Friday, September 10, 2010

HỒ CHÍ MINH - NGÔ ĐÌNH DIỆM và CUỘC CHIẾN QUỐC-CỘNG (I)

Hồ Chí Minh-Ngô Đình Diệm và cuộc chiến Quốc-Cộng (I)
Minh Võ

07-09-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7752

Lời ngỏ: Cuộc đời của một người cũng như sinh mệnh của một dân tộc, hiện tại là kết quả của dĩ vãng và là nguyên nhân của tương lai. Với bài này người viết không hoài niệm về một dĩ vãng đang dần dần bị đẩy vào lãng quên, mà quan trọng hơn là cố thử tìm ra một hướng cho tương lai xem ra còn mù mịt trong gian dối, lừa đảo, thành kiến, hận thù và quyền lợi hẹp hòi của phe nhóm. Xin những ai không thích đối diện với thực tại lịch sử, trước khi đọc bài này hãy tha thứ trước cho người viết về những lời không làm đẹp lòng qúy vị.
---------------------------------------------------

Hiện thời dư luận của đồng bào trong và ngoài nước đang chú tâm vào những vấn đề nóng bỏng sau đây:
.

1. Vấn đề Biển Đông: Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với việc Trung Cộng lập Huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam; với ý đồ chiếm cứ vùng biển này bất chấp các nước liên hệ trong vùng, và với nguy cơ biến vùng này thành bãi chiến trường trong một trận thế chiến tương lai v.v....
2. Vấn đề khai thác Bốc Xít ở Trung Nguyên không những làm hại môi trường mà còn mở đường cho hàng vạn công nhân Trung Quốc ồ ạt tới vùng lãnh thổ xung yếu chiến lược của ta.
3. Vấn đề cho người nước ngoài thuê, mua hàng chục vạn mẫu tây thuộc những khu rừng đầu nguồn vùng biên giới.
4. Vấn đề các đoàn thể, tổ chức Tôn Giáo đứng lên “cầu nguyện” cho các quyền tự do tôn giáo và bị nhà cầm quyền CS đàn áp, đánh đập, như tại toà khâm sứ, các giáo xứ Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm, Loan Lý, Cồn Dầu v.v.
5. Vấn đề công nhân biểu tình đòi tăng lương, đòi đối xử công bình bị đàn áp.
6. Vấn đề các nhà đấu tranh cho dân chủ tự do bị đàn áp, bắt bớ, hành hạ trong ngục tù
7. Vấn đề vô số phụ nữ, thiếu nữ, thậm chí cả những trẻ em 8, 9 tuổi bị bán như những món hàng hay xô đuổi ra nước ngoài để làm trò chơi ô nhục cho ngoại nhân.
8. Vấn đề đại hội XI của Đảng CS vào đầu năm tới, đáng lẽ không liên quan gì đến tập thể quốc dân, nhưng Đảng lại cố lôi kéo quốc dân vào, để chứng minh và củng cố vai trò thống trị.
9. Và nhiều vấn đề tranh chấp đất đai giữa nông dân và nhà cầm quyền CS, khiến hàng loạt nhóm dân oan ngày đêm khiếu nại chẳng những không được giải quyết, mà còn bị đàn áp dã man v.v...

Đó là những vấn đề có tính thời sự cao, nếu không nói là có liên hệ mật thiết đến vận mệnh của dân tộc, sự tồn vong của Đất Nước.
Ấy là chúng tôi đã gác ngoài những vấn đề quốc tế có liên hệ đến sự tồn vong của nhân loại, như bầu khí quyển càng ngày càng ấm lên, càng ngày càng có nhiều nước nhỏ cũng muốn có bom nguyên tử, che giấu dưới chiêu bải xây dựng các nhà máy nguyên tử xử dụng vì mục tiêu hoà bình, không kể âm mưu đe doạ nền hoà bình thế giới của những nước như Bắc Hàn hay Iran v.v....
Tại sao trong hoàn cảnh đó mà chúng tôi lại đem bàn ở đây một vấn đề cũ, hầu như đã bị quên lãng, là cuộc chiến đã qua 35 năm rồi, với những cái tên đã đi vào lịch sử như Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm? Mỗi lần nghe nhắc đến hai nhân vật này, một số người lại mỉa mai, “Hãy để họ cho lịch sử phán xét. Hãy bàn các vấn đề trước mắt để tìm cách giải quyết cho quốc dân nhờ.”
Không phải chúng tôi không tán thành các cá nhân và đoàn thể đảng phái đang nêu gần chục vấn đề trên và tìm cách tranh đấu để buộc nhà cầm quyền CS phải giải quyết vì quyền lợi đất nước hòng tránh một cuộc thôn tính của Phương Bắc.

Nhưng suy đi nghĩ lại, chúng tôi thấy những vấn đề đó chỉ là cái ngọn, là hậu quả của sự thất trận của phe Quốc Gia.
Còn cái gốc, cái cốt lõi, nguyên nhân chính của mọi vấn đề nêu trên chính là vì phe quốc gia chúng ta đã thất trận, để cả nước lọt vào tay CS từ 30 tháng tư năm 1975. Nếu Đất Nước không lọt vào tay CS, thì có lẽ đã chẳng có những vấn đề trên.

Thế mà cho đến nay hầu như không còn mấy ai nhớ đến cái gốc, cái nguyên nhân, mà chỉ chú tâm vào cái ngọn, cái cành, cái hậu quả. Nhiều người còn cố ngụy biện rằng chúng ta không thua, vì chúng ta chiến đấu anh dũng, lập được nhiều thành tích, chiến công lẫy lừng. Chúng ta chỉ bị đồng minh phản bội, “tháo chạy” trước địch quân (!)

Xem lại những hình ảnh kỷ niệm xưa của các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng, kể cả hình ảnh hàng ngàn nữ quân nhân mặc đồng phục hàng ngũ chỉnh tề đi diễn hành; và đọc những hồi ký hay phóng sự chiến trường nhắc lại những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ Nhảy Dù, hay Thủy quân Lục chiến, người viết thật không còn lòng dạ nào kêu gọi mọi ngưòi hãy tìm hiểu lý do tại sao chúng ta thất trận. Chúng tôi thật lòng chỉ muốn mãi mãi ca tụng những chiến công hiển hách của quân ta, và lớn tiếng xỉ vả Cộng quân ...

Đó là về mặt tình cảm. Chúng tôi chỉ muốn tin như nhiều người rằng Mỹ đã phản bội và bỏ rơi chúng ta để cho lòng nhẹ bớt đớn đau và chua xót. Nhưng xét về mặt lý trí, và nhìn lại những cảnh máu đổ đầu rơi trong chiến tranh và cảnh mẹ trẻ bồng con thơ đội khăn tang khóc chồng vừa tử trận, có hàng chục vạn, hàng trăm vạn cảnh như vậy khắp nơi trong nước, chúng tôi không thể nào phủ nhận những sự thực lịch sử, và những luận cứ do lý trí cung cấp để tiếp tục lừa dối con cháu chúng ta về trách nhiệm của phe ta, dù rất muốn tin rằng chúng ta không hề thua....

Chúng tôi đồng ý là chiến sĩ VNCH đã chiến đấu anh dũng. Tướng lãnh và chỉ huy các cấp trong Quân Lực VNCH, phần nhiều đã làm tròn trách nhiệm của mình. Nhờ vậy, về mặt chiến thuật quân dân miền Nam đã thắng những trận quyết định.
Nhưng về mặt chiến lược, các nhà lãnh đạo tối cao đã có những sai lầm căn bản, vì đã không hiểu rõ tính chất của cuộc chiến, và thế chiến toàn cầu. Kể cả một số nhà lãnh đạo Đồng Minh.

Trong chương này chúng tôi sẽ lần lựợt mổ xẻ khuyết điểm quan trọng nhất về mặt chiến lược theo 3 đề mục chính: Tính chất của cuộc chiến, sự lãnh đạo cuộc chiến của phe Cộng Sản qua vai trò của ông Hồ Chí Minh, và vai trò và lợi thế của ông Ngô Đình Diệm khi sáng lập Cộng Hoà Việt Nam và lãnh đạo phe Quốc Gia.


I. Về cuộc chiến

Định danh cuộc chiến.
Trước hết không nên gọi cuộc chiến này là chiến tranh ủy nhiệm,
hàm ý rằng chúng ta đánh Cộng Sản theo ủy nhiệm của Hoa Kỳ, hay của các cường quốc Phương Tây, còn phe Cộng sản thì chiến đấu do ủy nhiệm của Liên Xô và Trung Cộng. Vì cuộc chiến chống Cộng Sản Quốc Tế là nhiệm vụ sống chết của mọi người mọi nước trong cộng đồng nhân loại. Riêng tại Việt Nam thì đây là cuộc chiến sinh tử của toàn dân, vì sự tồn vong của Tổ Quốc chứ làm sao lại có thể là vì sự ủy nhiệm của một đại cường nào?

Cũng không nên gọi chiến tranh Đông Dương I, và chiến tranh Đông Dương II.
Về cái gọi là chiến tranh ĐD I, có người như ông Lê Xuân Khoa còn gọi là chiến tranh Việt Pháp, hàm ý rằng đó là cuộc chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, hay giữa nước Pháp (Cộng Hoà Pháp Quốc) và nước Việt Nam (Dân Chủ Cộng Hoà). Không gì sai lầm và tai hại về mặt chiến lược cho bằng. Vì như thế mặc nhiên đã thừa nhận phe Cộng lãnh đạo toàn dân Việt Nam chống Pháp thực dân. Lẽ tất nhiên trong cuộc chiến gọi là “chiến tranh Việt Pháp” đó, vẫn theo hàm ý của ông Lê Xuân Khoa, phe Quốc Gia chỉ là tay sai của thực dân Pháp, chống lại nhân dân Việt Nam.
Về “Chiến tranh ĐD II”,
phe Cộng đã chính thức gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, như nhan đề cuốn sách của Văn Tiến Dũng. Nếu chúng ta cũng theo đó nhận cuộc chiến theo danh xưng đó, thì chúng ta cũng tự coi phe Quốc Gia chỉ là tay sai hay lính đánh thuê của Mỹ.

Cũng không nên bắt chước một số sử gia, học giả hay ký giả ngoại quốc gọi cuộc chiến giữa khối Cộng và Thế Giới Tự Do là chiến tranh lạnh. Vì thực ra có nơi có lúc nó đã chẳng lạnh chút nào ví dụ như ở Triều Tiên những năm đầu thập niên 50 hay ở Việt Nam từ 1945 đến 1954 rồi từ 1965 đến 1975, hay ở Trung Hoa từ 1927 đến 1949.

Vậy phải định danh cuộc chiến thế nào mới chính xác?

Trước hết muốn hiểu rõ cuộc chiến Việt Nam phải đặt nó vào trong bối cảnh và khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu, toàn diện (bằng đủ mọi hình thức, vũ trang cũng như phi vũ trang) do Cộng Sản Quốc Tế chủ xướng nhắm vào toàn thể nhân loại. Vấn đề này trước khi xuất hiện phong trào Quốc Tế CS không cần đặt ra. Nhưng nay thì đã thành chí ư cần thiết.

Về cuộc chiến toàn cầu giữa khối Cộng và Thế Giới Tự Do trong thế kỷ XX, ít nhất có 7 người đã gọi nó là Thế Chiến III. Trước hết là Giáo Sư Robert Strausz-Hupé và 3 đồng tác giả của tác phẩm “Protracted Conflict”. Sau đó là Max Eastman, người giới thiệu cuốn Protracted Conflict. Bốn người này đều bảo Thế Giới Tự Do đang thua (năm 1959) vì không biết mình đang ở trong thế chiến III. Kế đến là văn hào Nga ly khai Alexander Solzenitsyn. Khi thấy CS đã chiếm toàn cõi Việt Nam nắm 1975 ông đã viết trên tờ Le Monde của Pháp (số ngày 1-5-1975): “Thế Chiến III đã kết thúc”, ngụ ý (một cách bi quan và sai lầm) rằng phe thế giới tự do đã thua hẳn rồi). Và sau cùng nhưng quan trọng hơn cả là cố Tổng Thống Richard Nixon. Nixon đã bảo thế chiến III đã bắt đầu khi thế chiến II kết thúc. Dĩ nhiên không phải chỉ có bấy nhiêu người....
Tại sao lại gọi là thế chiến III? Có phải vì nó có tính cách toàn cầu và khởi sự liền ngay sau thế chiến II, như TT Nixon đã viết không?

Có thực đó là một cuộc chiến tranh diễn ra trên toàn thế giới để đáng gọi là thế chiến không? Nếu không nghiên cứu sự hình thành và phát triển của nó và mưu đồ cuồng vọng của các lãnh tụ Cộng Sản thì khó có thể đồng ý với danh xưng đó.
Về vấn đề này, chúng tôi đã dành hẳn một bài dài (Chiến tranh ý thức hệ) để phân tích và đi đến kết luận rằng cuộc chiến tranh giữa Khối Cộng và Thế Giới Tự Do là cuộc chiến toàn cầu, toàn diện và thường trực. Một cuộc chiến tầm cỡ với 100 triệu người bị CS giết đó không đáng mệnh danh là thế chiến sao? Ở đây chỉ xin nhắc lại một cách tóm tắt tối đa.

Cuộc chiến do Cộng Sản chủ xướng phát xuất từ chủ trương giai cấp đấu tranh. Giai cấp theo CS, thì ở nước nào cũng có.
Vì vậy nó có tính cách toàn cầu.

Cuộc chiến do CS chủ xướng còn nhắm mục đích bá chủ toàn cầu, tiêu diệt các giai cấp, để cuối cùng đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính.
Vì vậy trên lý thuyết đó là cuộc chiến toàn cầu.


Trên thực tế, từ khi Quốc Tế Cộng Sản của Lênin ra đời (1919), các chi bộ cộng sản, rồi các đảng CS bắt đầu xuất hiện và mau chóng tràn lan ra khắp thế giói
. Đến năm 1960, tại đại hội 81 đảng CS trên thế giới người ta đã có con số chính thức là trên toàn thế giới có 87 đảng CS. Nếu ta nhìn vào sách lược và kỹ thuật tác chiến của CS, thì sẽ thấy mỗi đảng trong số 87 đảng đó đều là một mặt trận, một đơn vị tác chiến, có thể là một lộ quân, một đại đoàn , quân đoàn hay sư đoàn..., tùy tầm cỡ và thành tích, tất cả đều là những mũi nhọn tấn công nhắm vào thế giới tự do.

Tại các mặt trận ấy, với các đơn vị tác chiến ấy, CS chủ yếu đã không dùng tới vũ khí vật chất như súng ống, đạn dược, bom bay hỏa tiễn và các đơn vị bộ binh, thiết giáp, nhảy dù, không quân hải quân, như ta thường thấy trong các thế chiến I và thế chiến II. Mà hầu như luôn luôn chỉ dùng các vũ khí tinh thần, vô hình như tuyên truyền bằng mọi hình thức, báo chí... các đài phát thanh bí mật, các cuộc đình công, bãi khoá; các cuộc xâm nhập các đoàn thể đảng phái quốc gia, để biến chúng thành cái nhân của những đảng CS; các cuộc tranh luận tại nghị trường nhằm loại bỏ một dân biểu quốc gia để thay vào đó một dân biểu, nghị sỹ CS, hay thiên cộng, để cố gắng dần dần biến cái quốc hội đó thành một quốc hội CS hay thiên Cộng. Dĩ nhiên không phải lúc nào CS cũng thành công.

Ngoài tính toàn cầu, cuộc chiến mà CS chủ xướng chống lại nhân loại còn mang tính toàn diện
theo khái niệm toàn bộ chiến của Karl Von Clausewitz là thầy dậy Frederick Engels. Nghĩa là với người CS cái gì cũng có thể là vũ khí. Từ một hiệp ước, đến những cuộc hoà đàm, thương thuyết, hội nghị, tranh luận, bút chiến v.v… Lãnh vực nào cũng có thể là một mặt trận. Mặt trận ngoại giao, mặt trận văn hoá, mặt trận kinh tế, mặt trận tôn giáo, mặt trận giáo dục, v.v...
Cuộc chiến VN nằm trong khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu toàn diện và thường trực đó.
Cho nên nó không phải là một cuộc chiến giữa một nước với một nước, hay nội chiến thường mà tất cả các nước tham chiến đều đứng về một bên, hoặc là thuộc khối Cộng hoặc thuộc thế giới tự do. Với khái niệm chiến tranh đó, và trong khuôn khổ cuộc chiến đó, nếu có những đoàn quân của một đại cường hay một quốc gia láng giềng chiến đấu bên cạnh chúng ta thì phải hiểu đó là vì mục đích chống CS Quốc Tế.
Do đó nếu đặt cuộc chiến VN vào trong bối cảnh hay khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu, chúng ta có thể mệnh danh đó là cuộc chiến quốc-cộng, nghĩa là giữa một bên là Cộng Sản và một bên là người quốc gia (không cộng sản).



Cuộc chiến Quốc Cộng ở Việt Nam bắt đầu khi nào?


Nếu hiểu chiến tranh theo khái niệm chiến tranh ý thức hệ như được trình bày ở trên, thì cuộc chiến giữa các người quốc gia Việt Nam và đảng Cộng Sản đã bắt đầu từ khi có đảng CS vào ngày 3-2-1930; hay rộng hơn nữa là ngay từ khi có cái nhân của đảng CS là tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ái Quốc khai sinh. Họ Hồ đã xâm nhập, thao túng, lũng đoàn, lôi kéo những phần tử Quốc Gia đồ đệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu trong tổ chức có cái tên là Tâm Tâm Xã, để cuối cùng biến họ thành thành viên của TNCMĐCH. Vũ khí mà HCM dùng ở đây là xâm nhập, thao túng rồi chiếm đoạt một tổ chức của đối phương. Chiến tranh bắt đầu từ đó.

Nếu mở rộng hơn nữa, thì còn phải nói đến sự xâm nhập, thao túng lũng đoàn rồi chiếm đoạt 2 tổ chức sớm hơn của các nhà cách mạng dân tộc như Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của cụ Hồ Học Lãm ở Quế Châu, Trung Quốc, rồi sau đó “gia nhập” (tức xâm nhập) Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần ở Quảng Châu.

Nếu không nhìn ra những “kỹ thuật tinh vi” của chiến tranh ý thực hệ thì không thể hiểu nổi tại sao CS trong nhiều trường hợp xem ra chẳng chiến đấu gì cả mà lại thu đoạt được những thắng lợi như đã thấy, hay sau một trận thua liểng xiểng như trận Mậu Thân mà lại bắt buộc đối phương phải xin hoà (hoà đàm Paris 1968). Những sách lược và kỹ thuật đấu tranh của CS đã được chúng tôi trình bày tóm lược trong cuốn “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”, xuất bản lần đầu năm 1963. Ở phần thứ hai chương này chúng tôi sẽ trở lại chi tiết hơn về vũ khí lợi hại nhất được HCM dùng để tấn công chúng ta là chiêu bài dân tộc là thứ vũ khí quyết định đưa đến sự thất bại của phe quốc gia chúng ta.

Nhưng để đơn giản hoá vấn đề, dựa trên thực tế lịch sử chiến tranh, chúng ta tạm phân định một cách cụ thể, kể từ khi
Quốc Gia Việt Nam ra đời dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại, do thông cáo chung vịnh Hạ Long ký kết giữa cao ủy Pháp Bollaert và thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngày 5-6-1948. Từ đó coi như đã có một Quốc Gia Việt Nam độc lập không Cộng Sản, dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, để đương đầu với cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà của Hồ Chí Minh. (1)

Vị thế của Quốc Gia Việt Nam năm sau được tăng cường với hiệp ước Elysée mà quốc trưởng Bảo Đại đích thân ký với chính Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ngày 8-3-1949. Nếu với hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 ba năm trước, nước Pháp đã gián tiếp, mặc nhiên công nhận chính quyền Hồ Chí Minh, thì với hiệp ước Élysée, nước Pháp đã trực tiếp minh thị công nhận cựu hoàng Bảo Đại là quốc trưởng Việt Nam.
Từ đó tại Việt Nam đã chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh nóng Quốc-Cộng.

Tiếc một điều là Quốc gia Việt Nam, tuy đã độc lập, nhưng còn yếu và còn ở trong Liên Hiệp Pháp, cho nên về Tài Chính, Ngoại Giao và Quốc Phòng còn lệ thuộc vào Pháp. Và Pháp tự coi mình có nhiệm vụ bảo vệ các nước thành viên trong Liên Hiệp Pháp đã đem đại quân tới để cùng với quân của Quốc Gia Việt Nam chiến đấu chống Việt Minh Cộng Sản. Về pháp lý không có gì sai. Về thực tế, nếu xét cuộc chiến theo nghĩa thông thường (là một cuộc đối đầu bằng quân sự) thì còn ích lợi và cần thiết.

Nhưng nếu nhìn cuộc chiến theo khái niệm chiến tranh ý thức hệ như đã nói ở trên, thì lại bất lợi. Vì đối phương sẽ dựa vào sự hiện diện hàng trăm ngàn quân Pháp và quân Lê Dương, một con số áp đảo so với số quân của Quốc Trưởng Bảo Đại, để có cớ tuyên truyền rằng Việt Minh Cộng Sản có chính nghĩa chống thực dân Pháp, còn Quốc Gia chỉ là tay sai hay lính đánh thuê của Pháp. Và dân chúng thường bị ảnh hưởng bởi sự thông tin một chiều của CS, rất dễ tin theo luận điệu tuyên truyền lừa phỉnh như vậy.

Lịch sử đã chứng minh, chẳng những dân chúng phần đông tin Việt Minh mà ký giả, sử gia thế giới phần nhiều cũng tin và do đó đã cho HCM cái hào quang chiến thắng. Mà điển hình là những chiến thắng trong “Cách Mạng tháng 8” (1945) và chiến thắng Điện Biên (1954), đưa đến hiệp định Geneva chia đôi đất nứoc mà nửa Miền Bắc đông dân hơn (17 triệu, so với 14 triệu ở Miền Nam) đã thuộc quyền kiểm soát của Hồ Chí Minh. Hiệp định này đã mang chữ ký của Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu, đại diện “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” và đại tá Henri Delteil, đại diện Chính Phủ Pháp, vào lúc giờ thứ 25 (nghĩa đen) của ngày 20 tháng 7 năm 1954.

Hơn nữa trong suốt cuộc chiến 9 năm dư luận thế giới chỉ nói đến các tướng lãnh Pháp chỉ huy cuộc chiến. Nào Jean Étienne Valluy, Blaizot, Alexandri, Leon Pignon rồi anh hùng thế chiến II De Lattre De Tassigny, Marcel M. Carpentier, Raoul A.L. Salan, Henry Navarre, René Cogny, v.v... Không có một tướng lãnh nào của quốc Gia Việt Nam được nêu tên.
Dĩ nhiên trong đám bộ đội Việt Minh không thể nào không có quân Trung Cộng ngầm giúp. Nhưng bên ngoài chỉ nghe tên hai tướng Trần Canh và Vi Quốc Thanh bên cạnh tướng Giáp với vai trò “cố vấn”.
Đó là điều hết sức bất lợi cho phía người Quốc Gia, về mặt tuyên truyền (vũ khí lợi hại nhất của chiên tranh ý thức hệ).
Cuối cùng phe Quốc Gia đã thua. Đến đây kết thúc phần I của cuộc chiến quốc cộng (thường được gọi là chiến tranh Đông Dương I).

Với hiệp định Geneva, Việt Nam đã được hưởng một nền hoà bình tạm thời, nghĩa là không có chiến tranh quân sự quy mô, nhưng với khái niệm chiến tranh ý thúc hệ, CS vẫn không ngừng khủng bố, bắt cóc ám sát người quốc gia. Nhất là VC còn quỷ quyệt tuyên truyền rằng từ đây Pháp đã ra khỏi Miền Nam, nhưng thay vào đó là Mỹ. Và luận điệu thường nhắc đi nhắc lại với hai từ Mỹ Diệm đi kèm với nhau, mắc dầu sự thực lịch sử là ban đầu bên cạnh chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ có vài trăm cố vấn, sau này dần dần mới tăng lên đến con số ngàn. Và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu với tình hình đó. Dầu sao thì thời gian từ 1954 đến tháng 11 năm 1963 có thể coi là thời gian tạm hoà hoãn. Về lợi thế do ông Ngô Đình Diệm tạo được chúng tôi sẽ bàn sau ở phần III.

Chỉ một tháng sau khi được tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết, Bắc Việt đã lấy nghị quyết lập tức đưa quân vào Miền Nam để “chớp thời cơ”, trước khi Mỹ có thể đem đại quân vào. Cho nên tình hình Miền Nam đã đang xáo trộn do cuộc đảo chính gây ra, lại càng thêm nguy ngập trước quyết tâm xâm lăng của Bắc Việt. Lúc ấy các tướng đảo chính đã hủy bỏ trong thực tế chương trình ấp chiến lược của chế độ cũ. (Mặc dù mấy tháng sau tướng Nguyễn Khánh mới ký văn kiên chính thức hủy bỏ). Cộng quân càng dễ xâm nhập và đã có thể mở những trận đánh lớn như trận Bình Giả.

Trước mối nguy Miền Nam có thể bị cộng quân thôn tính, chính phủ Johnson đã phải vội đem quân tác chiến vào, mà không màng hỏi ý hay bàn thảo với chính phủ Phan Huy Quát. Nhân vật được mệnh danh là “kiến trúc sư của chiến tranh Việt Nam” là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara. Trước đó cả McNamara lẫn Lyndon B. Johnson đều chống việc hạ ông Diệm, là điều mà hai ông coi như sẽ gây ra hậu quả tồi tệ khôn lường. Lúc ấy hai ông cũng chẳng nghĩ đến việc có thể phải đem quân tác chiến vào VN, vì họ biết ông Diệm không muốn, và với ông Diệm cầm quyền, cũng không cần tới đại quân Mỹ.

Nay hai ông bất đắc dĩ phải giải quyết những hậu quả đó của cuộc đảo chính do chính quyền Kennedy để lại bằng chiến tranh, mà không có hy vọng thắng. Chúng tôi nói không hy vọng thắng, vì chỉ một năm sau McNamara đã chán nản, nghĩ đến việc từ chức, và ông đã đệ đơn từ chức vào cuối tháng 11 năm 1967. Sau đó ít lâu chính Tổng Thống Johnson cũng tuyên bố không ra ứng cử nữa. Như vậy cũng chẳng khác gì từ chức, bỏ cuộc.

Tại sao sau khi đã đổ vào Việt Nam hai triệu quân, trong đó có trên nửa triệu thường trực, với hải lục không quân hùng hậu, vũ khí tối tân mà hai nhân vật quan trọng nhất trong chính quyền Mỹ lại không hy vọng thắng được Cộng quân?
Hầu hết sử gia Mỹ, kể cả Mark Moyar được coi như thuộc trường phái xét lại, cũng đã không nhìn ra nguyên nhân chính yếu. Người thì bảo tại địa hình địa vật hiểm trở ngoài sức tưởng tưởng, thời tiết, khí hậu lại khắc nghiệt. Người thì nói vì Hoa Kỳ không biết lịch sử Việt Nam đầy rẫy chiến công hiển hách trước sức tấn công của Trung Quốc; chiến sĩ Việt Nam không ngần ngại liều chết xông ra tiền tuyến diệt thù, như những con thiêu thân. Người thì cho rằng Cộng quân dùng du kích chiến mà Hoa Kỳ áp dụng vận động chiến. Kẻ khác lại đổ cho Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ trói tay các tướng lãnh ngoài mặt trận, không cho họ có sáng kiến tấn công địch v.v...

Tất cả những lý do nêu trên đều có một phần sự thật, nhưng không phải là lý do chính.

(Còn tiếp)

© DCVOnline

-------------------------------

(1) Chúng tôi tạm bỏ qua sự kiện Vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam Độc Lập ngày 11 tháng 3 năm 1945, với chính phủ Trần Trọng Kim ra đời sau đó. Vì nhiều người coi đó là một nền độc lập do Nhật ban cho, chúng ta không phải tranh đấu gì cho việc thu hồi nền độc lập đó. Vả lại nó chỉ tồn tại trong một thời gian vắn, trước khi chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, rồi nhà vua bị Việt Minh ép phải thoái vị.

.

.

.

No comments: