Friday, September 24, 2010
WESTMINSTER - Vào ngày 27 tháng 11, 2010, tại La Mirada Theatre trong thành phố La Mirada, hai nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh sẽ cùng các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và 40 diễn viên vũ đoàn Việt Cầm, Lạc Hồng cùng các nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức một nhạc hội với chủ đề “Phong Châu Mở Hội II.”
Một cảnh hát Lên Ðồng trong Phong Châu Mở Hội lần I tại Rose Center, Westminster .
Ðây là lần thứ hai, hai nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh tổ chức quy mô một chương trình văn nghệ dân tộc được sự góp ý tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và các nghệ sĩ cũng như các vũ đoàn danh tiếng của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Phong Châu là một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, Bắc VN nơi có Ðền Vua Hùng dựng nước. Ðó là một quần thể kiến trúc còn đến ngày nay gồm có các lăng tẩm, đền miếu cổ kính như Ðền Hạ, Ðền Giếng, Ðền Trung, Ðền Thượng và Lăng Vua Hùng. Vì thế nên đất Phong Châu được người Việt coi là biểu tượng của cội nguồn và cũng là nơi để con dân Việt Nam tưởng nhớ, biết ơn công lao dựng nước của vua Hùng.
Nói với chúng tôi trong một buổi gặp gỡ, nghệ sĩ Trần Lãng Minh thổ lộ: “Chúng ta hãy tiếp tay cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa và nghệ thuật Việt Nam đang có cơ mất mát và mai một. Theo chúng tôi nghĩ thì đó là một nhu cầu, một sức mạnh tinh thần cần được không chỉ nuôi dưỡng mà phải được phát triển trong sinh hoạt cộng đồng của chúng ta.”
Trong niềm mơ ước này, hai nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh còn cho biết là đã góp công hình thành một tổ chức có tên là “Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt” mà buổi trình diễn nhạc hội “Phong Châu Mở Hội II” như một buổi ra mắt của tổ chức này. Ðược hỏi về sự tổ chức của trung tâm này và các thành viên trong trung tâm, nghệ sĩ Trần Lãng Minh cho biết đã tham khảo và mời nhiều nhân sĩ học giả nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc và cũng đã liên lạc với Viện Việt Học để được cố vấn cũng như đã nhiều lần tìm về các nơi gốc gác của các điệu hát múa dân gian ở trong nước để chỉnh đốn bổ túc những gì còn thiếu sót hay chưa hoàn chỉnh qua các lần trình diễn.
Flyer quảng cáo nhạc hội Phong Châu Mở Hội II.
Vẫn theo nghệ sĩ Trần Lãng Minh thì mục đích của tổ chức Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt là gìn giữ, phát huy các bộ môn nghệ thuật của dân tộc Việt về dân ca, dân nhạc tiêu biểu cho các miền đất nước gồm có hơn 50 sắc tộc. Trần Lãng Minh nói: “Cụ thể trung tâm sẽ tổ chức những buổi hát Chầu Văn, Ca Trù, Hát Xẩm, Hát Chèo, Hát Xoan, Hát Quan Họ, Hát Cung Ðình, Hát Bộ và dân ca các sắc tộc. Những buổi trình diễn này luôn có lời giới thiệu các mục được trình diễn để người xem nắm bắt được ý nghĩa, lịch sử và tính cách của những sinh hoạt dân gian ấy. Những lời giới thiệu giải thích là những nghiên cứu, tìm tòi cẩn trọng của các giáo sư, của những nhà sưu tầm và của chính anh chị em trong trung tâm tìm về tại nơi phát sinh những điệu hát, múa được đem ra trình diễn này.
Bên cạnh đó trung tâm cũng giới thiệu và trình tấu những nhạc khí, nhạc cụ hoàn toàn của dân tộc Việt có lịch sử từ 600 năm đến 3,500 năm tuổi mà nhiều nhà sưu tầm khảo cổ đã tìm được như loại Ðàn Ðá, Cồng Chiêng ở Tây Nguyên, Trống Ðồng, Ðàn Bầu, Ðàn Ðáy. Cả hai hình thức sinh hoạt này của trung tâm không chỉ là những buổi trình diễn trên sân khấu mà còn là những buổi giảng giải, thuyết trình tại các trường học, thư viện và các cơ quan văn hóa nghệ thuật bạn. Một phần hành khác nữa của trung tâm là thực hiện những CD, DVD, sách vở, tài liệu liên quan đến các bộ môn nghệ thuật kể trên.”
Với mục đích lớn lao như thế, chúng tôi có hỏi Trần Lãng Minh về vấn đề tài chánh để thực hiện, thì cả Nga Mi và Trần Lãng Minh đều nói ngay: “Hoàn toàn trông cậy vào sự tham gia của cộng đồng mình trong những buổi tổ chức nhạc hội của trung tâm. Hiện nay thì chúng tôi đã được sự khích lệ của nhiều nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ trình diễn và chúng tôi tin rằng với công việc gìn giữ và phát triển phổ biến những sinh hoạt văn hóa đặc thù của dân tộc Việt mà tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận là 'di sản văn hóa của thế giới' thì không lẽ cộng đồng mình lại không lưu tâm.”
Trong lần tổ chức Phong Châu Mở Hội lần I cách đây 2 năm, chương trình kéo dài trong gần 4 tiếng đồng hồ tại nhà hát Rose Center của thị xã Westminster, nhiều điệu hát múa dân tộc mới lạ với người xem được đem ra trình diễn. Những điệu hát múa này có thể có nhiều người chưa được biết đến hay đã quên lãng. Thí dụ như điệu Hát Xẩm. Nhạc hội Phong Châu Mở hội I đã trình diễn và giải thích sự tích và lịch sử lối hát này từ đâu mà có và đã truyền tụng trong dân gian tới 700 năm. Lần này, Phong Châu Mở Hội II sẽ trình diễn cho bà con người Việt thưởng thức một điệu hát múa có từ thời vua Hùng dựng nước. Ðó là điệu hát Xoan mà hiện nay vẫn còn được sử dụng tại hai xã Kim Ðức và Phượng Lâu thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ và tại thành phố Việt Trì.
Nghệ sĩ Nga Mi cho biết: “Thưa anh, rút được những kinh nghiệm lần trước, lần này chúng em tổ chức tại một hí viện lớn, đầy đủ phương tiện sân khấu cho một buổi trình diễn chuyên nghiệp. Hai vũ đoàn dân tộc lớn là Việt Cầm và Lạc Hồng sẽ phụ trách những màn hát múa độc đáo như Ca Trù, Lên Ðồng, Hát Ả Ðào, v.v... sẽ gây thích thú, mới lạ cho mọi người xem. Chương trình gồm hai mươi tiết mục trong đó có hơn 10 tiết mục không chỉ cho chúng ta giải trí mà cho chúng ta những hiểu biết tường tận về sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt chúng ta. Những tinh hoa trong sinh hoạt ấy nay như mất dần ngay cả ở trong nước. Tại nhiều nơi mà chúng em có dịp đi tìm hiểu, lấy tài liệu thì chỉ có các bô lão trong làng, trong xứ hay con cháu của các gia đình nghệ sĩ về các điệu hát múa này cung cấp theo trí nhớ chứ tuyệt không có một tổ chức văn hóa nào lưu trữ được cả.”
Như chúng ta đã biết những phong tục, tập quán lễ hội ở trong nước nay đang không chỉ bị mất dần mà còn bị ảnh hưởng của Trung Quốc rất nhiều. Mới đầu năm nay, một đoàn hát đóng vai Hai Bà Trưng đã sang Trung Quốc nơi đền thờ Mã Viện để làm lễ viên tướng đã đánh bại Hai Bà sau khi Hai Bà đã khởi nghĩa đánh tan quân Tô Ðịnh đem độc lập về cho đất nước được 3 năm.
Hiện nay thì trong nước lại đang xôn xao về một bộ phim nhiều tập mà nhà nước CSVN đang định cho chiếu rộng rãi trên các đài truyền hình nhân dịp kỷ niệm “Một Ngàn Năm Thăng Long.” Bộ phim “Lý Công Uẩn, đường đến Thăng Long,” theo nhiều cảnh được phổ biến trên mạng thì các nhân vật trong phim từ y phục đến ngôn ngữ làm cho người xem có cảm tưởng đó là bộ phim của Tầu.
Nên việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của người Việt hải ngoại như những “Phong Châu Mở Hội,” đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, Viện Việt Học... biết đâu lại chẳng là những nơi truy cứu chính xác cho các thế hệ người Việt mai sau muốn tìm về cội nguồn.
Quí độc giả muốn biết thêm chi tiết, hỗ trợ cho Phong Châu Mở Hội II có thể liên lạc với Trần Lãng Minh (714) 360-2629 hay (714) 713-4079.
-------------------------------------------
Truyền Hình Việt Nam: (Phần 4/8) Phong Châu Mở Hội -Thuyết trình "Vài nét đặc thù của Ngôn ngữ Việt"
Truyền Hình Việt Nam: (Phần 3/8) Phong Châu Mở Hội -Thuyết trình "Văn Hóa Thái Hòa và Minh Triết Việt" Truyền Hình Việt Nam: (Phần 2/8) Phong Châu Mở Hội - Hội luận về Cổ Sử : Phương pháp luận nghiên cứu, Điểm đặc sắc của Sử Việt, Trung tâm tài liệu Cổ Sử Việt Nam, Phục hồi sự thật của Lịch sử Truyền Hình Việt Nam: (Phần 1/8) Phong Châu Mở Hội - Thuyết trình "Tìm về cội nguồn Dân Tộc" .
.
.
No comments:
Post a Comment