Asiapacific (2/12)
Vũ Hiền (gt)
Thứ năm, 15 Tháng 12 2011 09:42
Nếu ai có bất kỳ nghi ngờ nào về việc thế giới đang ở trong một sự thay đổi mạnh mẽ thì các sự kiện trong tháng 11 đã xua tan điều đó. Việc châu Âu kêu gọi Trung Quốc cứu trợ đồng euro và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bali để vận động sự hỗ trợ của châu Á là những bằng chứng cho thấy sự thay đổi. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người dẫn đầu thế giới trong thế kỷ 21 và sẽ làm như thế nào?
Có rất nhiều ý kiến cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, với các nước đặc trưng như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Những quốc gia này chắc chắn sẽ tìm cách tăng cường vai trò của mình trong các vấn đề thế giới, bao gồm cả việc có thêm thị phần trong các cơ quan quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, liệu họ có làm được đủ mọi việc để xứng đáng với điều này? Sự can thiệp ở Libi, dẫn đầu là Anh và Pháp và do NATO triển khai, đã nói lên tất cả. Không có NATO và cũng không có Libi ở châu Á. Tưởng tượng một kịch bản trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản phối hợp với nhau để lãnh đạo một liên minh sẵn sàng buộc một chế độ tàn bạo từ bỏ quyền lực, hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động liên quan đến an ninh và hòa bình của các nước láng giềng, đều là không hợp lý. Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của thế giới. Tính theo sự ngang bằng sức mua (PPP), nền kinh tế Ấn Độ được xếp vào hàng thứ 6. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trưởng đến hai con số mỗi năm trong hai thập kỷ qua. Ấn Độ là khách hàng mua vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2010. Một nghiên cứu của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết Arập Xêút, Ấn Độ và Trung Quốc là ba nước mua vũ khí lớn nhất trong giai đoạn từ năm 2003-2010. Ấn Độ đã mua gần 17 tỷ USD, so với 13,2 tỷ USD của Trung Quốc và 29 tỷ USD của Arập Xêút.
Các ý tưởng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đều đã phát triển: Ấn Độ đã từ bỏ chính sách không liên kết. Trung Quốc đã chuyển qua giai đoạn của chủ nghĩa Mao. Nhật Bản theo đuổi ý tưởng về một "trạng thái bình thường" sẵn sàng chấp nhận sử dụng vũ lực trong các hoạt động đa phương. Nhưng thật không may, những thay đổi này đã không mang lại vai trò lãnh đạo lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Những tham vọng quyền lực quốc tế và sự cạnh tranh trong khu vực đã hạn chế đóng góp của họ trong quản trị toàn cầu. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã xác định mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là "cùng nhau xây dựng một thế giới hài hòa". Lãnh đạo Trung Quốc và các học giả gọi ý tưởng văn hóa đó là "tất cả dưới trời". Khái niệm này nhấn mạnh sự hòa hợp và cũng là tín hiệu rằng Trung Quốc có thể là chính trị phi dân chủ, nhưng vẫn theo đuổi tình hữu nghị với các quốc gia khác. Trung Quốc đã tăng cường tham gia trong chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, nhưng không được cung cấp vai trò lãnh đạo. Điều này đôi khi được giải thích như là một di sản kéo dài theo cảnh báo của Đặng Tiểu Bình về việc giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ đại diện cho các nước đang phát triển. Nói đúng hơn mong muốn của Trung Quốc không phải là hy sinh chủ quyền và độc lập của mình vì lợi ích của chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu, cùng với sự hội nhập có giới hạn và luôn cân nhắc tình hình trong nước và quốc tế khi đưa ra quyết định về các vấn đề quản trị toàn cầu. Quan điểm chính sách "trạng thái bình thường" của Nhật Bản ban đầu được thể hiện như một cách để lấy lại quyền sử dụng vũ lực của Nhật Bản, nhưng chỉ để hỗ trợ cho các hoạt động xử phạt của Liên Hợp Quốc. Nhưng điều đó cũng phản ánh những động cơ chiến lược: Khi lực lượng Mỹ rút quân khỏi khu vực, Nhật Bản có thể tự bảo vệ mình và đối phó được với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Ngoài ra nó còn là để tăng sự tham gia của Nhật Bản trong các hoạt động quân sự trên Ấn Độ Dương và khu vực Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, do sự không kiên định của giới lãnh đạo trong nước và một nền kinh tế đang suy giảm, Nhật Bản đã không thể trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu có tính chủ động khi nói đến vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong năm 2005, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định rằng "thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ của Ấn Độ". Ông Singh bày tỏ hy vọng rằng: "Thế giới một lần nữa sẽ nhìn vào chúng tôi với sự tôn trọng, không chỉ về những tiến bộ kinh tế mà còn là những giá trị dân chủ... các nguyên tắc của chủ nghĩa đa nguyên và tính toàn diện, chúng tôi sẽ cho thấy di sản của Ấn Độ là nền văn hóa lâu đời của thế kỷ và là nền văn hóa văn minh". Trong tham vọng này, Ấn Độ đã thể hiện sự tự hào khi Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama mô tả Ấn Độ như là "một nhà lãnh đạo ở châu Á và trên thế giới" và là "một thế lực đang lên có vai trò to lớn đối với toàn cầu". Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã chuyển hướng thực dụng hơn. Một số nhà phân tích của Ấn Độ như C. Raja Mohan đã chỉ ra rằng Ấn Độ có thể quay trở lại từ thời của Gandhi và Nehru đến George Curzon trong những năm đầu thế kỷ 20, khi cho rằng Ấn Độ đứng ở trung tâm châu Á và việc chủ động phát triển ngoại giao - quân sự của Ấn Độ sẽ đóng vai trò trong việc ổn định tổng thể khu vực châu Á. Cũng giống như Nhật Bản, Ấn Độ đã tìm kiếm một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một giấc mơ có thể đến nhưng vẫn chưa được hoàn thành. Ấn Độ đã tham gia trong diễn đàn G-20, nhưng đã không trình bày được các ý tưởng của mình một cách rõ ràng hoặc để lại các ấn tượng đối với việc cải cách và tái cơ cấu trật tự đa phương toàn cầu.
Vai trò của châu Á trong quản trị toàn cầu có thể không tách rời từ câu hỏi: Ai sẽ là người dẫn đầu châu Á? Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Ấn Độ đã được xem như là một nhà lãnh đạo châu Á, nhưng Ấn Độ đã không thể làm được như vậy do thiếu nguồn lực. Trường hợp của Nhật Bản thì hoàn toàn ngược lại. Nhật Bản có các nguồn lực từ giữa những năm 1960, nhưng không mang tính hợp pháp. Trung Quốc đã không có nguồn lực mà cũng không có tính hợp pháp. Châu Á ngày nay, cả Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ mặc dù đều có các nguồn lực nhưng họ vẫn bị thiếu tính hợp pháp trong khu vực. Điều này có thể là một phần di sản của quá khứ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa họ có thể là nguyên nhân chính ngăn chặn vai trò lãnh đạo của chính họ trong khu vực. Do đó, lãnh đạo của châu Á sẽ thuộc về một nhóm các quốc gia yếu hơn trong khu vực ASEAN bởi ASEAN hiện đang có tiếng nói hữu ích, có ảnh hưởng trong các vấn đề khu vực và có khả năng để quản lý khu vực châu Á.
Vũ Hiền (gt)
-----------------------------------
Tin mới hơn:
Chiến lược nhiều ‘mũi giáp công’ của Trung Quốc đối phó với "quay trở lại Châu Á" của Mỹ[16/12/2011 00:00]
Ý nghĩa thực chất việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương[15/12/2011 10:13]
Tin cũ hơn:
Quan hệ Trung-Mỹ và cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương[13/12/2011 10:33]
Báo TQ: Đại chiến lược của Mỹ đối kháng “mô hình Trung Quốc”[08/12/2011 09:09]
Quan hệ Nga-Trung: Thực trạng, Xu thế và Tác động[17/11/2011 12:37]
Những đối tác để Mỹ tái can dự vào châu Á[14/11/2011 09:57]
Biển Đông - Lá bài chiến lược của Ấn Độ[07/11/2011 15:07]
Trung Quốc: Vai trò của quân đội gia tăng?[24/10/2011 00:00]
Trung Quốc: Gã khổng lồ kinh tế, chú lùn chính trị?[09/09/2011 00:00]
.
.
.
No comments:
Post a Comment