Charles Scanlon
BBC News
Cập nhật: 15:05 GMT - thứ sáu, 23 tháng 12, 2011
Giả sử các cơ quan tình báo nước ngoài học được một điều duy nhất từ Bắc Hàn, đó là phải thực sự chú ý khi truyền hình nhà nước tuyên bố sắp có thông báo quan trọng.
Khi một xướng ngôn viên áo đen buồn bã xuất hiện trên màn hình giờ ăn trưa hôm thứ Hai, một số người hẳn nhớ lại một ngày tháng Bảy của 17 năm trước.
Khi đó, một xướng ngôn viên đã khóc khi tiết lộ cái chết của lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập và là nhà độc tài của Bắc Hàn.
Hồi đó cũng như bây giờ, người ta phải đặt câu hỏi về thất bại của tình báo Mỹ và Nam Hàn khi không biết gì về cái chết đã diễn ra vài ngày trước đó.
Khép kín
Hiện nay, Bắc Hàn, ở một số mặt, vẫn là nhà nước đàn áp, cô lập và khép kín nhất thế giới.
Một số điều đã thay đổi kể từ 1994. Hiện nay có một thị trường tư nhân thô sơ nhưng đang nở rộ, bán thức ăn và các món thiết yếu - xóa dần sự thống trị của nhà nước về kinh tế.
Đa số dân Bắc Hàn cũng hiểu rằng người dân Trung Quốc và Nam Hàn sống tốt hơn họ. Ngày xưa họ cứ tưởng thế giới ghen tị với mình.
Nhưng chính thể cộng sản cha truyền con nối đầu tiên của thế giới vẫn đang nắm quyền mà chẳng thấy có đối lập ở trong nước.
Bốn năm trước trong một chuyến thăm Bắc Hàn, các nhà báo nước ngoài rất quan tâm chuyện kế vị và các con trai của Kim Jong-il.
Nhưng người theo dõi chúng tôi thú nhận không biết Kim Jong-un, người con út.
Nay thì họ được bảo rằng anh Kim là "vĩ nhân sinh ra dưới Núi Thần Paektu".
Tôi ngờ rằng người dân bình thường cũng chẳng biết gì về hai người anh và các đối thủ tiềm tàng của anh ta.
Các nhà quan sát nước ngoài nay hỏi những câu hỏi sao mà giống những câu hỏi đặt ra khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994.
Lãnh đạo mới có kiểm soát được quân đội? Anh ta có sức mạnh cá nhân như cha? Anh ta là nhà cải cách hay sẽ dùng xung đột bên ngoài để củng cố quyền uy?
Người Mỹ và Nam Hàn dựa vào vệ tinh và tin điện tử để có thông tin. Họ rất giỏi trong việc dự đoán liệu sẽ có thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa hay không.
Thông tin trái ngược
Còn về tình báo con người, họ phải dựa vào thông tin của những người đào tẩu, và thông tin này mang tiếng là không ổn.
"Con cá" lớn nhất là Hwang Jang-yop, từng là thầy dạy của Kim Jong-il. Nhưng khi trốn vào Nam năm 1997, ông ta đã bị cách ly khỏi nhóm lãnh đạo và thông tin của ông chủ yếu mang tính lịch sử.
Đa số người tị nạn là dân lao động chân tay không biết gì về chính trị.
Các nhà báo hay những khách đến thăm thì bị tước bỏ điện thoại di động, computer và báo chí ngay tại biên giới.
Có lần tôi đưa lậu một bản tin của hãng Yonhap của Nam Hàn, nói về một diễn văn của tổng thống Nam Hàn.
Tôi hỏi một cô nhân viên tại một nhà máy nơi biên giới là có muốn xem không.
Cô ta nhìn trái nhìn phải, lấy nó khỏi tay tôi và bỏ vào túi xách. Chúng tôi không bao giờ đề cập đến nó nữa.
Nhưng sự tò mò của cô thật khác với giọng điệu tuyên truyền từ miệng cô, nhất là khi có người khác bên cạnh.
Suốt nhiều thập niên, tình báo Nam Hàn chuyên trách việc tuyên truyền về Bắc Hàn và đặc biệt là gia đình lãnh tụ cai trị.
Hình ảnh Kim Jong-il như một tay chơi uống cognac, thích phụ nữ Bắc Âu và các cuộc khủng bố được tạo ra tại tổng hành dinh tình báo.
Tình báo Nam Hàn vẫn còn bị đè nén vì quá khứ chiến tranh lạnh - nhưng có lẽ hiện nay họ nắm nhiều thông tin hơn là những gì họ công bố.
Tại Seoul có nghi ngờ rằng trong quá khứ, điệp viên miền Nam thỉnh thoảng hợp tác với điệp viên miền Bắc để làm ra những sự kiện có lợi cho cả hai phe.
Trong quan hệ liên Triều, có rất nhiều sự tình cờ và nhiều vụ việc chẳng giống như vẻ ngoài của chúng.
Thỉnh thoảng Trung Quốc có được thông tin mật từ Bình Nhưỡng và có thể đã được thông báo trước khi có việc chính thức đưa tin về cái chết của Kim Jong-il.
Nhưng giống như sự kế vị của Kim Jong-il, các phân tích gia của mọi bên sẽ phải chờ đợi.
Các kịch bản xấu nhất sẽ lại được vẽ ra ở Seoul, Bắc Kinh và Tokyo - sụp đổ bất ngờ, làn sóng tị nạn, nội chiến, xung đột hay thậm chí xâm lăng miền Nam.
Lần sau khi Bắc Hàn nói sắp có thông báo quan trọng, chắc chắn các nước láng giềng sẽ lắng nghe chăm chú.
--------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment