Friday, September 10, 2010

HỒ CHÍ MINH - NGÔ ĐÌNH DIỆM và CUỘC CHIẾN QUỐC-CỘNG (II)

Hồ Chí Minh-Ngô Đình Diệm và cuộc chiến Quốc-Cộng (II)
Minh Võ

08-09-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7755

.

Hai phần sau đây chúng tôi sẽ nêu ra lý do chính của sự thất trận.

II. Hồ Chí Minh với chiêu bài dân tộc

Phần đông người Việt Quốc Gia chỉ thấy Hồ Chí Minh là tên Cộng Sản gian manh xảo quyệt, tàn ác, chủ trương giết người không gớm tay. Nhiều người cho đến nay vẫn không ngừng rủa xả ông ta là tên đại Việt Gian, Việt Gian số một của thời đại, có khi bằng những lời lẽ thiếu tao nhã. Có người còn nổi giận: Với Việt gian cần gì phải lịch sự.
Chúng tôi đồng ý, và cũng đã chứng minh với tài liệu riêng rằng ông Hồ là tội đồ dân tộc, phải chịu trách nhiệm về tất cả các cuộc tàn sát tập thể trên quê hương ta, khiến hàng triệu người đã vong mạng. Nhưng thật là thiếu sót, nếu chỉ nhìn thấy mặt trái, mặt xấu của đối phương, mà không tìm hiểu nguyên do vì đâu mà con người xấu xa đó lại có khả năng gây nên những tội lỗi tầy trời như vậy.
Và chúng ta có nên tự hỏi “Phe Quốc Gia có lỗi lầm gì để gián tiếp tiếp tay cho kẻ ác phạm tội không?”

Hồ Chí Minh đã từng là đảng viên sáng lập đảng Cộng Sản Pháp,
từng là ủy viên tuyên truyền thuộc trung ương Quốc Tế Cộng Sản và giữ nhiều nhịệm vụ quan trọng trong tổ chức này. Tài liệu chính thức còn cho biết ông ta đã nhận tiền và chỉ thị của QTCS xây dựng những cơ sở đảng CS tại nhiều nước Á châu, mở những lớp huấn luyện về tuyên truyền cho các cán bộ tại đó. Trong thời gian từ 1933 đến 1938, có người cho rằng ông ta đã chết, hay mất tích, hay bị gọi về Liên Xô để chịu sự kiểm thảo gắt gao. Nhưng trong thời gian dài đó HCM cũng đã dự những lớp huấn luyện cao cấp dành cho những đảng viên ưu tú tại Học viện Lênin, và từng là huấn luyện viên của trường Lao động Đông Phương, cũng được gọi là Trường Stalin…
Tại những trường này họ Hồ đã được học không thiếu ngón nghề gì, từ tuyên truyền, tình báo gián điệp cho đến các kỹ thuật đấu tranh chính trị, kỹ thuật tác chiến, kể cả du kích chiến, để chuẩn bị trở thành một lãnh tụ Cộng Sản có tầm cỡ và một quốc trưởng tương lai.

Hai trường Stalin và Lênin thời ấy là những lò đào luyện cán bộ cách mạng hiếm hoi của thế giới. Cho nên chính nhà cách mạng Tôn Dật Tiên của Trung Hoa đã thỏa hiệp với Nga Cộng về một cuộc hợp tác để cán bộ của ông có thể thâu thái những tinh hoa về kỹ thuật cách mạng của Liên Xô.

Cũng thế, chính nhà cách mạng Phan Bội Châu đã có lúc tiếp xúc với cán bộ Nga Cộng để yêu cầu họ huấn luyện cho cán bộ của ông. Nhưng khi Nga đặt điều kiện là phải truyền bá và xây dựng chủ nghĩa Mác tại Việt Nam, thì nhà cách mạng lão thành của chúng ta đã thôi không tiếp xúc, cầu cạnh với Nga Cộng nữa.

Nhưng Hồ Chí Minh đã nhận làm tay sai cho CS và được huấn luyện để trở thành tay gián điệp quốc tế nổi tiếng với nhiệm vụ xích hoá chẳng những Việt Nam mà còn cả vùng Đông Nam Á Châu, cụ thể là các nước Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Mã Lai. Đó là chưa kể đã giúp mở mang củng cố đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong vai trò phụ tá cho Borodin, một cán bộ cao cấp được QTCS phái sang làm việc cạnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng, với một sứ mạng bí mật là yểm trợ, mở rộng đảng CS Trung Hoa.
Cứ xem vậy đủ biết Hồ Chí Minh đã có nhiều khả năng đa dạng về kỹ thuật đấu tranh chính trị, hay tác chiến trong chiến tranh ý thức hệ. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ bàn đến một “bửu bối” của ông ta là
chiêu bài dân tộc mà ông ta đã khéo léo, cẩn thận tạo được cho mình và đã sử dụng nó một các tinh vi, tài tình, khiến cho ngày nay dư luận thế giới vẫn còn ngưỡng mộ ông ta về khả năng phi phàm đó. Và đó là mối đại hoạ cho dân cho nước mà chúng ta chưa làm sao thoát ra được.


Chiêu bài dân tộc mà Hồ Chí Minh dùng để lôi cuốn quần chúng đi theo ông ta phát xuất từ “
Đề cương chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc” của Lênin. Đây là một sách lược đấu tranh dựa vào những kinh nghiệm của đảng Cộng Sản Nga trong giai đoạn đầu. Theo lý thuyết chủ nghĩa Mác thì sách lược đấu tranh phải dựa vào giai cấp vô sản là chính, không có chỗ đứng cho các thành phần dân tộc. Càng không có cái gọi là chủ nghĩa dân tộc. Nhưng kinh nghiệm của cách mạng ở Nga trong giai đoạn đầu với nhiều khó khăn trở ngại, nếu Lênin không dựa vào các thành phần dân tộc thì đã không thể nào thành công. Vì vậy chủ nghĩa dân tộc của Lênin chỉ là một sách lược (tactic) giai đoạn mà thôi chứ không phải là một chiến lược (strategy) dài hạn. Càng không phải là mục tiêu chiến lược cuối cùng.
Nói một cách nôm na, Lênin không chủ trưong kêu gọi lòng yêu nước thực sự để đấu tranh chống thực dân, đế quốc, nhằm mục đích giải phóng các dân tộc bị trị, vì quyền lợi tối thượng của các dân tộc đó. Mà chỉ dùng nó như một chiêu bài giả dối. Nghĩa là sau khi đã đánh đuổi thực dân, thì sẽ không còn cần tới dân tộc nữa. Vì thực ra khái niệm dân tộc không tồn tại trong chủ nghĩa Mác, vốn là chủ nghĩa vô tổ quốc. Vì mục tiêu cuối cùng của đấu tranh giai cấp của Mác là thế giới đại đồng, không còn quốc gia dân tộc nữa.



Hồ Chí Minh đã chuẩn bị để sử dụng chiêu bài dân tộc như thế nào?

Ngày 11-11-1924 Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc trong vai trò phụ tá cho Borodin trưởng đoàn Liên Xô bên cạnh chính phủ Trung Hoa Quốc Gia. Trong vai trò này và đồng thời cũng là một vỏ bọc kiên cố cho một điệp viên cao cấp của Quốc Tế CS, Hồ Chí Minh (lúc ấy còn mang tên Nguyễn Ái Quốc), lấy bí danh Lý Thụy đã có cơ hội tiếp xúc với những nhân vật Trung Cộng trong bí mật, nhưng quan trọng hơn và, đáng nói ở đây là, những giới chức thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Thậm chí ông ta đã được phu nhân của lãnh tụ Tôn Dật Tiên tiếp kiến và giúp đỡ tận tình. Dĩ nhiên không phải với tư cách là một điệp viên của Quốc Tế CS, mà với tư cách là một người Việt Nam “yêu nước”. Khi mối liên hệ giữa Trung Hoa Dân Quốc và Liên Xô tạm ngưng từ 1927, Họ Hồ theo phái bộ Borodin trở về Nga, rồi từ đó trở lại Thái Lan qua ngả Âu Châu. Tại Thái Lan ông tiếp xúc với những kiều bào yêu nước, để lập nên đảng CS Xiêm (tên gọi Thái Lan thời ấy). Tuy mang tên là đảng CS Xiêm, nhưng đảng viên hầu hết là ngừoi Việt và người Hoa. Có lúc ông đã mặc áo sư vào ẩn náu trong các chùa chiền, để dễ dàng bí mật chỉ huy. Theo Hoàng Văn Hoan, trong thời gian HCM ở Thái Lan, từ 1928 đến 1930, có một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu là Đặng Thúc Hứa, tục gọi Cố Đi (mất năm 1931), đã hết lòng giúp đỡ các tổ chức yêu nước ở đây, kể cả các nhóm CS, vì nghĩ họ đều là người yêu nước muốn đánh đuổi Pháp thưc dân dành độc lập cho tổ quốc.

Khi Cộng Sản còn yếu nó thường phải dựa vào uy tín, thế lực của người quốc gia phi cộng sản để che giấu bộ mặt thật đáng ghét, hay chưa có tiếng tăm. Ở đâu cũng vậy chứ không cứ gì ở Xiêm.
Cũng chính Hồ Chí Minh đã xâm nhập, thao túng, lũng đoạn các tổ chức người Việt yêu nước ở Hoa Nam như Tâm Tâm Xã của các thanh niên đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, của cụ Hồ Học Lãm, một đồng chí của cụ Phan, và cả Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh hội của cụ Nguyễn Hải Thần.
Chính Nguyễn Ái Quốc đã chiêu dụ nhóm thanh niên nhiệt thành trong Tâm Tâm Xã như Hồ Tùng Mậu (cháu cụ Hồ Học Lãm), Lâm Đức Thụ, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn... theo ông ta để dần dần biến tổ chức này thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, là cái nhân của Đông Dương Cộng Sản Đảng vào năm 1930.


Trong hồi ký
Giọt nước trong biển cả mà chúng tôi đã phân tích tóm tắt trong cuốn “Hồ Chí Minh - Nhận định tổng hợp”, chương 33 (1bis), Hoàng Văn Hoan còn nói kỹ về việc Hồ Chí Minh sau khi từ Nga trở về Trung Hoa, vào năm 1940, đã hướng dẫn, chỉ thị cho nhóm Hoàng Văn Hoan (Lý Quang Hoa) Phạm Văn Đồng (Lâm Bá Kiệt) và Võ Nguyên Giáp (Dương Hoài Nam)... lợi dụng uy tín và lòng chân thành của cụ Hồ Học Lãm ra sao để xâm nhập rồi tiếm danh tổ chức của ông là Việt Nam Độc Lập đồng minh hội, mà chính ông Hồ Học Lãm đã đặt tên tắt là Việt Minh. Cũng chính Hồ Chí Minh đã chỉ thị đàn em phải tách ra khỏi tổ chức của đại tá Trương Bội Công, người Việt Nam Quốc Gia nhưng thuộc quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. HCM sợ một đại tá của THQDĐ không dễ bị đánh lừa và lợi dụng như cụ Hồ Học Lãm tính tình cởi mở chân thành (khoảng đầu năm 1945 họ Trương bị Cộng Sản giết).

Khi Hồ Chí Minh về nước lập ra Mặt Trận Việt Minh ngày 19-5-1941 tại Pác Bó là ông ta đã lập lờ đánh lận con đen, khiến nhân dân trong cả nước có thể hiểu lầm rằng đây là một mặt trận của các nhà cách mạng ái quốc như Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần.

Hồ Chí Minh cũng đã xâm nhập, lợi dụng Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh hội do cụ Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch.
Theo Hoàng Văn Đào, một chiến sĩ lão thành thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong cuốn
“Lịch sử Đấu tranh Hiện Đại, 1927-1954, VNQDĐ”
(ấn bản thứ 5, năm 2006, trang 185), thì trong khi các nhà cách mạng thuộc các đảng phái Quốc Gia làm lơ hay còn do dự chưa biết xử trí ra sao, trước câu hỏi có nên xung phong về nước tranh đấu, khi thế chiến II sắp kết thúc không, thì (nguyên văn:) “ trước hội nghị, duy chỉ có ông Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong.”... “Ông ta liền được cấp đầy đủ giấy tờ và công tác phí là 20 vạn Quốc Tệ và 20 thanh niên cán bộ, do ông ta tự ý lựa chọn những phần tử dễ điều khiển, mà hầu hết là đảng viên VNPQĐMH” (Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, có xu hướng QTCS trái với Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan bội Châu - MV).
Trước khi xuất phát, ông Hồ cùng đoàn cán bộ đã tuyên thệ dưới cờ của VNCMĐMH, nguyện trung thành với VNCMĐMH (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội - MV).

Với hành động này Hồ Chí Minh đã đi bước trước và chiếm lợi thế hoàn toàn hơn các đảng phái quốc gia khác.
Đồng thời còn dựa vào uy tín và thành tích của các đảng phái đó để có thể lôi cuốn quần chúng nhân dân trong nước ủng hộ Mặt Trận Việt Minh của CS. Ta đã biết Cộng sản rất sở trường về kỹ thuật vận động, lôi cuốn quần chúng (1ter). Mà ông Hồ thì rành hơn ai hết về xảo thuật xâm nhập, thao túng rồi lợi dụng danh nghĩa các đảng quốc gia để dễ đánh lừa nhân dân chất phác, cả tin với chiêu bài dân tộc giả dối.

Đó là đối với các đảng phái Quốc Gia. Họ Hồ còn khôn khéo chinh phục được các nhân vật trọng yếu trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng, như tướng Trương Phát Khuê cũng qua trung gian VNQDĐ. Khi ông ta từ biên giới VN vào lãnh thổ Trung Hoa bị bắt thì lại chính mấy lãnh tụ VNQDĐ là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ đã can thiệp với tướng Trương Phát Khuê để xin thả ông ta ra cùng với lãnh tụ Nguyễn Tường Tam của VNQDĐ

Chẳng những thế, cũng với mục đích tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh tự đặt mình vào vị thế đồng minh với Liên Xô, lúc ấy hãy còn là đồng minh với Mỹ, để chỉ thị cho đàn em tìm cách cứu các phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi ở Cao Bằng, gần biên giới Việt Trung. Rồi ông ta đích thân đi bộ nhiều ngày vượt biên giới để mang một phi công Mỹ tên là William Shaw tới Côn Minh trao tận tay cho tướng Claire Chennault tư lệnh Không Đoàn Flying Tigers (Hổ Bay), cũng là tư lệnh các lực lượng Mỹ trấn đóng ở Hoa Nam. Vị tướng này đã tiếp HCM và tặng ông ta bức chân dung của mình với hàng chử đề tặng sẽ được ông Hồ lợi dụng để khoe với đồng bào rằng ông ta được Hoa Kỳ ủng hộ.

.

Trong số những sĩ quan Hoa Kỳ tỏ ra có cảm tình hay hành động giúp đỡ Việt Minh vào thời gian đó, lịch sử còn ghi những cái tên như Paul Helliwell, đại tá, trưởng lưới tình báo Mỹ tại Trung Hoa, Charles Fen, Trung úy, trưởng toán tình báo địa phương có cái tên dễ thương là Dear Team (nhóm con nai), và Archimedes Patti, đại úy OSS (tiền thân của CIA), tác giả cuốn “Why Vietnam? Prelude to America’s Albatros”, một tác phẩm khá đồ sộ, ảnh hưởng tai hại cho hàng ngũ người Việt Quốc Gia, vì phải nói thực tác giả đã bị Hồ Chí Minh mê hoặc, luôn luôn tin lời ông ta nói dối rằng mình không phải Cộng Sản. Ngày “Quốc Khánh”, 2-9-1945 viên đại úy này đã được Hồ Chí Minh mời tham dự trên khán đài danh dự, nhưng đã khước từ, chỉ “xin được đứng trong đám đông để dễ quan sát mọi sự”. Nhưng ngày hôm trước, Patti đã nhận lời dùng dạ tiệc với họ Hồ và hai phụ tá là Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp. Tại bàn tiệc Patti ngồi bên phải Hồ Chí Minh đối diện với Võ Nguyên Giáp.

Tất cả các hoạt động của Hồ Chí Minh kể trên đều nhắm một mục tiêu là vận dụng một cách hữu hiệu chiêu bài dân tộc theo đúng sách lược của Lênin. Với sách lược này, ông ta đã đi trước các đảng phái quốc gia và đã thành công trong cuộc cướp chính quyền ngày 19-8-1945. Lịch sử đã ghi ngày đó là ngày Cách Mạng Tháng Tám. Dù ghét Hồ Chí Minh và đảng CS đến đâu chúng ta cũng không thể nói họ đã cướp công của người quốc gia.
Vì theo chính tài liệu của Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh tụ của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội là Nguyễn Hải Thần chỉ về đến Hà Nội sau khi mọi sự đã xong xuôi, Hồ Chí Minh đã trở thành chủ tịch nước và đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945, trước hàng vạn dân thủ đô, trong đó có cả hàng giáo phẩm Công Giáo và Phật Giáo, theo lời tường thuật của đại úy Patti có mặt tại chỗ. Còn Vũ Hồng Khanh và các đồng chí của ông thì mãi đến 20 tháng 10 mới về đến Hà Nội (xem Hoàng Văn Đào nói trên, tr. 242). Cho nên nếu bảo rằng trong cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp hồi giữa năm 1945 cũng có các đơn vị của VNQDĐ, thì cũng đúng. Ví dụ VNQDĐ đã chiếm đóng 3 tỉnh là Hà Giang, Vĩnh Yên và Hà Đông trong một vài ngày, và một số đồng chí gan dạ dám chống lại Việt Minh như Quảng Dưỡng, Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Chu Khải và vợ chồng Nguyễn Ngọc Sơn đã hy sinh. Chúng tôi nhắc lại một vài chi tiết này để ghi nhớ công ơn của VNQDĐ và lên án sự vô ơn, bội phản và tàn ác của Việt Minh. Nhưng không thể nào không ghi đúng sự thật là vai trò lãnh đạo cuộc nổi dậy toàn quốc không do các lãnh tụ Việt Quốc hay Việt Cách, mà do Hồ Chí Minh đảm nhận.

Nếu Hồ Chí Minh không khéo áp dụng chiêu bài dân tộc theo sách lược Lênin, thì không thể nào lại có thể “cướp chính quyền” (chữ của VM thường dùng) một cách nhanh chóng và rộng rãi như vậy. Chính chiêu bài này đã làm cho “trong các cơ quan dân sự quân sự của Nhà Nước, đâu đâu cũng chỉ thấy ủng hộ, không một mảy may chống đối Việt Minh Cộng Sản,” như Hoàng Văn Đào đã ghi trong cuốn sử của Việt Nam QDĐ (SĐD trang 213).

Nói tóm lại, các đảng phái Quốc Gia ngay từ những ngày đầu đã dung túng, tiếp tay cho Hồ Chí Minh, cứu Hồ Chí Minh thoát tù Trung Hoa QDĐ, và lại cấp tiền bạc, vũ khí và nhân lực cho Hồ Chí Minh đi tiên phong về nước làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công.
Vào lúc đó sự việc xảy ra như vậy còn có thể thông cảm phần nào, vì chưa ai biết rõ về con người gian xảo quỷ quyệt và ác độc HCM, hơn nữa phần đông các lãnh tụ Quốc Gia ở Hoa Nam lúc ấy cũng không am tường về chiến lược sách lược và kỹ thuật đấu tranh của Lênin.
Nhưng sau Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh và đồng đảng đã để lộ phần nào bộ mặt thật, muốn nắm trọn quyền trị nước, các đảng Quốc Gia lại một lần nữa trúng kế của Hồ Chí Minh ngửa tay nhận 70 ghế trong cái Quốc Hội đầu tiên và một số ghế trong chính phủ Liên Hiệp. Hơn nữa lãnh tụ Vũ Hồng Khanh lại đặt bút ký vào hiệp định sơ bộ 6-3-1946, để cho quân Pháp vào miền Bắc. Những lỗi lầm đó đã gây biết bao tổn thất cho người quốc Gia yêu nước.

Có bao giờ chúng ta công khai nhận lỗi lầm trước quốc dân không?

Nhưng chúng ta hãy nhìn lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam từ 1946 và tự hỏi: Tại sao phe Cộng ban đầu chỉ có khoảng từ ba tới năm ngàn đảng viên với vũ khí thô sơ mà rồi đã thắng được đại quân của Pháp và quân đội Quốc Gia? Tại sao Cộng quân chịu sự kỷ luật sắt của các lãnh tụ Cộng Sản đề xông ra chiến trường trong khi cầm chắc cái chết? Có những chiến sĩ CS đã bị xích chân vào xe tăng để quyết tử, chứ không bỏ chạy trước hỏa lực hùng hậu của Quân Pháp. Chuyện này tưởng là dã man và hầu như không thể tin được.
Nhưng nếu ta hiểu mãnh lực của chiêu bài dân tộc, thì thấy không có gì lạ.

Du kích chiến, chiến tranh nhân dân, chiến pháp lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh của Mao Trạch Đông mà CS Việt Nam tận dụng được là nhớ có chiêu bài dân tộc của HCM. Cộng Sản đã nhân danh tổ quốc, nhân danh lòng ái quốc để làm ra những điều không thể tưởng tượng, dù nó dã man, phi lý đến đâu chăng nữa. Vì lúc ấy phe Quốc Gia chúng ta chưa có ai biết để vạch mặt chiêu bài ái quốc giả dối của họ Hồ.


Quả thực phe Quốc Gia chúng ta, từ thời các ông Hồ Học Lãm, Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần hay Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tương Tam, Trương Tử Anh trước 1945, cho đến Quốc Trưởng Bảo Đại, với các thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc ... không có ai hiểu được mưu mô hiểm độc, xảo trá nằm trong cái chiêu bài ái quốc, chiêu bài dân tộc cũng như tác dụng ghê gớm của cái chiêu bài đó đối với nhân dân Việt Nam đã quá đau khổ tuyệt vọng trong tám chục năm bị ách thống trị của Thực Dân Pháp.
Tuy nhiên nhìn vào lịch sử một cách khách quan, thì thấy chúng ta đã có một người hiểu rõ nội dung và tác dụng của cái chiêu bài dân tộc giả dối của Hồ Chí Minh và biết sử dụng chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, để hoá giải cái chiêu bài ấy bằng cách không ngừng tranh đấu bằng những phương tiện ôn hoà cho nền độc lập của việt Nam là ông Ngô Đình Diệm. Ông Diệm cũng là người duy nhất trong số các nhân vật quốc gia tên tuổi đã không mắc lừa để thỏa hiệp vói ông Hồ trong các chính phủ liên hiệp.


III. Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc

Ở phần II, khi nói về Hồ Chí Minh chúng tôi đã tóm tắt hết sức vắn gọn, chỉ chú trọng đến phần lý luận chứ không đặt nặng vấn đề nghiên cứu lịch sử, vì hai cuốn “ “Ai Giết Hồ Chí Minh?”
“Hồ Chí Minh - Nhận định tổng hợp” đã làm nhiệm vụ này rồi. Dưới đây ở phần III này chúng tôi cũng chỉ xin tóm tắt hết sức vắn tắt về con người Ngô Đình Diệm. Và cũng như phần II, phần III này cũng chỉ chú trọng đến cách đối phó của ông Diệm chống lại chiêu bài dân tộc của ông Hồ mà thôi. Vì chúng tôi cũng đã có hai cuốn sách gần ngàn trang nói về ông Diệm. Nếu độc giả thấy những điều trình bày trong bài này không sáng sủa hay thiếu dẫn chứng, không đủ tính thuyết phục, thì xin cảm phiền đọc lại những tác phẩm trên.

Các sử gia và chính khách thường mệnh danh ông Ngô Đình Diệm là con người bí ẩn (an Enigma), hay con người “tất cả hoặc không gì cả” (Tout Ou Rien, All Or Nothing)
Có mấy yếu tố cấu thành sự bí ẩn của ông Diệm. Ví dụ tư tưởng và lối sống pha lẫn ảnh hưởng của Nho Giáo và ảnh hưởng của Công giáo. Ví dụ nhận viện trợ của Mỹ nhưng lại có nhiều hành động xem ra chống Mỹ một cách cực đoan. Ví dụ chống Cộng Sản nhưng lại toan tính hiệp thương với Cộng Sản. ..

Quan điểm và thái độ “tất cả, hoặc không gì cả” thường được áp dụng cho lập trường chính trị quá cứng rắn và có vẻ cố chấp, không thỏa hiệp, không thể thương lượng . Ví dụ tranh đấu đòi độc lập hoàn toàn. Ví dụ nhất định khước từ đề nghị của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrutshchev cho cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc hồi năm 1957. Ví dụ khi cựu hoàng Bảo Đại đã thu hồi Độc Lập với thông cáo chung Vịnh Hạ Long, mời ông làm thủ tướng ông đã từ chối lấy cớ nền đôc lập “chưa hoàn toàn” vì Việt Nam còn phải ở trong Liên Hiệp Pháp. Một năm sau, với hiệp ước Élysée ký giữa quốc trưởng Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Aauriol, nền độc lập đã rộng rãi hơn. Nhưng ông lại một lần nữa khước từ không nhận lời làm thủ tứong, cũng với cùng một lý do: Pháp chưa trao trả độc lập “hoàn toàn”. (1bis)
Thái độ ương ngạnh đó đã khiến nhiều người từng nức lòng ủng hộ ông đã không ủng hộ ông nữa và cựu hoàng cũng thất vọng về ông, để sau này (giữa năm 1954) đã phải nhắc đến để khẩn khỏan mời ông ra cứu nước vào lúc nước nhà đã mất một nửa vào tay Việt Minh: “Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối....
Lần sau cùng này ông Diệm đã nhận lời, khi quốc trửong Bảo Đại bằng lòng trao cho ông toàn quyền dân sự và quân sự, như một điều kiện tiên quyết.

Tại sao ông đòi độc lập hoàn toàn, tại sao đòi toàn quyền dân sự và quân sự? Vì, tôi nghĩ, với kinh nghiệm đối với Pháp, kinh nghiệm đối vói Việt Minh Cộng Sản, và kinh nghiệm với các đảng phái quốc gia và các giáo phái ỏ Miền Nam, ông đã nhìn thấy rõ:
Chỉ có đường lối cứng rắn và thái độ cương nghị của ông mới có thể đương đầu với Pháp, khuất phục và thống nhất các phe phái ở miền Nam, tạo một thế mạnh đủ hòng đối phó với chiêu bài dân tộc giả dối của Hồ Chí Minh.


Từ lúc làm Tuần Vũ Phan Thiết năm 1929 ông Diệm đã có dịp chứng kiến cái gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu quá khích “Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc trốc tận rễ” khiến hang vạn người bị giết bởi cả hai phía, Cộng sản và Pháp. Và ông đã hiểu thấu đáo chủ nghĩa CS với đấu tranh giai cấp đã được thể hiện qua phong trào này ra sao. Đó là những năm 30, 31, khi đảng CS mới được thành lập và thống nhất. Phong trào tuy gọi tắt là Xô Viết Nghệ Tĩnh, ví nó bắt đầu ở hai tỉnh này từ ngày 1-5-1930 (chỉ 3 tháng sau khi đảng CS được thành lập), nhưng thực ra nó đã lan tới nhiều tỉnh khác từ Bắc chí Nam.

Năm 1933, khi ông (mới 32 tuổi) từ chức Lại Bộ Thượng Thư, tương đương với chức thủ tướng, để phản đối sự ngoan cố của nhà cầm quyền thực dân, ông đã chuẩn bị (trong tiềm thức) một thế trận nhắm vào chiêu bài dân tộc của Hồ Chí Minh sau này. Và hành động này đã khiến nhà cách mạng lừng danh Phan Bội Châu tiên đoán một cách chính xác rằng “Tất sau này việc phục hưng chỉ có hạng người như Ngô Đình Diệm mới làm nổi”. Và đúng là chỉ 22 năm sau lời tiên đoán đó đã thành sự thực. Lúc ấy cụ Phan đã qua đời đựợc 15 năm rồi.

Để chứng tỏ “vũ khí” chủ nghĩa dân tộc của mình có khả năng phá tan “bửu bối” chiêu bài dân tộc của Hồ Chí Minh, ông Diệm đã đích thân cố gắng giúp cựu hoàng Bảo Đại tranh đấu với cao ủy Pháp Émile Bollaert nhiều lần để Việt Nam có một nền độc lập hoàn toàn, nhưng không thành công. Nên ông đành chờ cho đến khi Pháp thua Việt Minh và phải ký hiệp định Geneva chia đôi đất nước. Với viễn kiến hiếm có của một chính khách tài ba, ông đã tiên liệu việc này, khiến sử gia Bernard Fall của Pháp đã phải bảo đó là một lời tiên tri rõ ràng. (that report (of Diem) was fully prophetic six years later. But in 1948 it was ignored). Báo cáo đó là một lời tiên tri hoàn toàn vào 6 năm sau. Nhưng năm 1948 không ai đếm xỉa đến. (The Two Vietnams trang 142). (2)

(Còn tiếp)

© DCVOnline

-----------------------------------------

(1bis ) (từ trang 389-398, Tủ Sách Tiếng Quê Hương, ấn bản 2, 2006)
(1ter ) Agit-Prop (có nghĩa là Khuấy Động và Tuyên Truyền, có ý nói cơ quan khuấy động hay vận động quần chúng và tuyên truyền) là một bộ phận vô cùng quan trọng trong các đảng CS hay chính quyền CS khắp nơi trên thế giói. Trong cuốn “Ai Giết Hồ Chí Minh?” chúng tôi đã dành 2 chương để bàn về Agit-Prop.
(2) Khi chúng tôi nhắc lại việc ông Diệm từ chức Thượng Thư Bộ Lại để phản đối Pháp và triều đình và đã được nhiều người ngưỡng mộ ca tụng, kể cả nhà cách mạng Phan Bội Châu, thì có người hỏi vặn lại rằng thế thì sao không từ chức “Tuần Vũ” hồi 1929. Vì vậy ở đây chúng tôi cũng xin phòng hờ trước có người sẽ hỏi tại sao hồi 1920 và 1929, nước nhà chưa độc lập, sao ông Diệm lại nhận chức tri phủ rồi tuần vũ của Triều Đình? Xin thưa trước hết là vì vào thời gian đó, chưa có chiêu bài dân tộc giả dối của HCM cần phải hoá giải và đối phó. Hơn nữa khi nhận chức Tri Phủ ông Diệm mới 20 tuổi và khi nhận chức Tuần Vũ mới 28 tuổi. Ở tuổi đó có chịu khó nhịn nhục và cố gắng làm tròn nhiệm vụ được Triều Đình giao phó thì mới có đường tiến lên đến chức thựong thư bộ lại là chức chỉ sau nhà vua, và lúc đó từ chức mới làm thực dân Pháp bẽ mặt và tức tối và mọi người kể cả nhà vua phải sửng sốt. Còn nhà cách mạng lừng danh họ Phan mới có cớ làm bài thơ thất ngôn bát cú ca tụng ông Diệm như chúng tôi đã trưng dẫn toàn bộ nội dung trong cuốn “NDD và chính nghĩa dân tộc”. Cụ Phan còn bảo sẵn sàng làm kẻ đánh xe cho ông Diệm (“Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi”). Đúng ra phải thêm là ngoài chức Thượng Thư bộ Lại, ông Diệm còn từ chức luôn chức Chủ tịch Ủy ban Cải cách là ủy ban hỗn hợp Việt Pháp tối cao với quyền hành và nhiệm vụ tranh đấu thêm quyền cho Triều Đình và chủ quyền cho nước nhà. Nhưng vì sự ngoan cố của thực dân Pháp ông đã không đạt được mục đích nên mới từ chức.

.

.

.

No comments: