Saturday, December 17, 2011

DÂN CHỦ LÀ MỘT THỨ BẢO HIỂM (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng

Sau bài bình luận tuần trước một vị độc giả đã viết thư tỏ ý ông thích một lời kết luận: “Dân chủ tự do không hứa hẹn thiên đường. Nhưng sẽ giúp xã hội loài người tránh rơi xuống địa ngục.”

Ý tưởng đó chắc không mới. Nhiều người chắc đã nghĩ, đã nói từ hàng trăm năm nay rồi, vì đó cũng là một bản chất của chế độ dân chủ tự do. Tự do dân chủ không phải là một bảng lộ trình hứa hẹn ở cuối đường sẽ tới những bồng lai tiên cảnh. Ngược lại, những phong trào chống lại thể chế dân chủ tự do thì lại hay vẽ ra viễn tượng một xã hội hoàn hảo; khi biết chúng chỉ là những lý thuyết viển vông thì đã muộn.

Trên thế giới đã nhiều lần có những người nổi lên chống thể chế dân chủ, như các đảng cộng sản, các đảng phát xít, hay các đảng tự gọi là theo chủ nghĩa “xã hội quốc gia” từng nắm quyền ở Ðức “quốc xã,” ở Ai Cập thời 1950-60, cho tới Miến Ðiện của Tướng Newin từ đầu thập niên 1960. Những phong trào đó đều đưa ra các chủ nghĩa, các khẩu hiệu nức lòng người; có lúc đã lôi cuốn hàng triệu người tin theo, nhiều người sẵn sàng chết để xây dựng một thiên đường hạ giới. Khi đề cao Tự do, người ta không vẽ ra những hình ảnh viển vông mà chỉ hứa hẹn mọi người sẽ không bị thúc ép.

Quyền tự do của mỗi con người và quyền tự do của một dân tộc, cùng một chữ mà trong hai trường hợp có ý nghĩa khác nhau. Những dân tộc bị lệ thuộc người nước khác đều khao khát tự do; nghĩa là muốn thoát khỏi cảnh bị người nước khác cai quản. Họ có thể hy sinh mạng sống cho đồng bào mình được tự do. Nhưng khi được tự do rồi, người ta sẽ sử dụng quyền tự do đó như thế nào? Trong xã hội mới đó, mỗi người được tự do hay không? Chưa biết, vì khi đang tranh đấu đòi độc lập, người ta chưa bàn, sợ mất tình đoàn kết. Người ta chấp nhận hai chữ Tự Do một cách chung chung. Ít thấy ai khi tranh đấu lại hô hào: “Tự do hay là chết, với điều kiện chúng ta sẽ tổ chức xã hội như thế này, như thế này, vân vân!” Hô một khẩu hiệu như thế thì dài quá, khó lôi cuốn người ta hô theo!

Bởi vậy, mới có những cảnh “hoán nô dịch chủ;” đổi kiếp từ nô lệ người chủ này sang làm đầy tớ cho chủ khác. Chúng ta đã chứng kiến cảnh nhiều lãnh tụ anh minh kêu gọi người khác hãy theo mình tranh đấu cho tự do, thà chết cũng không sợ; nhưng sau đó chính họ lại cai quản mọi người mà chẳng thấy ai được tự do cả. Nhiều dân tộc đã trải qua kinh nghiệm này, sau khi tranh đấu đòi được độc lập, thường phải bắt đầu tranh đấu đòi tự do trở lại!

Chủ nghĩa Cộng sản là một thứ tín ngưỡng trần tục, hứa hẹn một xã hội lý tưởng không khác gì thiên đàng; cho nên đã mị hoặc nhiều người hàng thế kỷ. Ngoài ra, còn những đảng chủ trương dân tộc cực đoan kiểu quân phiệt Nhật Bản cũng hấp dẫn nhiều người vì họ đề cao một nước, một sắc dân. Họ hứa hẹn đưa cả dân tộc lên đỉnh vinh quang, cho mọi người thấy họ cũng tham dự trong đó, chia sẻ một cõi huy hoàng. Lời hứa hẹn của các nhóm tín ngưỡng cực đoan như al Qeada còn lôi cuốn mạnh mẽ hơn nữa vì người ta được hứa hẹn sẽ sống vĩnh viễn trên một cõi thiên đường.

Trong khi đó, người ta chỉ tha thiết đòi tự do, khi các quyền tự do bị chà đạp; ít thấy ai không dưng đề nghị một “chủ nghĩa dân chủ,” vẽ ra một cảnh thiên đường hạ giới, lôi cuốn người khác. Thường chỉ có ai đã phải sống trong nô lệ đến mức không chịu nổi, mới thiết tha đòi được tự do với khẩu hiệu “Tự do hay là chết.” Ðối với những người chỉ mới nghe về hai chữ tự do, nó chỉ là một khái niệm trừu tượng. Vì thể chế tự do dân chủ không hứa chắc sẽ đưa mọi người đến một cõi tốt đẹp hoàn hảo!

Thể chế Dân chủ Tự do chỉ tạo ra một khung cảnh để mọi người sống chung với nhau. Nó cống hiến một hình thức xã hội để sống chung chứ không hứa hẹn một nội dung cụ thể. Nội dung, tức là con người sẽ sống với nhau như thế nào trong xã hội dân chủ, nội dung này tùy theo đặc tính mỗi dân tộc mà thể hiện. Có xã hội thích tranh luận, dùng lý lẽ chiếm phần thắng như ở Pháp; có nơi muốn giữ trật tự, hòa hợp, nhường nhịn như ở Nhật. Có những xã hội muốn nhấn mạnh đến đức công bằng như ở Ðức, ở Na Uy; do đó giảm bớt nhiều quyền tự do lựa chọn của cá nhân, trao cho guồng máy nhà nước nhiều quyền hành. Có xã hội lại đề cao tự do cá nhân nhiều hơn, như ở Mỹ. Ở nước Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1930 đa số ngả về đức công bằng, chịu hy sinh một số quyền tự do lựa chọn. Ðến thời kinh tế trì trệ trong thập niên 1970, người Mỹ lại thấy cần khuyến khích sáng kiến tư nhân, bèn giảm bớt quyền hạn của nhà nước. Nếu trong cùng một thời gian mà nhiều nhóm người ý kiến khác nhau thì sao? Chỉ có một cách quyết định chung, là bỏ phiếu, một “luật chơi dân chủ”. Luật chơi ở đây là đa số thắng thiểu số. Nhưng nếu một khối đa số cứ thắng hoài, rồi lạm dụng quyền hành bắt nạt những người thiểu số thì sao? Phải thêm vào “luật chơi” một điều nữa để đặt thêm giới hạn trên quyền hành. Ðó là bảng liệt kê những “quyền làm người,” nhân quyền. Dù các anh có liên tiếp thắng cử nhờ chiếm đa số, các anh không được xâm phạm đến những quyền căn bản của người thiểu số; như quyền tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, vân vân. Chính vì vậy, các phong trào dân chủ bao giờ cũng nhấn mạnh đến nhân quyền.

Với cái khung tự do dân chủ, có dân tộc thiết lập chế độ nghị viện để Quốc Hội nắm nhiều quyền; có nước lại chọn một chế độ trao nhiều quyền hành cho một vị tổng thống. Trong mỗi loại đó, vẫn còn có thể vẽ ra nhiều kiểu tổ chức xã hội khác nhau. Nước Na Uy khi mới độc lập, vào đầu thế kỷ 20, đã chọn chế độ quân chủ lập hiến thay vì chế độ cộng hòa. Nghị viện nước này mời một ông hoàng Ðan Mạch sang làm vua, ông hoàng đã yêu cầu phải trưng cầu dân ý, dân chấp thuận ông mới nhận chức. Một ông vua được mời như vậy có lợi hay không? Hơn một thế kỷ sau cuộc lựa chọn đó, dân Na Uy bây giờ vẫn có vẻ rất hài lòng! Bởi vì hiến pháp đã tạo một cái khung cho cuộc sống cả xã hội, có một ông vua cũng không ngại gì, được một ông vua tốt càng may. Nhiều người nói rằng chế độ dân chủ tự do ở nước Mỹ cho phép một người rất tầm thường cũng có thể làm tổng thống. Vì người đó không nắm mọi quyền quyết định; mà nếu ông hay bà ta tệ quá thì cùng lắm cũng chỉ làm khổ dân trong bốn năm thôi!

Kết luận là cùng một cái khung dân chủ tự do, người dân mỗi nước có thể chọn những nội dung khác nhau. Tất nhiên, trình độ dân trí, nhất là trình độ của những người làm chính trị cao hay thấp, sang hay ngu, sẽ quyết định nội dung của cuộc sống xã hội. Nhưng dù nội dung như thế nào, thể chế dân chủ có thể giúp chúng ta tránh nhiều cái xấu, cái ác thường do chính quyền gây ra; nhờ có những giới hạn trên quyền bính. Nếu quyền hành không được giới hạn, thì không phải là một chế độ dân chủ.

Nhiều người không để ý đến tính chất “phòng ngừa” này, vì họ mơ mộng và không đủ tự tin hoặc không tin vào người dân. Họ không tin trong chế độ dân chủ người dân có khả năng đóng vai ngăn ngừa cái ác, cái xấu; cho nên họ đi tìm những thể chế chính trị ba xạo hão huyền. Chúng ta phải thận trọng khi nghe các nhà chính trị hứa hẹn những giấc mơ lớn, đưa ra những viễn ảnh lý tưởng. Cuối cùng, khi biết không thể thực hiện được những điều mơ mộng, lý tưởng đó, người ta sẽ phải nói dối. Họ nói dối làm cho mọi người bắt chước, ai cũng học nói dối cho giỏi. Ðạo đức cả xã hội sẽ suy đồi.

Phải lo việc ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, vì đó là một mối rủi ro bất trắc trong cuộc sống chính trị. Ở nước nào cũng vậy, kể cả các nước dân chủ lâu đời rồi, người nắm quyền, dù cấp cao hay cấp thấp, cũng hay lạm quyền, mối rủi ro đó lúc nào cũng có thật. Thường khi muốn đề phòng rủi ro bất trắc, người ta đi mua bảo hiểm. Thiết lập một thể chế dân chủ chính là “mua bảo hiểm” cho xã hội. Tức là đề phòng khuynh hướng lạm quyền của nhà nước bằng cách đặt ra trước các giới hạn bắt họ phải theo. Ai đã sống trong một xã hội mà nhà nước nắm hết mọi thứ quyền, mới thấy khi cả xã hội “không được bảo hiểm” thì rất nguy hiểm! Nếu trình độ của những người nắm quyền lại quá thấp thì mối nguy hiểm đó càng lớn!

------------------------------

Bài liên quan :


.
.
.

No comments: