GS Koichi Sato
College of Liberal Arts, Đại học J. F. Oberlin, Tokyo, Japan
Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011
HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
Posted by basamnews on 03/12/2011
http://anhbasam.wordpress.com/2011/12/03/su-troi-dan-cua-tq-va-tac-dong-hop-tac-an-ninh-o-bien-dong/
Tháng 3 năm 20102, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với quan chức chính quyền Obama rằng Trung Quốc (Cộng hoà nhân dân – CHND Trung Hoa) sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động can thiệp nào tại Biển Đông, nơi mà hiện nay Trung Quốc coi là một phần “lợi ích cốt lõi” thuộc chủ quyền Trung Quốc. Lực lượng giải phóng nhân dân Trung Quốc (viết tắt tiếng Anh: PLA, viết tắt tiếng Việt: QĐGPND – chú thích: người dịch) và các cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tàu chiến và tàu tuần tra tại Biển Đông. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang leo thang. Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng thể hiện sự quan ngại đối với an ninh của các tuyến đường thông thương trên biển (viết tắt tiếng Anh: SLOC) tại Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng Hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển tàu sân bay. Bài tham luận này sẽ phân tích những thách thức trên biển này và xem xét những hệ luỵ đối với hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng bao gồm Nhật Bản và Mỹ.
Khái quát về xung đột tại Biển Đông
Biển Đông có bốn nhóm đảo, gồm quần đảo Đông Sa (Tiếng Anh: Pratas); quần đảo Hoàng Sa; bãi Trung Sa và quần đảo Trường Sa (xem Hình 1). Đài Loan đã chiếm đóng quần đảo Đông Sa vào năm 1946, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa sau vụ đụng độ trên biển giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974. Tất cả đảo đá tại bãi Trung Sa đều là bãi chìm, trừ hai đá thuộc bãi Scarborough do quân đội Philippines chiếm đóng.
Trọng tâm chính là các tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa. Theo nhiều nguồn tư liệu của Trung Quốc, diện tích biển quanh quần đảo Trường Sa rộng khoảng 800 nghìn km2, chiếm khoảng 38% tổng diện tích Biển Đông. Khu vực này bao gồm 230 đảo, đá chìm và đảo nhỏ3. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều đưa ra yêu sách đối tất cả các đảo, đá chìm, đảo nhỏ; trong khi đó Philippines, Malaysia và Brunei chỉ đưa ra yêu sách với một số đảo và đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa. Bốn bên đưa ra yêu sách, như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt: ASEAN).
Vùng biển bao quanh quần đảo Trường Sa được đánh giá là giàu có về nguồn lợi dầu mỏ và hải sản. Đó là lý do chính khiến tất cả các bên yêu sách khẳng định quyền chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có bên nào thành công trong việc tìm kiếm dầu mỏ. Các chuyên gia Nhật Bản bày tỏ ra bi quan đối với việc sản xuất dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển bao quanh quần đảo Trường Sa4. Đúng là có một số mỏ dầu hoặc khí đốt tự nhiên đã được tìm thấy tại Biển Đông, nhưng các mỏ này nằm tại những khu vực trũng địa chất thuộc các vùng duyên hải Việt Nam, Sabah và Sarawak của Malaysia và quần đảo Natuna của Indonesia. Không có một mỏ dầu khí nào được tìm thấy quanh quần đảo Trường Sa, bởi quần đảo này nằm ở vùng biển giữa và sâu của Biển Đông.
Về nguồn lợi hải sản tại Biển Đông, bao gồm vùng biển bao quanh quần đảo Trường Sa, các thống kê mới đây cho thấy có khoảng 11,5 tỷ tấn cá được đánh bắt vào năm 2001 (Trong đó, Trung Quốc: 1,5 triệu tấn; Indonesia: 2,9 triệu tấn; Thái Lan: 1,9 triệu tấn; Việt Nam: 1,5 triệu tấn, Philippines: 0,9 triệu tấn; Malaysia: 0,7 triệu tấn)5. Các thống kê cũng cho thấy Trung Quốc đánh bắt 5 triệu tấn hải sản vào năm 1989. Điều đó cho thấy khả năng đánh bắt cá tại Biển Đông đang giảm xuống6.
Về tình hình chiếm đóng hiện nay tại quần đảo Trường Sa (cụ thể là sự có mặt của quân đội tại đây), Đài Loan đã chiếm đóng vào năm 1947, Philippines vào năm 1956, Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974 và Trung Quốc vào năm 19887. Chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa vào tháng 8/1951 mặc dù Hải quân Trung Quốc là bên có mặt muộn nhất trong nhóm các bên yêu sách tại quần đảo này. Tàu khu trục Giang Đông (Jiangdong) của Hải quân Trung Quốc đã tấn công các tàu chở lính của Việt Nam tại vùng biển quanh bãi Gạc Ma của quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1988, làm chìm hai tàu của Việt Nam và làm hư hại một tàu khác8.
Hải quân Trung Quốc đã dựng cột mốc lãnh thổ tại Đá Gaven vào tháng 7/1992 và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thể hiện sự quan ngại của họ tuy nhiên họ không nhắc đến Trung Quốc trong Tuyên bố về Biển Đông9. Hải quân Trung Quốc cũng xây dựng một số đồn bốt quân sự cho lính đóng quân trên bãi đá ngầm Vành Khăn mà cả Việt Nam và Philippines yêu sách chủ quyền, vào tháng 2/1995 và sau đó họ đã mở rộng những cơ sở này vào tháng 10/199810. Bộ trưởng ngoại giao của các nước ASEAN đã công bố Tuyên bố về bãi Vành Khăn vào tháng 3/199511. Các quốc gia ASEAN đã không hài lòng với Trung Quốc vì sự thống trị quân sự của nước này ở Biển Đông. Kể từ đó, các quốc gia ASEAN sử dụng ngoại giao hội nghị12 để giải quyết xung đột Biển Đông một cách hoà bình.
Các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu tìm kiếm các cách thức giải quyết hoà bình cho xung đột Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF – diễn đàn này bắt đầu từ năm 1994) và tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc (khởi động từ năm 1997). Họ đã lên kế hoạch cho Bộ quy tắc ứng xử khu vực tại Biển Đông (viết tắt – COC) để ngăn chặn các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông13. Các nước ASEAN đã đàm phán với Trung Quốc trong nhiều năm và cuối cùng các bên cũng đi tới ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (viết tắt: DOC) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc vào ngày 4/11/200214.
Về tình hình chiếm đóng các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa, một học giả người Philippines cho biết “Trung Quốc chiếm 7, Đài Loan chiếm 1, Việt Nam 21, Malaysia chiếm 5 và Philippines chiếm 9, tổng cộng là 43 đảo bị chiếm đóng”. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc cho biết “Trung Quốc chiếm 6 đảo, đá”15. Trung Quốc vạch ra đường đứt đoạn hình chữ U tại Biển Đông (xem hình 1), và giới ngoại giao Trung Quốc gọi đường chữ U đứt đoạn là ranh giới của các vùng nước lịch sử của Trung Quốc một cách mơ hồ. Ngoài ra, luật lãnh hải của Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ các đảo tại Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa16.
Yêu sách của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa rất yếu vì nó không xuất phát từ yếu tố cư trú lịch sử của người dân Trung Quốc. Yêu sách của bốn nước ASEAN cũng thiếu tính thuyết phục với cùng một lý do. Một học giả Nhật Bản có uy tín nhận định rằng không có yêu sách nào có thể đưa ra bằng chứng rõ ràng về việc chiếm cứ hữu hiệu tại quần đảo Trường Sa vào giai đoạn lịch sử cận đại. Mỗi bên đưa ra yêu sách đều có quyền tham gia vào đàm phán giải quyết vấn đề lãnh thổ17.
Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự
Ngân sách quốc phong của Trung Quốc vào năm 1990 là 6,06 tỷ đôla và ngân sách vào năm 2009 là 70,30 tỷ đôla, như vậy, nước này đã tăng gấp 11,6 lần ngân sách dành cho quốc phòng trong vòng 20 năm18. Câu hỏi đặt ra là Hải quân Trung Quốc đã phát triển vũ khí và lực lượng lính hải quân của họ như thế nào. Tác giả Shao Yonling đã chia quá trình phát triển đó thành ba giai đoạn: giai đoạn thành lập hải quân Trung Quốc và bảo vệ vùng duyên hải (1950-1960), giai đoạn bảo vệ ngoài khơi xa (1970-1980), và giai đoạn bảo vệ vùng biển sâu (1990-nay)19.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Shao đã viết rằng: trước kia, Hải quân Trung Quốc đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật đóng tàu chiến từ phía Nga, sau đó Trung Quốc đã sao chép các mẫu tàu chiến của Nga. Tác giả cũng hé lộ rằng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là tàu nổi mặt nước, vốn hiếm khi qua lại tại Thái Bình Dương vào thập niên 80. Cơ hội đầu tiên cho hải quân Trung Quốc vượt qua Thái Bình Dương là vào giai đoạn từ tháng 2/1997 đến tháng 5/1997. Lần tập trận hải quân đầu tiên của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển nước ngoài đã diễn ra từ tháng 11/2005 đến tháng 12/2005. Họ đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ với hải quân của Pakistan, Ấn Độ và Thái Lan20. Hải quân Trung Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng hai tàu sân bay (trọng tải 50 nghìn tấn) vào ngày 23/12/2008, hai tàu này sẽ được sử dụng vào 201521.
Vậy đâu là khả năng thực sự của Hải quân Trung Quốc? Bảng 1 so sánh tàu chiến của Hải quân Mỹ, Hải quân các nước Đông Á và Hải quân Trung Quốc. Chỉ 9.0% tàu chiến Trung Quốc có động cơ tuốc-bin chạy bằng khí đốt; phần lớn tàu vẫn sử dụng động cơ chạy bằng dầu điêzen cũ. Công nghệ cũ này cần 4 tiếng đồng hồ để đốt nhiên liệu, trong khi đó động cơ chạy bằng khí đốt chỉ mất 90 phút. Ngoài ra, hệ thống đổi chiều chân vịt rất chậm.
Bảng 1: So sánh các tàu chiến
Đội tàu (10000) | Tàu ngầm | Máy bay | Tàu sân bay | Tàu tuần dương | Tàu khu trục | Tàu khu trục nhỏ | % tàu | Tàu chạy bằng tuốc-bin khí đốt | |
Mỹ | 32.8 | 71 | 11 | 22 | 59 | 28 | 100% | 191 | |
Nhật | 4.6 | 16 | 45 | 6 | 76.4% | 67 | |||
Trung Quốc | 24 | 57 | (1) | 27 | 51 | 9.0% | 135 | ||
Đài Loan | 4.7 | 4 | 22 | 54.5% | 26 | ||||
Hàn Quốc | 3.5 | 23 | 11 | 9 | 55.0% | 43 | |||
Ấn Độ | 5.1 | 17 | 1 | 8 | 13 | 54.5% | 39 | ||
Úc | 1.4 | 6 | 12 | 100% | 18 | ||||
Indonesia | 3.7 | 2 | 6 | - | 8 | ||||
Malaysia | 2.0 | 2 | 2 | - | 4 | ||||
Philippines | 2.2 | 1 | - | 1 | |||||
Singapore | 0.45 | 4 | 6 | 0% | 10 | ||||
Thái Lan | 6.3 | 9 | 10% | 10 | |||||
Việt Nam | 1.3 | (2) | 5 | 0% | 5 |
Nguồn: Sekai No Kaigun 2011-2012 (Các hải quân trên thế giới 2011-2012), Các loại tàu trên thế giới, Kaijinsha Publishing, 2011, Tokyo.
Ghi chú: Tất cả tàu sân bay của Mỹ đều chạy bằng hạt nhân. Tàu sân bay của Trung Quốc vẫn chưa được trang bị công nghệ này. Tàu ngầm của Việt Nam là loại tàu ngầm lớp Yugo cỡ nhỏ, Chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2009.
Hải quân Trung Quốc có 57 tàu ngầm, trong đó có hai tàu ngầm lớp Shang được trang bị với công nghệ mới (trọng tải 6 nghìn tấn), 4 tàu ngầm chạy dầu đi-ê-zen lớp Yuan (Với công nghệ chạy độc lập với không khí, gọi tắt là công nghệ AIP, với trọng tải 3 nghìn tấn), và 12 tàu ngầm chạy đi-ê-zen lớp Kilo do Nga sản xuất (xem hình 2, với trọng tải 3076 tấn). Ngoài ra, còn có 4 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân và 19 tàu ngầm chạy đi-ê-zen lớp Ming (Với trọng tải 2113 tấn, xem hình 3) chạy bằng động cơ cũ gây ra tiếng ồn.
Tổng số tàu chiến của Hải quân Trung Quốc gấp hai lần Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản, mặc dù số thuỷ thủ Trung Quốc gấp 5,2 lần số thuỷ thủ của Hải quân Nhật Bản. Như vậy, Hải quân Trung Quốc có quá nhiều thuỷ thủ đoàn. Hải quân Trung Quốc có 5 tàu tiếp dầu, bằng với số tàu tiếp dầu của Hải quân Nhật (trong khi đó Hải quân Mỹ có hơn 14 tàu tiếp dầu). Chính vì thế, khả năng triển khai quân của Hải quân Trung Quốc không nhiều hơn lực lượng hải quân Nhật Bản. Ngoài ra, gần đây, Hải quân Trung Quốc có những thay đổi thường xuyên về mẫu mã của tàu chiến. Điều này thể hiện những khó khăn về công nghệ mà Hải quân Trung Quốc đang phải đối mặt khi phát triển tàu chiến của nước này. Chúng ta có thể yên tâm khi nhận định rằng Hải quân Trung Quốc mới đang đi những bước đi đầu tiên trong giai đoạn phát triển thành lực lượng hải quân biển sâu.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc. Trước hết, nếu chúng ta định nghĩa loại tàu chiến có boong tàu chiến đấu là tàu sân bay thì tại Đông Á, kiểu này không hiếm. Hải quân Mỹ có khoảng 11 tàu sân bay cỡ lớn. Hải quân Thái Lan trang bị tàu Chakri Naruebet (trọng tải 11,485 tấn) vào năm 1997, Hải quân Hàn Quốc trang bị tàu Hyuga vào năm 2009 và đã hạ thuỷ tàu Ise vào năm 2011 (hình 4 – trọng tải 19 nghìn tấn)23. Chính vì thế, các nước Đông Á không cần thiết phải căng thẳng với sự đe doạ của các tàu sân bay Trung Quốc, tuy nhiên, các nước cần tiếp tục theo dõi tình hình phát triển của Trung Quốc và mục đích của Hải quân Trung Quốc.
Người đầu tiên đề xuất việc đóng tàu sân bay tại Trung Quốc là Nguyên Đô đốc (Thượng tướng hải quân) Lưu Hoa Thanh24 (Liu Huaqing). Ông này đã đề xuất việc đóng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân lên Bộ tư lệnh của Hải quân Trung Quốc vào ngày 31/3/198725. Tướng Lưu nhấn mạnh sự cần thiết của tàu sân bay để bảo vệ tàu chiến Trung Quốc khỏi các cuộc tấn công trên không trong trường hợp có cuộc giao tranh hải quân để giải phóng Đài Loan. Dường như mong muốn sở hữu tàu sân bay của Trung Quốc cũng được củng cố từ cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan vào tháng 3/1996. Hải quân Mỹ cũng đã đưa một nhóm chiến đấu gồm hai tàu sân bay nhằm mục đích ngăn chặn vụ thử tên lửa của Hải quân Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đã không thể tiến hành thử tên lửa. Chính vì lẽ đó, họ muốn sở hữu tàu sân bay để đương đầu với Hải quân Mỹ26.
Đại tá Shao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tàu sân bay để “lấy lại” các đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông – “những đảo đã bị nước ngoài tước đoạt bất hợp pháp”27. Nhưng điều kì lạ là trong cuốn sách của Đại tá Shao, tác giả này không hề đề cập gì đến việc giải phóng Đài Loan. Điều này cũng tương ứng với sự kiện hoà giải lịch sử giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS Trung Quốc) và Quốc Dân Đảng (Viết tắt tiếng Anh – CNP) vào tháng 4/2005. Nếu vậy, eo biển Đài Loan không phải là mặt trận chiến lược chính của Hải quân Trung Quốc vào thởi điểm này, và việc “lấy lại” đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật – Đảo Sensaku) rất khó khăn vì quân đội Trung Quốc phải đối đầu với liên minh Nhật – Mỹ. Đó là lý do chính giải thích Biển Đông có thể là trọng tâm chiến lược chính của quân đội Trung Quốc trong tương lai gần.
Trung Quốc đã nhập khẩu 4 tàu sân bay của nước ngoài với mục đích nghiên cứu, mặc dù tất cả, trừ chiếc Varyag, đều là hàng phế thải. Chiếc tàu Varyag dài 304.5 mét, với kích cỡ của boong tàu bay gần tương đương với tàu sân bay Mỹ lớp Nimitz (chiều dài 332.9 mét). Tuy nhiên, không có tàu sân bay nào mà Trung Quốc mua được trang bị bệ phóng máy bay (Hình 5). Hải quân Nga – đàn anh của Hải quân Trung Quốc vẫn chưa phát triển hệ thống bệ phóng máy bay của tàu sân bay, bởi những khó khăn về mặt kỹ thuật. Không ai khẳng định được liệu Hải quân Trung Quốc có công nghệ phát triển bệ phóng máy bay hay không. Tuy nhiên, đội tàu chiến đấu hải quân của quân đội Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch tập dượt bay trên boong maket với mô hình nhảy dù tiếp đất tại Vũ Hán28.
Hiện nay, Trung Quốc có thể từ bỏ kế hoạch phát triển hệ thống phóng máy bay. Trọng tải phóng của máy bay trên tàu sân bay mà không có hệ thống phóng rất hạn chế và do đó, chúng không thể chứa được vũ khí hạng nặng như máy bay ném bom và tên lửa cỡ lớn. Ngoài ra, đội chiến đấu của tàu bay cần ba tàu sân bay cho một chiến dịch: một tàu sân bay cho chiến dịch đang diễn ra, một tàu sân bay cho việc tiếp đất và tập dượt hạ cánh của các phi công và một tàu sân bay cho việc bảo dưỡng tàu trong giai đoạn sửa chữa. Trung Quốc sẽ có ba tàu sân bay, hai tàu đang trong kế hoạch xây dựng và tàu Varyag. Chính vì thế, Hải quân Trung Quốc chỉ có thể sử dụng một tàu sân bay cho một chiến dịch. Hiện nay các tàu sân bay của Trung Quốc chưa đóng vai trò quan trọng mấy. Dường như việc sở hữu tàu sân bay chỉ là biểu tượng cho sức mạnh hải quân của nhân dân Trung Quốc29.
Sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển châu Á
Chúng ta đã biết Hải quân Trung Quốc đã mở rộng đường chữ U đứt đoạn từ Biển Đông đến Hạt Kagoshima của Nhật trên bản đồ, như là chuỗi đảo đầu tiên (bao quanh Đài Loan và quần đảo Ryukyu), và họ mở rộng một đường khác từ quần đảo Philippines và đảo Guam đến Bán đảo Bô-sô của Nhật Bản (như là một chuỗi đảo thứ hai30). Nó cho thấy một chiến dịch phòng thủ hai bước để kiểm soát các đảo và các tuyến thông thương hàng hải (SLOC) bao quanh Trung Quốc. Tiếp đó, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng phòng thủ từ chuỗi đảo thứ nhất tới chuỗi đảo thứ hai khi năng lực chiến đấu của hải quân đã phát triển đầy đủ.
Chiến lược phòng thủ hai bước được Nguyên Thượng tướng Lưu Hoa Thanh đề ra tại Ban chấp hành Đảng uỷ Hải quân Trung Quốc với số lượng thành viên mở rộng vào tháng 1/198631. Tướng Lưu nhấn mạnh “phòng thủ biển gần” trong chiến lược hải quân của Trung Quốc. Ông này cho rằng hải quân Trung Quốc có thể sẽ duy trì tại chuỗi đảo thứ nhất trong thời gian dài, và họ có thể đẩy giới hạn phòng thủ tới chuỗi đảo thứ hai tuỳ theo sự phát triển kinh tế, quân Trung Quốc mới tiến hành phòng thủ chủ động.
Hải quân Trung Quốc có thể cân nhắc, “Thời khắc để chúng ta di chuyển vành đai phòng thủ đã tới”. Hải quân Trung Quốc đã huy động hai tàu khu trục, ba tàu khu trục lớn, hai tàu ngầm, một tàu chở dầu, một tàu thuỷ cứu trợ cho tàu ngầm, một tàu kéo. Lực lượng này đã tiến hành diễn tập trên biển trong khu vực chuỗi đảo thứ hai bao quanh Đảo Okinotorishimà của Nhật Bản vào tháng 4/201032. Một Tướng nghỉ hưu của Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản, ông Hideaki Kaneda cho biết, “Có thể Hải quân Trung Quốc coi tàu chở dầu và tàu cứu trợ tàu ngầm như tàu sân bay, và họ đã tiến hành tập trận chống các tàu sân bay33.
Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản đã phái tàu khu trục Asayuki (trọng tải 4200 tấn) đến theo dõi cuộc diễn tập này. Trực thăng hải quân của quân đội Trung Quốc đã áp sát tàu Asayuki khoảng 90 mét và khiêu khích tàu khu trục. Đây là một hành động rất nguy hiểm, vì vận tốc chạy tàu của trực thăng hải quân của quân đội Trung Quốc là 250 km/giờ (tương đương với 69 met/giây), chính vì thế, trực thăng có thể đâm vào tàu Asayuki trong vòng 2 giây. Chính phủ Nhật Bản đã lên án hành động khiêu khích trực thăng với Chính phủ Trung Quốc34. Một sự kiện tương tự cũng xảy ra đối với cuộc đụng độ trên không giữa Trung Quốc và Mỹ tại đảo Hải Nam vào tháng 4/2011.
Hải quân Trung Quốc đã huy động ba hạm đội: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải, và thực hiện diễn tập trên biển chung giữa ba hạm đội tại Biển Đông hồi tháng 7/201035. Hiếm khi Hải quân Trung Quốc huy động cả ba Hạm đội cùng lúc. Họ cũng dàn trận với các tàu khu trục lớn Luyang (trọng tải 7000 tấn), tàu khu trục lớp Sovremenny (trọng tải 7940 tấn) và các tàu khu trục nhỏ có tên lửa dẫn đường. Các tàu chiến đã tiến hành tập trận theo mo hình chiến tranh tổng lực và thử bắn vài quả tên lửa đất đối không và đất đối đất. Một quan chức Hải quân Trung Quốc cho biết, “Chúng tôi sẽ chứng minh rằng Hải quân Trung Quốc có sức mạnh đánh bật đội tàu sân bay của Mỹ”36.
Hải quân Trung Quốc cũng tiến hành tập đổ bộ với 1800 quân bao gồm lính thuỷ đánh bộ, với hơn 100 tàu, xe tăng lội nước, tàu ngầm và máy bay cập cảng Trạm Giang (Zhanjiang) và gần bờ đảo Hải Nam vào tháng 11 năm 201037.
Cuộc tập trận được gọi tên là Giao Long 2010; cuộc tập trận xây dựng kịch bản Trung Quốc sẽ lấy lại một số đảo trong Biển Đông hiện đang do nước ngoài chiếm đóng. Cuộc tập trận đã được tiến hành trước sự chứng kiến của hơn 200 tuỳ viên quân sự nước ngoài38.
Người ta cho rằng Quân đội Trung Quốc đã thể hiện tiềm năng quân sự của họ trong việc thâu tóm quần đảo Trường Sa từ tay những bên yêu sách vào một lúc nào đó, và họ muốn gây áp lực trên bàn đàm phán ngoại giao39. Tuy nhiên, tại quần đảo Trường Sa, không có nhiều bãi biển dài như đảo Hải Nam. Đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình (tiếng Anh: Itu Aba, tiếng Trung: Thái Bình); diện tích đảo vào khoảng 0.489 km2 (cụ thể là 1.36 km từ Đông sang Tây; 0.35 km từ Bắc xuống Nam)40. Quần đảo Trường Sa không có bờ biển dài như vùng Normandy, chính vì thế, việc tập trận đổ bộ với xe tăng lội nước là không cần thiết.
Ngoài ra, Trung Quốc cử một số tàu tuần tra của nhiều cơ quan an ninh hàng hải tới Biển Đông và biển Hoa Đông. Có tin cho rằng, Trung Quốc có ít nhất năm cơ quan an ninh hàng hải; cơ quan quản lý đại dương quốc gia của Bộ Tài nguyên và Đất đai, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc của Bộ Công An; Vụ Tuần tra nguồn thuỷ sản của Bộ Nông Nghiệp, Bộ Giao Thông Vận tải (hình 6) và Tổng cục thuế Trung Quốc41. Mỗi bộ sở hữu tàu thuyền tuần tra riêng tuy nhiên, theo giới quan sát nước ngoài, giữa các cơ quan an ninh hàng hải này không có bất cứ kết nối cũng như sự hợp tác nào.
Tàu tuần tra đánh ca của Bộ công nghiệp Trung Quốc đã xua đuổi nhiều tàu tuần tra của Hải quân Indonesia, khi hải quân nước này đã bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc ngoài khơi của quần đảo Natuna vào tháng 6/201042. Một tàu đánh cá của Việt Nam cũng bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ ở ngoài khơi của quần đảo Hoàng Sa vào tháng 9/201043.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng cử các tàu tuần tiễn đánh cá ra vùng biển bao quanh quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật – Sensaku) vào tháng 10/201044. Có một số ý kiến cho rằng một số tàu trước kia là pháo hạm, sau đó đã được sơn lại từ màu xám thành màu trắng45. Như vậy, có khả năng Hải quân Trung Quốc đã chuyển một số chiến hạm và thuỷ thủ đoàn dư thừa sang một số bộ ngành khác, cũng như nhiều đội quân lính đánh bộ của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc được chuyển về Lực lượng Cảnh sát vũ trang cả Bộ Công An Trung Quốc46.
Những hệ luỵ cho việc hợp tác an ninh
Vậy nên hiểu như thế nào về sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển châu Á? Các nhà phân tích quốc phòng tại Mỹ và Nhật Bản đã liên hệ đến chiến lược Chống tiếp cận/ ngăn chặn vùng (A2/AD)47. Họ nhận định rằng Trung Quốc muốn phát triển khả năng chống tiếp cận của hải quân vào vùng biển của chuỗi đảo thứ nhất và khả nằng chặn vùng ở khu vực biển của chuỗi đảo thứ hai. Khả năng tiếp cận có nghĩa là khả năng Trung Quốc kiểm soát vùng biển và ngăn chặn lực lượng quân thù tiếp cận. Khả năng ngăn chặn vùng là khả năng ngăn ngừa sự kiểm soát của quân địch trong vùng biển, tuy nhiên nó không có ý nghĩa là Trung Quốc có khả năng kiểm soát vùng biển.
Nếu hải quân Trung Quốc thực sự phát triển chiến lược Chống tiếp cận/ ngăn ngừa vùng (A2/AD), họ có thể ngăn cản tự do hàng hải. Người ta cho rằng một trong những lý do khiến Mỹ đề xuất Chiến lược không chiến trên biển vào năm 2010, và Hải quân Mỹ đã yêu cầu lực lượng liên minh và lực lượng hữu nghị hợp tác với họ. Khái niệm toàn diện của Chiến lược không chiến trên biển vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự giải thích rằng chiến lược đó nhằm mục tiêu duy trì khả năng tiếp cận của Mỹ tới các quốc gia đồng minh và các quốc gia anh em hữu nghị trên thế giới, tiếp đó là duy trì khả năng triển khai tiền tiêu48. Cuộc tập trận hải quân ba bên giữa Mỹ – Nhật và Úc tại Biển Đông vào ngày 9/7/2011 có thể là một trong những nỗ lực cho chiến lược này49.
Hải quân Mỹ, Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản và các lực lượng hữu hảo khác không có ý định kiềm chế Trung Quốc, tuy nhiên, họ nhấn mạnh đến vấn đề tự do và an toàn hành hải. Hiện nay, trang thiết bị của Hải quân Trung Quốc bao gồm tàu chiến (Bảng 1) không hiện đại như hải quân Mỹ, và khả năng phô trương sức mạnh của Hải quân Trung Quốc hạn chế, dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc lớn hơn các quốc gia láng giềng ASEAN50. Những nỗ lực tăng cường quân sự của Hải quân Trung Quốc có thể đuổi kịp Hải quân Mỹ trong dài hạn, nhưng không phải trong tương lai gần51. Như vậy, đâu là nguyên nhân khiến Hải quân Trung Quốc triển khai chính sách biển khiêu khích?
Không chỉ có chiến lược của Hải quân Trung Quốc mà chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có thay đổi. Lời bình luận của các quan chức ngoại giao Trung Quốc rằng: “Biển Đông bây giờ là một phần “lợi ích cốt lõi” chủ quyền của Trung Quốc” là minh chứng cho sự thay đổi đó52. Chúng ta cũng cần nói rằng sự thay đổi đó là phù hợp với cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ giữa Hải quân Trung Quốc và phái dân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một học giả ASEAN đã nhận định: “Quân đội giải phóng nhân dân PLA muốn có một phần bánh kinh tế lớn hơn và một sự ảnh hưởng mạnh tới quá trình hoạch định chính sách; chính vì thế, họ muốn dùng chính sách thu hồi lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa. Giới lãnh đạo hiện nay của ĐCS Trung Quốc, như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo không phải là những người đứng đầu Quân đội Trung Quốc những ngày đầu. Giới lãnh đạo của quá khứ như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình lại là những người đứng đầu Quân đội Trung Quốc ngay từ đầu, chính vì thế, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc của hiện nay không thể kiểm soát được giới quân sự”53.
Trong bất cứ trường hợp nào, các nước ASEAN, Nhật Bản và Mỹ cùng các quốc gia hữu nghị khác nên thuyết phục Trung Quốc ngừng lại các hoạt động hàng hải khiêu khích của nước này thông qua kênh ngoại giao hội nghị. Các nước lớn bên ngoài khu vực nên chú trọng tới “vai trò trung tâm của ASEAN”. Kênh trao đổi giữa các cơ quan an ninh quân sự và hàng hải cũng rất quan trọng. Ngoài ARF và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc, còn có: Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN+8 (ADMM+8 – bắt đầu năm 2010), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS – bắt đầu vào năm 2005) và Hội nghị Các cơ quan bảo vệ vùng duyên hải ASEAN (khởi động vào năm 2004). Thông qua tất cả các hội nghị đó, các quốc gia có thể tìm kiếm cách thức, biện pháp xây dựng lòng tin (viết tắt: CBM) với Trung Quốc, từ đó có thể soạn thảo Bộ quy tắc cư xử tại Biển Đông trong dài hạn.
Các biện pháp CBM tại Biển Đông có thể bao gồm việc trao đổi, đối thoại thường niên giữa các cơ quan quân sự và hàng hải; việc thông báo các hoạt động quân sự; thiết lập đường dây nóng giữa các Bộ tham mưu hải quân của các bên yêu sách trong khu vực; tự kiềm chế không tiến hành việc chiếm đóng mới đối với các đảo, đá; hợp tác an ninh biển như tập dượt tìm kiếm, cứu trợ; tiến hành các chiến dịch chống cướp biển và cướp có vũ trang, các chiến dịch chống buôn lậu ma tuý bất hợp pháp cũng như các chiến dịch chống các hành vi xâm phạm trái phép, v.v54.
Các yêu sách có thể thành lập Viện hợp tác Biển Đông (viết tắt tiếng Anh: SCSCI) hoặc các Chương trình hợp tác chung tại Biển Đông (viết tắt tiếng Anh: SCSCIJP) dành cho hợp tác an ninh và nghiên cứu khoa học biển: ví dụ, một số biện pháp đối phó với các vấn đề an ninh biển phi truyền thống, nghiên cứu đa dạng sinh học, thăm dò các dòng hải lưu và mực thuỷ triều, bảo vệ môi trường biển, và nuôi trồng thuỷ sản (hình 7) thông qua những nỗ lực của Ban Thư ký ASEAN và Cơ chế tham vấn hàng hải giữa ASEAN và Trung Quốc (viết tắt: ACMCM). Các đối tác đối thoại bên ngoài có thể trợ giúp công nghệ và tài chính nếu tất cả các bên yêu sách chấp nhận sáng kiến này55.
Tác giả đã từng đề nghị Nhật Bản trợ giúp thông qua một tổ chức phi chính phủ vì đã có tiền lệ điển hình trong trường hợp này56. Năm 1968, Nhật Bản thiết lập Hội đồng eo biển Malacca như một tổ chức phi chính phủ. Tổ chức này có chức năng hỗ trợ thăm dò thuỷ văn; tiến hành lắp đặt những thiết bị hỗ trợ vận tải hàng hải như hải đăng (tất cả đều do phía Nhật Bản tài trợ) và làm sạch đường vận tải cho Singapore, Indonesia và Malaysia.
Vào thời gian đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia sử dụng nhiều nhất eo biển Malacca, còn ba nước liên quan không mong muốn hợp tác nhiều. Nhật Bản cũng có khả năng dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề phi chính phủ, chính vì thế, tổ chức đó không bị phụ thuộc vào chính phủ Nhật Bản. Liệu cách tiếp cận này có phù hợp với quần đảo Trường Sa hay không, điều đó không ai đoán trước được. Sự quyết định không do phía Nhật Bản hay bất cứ đối tác đối thoại bên ngoài nào khác. Chính các quốc gia ASEAN và Trung Quốc phải là bên khởi xướng.
Kết luận
Ngày 21/5/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm vùng Đông Bắc của Nhật Bản – nơi vừa trải qua trận động đất tang thương và ông đã thể hiện lời chia buồn sâu sắc với nhân dân Nhật Bản57. Tác giả tin vào tấm lòng chân thành của Thủ tướng Ôn, mặc dù hạm đội của Hải quân Trung Quốc vẫn xuất hiện tại những vùng biển bao quanh Nhật Bản, và máy bay trinh thám của Hải quân Trung Quốc hiệu Y-8 đã tiến vào khu vực cách không phận của đảo Sensaku 200 km58 (đảo Điếu Ngư – tiếng Trung). Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đề nghị một hiệp định hợp tác kinh tế trị giá 13 tỷ đôla Mỹ với Tổng thống Aquino của Philippines vào ngày 31/8/2011 ngay cả khi hải quân Trung Quốc vẫn đối đầu với một số tàu nước ngoài tại Biển Đông59.
Một Trung Quốc hữu nghị và một Trung Quốc đối đầu, cả hai hình ảnh đó đều đang là hiện thực. Vì lẽ đó, các quốc gia láng giềng Đông Á và Mỹ cần nhìn Trung Quốc trong hình ảnh một con rồng nhiều đầu. Mỗi đầu rồng (tượng trưng cho mỗi bộ, mỗi ngành, tương ứng trong công tác an ninh biển) sẽ hoạt động theo cách riêng, chính vì thế, việc thống nhất không phải là điều dễ dàng. Do vậy, các quốc gia hữu quan cần phải kiên nhẫn đối thoại và thuyết phục con rồng nhiều đầu đó, và đối với các quốc gia láng giềng, đây là thời điểm khá cam go. Nếu Hải quân Trung Quốc tiếp tục muốn trở thành bá chủ trên biển và ngăn chặn quyền tự do hàng hải tại các vùng biển châu Á, điều này sẽ dẫn đến một thảm hoạ không chỉ với các quốc gia láng giềng Đông Á mà với cả bản thân Trung Quốc.
Người Trung Quốc nên nhớ tới việc hợp tác chống cướp biển của quốc tế tại vùng biển ngoài khơi của Somali. Không quốc gia nào có thể tự thân bảo vệ các tuyến thông thương trên biển (SLOC). Hải quân Trung Quốc đã tự chứng minh họ là một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các tàu thương mại trên thế giới. Tác giả hi vọng Trung Quốc sẽ trở thành một chủ thể có trách nhiệm đối với hoà bình và thịnh vượng tại Đông Á.
Chú thích
1. Một số phần trong bài tham luận này được đăng trên bài viết của chính tác giả, Koichi Sato, “China’s ‘Frontiers’: Issue Concerning Rerritorial Claims at Sea – Security Implications in the East China Sea and the South China Sea”, đây là bài tham luận được trình bày tại chương trình Global COE của Trung tâm nghiên cứu Slavơ, Đại học Hokkaido (http://src-h.slav.hokudai.ac.jp/)/ Tác giả muốn dành những lời cảm ơn đặc biệt tới Trung tâm nghiên cứu Slvơ vì đã hỗ trợ tác giả trong việc nghiên cứu các vấn đề biên giới biển. Những quan điểm trong tham luận này chỉ mang tính chất cá nhân, không đại diện cho bất cứ tổ chức nào.
2. New York Times, 23 tháng 4 năm 2010. “Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong vấn đề lãnh thổ bao gồm Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
3. Ji Guoxing, The Spratlys Disputes and Prospects for Settlement, Institute of Strategic and International Studies (ISIS) Malaysia, 1992, tr. 1.
4. Akira Ishi và Kazuhiko Fuji, Sekai Wo Ugokasu Sekiyu Senryaku (Chiến lược dầu mỏ thế giới), Chikuma Publishing, 2003, tr. 136-140. Bộ Tài nguyên Đất đai của Trung Quốc đã tuyên bố một cách lạc quan rằng Biển Đông có thể có khoảng 23-40 tỷ tấn dầu mỏ (tương đương với 168-220 tỷ thùng dầu) và hơn 2000 nghìn tỷ khối (tcf) khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò địa chấn của Mỹ vào năm 1993/4 cho rằng chỉ có 28 tỷ thùng dầu, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho rằng chỉ có khoảng 7 tỷ thùng dầu. Theo nguồn của Ralf Emmers, Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in the South China Sea: From Competition to Collaboration? Joshua Ho, ed., Realising Safe and Secure Seas for All, Select Publishing, 2009, tr. 147.
5. Guo Wenlu and Huang Shuolin, Nanhai Zhengduan Yu Nanhai Yuye Ziyuan Quyu Hezuo Guanli Yanjiu (Nghiên cứu xung đột Biển Đông và Quản lý hợp tác các nguồn thuỷ sản ở Biển Đông), Haijin Chubanshe, Beijing, 2007, tr. 91-104.
6. Shigeo Hiramatsu, Chugoku No kaiyo Senryaku (Chiến lược hải quân Trung Quốc), Keiso Shobo Publishing, 1993, tr. 27.
7. Tatsuo Urano, Nankai Shoto Kokusai Funso Shi (Lịch sử các cuộc xung đột quốc tế về các đảo ở Biển Đông), Tosui Shobo Publishing, 1997, Tokyo, tr. 1106-1175.
8. Jane’s Defence Weekly, 28 tháng 5 năm 1988, tr. 1072, Shao Yonglin, Haiyang Zhanguoce (Chiến lược chiến tranh hải quân của Trung Quốc), Shiyou Gongyue Chubanshe, 2010, tr. 165. Shao Yonglin là giáo sư tại Học viện Pháo binh thứ hai và là Đại tá của PLA.
9. New Straits Times, 10 tháng 7 năm 1992, Tuyên bố về Biển Đông, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Manila, 22 tháng 7 năm 1992.
10. Far Eastern Economic Review, 23 February 1995, pp. 14-16, Straits Times, 11 November 1998.
11. Tuyên bố của Bộ trưởng các nước ASEAN về tình hình mới tại Biển Đông, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Singapore, 18 tháng 3 năm 1995.
12. Bộ trưởng các nước ASEAN gọi nguyên tắc hội nghị của họ là “phương cách ASEAN”, mặc dù nguyên tắc của các phiên họp như vậy còn rất mơ hồ. Chính vì thế, tác giả chia “phương cách ASEAN” trong ngoại giao hội nghị thành một bộ nguyên tắc gồm 6 đặc điểm. Thứ nhất, quá trình hoạch định chính sách dựa trên đồng thuận; thứ hai, việc duy trì đối thoại được đặt ưu tiên hơn so với giải quyết xung đột thông qua những người tham dự hội nghị; thứ ba, ASEAN cũng tiến hành đàm phán tập thể với các đối tác đối thoại bên ngoài; thứ tư, ASEAN tiến hành các hội nghị tuỳ theo thay đổi của môi trường quốc tế; thứ năm, ASEAN giữ toàn bộ hoặc một phần quyền tài trợ và chủ trì các cuộc họp; thứ sáu, ASEAN tiến hành các hội nghị không chính thức, bao gồm các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng. Sáu thành tố của ngoại giao hội nghị kiểu ASEAN tạo thành gói quy tắc mà tác giả gọi là “Cơ chế ASEAN”. Xem Koichi Sato, “The ASEAN Regime: Its Implications for East Asian Cooperation – A Japanese View”, Tamio Nakamura ed., The Dynamics of East Asian Regionalism in Comparative Perspective, Institude of Social Sciênc, University of Tokyo, 2007, tr. 19-30.
13. Straits Times, 21/7/1999.
14. Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông. Phnom Penh, 4/11/2002.
15. Rommel C. Banlaoi, Renewed Tensions and Continuing Maritime Security Dilemma in the South China Sea: A Philippine Perspective, Tran Truong Thuy ed., The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development, Diplomatic Academy of Vietnam, 2010, tr. 148, Shao, sđd., tr. 202, Li Guojiang, Zhongguo Chugoku To Shuuhen Kokka No Kaijou Kokkyo Mondai (Vấn đề biên giới biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng), Kyokai Kenkyu (Nhìn lại Biên giới Nhật Bản), No. 1, Trung tâm nghiên cứu Slavơ, Đại học Hokkaido, tr. 50.
16. Far Eastern Economic Review, 27 April 1995, p. 28, People’s Daily, 26/02/1992.
17. Hidekuni Takeshita, Minami Shina Kai Funso No keii To Ryouyuuken Mondai (Lịch sử xung đột Biển Đông và các vấn đề lãnh thổ), tập 2, Ajiatorendo, 1992, IV, tr. 91.
18. The Military Balance 1991-1992, International Institude for Strategic Studies, 1992, tr. 150, The Military Balance 2010, International Institute for Strategic Studies, 2010, tr. 398.
19. Shao, sđd, tr. 160-174. Shao Yonglin là giáo sư tại Học viện Pháo binh thứ hai và là Đại tá của PLA.
20. Dangdai Haijin (Modern Navy), Tháng 2 năm 2006, Bắc Kinh, tr. 4-13.
21. Shao, sđd., tr. 173, pp. 223-227.
22. Hàn Quốc gọi tàu Dokdo là tàu đột kích lội nước.
23. Giới chức của Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản không bao giờ gọi những tàu này là tàu sản bay hạng nhẹ, họ gọi các loại tàu này là tàu hộ tống trực thăng.
24. Nguyên Thượng tướng hải quân Lưu Hoa Thanh là người sáng lập ra Hải quân Trung Quốc và là cánh tay phải của Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
25. Liu Huaqing, Liu Huaqing Huiyilu (Hồi ký Lưu Hoa Thanh), Jiefangjun Chubanshe, 2005, Beijing, tr. 447-481.
26. Tác giả không nghĩ rằng Hải quân Trung Quốc có thể đối đầu với Hải quân Mỹ, ngay cả khi Trung Quốc có tàu sân bay. Đó chỉ là mong muốn của phía Trung Quốc.
27. Shao, op. cit., tr. 224.
28. Cũng cần nói thêm rằng họ vẫn chưa tiến hành tập luyện đổ bộ trên boong. Hideaki Kaneda, Zhugoku No Kubo Butai Hoyu Keikaku (Kế hoạch nhóm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc), Asagumo Shinbun, 25 August 2011, Yefim Gordon and Dmitriy Komissarov, Chinese Air Power – Current Organization and Aircraft of all Chinese Air Force, Midland Publishing, 2010, tr. 286-287.
29. Phó Chính uỷ Hải quân Trung Quốc, Wu Hua thừa nhận điều này trong cuộc họp báo ngày 9/3/2009. Shao, sđd, tr.223-224.
30. Báo cáo hàng năm với Quốc hội: Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2006 (Annual report to Congress: Military Power of the People’s Republic of China 2006), Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington, tr. 15. Những đường này do Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán, hiện nay, hình dạng của hai chuỗi đảo vẫn chưa được xác nhận.
31. Liu Huaqing, Hồi ký Lưu Hoa Thanh, sđd, tr. 436-437
32. Asagumo Shinbun, 29/4/2010.
33. Asagumo Shinbun, 29/4/2010
34. Asagumo Shinbun, 29/4/2010
35. Dangdai Haijun (Hải quân hiện đại), số tháng 9, 2010, tr. 42-47, South China Morning Post, 30 July 2010.
36. Asahi Shinbun, 30/12/2010.
37. Báo ảnh của PLA, nửa cuối tháng 1/2011, tr. 6-7, Global Times, 3/11/2011, New York Times, 3/11/2010, Asahi Shinbun, 30/12/2010.
38. Báo ảnh của PLA, nửa cuối tháng 1/2011, tr. 6-7.
39. Asahi Shinbun, 30/11/2010.
40. Đảo Ba Bình có nguồn nước ngọt. You Sakushu, Funso Nansa Shoto (Xung đột về các hòn đảo ở Trường Sa), Shinhyoron Publishing, Tokyo, 1994, tr. 30.
41. Lyle J. Goldstein, Five Dragons Stiring Up the Sea: Challenge and Opportunity in China’s Improving Maritime Enforcement Capabilities, U.S. Naval War College, China Maritime Study 5, April 2010, Kazumine Akimoto, Joho Bunseki (phân tích thông tin), http://www.sof.or.jp/jp/monthly/monthly/pdf/201008.pdf, tiếp cận vào ngày 5/9/2009.
42. Mainichi Shinbun, 27 July 2010.
43. http://www.mofa.gov.vn/en/nr04087104143/nr040807105039/ns10100618017/new… tiếp cận ngày 10/10/2010.
44. http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/tyb/fyrbt/t763155.htm, tiếp cận ngày 23/10/2010.
45. Eiichi Fukami, Chugoku Diani, Daisan No kaijouseiryoku (Lực lượng hàng hải thứ hai và thứ ba của Trung Quốc), http://www.sof.or.jp/jpnews/201-250/219_3.php, tiếp cận ngày 23/10/2010. Bài phỏng vấn của tác giả với một số quan chức quân sự Indonesia xin được giấu tên.
46. Jakarta Post, 3/3/1996.
47. Toshihide Yamauchi, Chugoku Kaigun No Hatten To Kadai (PLA Navy’s development and problem), Tomohide Murai, et al, Chugoku Wo Meguru Anzen Hosho (Môi trường an ninh và quốc phòng Trung Quốc), Minerva Shobo Publishing, 2007, tr.172-195, Naoto Yagi, Ea See Batoru No Haikei (Thông tin nền về không chiến trên biển), Kaikanko Senryaku Kenkyu (Tạp chí của trường cán bộ lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản), quyển 1, số 1,05/2011, tr. 4-22.
48. Naoto Yagi, Ea Xem Batoru No Haikei (Haikei (Thông tin nền về không chiến trên biển), Kaikanko Senryaku Kenkyu (Tạp chí của trường cán bộ lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản), quyển 1, số 1,05/2011, tr. 4-22.
49. Asagumo Shinbun, 14/7/2011.
50. Một nhà phân tích quân sự Nhật Bản cho biết “Ý tưởng về chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai giống như ý tưởng về khu vực phòng thủ tuyệt đối của Nhật Hoàng vào tháng 9/1943. Việc rẽ ra những đường biên mà không có sự có mặt của quân đội một cách hữu hiệu là vô nghĩa” (Phỏng vấn cá nhân của tác giả).
51. G. John Ikenberry, “The Rise of China and the Future of the West”, Foreign Affairs, July/August 2008, Vol.87, No. 1, tr. 23-37. Giáo sư Ikenberry nhận định rằng ngân sách quốc phòng của CHND Trung Hoa không thể cạnh tranh với Mỹ sau 2030.
52. New York Times, 23/4/2010. Giáo sư Akio Takahara của Đại học Tokyo cũng đề cập rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên chủ động, nếu không muốn nói là cấp tiến, vào tháng 7/2009. Akio Takahara, Senkaku Gyosen Dahojinken To Kongo No Nichbeichu Kankei (Vụ bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc và tương lai quan hệ Nhật-Mỹ-Trung), Nihon Kisha Kurabu (Japan Press Club). 22 October 2010, http://www.jnpc.or.jp/files/2010/bOcd1e08c67c4abc748c385415a10081.pdf, tiếp cận ngày 29/4/2011.
53. Phỏng vấn cá nhân của tác giả.
54. Phần lớn các ý kiến trên xuất hiện trong phần tranh luận của Hội thảo “Managing Potential Conficts in the South China Sea” do phía Indonesia tổ chức từ 1990 đến 2003 và Dự thảo Philippines, Bộ Quy tắc ứng xử khu vực tại Biển Đông, 9/7/1999.
55. The Workshop “Managing Potential Conflicts in the South China Sea” was financially supported by Canada.
56. Koichi Sato, “The Japan Card”, Far Eastern Economic Review, 13/4/1995, tr. 32, Malacca Strait Council, History of the Malacca Singapore Straits’ Navigation Route, Malacca Strait Countil, 1978.
57. http://www.mofa.go.jp/mofaj/area/jck/summit2011/jc_gaiyo.html, tiếp cận vào ngày 11/9/2011, http://www.asahi.com/national/update/0521/TKY201105210516.html, tiếp cận ngày 11/9/2011.
58. Asagumo Shinbun, 16 June 2011, Asagumo Shinbun, 7/7/2011.
59. http://ph.news.yahoo.com/philippine-president-back-china-13b-deals-051003402.html tiếp cận vào ngày 11/9/2011, Times of India, 1/9/2011.
.
.
.
No comments:
Post a Comment