Friday, September 24, 2010

VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG VỚI NGƯỜI TÂY NGUYÊN Ở HẢI NGOẠI (RFA)

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-09-23

Cồng chiêng Tây nguyên, hơi thở và tiếng vọng núi rừng, là một phần quan trọng trong nền văn hóa và nếp sinh hoạt truyền thống của các sắc dân vùng cao Miền Trung.

Đoàn Văn hóa sắc tộc hải ngoại ở thành phố Raleigh, bang North Carolina . RFA photo/Thanh Trúc

Trong bài trước, một nghệ nhân chuyên đúc và thẩm âm cồng chiêng từ làng Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông Dương Ngọc San, đã gởi đến những âm thanh kỳ lạ, cuốn hút từ những bộ Gong Ching tức Cồng Chiêng của từng bộ tộc khác nhau ở miền núi.
.
Di sản văn hóa thế giới
Năm 2009, Cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới.
Trước đó khá lâu, năm 1997, những người thiểu số Tây nguyên từ Việt Nam sang định cư tại tiểu bang North Carolina của Hoa Kỳ đã cố gắng bằng mọi cách giới thiệu và bảo tồn những âm thanh kỳ diệu làm nên văn hóa Tây nguyên, đó là âm nhạc cồng chiêng với sự thành lập và những hoạt động của Đoàn văn hóa sắc tộc hải ngoại. 

Tháng trước, chuyến đi về North Carolina đã dẫn Thanh Trúc đến với Đoàn văn hóa sắc tộc hải ngoại tại thành phố Raleigh, được nghe lại những âm thanh thánh thót và gợi nhớ của cồng chiêng miền cao.
Ông Hip K’sor, nhạc sĩ và cũng là người hướng dẫn các thành viên trong tổ chức mà từ lúc khởi thủy đến giờ đã qua tất cả ba nhóm, cho biết:
Đoàn văn hóa sắc tộc hải ngoại được thành lập năm 1997. Trước tiên thì chúng tôi có những nhạc cụ rất đơn sơ, rồi từ từ tôi huấn luyện các em đánh trống, đánh bass. Tôi viết những bản nhạc kêu gọi anh em để cùng chung lưng hợp tác đoàn kết với nhau nơi hải ngoại này dù có xa quê hương xứ sở. Sống ở xứ tự do này chúng ta phải duy trì nền văn hóa của chúng ta.

Ông kể là thoạt đầu, những người về nước tìm mua những bộ chiêng của người sắc tộc có xuất xứ từ Lào, rồi tìm cách mang từng cái ra khỏi nước:
Cái đoàn chiêng này là thất âm, bảy nốt. Tuy nhiên còn năm cái ở ngoài nữa. Chúng tôi mua bộ chiêng này y chang như từ miền cao nguyên. Bộ chiêng của chúng tôi hồi xưa là đánh từng người một, chỉ có ngũ âm mà thôi, có khoảng mười hai chiếc. Sau đó, trong thời kỳ mới sau bảy mươi lăm, một số thanh niên lấy bộ chiêng cũ ra gò lại và thành hòa âm như ngày hôm nay.
Thanh niên thanh nữ bây giờ họ thích cái này hơn, hình như điệu này mang tính vui vẻ, trẻ trung hơn. Thành ra thanh niên nam nữ khi nghe những cái chiêng này, dù ở chỗ đám ma họ vẫn nhào ra, có người nhảy múa suốt đêm luôn.

Bây giờ Thanh Trúc mời quí vị mường tượng những bước nhảy giản dị, nhịp nhàng, uyển chuyển và nối tiếp không ngừng của những cô thiếu nữ B’nah trong điệu vũ hái hoa rừng, kế đến là điệu vũ đám ma người dân tộc, vẫn lời dẫn giải của nhạc sĩ Hip K’sor.
Vũ công  là những cô nữ sinh trung học ở Raleigh, chỉ mới qua Hoa Kỳ vài năm trở lại: 
Đây là chị em gái dân tộc B’nah, tự chúng em tập, hỏi ba má cách múa như thế nào, ba má chỉ cho rồi các cháu tự sáng tác thêm nữa.
Hay là coi trước đây người ta múa rồi người ta quay phim, từ chỗ đó rồi tập theo. Mình càng múa càng lâu càng cảm thấy vui, nó phấn khởi hơn. Em mới tới đây hai năm …
.
Âm thanh quyến rũ
Mà tại sao âm thanh cồng chiêng không chỉ quyến rũ người chơi, người nhảy múa mà cả người nghe đến như vậy? Từ nãy giờ cùng vợ đứng lặng yên để thưởng thức, ông Steve Benson, một cựu quân nhân Mỹ trước đóng gần khu phi quân sự ở Quảng Trị, kể lại cảm giác ông gọi là tuyệt vời khi lần đầu tiên nghe tiếng cồng chiêng hồi trở lại Việt Nam năm 2005:
Đây là loại âm nhạc xâm chiếm hồn người, đã nghe cồng chiêng rồi thì bạn khó có thể quên nó. Tôi thấy người Việt Nam thích cồng chiêng lắm. Năm đó chúng tôi  lên Dalat, ở trong một khách sạn trên đồi. Sáng hôm ấy, trong lúc cùng những người khác, phần lớn là người Việt, đang xem một buổi triển lãm thì bất thần những âm thanh lạ lùng như là nương theo gió vọng đến tai mình. Không ai bảo ai, mọi người ra khỏi khách sạn, chạy xuống chân đồi,  thì ra một đoàn người dân tộc đang vừa đánh vừa nhảy múa theo tiếng cồng chiêng. Tôi mê tiếng cồng chiêng từ đó , và thật thú vị khi biết nơi tôi ở, thành phố Raleigh, cũng có những người sắc tộc chơi được cồng chiêng như vậy.

Tháng Tư năm 2000, lần đầu tiên người miền núi Tây Nguyên ở North Carolina được cơ hội trình bày trang phục và biểu diễn âm nhạc dân tộc của mình trong quốc hội Hoa Kỳ. Ông Ron Nay, sáng hội Nhân quyền cho người Miền núi ở thành phố Raleigh, bang North Carolina, kể lại:
Năm 2000 tổ chức Nhân quyền của người sắc tộc tại North Carolina, với sự giúp đỡ của ông thượng nghị sĩ Jesse Helm, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của thượng viện Mỹ, ông cũng là người ở North Carolina, muốn giới thiệu để Quốc hội biết rằng những người dân tộc này từng sát cánh với lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt nam. Chính vì đó Thượng nghị sĩ Jesse Helm mới đưa phái đoàn lên Capitol để trình diễn, để nói về một dân tộc thiểu số ở Việt Nam có một phong tục tập quán riêng biệt đối với người Kinh, nhưng cũng nằm trong cộng đồng của người Việt Nam.

Năm 2006, một CD nhạc truyền thống của dân tộc miền núi, Anăk Cứ Chiăng, Những đứa con trai và con gái của miền cao, ra đời tại Raleigh, North Carolina. Những âm thanh Tây nguyên như đàn T’rưng, Đing Bút, tương tự như ống sáo, Đing Năm, loại nhạc khí có sáu ống, Ching tức cồng chiêng, và trống lớn, đều gói ghém trong CD được dẫn giải rất công phu bằng tiếng Anh và tiếng dân tộc.  
Người giữ trách nhiệm sản xuất, bà Kay Reibold, khi đó làm việc trong Lutheran Family Services, cơ quan thiện nguyện Tin Lành đã dang tay đón nhận cả ngàn người dân tộc miền cao về North Carolina tháng sáu năm 2002, giải thích:
Cộng đồng người miền núi ở North Carolina, những người muốn bảo tồn văn hóa và giòng nhạc truyền thống của họ, đã cùng tôi ngồi xuống bàn về chuyện sản xuất một CD. Với sự tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận có tên Z.Smith Reinolds Foundation, rồi thời gian kêu gọi những người có khả năng trình tấu nhạc dân tộc truyền thống đủ loại rồi những thời gian thâu âm, chúng tôi mất hai năm mới có thể hoàn tất CD ấy.
CD Anăk Cứ Chiăng là một sản phẩm độc đáo, biểu tượng của văn hóa truyền thống Tây nguyên, niềm tự hào của những đứa con sinh ra và lớn lên từ rừng núi Việt Nam

Nhưng nếu chỉ có âm nhạc thì sẽ có người hỏi rằng người miền núi có sáng tác được những bài hát không. Có chứ, nhạc sĩ Hip K’sor trình bày:
Bản nhạc này là tôi viết theo các cụ già ngày xưa, nói về vấn đề chiến tranh tràn ngập trên vùng cao mà bây giờ gọi là Tây nguyên. Mấy cụ già nói lên tâm sự đau khổ của họ. Bài này tôi viết năm 1964, khi còn là sinh viên tại Ban Mê Thuột, bài Nhớ về Cheo Reo, tức tỉnh Phú Bổn bây giờ".

Thanh Trúc vừa kể cho quí vị sự cố gắng gìn giữ và phát huy cũng như bảo tồn văn hóa mà những người sắc tộc Tây nguyên ở tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ đang cố thực hiện từ những ngày chân ướt chân ráo đến đất Mỹ cho tới bây giờ. 
Trong bài tới, quí vị sẽ cùng Thanh Trúc viếng thăm những người Thượng từ Việt Nam chạy sang Kampuchia năm 2001 rồi được Hoa Kỳ nhận về North Carolina năm 2002.
Đã tám năm trôi qua, khó khăn nào trong hội nhập và hy vọng nào cho tương lai? Phải chăng họ chỉ là những người an phận với cuộc sống đam bạc như từng sống vậy ở bên nhà?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: