí hon Lebanon ở Trung Đông, tiến ra trước diễn đàn, cất tiếng trình bầy về bản Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền vừa hoàn thành:

Hàng ngàn khối óc và cánh tay đã giúp trong việc tạo ra nó. Mỗi thành viên của Liên Hiệp Quốc đã nghiêm chỉnh hứa tôn trọng và thực thi nhân quyền. Nhưng thật ra đó là những quyền nào, trước đây chúng ta chưa được nghe nói tới, dù ở trong Hiến chương, hay trong bất cứ văn kiện quốc tế nào. Đây là lần đầu tiên các nguyên tắc về nhân quyền và các tự do căn bản được liệt kê với thẩm quyền và chi tiết rõ ràng.
Palais de Chaillot, Paris, nơi Đại Hội Đồng LHQ chấp thuận Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights), vào nửa đêm 10 tháng 12 năm 1948.

Đó là quang cảnh mở đầu phiên họp lịch sử cách đây 60 năm (tính đến năm 2008), trước khi Đại Hội Đồng LHQ thảo luận và chấp thuận bản Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights). Bài này không nói về nội dung bản Tuyên ngôn, ai cũng có thể dễ dàng tìm đọc trên sách báo, hoặc internet. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn, người viết xin ghi lại đây một số chi tiết về diễn tiến sự thành hình của nó, dựa theo “A World Made New: Eleanor Roosevelt and the Universal Declaration of Human Rights”, của Mary Ann Glendon, Giáo sư Luật tại Đại học Harvard, do Random House xuất bản năm 2001.

Mặc dầu trên 190 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc hiện nay coi như đã hiển nhiên công nhận những quyền căn bản của con người được ghi trong Tuyên ngôn, nhưng nhiều nước, trong số đó có Việt Nam, đã vụng về bào chữa cho thành tích tồi tệ trong việc tôn trọng nhân quyền của mình, bằng cách nói rằng đa số những quyền ghi trong Tuyên ngôn chỉ phù hợp với Tây phương, không thích hợp với Đông phương. Thật ra, Tuyên ngôn thành hình và ra đời được, là nhờ công khó của nhiều người từ khắp nơi trên thê giới, cả Đông, Tây, Nam Bắc. Và được tạo thành để áp dụng cho mọi người.

Hai nguyên nhân chính đưa tới chiến tranh: một là nhân quyền không được tôn trọng; hai là cạnh tranh về kinh tế. Khi đại diện bốn nước Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến gồm Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa gặp nhau tại Dumbarton Oaks ở Washington D.C., để thảo luận về việc thành lập Liên Hiệp Quốc vào mùa Thu năm 1944, Tổng thống Mỹ Roosevelt là người đã mong muốn nhân quyền như là một yếu tố căn bản của tổ chức quốc tế mới này. Nhưng mong muốn của ông không được các đồng minh đón nhận: Anh chống lại, vì không muốn nhân quyền sẽ gây trở ngại cho việc tái lập thuộc địa sau chiến tranh; Liên Xô cũng chống, vì mục tiêu của họ sau chiến tranh là giữ và lấn đất, không phải nhân quyền; Còn Trung Hoa thì đang phải đối phó với vấn đề quan trọng hơn, là đương đầu với Cộng sản do Mao lãnh đạo. Rồi chỉ tới mùa Xuân năm sau, Roosevelt đã qua đời vì bạo bệnh. Động cơ chính thúc đẩy nhân quyền ngừng chạy. Các chính trị gia Mỹ khác không thiết tha tới nhân quyền, vì không muốn chạm tới nạn kỳ thị mầu da, vẫn còn đang phổ thông tại Hoa Kỳ.

***
Khi chiến tranh chấm dứt, trước cảnh tàn phá, đói khổ, thiếu thốn tại khắp nơi, điều mọi người cần vãn hồi không phải chỉ có hòa bình, mà một cuộc sống tốt đẹp hơn, hợp nhân phẩm hơn. Khi đại diện 50 quốc gia tới San Francisco họp hội nghị để lập ra Liên Hiệp Quốc từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 1945, vẫn còn hàng tỉ người trên thế giới bị thực dân đối xử tàn tệ tại Á châu, Bắc Phi, và các hải đảo rải rác khắp nơi.

Trong số những người tới dự Hội nghị San Francisco, có những người đã từng cảm hứng bởi mục tiêu của cuộc chiến chống Phe Trục, là để bảo vệ tự do dân chủ. Họ đã từng say sưa nghe “Bốn tự do” của Roosevelt, khi ông liên kết hòa bình và an ninh thế giới với sự tôn trọng tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do thoát khỏi sự nghèo đói và sự sợ hãi.

Một trong những người quyết tâm nhắc nhở Đồng minh phải giữ lời hứa của mình trong chiến tranh, là Carlos Romulo của Phi Luật Tân. Ông là một ký giả từng được giải Pulitzer năm 1941, nhờ loạt bài tiên đoán chế độ thuộc địa sắp tới ngày cáo chung. Khi Nhật đổ bộ Phi, Romulo gia nhập quân đội Mỹ, làm phụ tá cho Tướng Douglas McArthur, và sau cũng lên tướng. Ông là một người thiếu chiều cao, nhưng “chưa thấy người đã nghe tiếng”, được mọi ngưởi chú ý, nhờ có tài hùng biện. Sau này, ông đã được bầu làm Chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ năm 1949.

Tại San Francisco, Romulo cảm thấy các cường quốc chỉ làm theo ý họ, bất kể quyền lợi của các nước nhược tiểu. Ngay cả Liên Xô, mặc dầu vẫn nêu cao khẩu hiệu giải phóng các dân tộc bị áp bức, nhưng theo lời ông, “vẫn coi đại diện các nước nhỏ chúng tôi như không có. Họ hành động như thế giới là của riêng họ”. Romulo lớn tiếng trước hội nghị: “Nhân dân thế giới đang trên đà chuyển động. Họ đã có được sự can đảm mới nhờ niềm hy vọng vào tự do khi họ chiến đấu trong cuộc chiến này. Chúng tôi là những người đã ra từ cảnh tối tăm và lầy lội của chiến trường, chúng tôi biết đã chiến đấu vì tự do, không phải cho một nước nào, mà cho toàn thể người dân trên thế giới”.

Chính Romulo và nhiều đại diện các nước Á, Phi và Nam Mỹ tại San Francisco đã đưa Hội nghị tới thái độ chống kỳ thị chủng tộc, trước sự khó xử của Hoa Kỳ, và một số nước thực dân. Romulo đã nhắc nhở Hội nghị rằng nhiều chủng tộc khác nhau đã cùng hy sinh trong cuộc chiến. Kết quả là Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã xác nhận ngay trong phần mở đầu rằng nhân quyền thuộc về mọi người “không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”.

Nhân quyền đã có một chỗ đứng trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, đó là một thắng lợi quan trọng. Nhưng nếu chỉ được nhắc tới, mà không xác định rõ nhân quyền là những quyền nào, và có những quy định biện pháp bảo vệ, thì được nhắc tới cũng như không. Ngoài Carlos Romulo, thêm cố gắng của Ngoại trưởng Úc Herbert Evatt, Charles Malik thuộc phái đoàn Lebanon và sự ủng hộ của nhiều phái đoàn các nước Nam Mỹ; Hội đồng Kinh tế Xã hội đã trở thành một trong những cơ cấu chính yếu được quy định bởi Hiến chương. Hội đồng này có nhiều Ủy ban, trong số đó, có Ủy ban Nhân quyền. Chính Ngoại trưởng Mỹ Edward Stettinius lúc đầu đã chống đối việc thành lập Ủy ban này, về sau mới đồng ý.

***

Tổng thống Roosevelt đã cố gắng đến hơi thở cuối cùng để thành lập Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Truman chọn cựu Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt là thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ dự Đại hội LHQ khóa đầu tiên tại London vào đầu năm 1946, là điều dễ hiểu, mặc dầu có nhiều người chống đối, cả từ phía Cộng Hòa như John Foster Dulles, và về phía Dân Chủ, như William Fulbright. Nhưng sự chọn lựa này đã trở thành vô cùng quan trọng cho tương lai nhân quyền.

Là phụ nữ duy nhất trong phài đoàn Hoa Kỳ gồm toàn các nhà ngoại giao kỳ cựu thuộc lưỡng đảng, bà Eleanor lúc đầu bị coi thường. Bà đã được chỉ định đại diện cho Hoa Kỳ trong “Ủy ban Thứ Ba” (lo về xã hội, nhân đạo và văn hóa), là một trong những ủy ban kém quan trọng trực thuộc Đại Hội Đồng. Nhưng sau khi đương đầu thắng lợi trước Liên Xô về số phận người tị nạn chiến tranh, bà đã đạt được sự kính nể của mọi người. Liên Xô muốn những người rời bỏ quê hương vì chiến tranh hay chính trị phải trở về quê cũ. Bà chống lại rằng có nhiều người ra đi vì không chấp nhận một chế độ chính trị, họ không thể trở về, vì có thể bị giết, và đặt câu hỏi: Các ông có muốn những người Tây ban nha đã chạy thoát chế độ Phát xít phải trở lại sống dưới chế độ Franco không?

Sau khi từ Hội nghị London trở về New York, bà Eleanor Roosevelt được Hội đồng Kinh tế Xã hội, một cơ cấu mới được LHQ thành lập, mời làm một trong chín thành viên của ủy ban “nòng cốt” (“nuclear” commission) sửa soạn cho việc thành lập Ủy ban Nhân quyền. Bà được bầu làm chủ tịch của nhóm này. Đề nghị quan trọng đầu tiên của nhóm “nòng cốt” dành cho Ủy ban Nhân quyền khi được thành lập, là viết thành văn một bản liệt kê về nhân quyền (bill of human rights). Sau này, bà Roosevelt đã kể lại trong một bài báo trên Foreign Affairs rằng: “Nhiều người trong chúng tôi nghĩ rằng, thiếu một chuẩn mực về nhân quyền cho toàn thế giới là một trong những lý do lớn nhất khiến xẩy ra mối tranh chấp giữa các dân tộc, và thừa nhận nhân quyền có thể trở thành một trong những nền tảng, để sau hết có thể xây dựng hòa bình trên đó”.

Ủy ban Nhân quyền được chính thức thành lập vào tháng Sáu, 1946, với 18 thành viên đại diện cho các nước hội viên. Ủy ban được trao nhiệm vụ soạn thảo “luật quốc tế nhân quyền” (international bill of rights) và tìm cách thực thi các quyền này. Tháng 1, 1947 Ủy ban họp lần đầu tiên tại trụ sở tạm của LHQ ở Hồ Success, New York. Trong số thành viên, có nhiều nhân vật nổi tiếng; tất nhiên, không thể thiếu Carlos Romulo. Bà Roosevelt được toàn thể bầu làm Chủ tịch Ủy ban; Trưởng phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc Bành Xuân Trường (Peng-chun Chang) làm Phó Chủ tịch; Charles Malik của Libanon là Thư ký.

Khi Ủy ban bắt tay vào việc soạn thảo, đã có nhiều ý kiến đối chọi: Bà Mehta của Ấn Độ nói thẳng là tuyên ngôn sẽ vô ích, nếu thiếu một bộ máy thực hiện nhân quyền. Lập trường của Hoa Kỳ là cần có tuyên ngôn trước, như một khuôn mẫu để mọi người biết mà theo, còn việc thực hiện, và trừng phạt kẻ vi phạm sẽ tính sau, vì cần nhiều thời gian.

Nhưng ngay về nhân quyền trên lý thuyết, cũng gây nhiều tranh cãi, như nhân quyền là những quyền nào, và giữa quyền lợi của cá nhân và tập thể, bên nào quan trọng hơn?

Đại diện cộng sản Nam Tư là Ribnikar nói rằng: “Tự do con người là một sự hòa hợp tuyệt hảo giữa cá nhân và cộng đồng”, nên quyền lợi chung phải coi quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Ông chủ trương các nguyên tắc xã hội quan trọng hơn, vì nhà nước nhằm mục đích tạo điều kiện cần thiết để phục vụ lợi ích cá nhân.

Nhưng Malik của Lebanon chủ trương trái ngược. Ông cho rằng nguy hiểm nhất của thời đại là chủ nghĩa tập thể đòi hỏi cá nhân phải tan biến đi, không còn những quyền riêng bất khả xâm phạm. Ông đề nghị 4 nguyên tắc hướng dẫn cho Ủy ban soạn thảo tuyên ngôn:
Một là mỗi cá nhân quan trọng hơn bất cứ chủng tộc hay nhóm văn hóa mà họ tùy thuộc;
Hai là trí tuệ và lương tâm mỗi người là những sở hữu thiêng liêng bất khả xâm phạm;
Ba là áp lực từ nhà nước, tôn giáo hoặc bất cứ nhóm nào có tính cưỡng bách là không chấp nhận được;
Bốn là vì bất cứ nhóm hay cá nhân nào cũng có thể đúng hay sai, nên tự do và lương tâm cá nhân phải là tối cao.

Đại diện Liên Xô là Tepliakov phản đối 4 nguyên tắc của Malik. Theo ông, quyền cá nhân phải được nhìn dưới khía cạnh nghĩa vụ đối với cộng đồng. Cộng đồng cung ứng cho cá nhân điều kiện để tồn tại và hưởng thụ những gì mình đáng được hưởng, nên không thể tách rời cá nhân với xã hội. Ông Cassin của Pháp đồng ý với ông Malik về sự quan trọng của tự do và lương tâm cá nhân, vì chính điều này khiến con người có giá trị, và nhân phẩm.

Bà Roosevelt chủ trương Ủy ban không cần phải khẳng định sự tồn tại của chính quyền là vì cá nhân hay tập thể, mà “chúng ta phải chắc chắn rằng, khi viết ra tuyên ngôn nhân quyền, chúng ta bảo vệ các tự do căn bản của cá nhân”.

Khóa họp đầu tiên cho thấy Ủy ban không thể làm việc hữu hiệu với cả 18 thành viên cùng tham gia việc soạn thảo văn kiện. Ủy ban đồng ý lập ra một tiểu ban soạn dự thảo sơ khởi, gồm 3 người là các ông Chang (Trung Hoa), Malik (Libanon), và Humphrey (Canada). Ngay buổi thảo luận đầu tiên, Humphrey được trao nhiệm vụ sửa soạn bản dự thảo sơ khởi, với lời yêu cầu của ông Chang là đừng để nội dung tuyên ngôn quá thiên về Tây phương, mà nên nghiên cứu và áp dụng cả tư tưởng của Khổng Tử.

Trước dư luận phản đối từ Hội đồng Kinh tế Xã hội là tiểu ban soạn dự thảo quá thu hẹp, bà Roosevelt đã phải thêm vào ban soạn thảo 5 người nữa, từ các nước Úc, Chí Lợi, Pháp, Anh, và Liên Xô, tổng cộng là 8 người. Tầm đại diện của 8 người này khá rộng: Một người từ Á châu (Chang), một từ khối Ả-rập (Malik), một từ Âu châu (Cassin), và một từ Mỹ châu (Humphrey). Trong bốn tháng, dưới sự điều động của Humphrey, Giám đốc Nhân quyền tại văn phòng LHQ, Ủy ban đã nghiên cứu tất cả hiến pháp của các nước, các tuyên ngôn về quyền con người, cũng như thu góp rất nhiều đề nghị từ khắp nơi gửi tới.

Tất cả công trình của loài người trong 200 năm về nhân quyền được nhóm của Humphrey liệt kê thành 48 khoản, có thể dùng làm căn bản cho tuyên ngôn nhân quyền, thuộc cả hai thế hệ. Thế hệ 1 là những quyền về chính trị và dân sự được đề cập tới trong các văn kiện nổi tiếng của Anh và Pháp vào các thế kỷ 17 và 18, như quyền sống, và được hưởng các tự do về ngôn luận, tôn giáo, hội họp…; Thế hệ 2 là các quyền về kinh tế, xã hội được ghi nhận vào cuối thế kỷ 19, đầu 20 trong các hiến pháp Thụy Điển, Liên Xô, nhiều nước Nam Mỹ, như quyền làm việc, giáo dục, và có mức sống căn bản… Bản dự thảo sơ khởi của Humphrey gồm phần mở đầu với 4 nguyên tắc, và 48 điều.

Cho đến tháng 7, 1947 Ủy ban soạn thảo vẫn còn bàn cãi giữa một văn kiện giống như một tuyên ngôn tổng quát, hay một văn kiện giống một đạo luật quốc tế, buộc các nước phải tuân theo, và cả một tòa án để trừng phạt những kẻ vi phạm. Bà Roosevelt chỉ muốn một tuyên ngôn do Đại hội đồng LHQ công bố, không có hiệu lực thi hành như một đạo luật, mà chỉ có giá trị về tinh thần. Bà lo ngại, nếu là một văn kiện về nhân quyền giống như một công ước, thì chỉ có hiệu lực với nước Mỹ, nếu được hai phần ba nghị sĩ Thượng viện phê chuẩn, là điều khó đạt được. Để dung hòa, ban soạn thảo làm cả hai việc một lúc. Thảo cả tuyên ngôn lẫn công ước.

Trong khi ấy, phía Cộng sản lo ngại trước mấy điều khoản quy định về tự do di chuyển, có quốc tịch, tị nạn chính trị, và chống lưu đầy. Koretsky, đại diện Liên Xô sợ rằng những quyền này “can thiệp vào chủ quyền quốc gia”. René Cassin, một luật gia Pháp gốc Do Thái, có vài chục thân nhân bị Quốc xã Đức sát hại, đã phản ứng quyết liệt, rằng: Quyền “can thiệp” đã nằm ngay trong Hiến chương LHQ, vì chúng ta không muốn tái diễn những gì đã xẩy ra năm 1933, khi Đức bắt đầu tàn sát dân mình thì mọi người cúi đầu nói rằng đó là “chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền”.

Đến đây, Cassin được trao nhiệm vụ sửa chữa, xếp đặt lại bản thảo của Humphrey. Công trình của Cassin là dự thảo thứ nhì, gồm phần mở đầu với 6 nguyên tắc, 8 chương và 46 điều.

Dự thảo của Cassin sau khi được sửa chữa thêm bớt, trở thành dự thảo thứ ba của ban soạn thảo vào tháng Sáu 1947, gồm 36 điều, không có lời mở đầu.

Vào giữa năm 1947, qua cơ quan UNESCO, Ủy ban soạn thảo nhận được khoảng 70 bản trả lời các câu hỏi liên quan tới nhân quyền từ các nhân vật, trong số có cả Gandhi, thuộc nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, như Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Ý; các tôn giáo như Công giáo, Hindu, Hồi giáo…Các bản trả lời này nói rằng tại các nước ngoài Âu, Mỹ, tuy nhân quyền không được ghi nhận trong các tuyên ngôn như tại Anh, Mỹ, Pháp, nhưng đã có sẵn từ lâu đời. Ví dụ, tại Trung Hoa, từ trước công nguyên, Mạnh Tử đã nói “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nói chung, bản nguyên cứu của UNESCO cho thấy các nguyên tắc căn bản của tuyên ngôn nhân quyền đã có sẵn trong các nền văn hóa, tôn giáo và phong thục khác nhau. Do đó, có thể đạt được thỏa thuận trên căn bản về nhân quyền chung cho cả nhân loại.

Phiên họp thứ nhì của toàn thể Ủy ban Nhân quyền được triệu tập tại trụ sở Hội Quốc liên cũ ở Geneva vào tháng 12 năm 1947. Trước khi bản thảo được trao cho toàn thể các thành viên của Ủy ban duyệt xét, ban soạn thảo đã bàn cãi sôi nổi về việc làm thế nào để thực thi nhân quyền.

Tiêu biểu cho khuynh hướng muốn nhân quyền ghi trong một công ước quốc tế buộc các nước phê chuẩn phải thi hành là Charles Malik. Ông nói: Tuyên ngôn hay công ước là sự thách thức giữa các thế lực lớn và nhỏ. Quyết định về sự thực hiện là một thử nghiệm xem hiện nay trên thế giới đã có một quan niệm quốc tế về luân lý hay chưa, theo đó, các nguyên tắc về nhân quyền có thể biến thành luật buộc phải thi hành, hay lãnh vực này vẫn trong tình trạng vô chính phủ với một tuyên ngôn vu vơ về các nguyên tắc đại cương.

Bà Roosevelt, đại biểu cho khuynh hướng làm tuyên ngôn, cho rằng tuy tuyên ngôn không bó buộc thi hành, nhưng không phải là vô dụng. Bằng chứng là Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 đã có giá trị về luân lý và đạo đức rất cao. Bà viết trên Foreign Affairs rằng: “Rất nhiều nước nhỏ đã có quan điểm mạnh mẽ, là những dân tộc bị áp bức trên thế giới và các nhóm thiểu số cảm thấy họ đã bị lừa dối độc ác, nếu Ủy ban Nhân quyền không hoàn thành được một Công ước để từng nước một phê chuẩn như một hiệp ước”. Bà nói thêm: “Chính quyền Hoa Kỳ không chống lại việc viết ra một công ước, mà giản dị là thấy việc này còn sớm vào giai đoạn bắt đầu. Khi nào cảm thấy điều này là cần thiết, thì sẽ hợp tác ngay”.

Sau khi thảo luận và sửa chữa, bản dự thảo thứ tư, cũng còn được gọi là dự thảo Geneva, được Ủy ban Nhân quyền biểu quyết với kết quả: 13 phiếu thuận, 0 phiếu chống; 4 phiếu tránh (abstention — không thuận, không chống) của Liên Xô, Byelorussia, Ukraine và Nam Tư. Kết quả này cho thấy, phía cộng sản tuy tham dự từ đầu công việc soạn thảo tuyên ngôn, nhưng đã bắt đầu tỏ dấu hiệu không hợp tác.

***
Trong Đệ Nhị thế chiến, Liên Xô là đồng minh của Anh Mỹ. Trong hai năm sau thế chiến, tuy hết là đồng minh, nhưng phía cộng sản và tự do chưa ở thế thù địch. Bắt đầu từ năm 1948, nhiều biến cố dồn dập khiến hai phía trong tư thế đối thủ. Tại Đông Âu , Stalin xiết chặt vòng vây, và phong tỏa Bá Linh vào giữa năm. Tại Á châu, Liên Xô giúp Mao thắng thế ở Trung Hoa, giúp lập ra chính quyền Bắc Triều Tiên. Tại Trung Đông, Do Thái lập quốc trên đất Palestine; Liên Xô về phía Ả Rập, Mỹ ủng hộ Do Thái. Không khí thù địch này là trở ngại lớn cho việc đi tới một thỏa thuận chung về nhân quyền cho cả thế giới.

Vào tháng Năm 1948, ban soạn thảo tuyên ngôn họp lại tại Hồ Success, New York, để thảo luận về các ý kiến nhận được từ các nước thành viên trong Ủy ban Nhân quyền đối với bản dự thảo đã biểu quyết tại Geneva vào cuối năm trước. Ủy ban chỉ có ít ngày làm việc để hoàn tất công việc sửa chữa, hoàn chỉnh bản thảo để chính thức gửi lên Hội đồng Kinh tế Xã hội.

Trước tình hình căng thẳng, Liên Xô phá đám bằng cách gửi tới người đại diện mới, yêu cầu bỏ bản thảo cũ, để làm lại từ đầu. Yêu cầu này bị đa số bác bỏ, vì Liên Xô đã có đại diện tham dự qua mọi giai đoạn từ khi khởi sự. Sau cả tháng thảo luận vô cùng gay go, bản dự thảo đã sửa chữa được Ủy ban Nhân quyền biểu quyết thông qua vào ngày 18 tháng 6, 1948, với sự chấp thuận của 12 phiếu, 0 phiếu chống, và 4 phiếu tránh của khối cộng sản như lần trước. Trong phiên họp này, các thành viên của Ủy ban đã bắt đầu dùng chữ “hoàn vũ” (universal), thay cho chữ “quốc tế” (international), mỗi khi nói tới tuyên ngôn nhân quyền. Đây là bản dự thảo thứ năm, gồm phần mở đầu và 28 điều.

Đến đây, bản dự thảo Tuyên ngôn mới xong bước đầu, được toàn Ủy ban Nhân quyền chấp thuận. Theo lịch trình, dự thảo sẽ phải chuyển lên Hội đồng Kinh tế Xã hội, rồi chuyển sang “Ủy ban thứ Ba” (lo về xã hội, nhân đạo và văn hóa), trước khi số phận được định đoạt tại chặng cuối cùng là Đại Hội Đồng. Chặng đường nào cũng nhiều gian nan, vì các thế lực lớn đều không muốn cổ võ nhân quyền. Anh không muốn dân thuộc địa dùng nhân quyền làm võ khí chống lại mẫu quốc. Mỹ không muốn vì đa số dân da trắng còn nặng đầu óc kỳ thị mầu da. Liên Xô không muốn vì sợ quốc tế can thiệp vào quyền nội trị. Phía Hồi giáo không muốn nam nữ bình đẳng trong xã hội, và trong hôn nhân.

Vô cùng may mắn là vào tháng Hai 1948, Charles Malik của Lebanon được bầu làm chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội. Thay vì để Hội đồng này thảo luận và sửa chữa từng điều khoản của dự thảo, vì không đủ thì giờ, Chủ tịch Malik (từng là thuyết trình viên trong ủy ban soạn thảo) đã cho biểu quyết toàn văn dự thảo, để chuyển sang Ủy ban thứ Ba.

Ủy ban thứ Ba bắt đầu họp tại Paris ngày 28 tháng 9, 1948, để thảo luận về dự thảo Tuyên ngôn. Lại một may mắn khác là Charles Malik được bầu làm chủ tọa điều khiển các cuộc bàn cãi, nhiều khi vô cùng gay go, và tiến hành chậm chạp. Phải mất một tuần lễ để Hội nghị thảo luận về mấy vấn đề đại cương, rồi một tuần nữa bàn cãi về điều 1, và mãi đến ngày 12 tháng 10, điều này mới được thông qua. Trong 3 tuần mới chỉ thông qua được 2 trong số 28 điều. Sau một tháng, chỉ mới có ba điều được chấp thuận. Sở dĩ có sự chậm chạp, vì nhiều người nêu ra những ý kiến dễ gây tranh cãi, ví dụ đại biểu A. Abadi của Iraq cãi rằng không thể quy định mọi người đều có tự do và bình đẳng, vì hai quyền này không thể đi đôi với nhau. Với quyền tự do, người này có thể thành công và đạt ưu thế hơn người khác, trong khi bình đẳng là mọi người như nhau.

Malik phải ra điều kiện hạn chế mỗi người chỉ được phát biểu tối đa 3 phút, và họp cả ban đêm, vì nếu Tuyên ngôn không xong trước khi Đại Hội Đồng bế mạc vào tháng 12, kể như hết hy vọng.

Vào cuối tháng 11, sau khi tất cả mọi điều khoản được thông qua, Hội nghị bắt đầu thảo luận về Lời mở đầu. Trong khi đó, một tiểu ban được thành lập do René Cassin chủ tọa để chỉnh đốn lại lần chót về cách hành văn, cũng như sắp xếp lại các điều khoản, và tên của Tuyên ngôn được chính thức sửa lại từ “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (International Declaration of Human Rights) thành “Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights). Theo René Cassin (sau được giải Nobel Hòa bình 1968), việc đổi tên này rất có ý nghĩa, vì “Hoàn vũ” (Universal) hàm ý Tuyên ngôn có giá trị tinh thần đối với mọi người, không riêng đối với các chính quyền đã bỏ phiếu chấp nhận. Nói cách khác, “Tuyên ngôn Hoàn vũ” không phải là một văn kiện “quốc tế” hay “liên quốc gia”, mà dành cho toàn thể nhân loại, đã được tạo thành bởi một quan niệm đồng nhất của loài người.

Trong 60 năm qua và cho tới nay, Việt Nam vẫn dùng tên cũ từ trước khi Tuyên ngôn được chấp thuận, là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.

Đến ngày 4 tháng 12, Tuyên ngôn hoàn thành, sẵn sàng để Ủy ban thứ Ba biểu quyết lần chót. Qua 83 phiên họp và 170 điểm sửa chữa, nội dung của Tuyên ngôn vẫn không khác biệt so với dự thảo do Ủy ban Nhân quyền chấp thuận vào tháng 6. Bản dự thảo Tuyên ngôn thứ sáu gồm phần mở đầu và 28 điều, được Ủy ban thứ Ba chấp thuận vào lúc 3 giờ sáng, ngày 7 tháng 12, để đưa lên Đại Hội Đồng: 0 phiếu chống, 7 phiếu tránh.

Trong diễn văn trước Đại Hội Đồng đêm 9 tháng 12, Charles Malik đã trình bầy Tuyên ngôn như là một “tổng thể” các quyền theo truyền thống, cũng như từ sự khôn ngoan của Á châu và Mỹ châu La tinh. Một tổng hợp chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử. Malik cũng nói Tuyên ngôn đã chuyển tải lời hứa trong Hiến chương LHQ, trong đó tuy 7 lần nhắc tới nhân quyền nhưng không nói là những quyền nào, và bảo vệ ra sao.

Sau 34 đại biểu nối tiếp nhau lên tiếng suốt ngày 10 tháng 12, kể cả cố gắng lần chót của Liên Xô muốn cản trở bằng đề nghị xếp lại đến khóa sang năm, Đại Hội Đồng đã biểu quyết từng điều. Kết quả: 23 trong tổng số 30 điều được toàn thể chấp thuận; điều 1 và 2 cũng như các điều quy định tự do đi lại, tự do tôn giáo,… có vài phiếu tránh. Điều về không kỳ thị có 1 phiếu chống; điều về gia đình 6 phiếu chống; điều về tự do ngôn luận và phát biểu 7 phiếu chống.

Bốn phút trước 12 giờ đêm 10 tháng 12, 1948, Đại Hội Đồng biểu quyết toàn thể Tuyên ngôn gồm phần mở đầu và 30 điều: 48 phiếu thuận; 8 phiếu tránh; 0 phiếu chống; 2 vắng mặt. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã chính thức được chấp thuận. Chủ tịch Đại Hội Đồng Herbert Evatt tuyên bố bế mạc với lời tuyên dương công lao của bà Eleanor Roosevelt. Cả hội trường đứng lên vỗ tay.

Về phần bà Roosevelt: “Tôi rời Palais de Chaillot sau nửa đêm, mệt mỏi. Tôi không biết chỉ với một bản tuyên bố về nhân quyền, không bó buộc về pháp lý, có đủ để khiến các chính quyền thấy các quyền này phải được tôn trọng không”.

***

Phản ứng đáng chú ý đầu tiên về phía Mỹ, là vào tháng 1, 1949, Chủ tịch Luật sư đoàn Hoa Kỳ Frank Holman nói rằng Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền là một “văn kiện hồng” (pink paper) mà sự chấp nhận nó là để cổ võ cho chủ nghĩa xã hội, nếu không nói là chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Ông nói rằng Ủy ban Nhân quyền chỉ có ba người thuộc các nước nói tiếng Anh.

Trong khi ấy, chỉ vài ngày sau khi Tuyên ngôn được chấp thuận, Andrei Vishinsky, trưởng phái đoàn Liên Xô tố cáo Đại Hội Đồng 1948 bị lèo lái bởi khối Anh-Mỹ, đã không quan tâm tới chủ quyền của các nước hội viên bằng cách can thiệp vào việc nội trị của một số quốc gia.

Trong số những người đã giúp Tuyên ngôn ra đời, nổi bật hơn cả, là bà Eleanor Roosevelt, và ông Charles Malik.

Mặc đầu chính phủ Mỹ sau đệ Nhị Thế chiến chưa thiết tha về nhân quyền, nhưng bà Roosevelt thật sự là một chiến sĩ nhân quyền. Vào năm 1939, khi Hội Con gái Cách mạng Hoa Kỳ (Daughters of the American Revolution) từ chối không cho nữ ca sĩ da đen danh tiếng Marian Anderson trình diễn tại Constitution Hall ở Washington D.C., Đệ Nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt đã quyết định ra khỏi Hội, và bảo trợ cho Marian Anderson trình diễn tại đài kỷ niệm Lincoln, thu hút 75 ngàn người tham dự. Vụ này đã gây được tiếng vang rất lớn. Vào giữa năm 1948, do bất đồng chính kiến với chính phủ, bà Roosevelt đã xin từ chức, nhưng Tổng thống Truman không chịu. Trong thời gian soạn thảo Tuyên ngôn, bà đã tổ chức rất nhiều bữa ăn, hay uống trà tại nhà mình, để các đại biểu có dịp gặp nhau. Nhờ đó, đã tạo được đồng thuận giữa những người khác nhau trên nhiều lãnh vực.

Charles Malik là một nhân vật đặc biệt. Sinh ra tại một nước rất nhỏ là Lebanon, chỉ có hơn một triệu dân, mới được Pháp cho độc lập năm 1943, Malik lớn lên giữa các nền văn hóa và tôn giáo đối chọi nhau. Thuộc dòng dõi Ả-rập theo Chính thống Hy lạp, Malik biết nói tiếng Ả-rập, Pháp, Anh, và theo học trường Tin Lành Hoa Kỳ. Ở cấp đại học, Malik học toán và vật lý trước khi tốt nghiệp Harvard và trở thành giáo sư triết. Nhưng rồi lại trở thành nhà ngoại giao, một trong những vai chính hoàn thành Tuyên ngôn Nhân quyền, và 10 năm sau, trở thành Chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ.

Nhân quyền không phải là chiêu bài của các thế lực lớn Tây phương dùng để hù họa các nước đang phát triển. Ngược lại, chính nhờ những người từ các dân tộc từng bị đàn áp hay đô hộ như Charles Malik của Lebanon (cựu thuộc địa Pháp); Carlos Romulo của Phi Luật Tân (cựu thuộc địa Mỹ); Peng-chun Chang hay Bành Xuân Trường của Trung Hoa (bị Nhật xâm lấn); Hansa Mehta của Ấn Độ (cựu thuộc địa Anh); René Cassin người Pháp gốc Do Thái (nạn nhân Đức Quốc Xã), và Hernán Santa Cruz của Chile (dân chủ xã hội), mà Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền đã được ra đời.

Nhân quyền là cảm hứng, là ước vọng của các dân tộc bị áp bức, là võ khí tinh thần để những người bị đè nén chống lại các thế lực độc tài bất nhân, là lẽ sống có sức mạnh giúp người ta sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ. Chính sự khao khát nhân quyền đã giúp bao nhiêu cuộc cách mạng thành công. Nhưng cũng rất đáng buồn, trong lịch sử đã có rất nhiều kẻ, nhiều thế lực đã nhân danh nhân quyền để tranh đấu, rồi đến khi thành công, lại chà đạp nhân quyền của chính đồng bào mình. Đó là những kẻ lừa dối đã phản bội dân tộc mình.

18 năm sau Tuyên ngôn Nhân quyền ra đời, LHQ đã hoàn thành vào năm 1966 hai Công ước Quốc tế để thực hiện các quyền ghi trong Tuyên ngôn: Một công ước về các quyền chính trị và dân sự, và một công ước về các quyền kinh tế. Mười năm sau các Công ước này mới có giá trị, sau khi được các nước ký phê chuẩn. Với các Công ước này, nhân quyền đã có hiệu lực thi hành như luật quốc tế. Và với các nước đã ký phê chuẩn công ước, nếu luật lệ của quốc gia mình mâu thuẫn với công ước, thì có bổn phận phải sửa lại luật lệ cho phù hợp.

Nhiều chính quyền thuộc khối Á Phi, chẳng những không đáp ứng khát vọng nhân quyền của dân tộc mình sau bao nhiêu thế kỷ bị đàn áp, còn cấu kết với nhau để vô hiệu hóa các nhân quyền thiêng liêng được ghi trong Tuyên ngôn Hoàn vũ, hay chính mình đã phê chuẩn trong Công ước Quốc tế. Họ đã cấu kết bằng cách bầu cho nhau vào Ủy ban Nhân quyền LHQ, và bỏ phiếu bênh vực nhau mỗi khi bị trách cứ, hay trừng phạt về vi phạm nhân quyền. LHQ đã cố gắng đối phó với tình trạng này bằng cách sửa Hiến chương, nâng Ủy ban Nhân quyền vốn trực thuộc Hội đồng Kinh tế Xã hội, thành Hội đồng Nhân quyền vào năm 2006. Nhưng tình trạng lạm dụng vẫn chưa được cải thiện.

.
.
.

No comments: