Sợ hãi – một giai đoạn lịch sử của Liên Xô
17/09/2010 - 15:31
.
Tại Liên Xô trước đây, đã có một thời kì lịch sử mà hầu như không ai dám nói thật.
Mới đây, tờ báo Nhân Dân điện tử (http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=45&sub=84&Article=181689) đã đăng loạt bài nhiều kỳ có tựa đề ‘Những bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.’ Nội dung các bài viết đề cập tới nhiều sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và cả Liên bang Xô Viết sau cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 19/8/1991.
Cuộc đảo chính trên do Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước thực hiện nhằm lật đổ Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev.Tám nhân vật chủ chốt trong uỷ ban này giữ những chức vụ trọng yếu dưới thời ông Gorbachev, bao gồm: Phó tổng thống Gennady Yanayev, lãnh đạo cơ quan an ninh KGB – Đại tướng Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Oleg Baklanov và Thủ tướng Valentin Pavlov.
Tuy nhiên, khi nhắc đến những trang sử đen tối của Liên Xô trong thời kì Joseph Stalin bắt đầu thâu tóm và củng cố quyền lực từ thập niên 20-30 của thế kỉ trước, có nhiều ý kiến cho rằng đã có rất nhiều thông tin bị che giấu và ‘không ai dám nói thật’.
.
Tại sao ?
Lý do chính là sự sợ hãi bao trùm về thời kì được mệnh danh là ‘Đại Thanh trừng’, còn gọi là ‘Đại Khủng bố’ diễn ra trong thập niên 30, vốn là một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của Liên Xô trong thế kỷ trước.
.
Theo các tài liệu được công bố trước và sau khi Liên Xô tan rã, Stalin đã thực hiện rất nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu trên khắp đất nước. Thông qua những đạo luật mới nhằm xử lý ‘các tổ chức khủng bố và những hành vi khủng bố’, Stalin đã tổ chức các phiên tòa xét xử ‘kẻ thù của nhân dân’- những người bị cho là có ý đồ lật đổ chế độ và phá hoại nhà nước. Đã có hàng triệu người dân thường cùng các nhân vật lãnh đạo cao cấp trong Đảng, nhà nước và quân đội phải chịu những hình phạt nặng nề, bị lưu đày hoặc xử tử. Chỉ riêng trong hai năm 1937 và 1938, gần 700 ngàn người đã bị xử tử. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những số liệu này chưa đầy đủ và thiếu tin cậy.
.
Cơ quan mật vụ NKVD, tiền thân của KGB, đã giúp Stalin thực hiện các cuộc thảm sát tàn khốc đó. NKVD là một cơ quan an ninh khét tiếng, trong một thời gian dài được đặt dưới sự lãnh đạo của Lavrentiy Pavlovich Beria - một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Liên Xô thời bấy giờ, đặc biệt trong giai đoạn trước và sau Thế Chiến thứ Hai. Chỉ chín tháng sau khi Stalin qua đời vào đầu tháng 3/1953, Beria đã bị xử bắn.
.
Nhìn lại lịch sử
Sau khi Stalin qua đời, đất nước Liên Xô trải qua nhiều thăng trầm và đã tan rã sau hơn 70 năm thành lập vào ngày 25/12/1991.
Vào tháng 5/2010, nhân lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố chính nhân dân mới là những người đã làm nên lịch sử “bằng sự hy sinh vĩ đại của vô số sinh mạng”. Ông Medvedev cũng đề cập tới trang sử đen tối của vụ thảm sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan tại rừng Katyn. Ông bày tỏ quan điểm của nhà nước Nga cho rằng Stalin “là nhà độc tài đã phạm các tội ác chống lại nhân dân.”
.
Trước đó hơn 50 năm, vào cuối tháng 2/ 1956, quan điểm này đã được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev nêu lên trong bản Báo cáo Mật, tên chính thức là ‘Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó “. Đề cập tới số phận của những nhân vật lãnh đạo Liên Xô dưới thời Stalin, ông cho biết có tới 70% ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung Ương do Đại hội thứ 17 bầu ra đã bị bắt bớ và xử bắn. Bên cạnh đó, 1108/1956 đại biểu tham dự bị bắt và bị kết án phản cách mạng. Không chỉ dừng ở đó, trong thời kì phát xít Đức tấn công Liên Xô, các nhà lãnh đạo quân đội có nhiều kinh nghiệm trận mạc ở Tây Ban Nha và Viễn Đông cũng đã bị Stalin thủ tiêu gần hết. Ông Khrushchev nhận định: “Stalin đã trở nên độc đoán đến cực điểm trong việc hành hạ người khác về thể xác cũng như tinh thần”.
Những hồi ức về một thời đã qua ở Liên Xô đã được nhà văn Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn phản ánh trong một số tác phẩm như ‘Quần đảo ngục tù, ‘Một ngày trong đời của Ivan Denisovich , ‘Tầng đầu địa ngục ... Nỗi sợ hãi, những mảnh đời dang dở, tù tội cũng như khát vọng và niềm mơ ước đôi khi rất đỗi bình thường của con người đã được diễn tả một cách chân thực và sinh động. Những điều cựu tù nhân Solzhenitsyn viết ra đã giúp thế giới hiểu được phần nào lịch sử Liên Xô đồng thời mang lại cho ông giải Nobel Văn học vào năm 1970.
.
.
.
No comments:
Post a Comment