Wednesday, September 29, 2010

VUA MẶC ÁO TÀU, QUÂN MẶC VÁY TÂY, và BÁC HỒ MẶC ÁO BÁC MAO

Phùng Tân Côi
30/09/2010 | 4:31 sáng

Trong bài trước tôi đã có dịp nói về việc vua mặc áo Tàu, quân mặc váy Tây“, nhân chuyện y phục của triều Lý qua bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Hôm nay xin nói về y phục của triều Hồ, tức triều cộng sản do ông Hồ Chí Minh khai sinh, phòng trường hợp vài chục năm nữa có ai làm phim Hồ Chí Minh – Đường tới Ba Đình.

Đôi dép Bác Hồ, biểu tượng của thời trang cộng sản Việt Nam

Nói chung các lãnh tụ cộng sản không đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực thời trang. Gu thời trang của họ có phần cổ hủ, bảo thủ, xơ cứng, hay nói đúng ra là họ không có gu. Phong trào cộng sản quốc tế không có quy chế y phục nào áp dụng chung cho giới lãnh đạo. Ai thích gì thì mặc nấy. Giày dép, mũ miện đều tùy chọn, đôi khi khá xuề xòa, tùy tiện, có lẽ để gần gũi hơn với giai cấp công nhân. Lãnh tụ công nhân mà ăn mặc như đại quý tộc hay đại tư sản thì khó tuyên truyền cho chính nghĩa cộng sản. Lenin thích mũ lưỡi trai công nhân, Mao cũng thích mũ lưỡi trai, nhưng đến Khrushchev thì thích mũ phớt. Stalin dận giày cao cổ, Chu Ân Lai diện giày da, Fidel Castro ưa bốt nhà binh, còn Hồ Chí Minh thì nổi tiếng với đôi dép cao su, còn được gọi là “đôi dép Bác Hồ”…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong áo sơ mi cộc tay

Tuy nhiên, thời trang vẫn để lại dấu ấn của nó. Ngày nay, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường xuất hiện trong bộ com-lê, không khác mấy so với giới lãnh đạo các nước tư bản. Ngoài ra, họ cũng rất chuộng áo sơ mi cộc tay kiểu Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt, những người xuất thân từ Miền Nam và hoạt động chính tại Miền Nam với khí hậu nóng, nhưng vào buổi mở đầu triều Hồ thì khác.

Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946

Hồ Chủ tịch được tiếng là người ăn mặc giản dị, chỉ có hai bộ quần áo kaki dùng khi tiếp khách, còn ở nhà thì mặc bộ bà ba. Hai bộ quần áo kaki đó trông như thế nào?
Trong bức hình chụp Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDCCH đầu năm 1946, ông Hồ là Chủ tịch chính phủ đứng giữa, nổi bật trong bộ trang phục khác hẳn những người còn lại, người thì vận Âu phục, kẻ thì đóng quốc phục truyền thống. Bộ đồ này chỉ một thời gian sau đã trở thành mốt phổ biến trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Đó là bộ đồ gồm chiếc quần cùng màu và cùng chất vải với chiếc áo đại cán bốn túi, nửa dân sự nửa quân sự, cổ đứng hoặc cổ bẻ, may sát người hoặc may rộng, khuy thưa hay khuy dày, túi to hay túi nhỏ… tùy sở thích.

Tôn Dật Tiên và vợ

Nguồn gốc của nó là bộ quốc phục mới, do Chủ tịch lâm thời Trung Hoa Dân quốc Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) chỉ đạo thiết kế cho nước Trung Hoa mới sau Cách mạng Tân Hợi. Năm 1923, Quốc dân Đảng cầm quyền chính thức quy định đây là trang phục bắt buộc đối với viên chức nhà nước Trung Hoa. Từng là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng trong thời Quốc – Cộng hợp tác, Mao Trạch Đông cũng mặc bộ đồ này. Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp thu trang phục này, khi giành chính quyền từ tay Quốc dân Đảng. Mao Trạch Đông mặc bộ đồ này trong buổi lễ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 01/10/1949 và suốt đời ông không thay đổi cách trang phục. Từ đó, bộ đại cán 4 túi đi vào lịch sử trang phục thế giới với tên gọi “bộ đồ Mao”.

Mao Trạch Đông tuyên bố sự ra đời của nước CHND Trung Hoa ngày 1/10/1949


Mao Trạch Đông và Giang Thanh

Trang phục của nhân dân Trung Hoa dưới thời Mao

Tuy thỉnh thoảng cũng cho phép mình mặc quần short Tây như trong các bức hình sau đây,

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Pháp

Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp

nhưng càng về sau, ông Hồ càng nhất quán với bộ đồ Mao.

Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh 1955

và lôi kéo các đồng chí của mình vào phong trào mặc áo Mao.


Bác Hồ và bác Tôn

Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng

Hồ Chí Minh và Lê Duẩn

Và ông trở về với cát bụi, hay nói đúng ra là vào nằm hòm kính trong lăng cũng trong bộ đồ đó. Bảy năm sau, đến lượt Mao vào nằm lăng trong cùng trang phục.
Ngay cả sau khi ông Hồ qua đời, hàng ngũ lãnh đạo triều Hồ vẫn duy trì mốt áo đại cán kiểu Mao cho đến ngày chiếm lĩnh Miền Nam năm 1975 và có thể cho đến ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979.

Tượng đài Lê Duẩn tại Quảng Trị

Tượng đài Trường Chinh tại Nam Định

Tượng Bác Hồ, bác Tôn

Tôi không biết chính xác giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thay áo Mao bằng áo sơ mi cộc tay và com-lê chính xác từ thời điểm nào. Sự kiện đó nên được các nhà nghiên cứu lịch sử làm rõ, để chúng ta khỏi sa vào tranh luận “ta hay Tàu”, khi chẳng hạn trong bộ phim tương lai Hồ Chí Minh- Đường tới Ba Đình, đạo diễn cho các vị lãnh đạo mặc áo Mao và cho quần chúng ăn bánh bao, đi xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc.
© 2010 Phùng Tân Côi
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: