Saturday, September 18, 2010

TỪ QUYỀN CAN THIỆP ĐẾN NGHĨA VỤ CAN THIỆP

Từ quyền can thiệp đến nghĩa vụ can thiệp

Bùi Tín viết riêng cho VOA

Thứ Năm, 16 tháng 9 2010

http://www.voanews.com/vietnamese/news/nghia-vu-can-thiep-09-16-2010-103103564.html

.

Số phận bi thảm của cô gái Iran Sakineh Mohamanadi Ashtiani

.

Số phận bi thảm của cô gái Iran Sakineh Mohamanadi Ashtiani đang làm sôi động dư luận thế giới suốt 2 tháng nay.

Cô Sakined Mohamanadi Ashtiani – thường được gọi tắt là Sakine, 43 tuổi, có chồng là Mohamanadi chết năm 2006; cô đã bị bắt giam ngay sau đó, với cái tội là ngoại tình, có quan hệ với một người đàn ông khác, trước và sau khi chồng cô chết, mà lại chết trong một tình huống không được rõ ràng.

Tòa án của thành phố Tabriz ngày 15/5/2006 tuyên án cô phạm tội ngoại tình – “quan hệ một lúc với 2 người đàn ông” – bị coi là trọng tội theo luật Iran. Cô bị nọc ra, bị đánh đúng 99 roi, trước con mắt của đông đảo quần chúng, trong đó có cậu con trai Sajad, nguời con hiếu thảo muốn chia sẽ nỗi đau tinh thần và cơ thể của người mẹ bất hạnh.

Bốn tháng sau, tháng 9-2006, tòa xử lại vụ án này sau khi có những lời tố cáo và một cuộc điều tra mở rộng, cô bị truy tố về tội tham gia âm mưu giết chồng. Tòa tuyên án cô Sakine tội tử hình, theo hình thức truyền thống từ thời cổ là bị trói trên một tảng đá, để đông đảo quần chúng ném đá vào đầu cho đến chết. Theo kinh Koran – được coi là bộ Luật tối cao của Hồi giáo – người đàn bà phạm tội là con quỷ dữ không còn quyền sống, phải bị trừng phạt như một con quỷ.

Ngày 27-5-2007, Tòa án Tối cao Iran quyết định duyệt bản án trên đây.

Người duy nhất có thể cứu cô Sakine là Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khomenei, người cầm đầu chế độ Hồi giáo Iran. Nhưng Đại Giáo chủ này không hề tỏ thái độ, có nghĩa là tán thành kết luận của ngành tư pháp.

Đầu tháng 7-2010, báo chí Iran cho biết cô Sakine sẽ bị đưa ra ném đá đến chết trong tháng 7, trước lễ Ramadan.

Cả một phong trào đấu tranh lập tức dâng cao trên toàn thế giới, từ các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền đến giới báo chí, thuyền thanh, truyền hình, các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, nghị sỹ, nhà văn, nghệ sỹ khắp các lục địa lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ mạng sống của cô Sakine.

Trong những lời tuyên bố, lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ cô Sakine, can ngăn hành động tàn bạo ném đá đến chết của chế độ Iran có tuyên bố của Nghị viện châu Âu, thư của Amnesty International, của Huaman Right Watch, tuyên bố của bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ Hillary Clinton, của Tổng thống Pháp N. Sarkozy…Tổng thống Brazil còn yêu cầu chính phủ Iran cho cô Sakine sang tỵ nạn ở Brazil.

Ngay sau đó, nhiều tình tiết ám muội, mơ hồ của vụ án bị tiết lộ. Luật sư của cô Sakine là ông Mohammed Mostafei từng bảo vệ cô ở tòa án Tabriz bị nhà nước Iran hăm dọa, ông phải trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sang lánh nạn ở Na Uy. Ông cho biết cô Sakine vô tội, cô bị tra tấn hết sức tàn bạo, bị ép cung. Ông cho biết hồ sơ vụ án đã bị thay đổi, sửa chữa, đánh tráo …

Ngày 28-8-2010 người phát ngôn của chính phủ Iran tuyên bố sẽ không thi hành án tử hình theo kiểu ném đá, nhưng vẫn sẽ xử tử hình vào rạng sang hôm sau, có thể bằng hình thức treo cổ. Đêm ấy trong nhà giam, cô Sakine đau khổ gửi lời chào các bạn đồng tù.

Nhưng đến ngày 8/9/2010 người phát ngôn bộ ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho biết bản án tử hình cô Sakine chưa thi hành, mà không có một lời giải thích nào. Mạng sống của cô Sakine – nạn nhân của chế độ độc đoán Hồi giáo, chà đạp nữ giới, với những đạo luật tàn ác từ thời trung cổ – vẫn còn như treo trên sợi tóc.

Trong tuyên bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới – Reporters sans frontiers – nêu rõ chính quyền Iran vin cớ đây là công việc nội bộ của nước Iran, các nước khác không có quyền can thiệp. Đây là một luận điệu lạc lõng, ngụy biện, không mảy may có giá trị, vì Iran là thành viên Liên Hợp Quốc, bị ràng buộc bởi các cam kết tôn trọng quyền tự do và nhân quyền của dân mình trước hết, khi vi phạm thì toàn thế giới có quyền lên án, ngăn chặn. Hơn nữa, trong thế giới văn minh, toàn nhân loại là một cộng đồng thống nhất, con người không những có quyền thương yêu, quý trọng, bảo vệ nhau, mà hơn nữa cái quyền thiêng liêng ấy phải được coi là một nghĩa vụ.

Đó là từ quyền can thiệp – droit d’ ingérence – nâng cao lên thành nghĩa vụ can thiệp – devoir d’ ingérence – của mỗi công dân tiên tiến, văn minh của cộng đồng quốc tế trong thời đại mới.

Bài này, người viết mong muốn đến được với cô Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn của bộ ngoại giao trong nước, luôn vin cớ chủ quyền quốc gia để bác bỏ mọi lời lên tiếng của các tổ chức, các chính phủ nước ngoài nhằm bảo vệ quyền sống trong nhân phẩm của biết bao công dân Việt Nam yêu tự do, yêu dân chủ đang bị chính phủ nước mình bạc đãi.

Việc quốc tế đòi trả tự do ngay cho các chiến sỹ dân chủ Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Hải Điếu Cày, luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Nguyễn Tiến Trung và hàng trăm người khác, hay việc cả thế giới quan tâm đến vụ án Cồn Dầu – Đà nẵng, với cái chết thê thảm vì cực hình của anh Nguyễn Thành Năm, với thi hài cụ Maria Đặng Thị Tân không được chôn trong nghĩa trang, với 42 người phải trôi dạt sang đất Thái Lan để khỏi bị trả thù …đều là những việc làm cao quý của thế giới mới, dựa vững trên quyền can thiệp chính đáng, trên nghĩa vụ can thiệp cao quý trong một thế giới văn minh.

.

.

.

No comments: