Saturday, September 18, 2010

CÓ NÊN LÀM PHIM VỀ TRẦN THỦ ĐỘ ?

CÓ NÊN LÀM PHIM VỀ TRẦN THỦ ĐỘ ?

HUYỀN VIÊM

Ngày 18.09.2010

http://newvietart.com/index4.735.html

Tạp chí HỒN VIỆT số 31 trang 60 dăng bài “Có nên ca ngợi Trần Thủ Độ vào dịp lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?” của tác giả Tử Văn. Đồng quan điểm với tác giả, tôi có bài viết này gửi lên trang Newvietart để rộng đường dư luận.

Mấy tháng gần đây, các báo trong nước đưa tin rộng rãi về việc một số nhà điện ảnh đang chuẩn bị quay phim về Trần Thủ Độ. Đọc những bài báo ấy tôi không khỏi băn khoăn: Trần Thủ Độ có phải là bậc anh hùng, là trang hào kiệt, là người tài đức vẹn toàn, không có gì đáng phê phán nên cần đưa lên phim để người đời sau ngưỡng vọng? Ta hãy giở lại trang sử nhà Trần.

.

* Thủ Độ giết chồng đoạt vợ

Thủ Độ đã nhiều lần muốn giết Lý Huệ Tông nhưng chưa có cơ hội. Đại Việt sử ký toàn thư tập II viết: Mùa thu, tháng 8, ngày mồng mười (1226), Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo. Có lần Thủ Độ qua trước chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, bèn nói :“Nhổ cỏ thì phải nhổ cho hết rễ”. Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói :“Điều ngươi nói, ta đã hiểu”. Hôm sau, Thủ Độ sai người đem hương hoa đến, nói rằng:“Thượng phụ có lời mời ngài đến phủ”. Huệ Tông biết chuyến này chỉ có đi mà không có về nên vào buồng ngủ khấn rằng:“Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác, con cháu ngươi cũng bị như thế”. Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng:“Đã lấy nước của người ta lại giết vua của người ta thì thực là bất nhân quá lắm. Sau này Trần Phế Đế phải thắt cổ chết, vua Trần Thuận Tông bị giết (1). Tự mình làm thế nào thì sau lại phải chịu như thế. Đó là báo ứng. Dù không có lời nguyền của Huệ Tông, sự việc vẫn diễn ra như thế”.

Huệ Tông mất rồi, Thủ Độ giáng Hoàng hậu Trần thị xuống làm Thiên Cực công chúa rồi đem về làm vợ. Bà này là chị họ của Thủ Độ. Để che lấp tiếng xấu này (em lấy chị làm vợ), Thủ Độ ra lệnh cho người họ Trần phải lấy nhau, không được lấy họ khác, viện cớ là để tránh nạn ngoại thích. Như thế, cái tệ loạn luân đời Trần há chẳng phải khởi phát từ Trần Thủ Độ đó sao?

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng:“Thủ Độ có biết đâu thiên hạ đời sau đều chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi lại còn làm thói chó lợn (chỉ việc em lấy chị làm vợ).

.

* Thủ Độ giết tôn thất nhà Lý

Sau khi Huệ Tông bị giết, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm Nhâm Thìn (1232), nhân dịp người họ Lý làm lễ tế tiên hậu ở Thái Đường, Hoa Lâm (2), Thủ Độ ngầm sai đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi tôn thất nhà Lý vào tế các tiên vương thì sai giật sập, hàng trăm người họ Lý rơi xuống hầm, bị chôn sống hết.

Đã giết vua, cướp Hoàng hậu lại còn tìm cách giết hết cả dòng tộc nhà Lý, tội ác này trời không dung, đất không tha. Thủ Độ còn hạ lệnh trong nước ai họ Lý đều phải đổi thành họ Nguyễn, mục đích xóa hẳn họ Lý trong ký ức của dân chúng và hậu thế. Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn rằng:“Thủ Độ là người bày mưu cho nhà Trần, không việc gì là không làm. Huệ Tông còn bị giết thì còn nghĩ gì đến họ Lý nữa!” (Đại Việt sử ký tiền biên).

.

* Thủ Độ bắt vua Thái Tông lấy chị dâu cũng là chị vợ

Chiêu Thánh Hoàng hậu (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã mười hai năm mà không có con. Thủ Độ rất sốt ruột, lo không có người kế vị sau này nên bắt ép vua Thái Tông phải bỏ Chiêu Thánh để lấy Thuận Thiên công chúa bấy giờ đã có thai Quốc Khang ba tháng (con Trần Liễu) đem về phong làm Hoàng hậu, giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Thuận Thiên công chúa là vợ Trần Liễu (anh Trần Cảnh) và cũng là chị của Chiêu Thánh công chúa, vậy nàng vừa là chị dâu vừa là chị vợ của Trần Cảnh (Thái Tông). Vậy mà Thủ Độ cũng ép Trần Cảnh phải lấy cho bằng được. Việc “di hoa tiếp mộc” này thật là cổ kim chưa hề có, vì thế đã gây nên sự bất mãn trong giới sĩ phu đương thời.

Bị cướp vợ một cách công khai, Trần Liễu đùng đùng nổi giận, bèn họp quân ra sông Cái làm loạn nhưng thất bại. Vua Thái Tông áy náy không yên, đang đêm ra khỏi kinh thành, đến chỗ quốc sư Phù Vân (Quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó. Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh nhưng vua từ chối, nói rằng:“Trẫm còn ít tuổi, không cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc”.Thủ Độ cố nài xin nhiều lần mà không được, mới bảo các quan rằng “Vua ở đâu tức là triều đình ở đó”. Bèn cắm nêu trong núi, sai thợ đến xây dựng cung điện. Quốc sư nghe thấy thế, vội tâu rằng:“Bệ hạ nên gấp trở về, đừng để làm nát núi rừng của đệ tử”, vua mới chịu về kinh.

Được hai tuần, Trần Liễu tự biết mình cô thế, một hôm nghe tin vua Thái Tông ngự thuyền đi chơi, Trần Liễu giả làm người đánh cá, lẻn đến thuyền ngự tạ tội. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Thủ Độ nghe thấy đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn “Giết thằng giặc Liễu”, nhưng vua Thái Tông đã lấy thân mình che chắn cho anh nên Thủ Độ không chém được. Thủ Độ giận lắm, quăng gươm xuống sông mà nói:“Thì ra ta chỉ là con chó săn cho các người mà thôi, biết đâu được sự thuận nghịch trong anh em nhà vua”. Vua giải hòa rồi bảo Thủ Độ mang quân về. Thủ Độ sai giết hết những binh lính theo Trần Liễu làm loạn.

Sử thần Phan Phu Tiên bàn rằng:“Đạo “tam cương ngũ thường” là luân lý của loài người. Thái Tông là vua mở cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng khuôn phép để lại cho đời sau, nhưng lại nghe mưu tà gian của Thủ Độ, cướp vợ anh lập làm Hoàng hậu làm bại hoại luân thường đạo lý, chẳng phải đã mở ra mối dâm loạn đó sao? Liễu vì thế mà sinh hiềm khích mới dám làm loạn, đó là do Thái Tông đã nuôi lên tội ác cho Liễu vậy. Chưa giết anh vì lẽ trời chưa diệt hẳn thôi, sao lại gọi là nhân được? Sau này Trần Dụ Tông dâm loạn (3) chưa hẳn không do Thái Tông khơi ra vậy (Đại Việt Sử ký tiền biên).

.

* Thủ Độ là kẻ bất tài, vô mưu trong việc dẹp loạn

Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ viết:“Dưới đời Trần Thái Tông, loạn lạc nổi lên khắp nơi, nhưng có hai đám giặc lớn hơn cả là Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu và Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang. Thủ Độ xin vua phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho đất Bắc Giang, Đông Ngàn, lại cũng có hẹn phong vương cho Đoàn Thượng nữa nhưng Thượng không đến, vẫn chiếm cứ Hồng Châu, Đường Hào, xây thành ở Yên Nhân, gọi dân vào lính để tự giữ lấy. Nộn đem quân đến Đồng Đao đánh Đoàn Thượng, Thượng bị thua rồi chết, con là Văn đem cả gia thuộc đến hàng Nộn. Thanh thế của Nộn lừng lẫy, Thủ Độ lấy làm lo, sai người mang thư đến mừng Nộn và gả Ngoạn Thiên công chúa cho y để dò xét tình hình. Nộn biết ý, sai làm nha trướng riêng cho công chúa ở nên chẳng dò xét được gì”.

Nộn đã thôn tính được quân của Thượng, tự xưng là Đại Thắng vương (không cần nhà Trần phong) nhưng chẳng bao lâu thì bị bệnh rồi mất (Thật là may cho nhà Trần!).

Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn rằng:“Thủ Độ thậm vô mưu, chịu trách nhiệm chuyện dẹp loạn, không được thành công gì, bất miễn phải cắt đất phong cho Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng để che lỗi mình cầm quân không được việc gì; đến khi thanh thế Nộn to quá, lại đưa thư đến mừng, công nhiên lấy lễ định quốc đãi nó, thậm chí gả công chúa cho nữa thì càng tỏ ra là vô mưu quá lắm, không sợ nó cười cho hay sao?” (Việt sử tiêu án).

Thuở sinh thời, học giả Nguyễn Hiến Lê viết hơn trăm cuốn sách, nhưng nhất quyết không viết về Thành Cát Tư Hãn. Một lần tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở đường Kỳ Đồng, hỏi về việc ấy thì ông đáp rằng:

- Tôi có tài liệu đủ để viết một cuốn sách dày về Thành Cát Tư Hãn nhưng tôi không viết. Trong cuộc trường chinh từ Á sang Âu, hàng vạn người đã chết dưới tay ông ta, lẽ nào tôi lại viết sách để tuyên dương cái ác ấy.

Nay nếu làm phim về Trần Thủ Độ cũng tức là tuyên dương cái ác. Còn nếu bỏ hết những điều xấu xa của ông trên đây mà chỉ nói về cái tốt thì phiến diện, không trung thực, mặc dù đây chỉ là phim chứ không phải lịch sử.

Trong hơn ba mươi năm dạy văn sử, khi nào giảng đến đời Trần, tôi cũng không quên nêu lên những mưu mô nham hiểm thâm độc cũng như tội ác của Trần Thủ Độ đối với nhà Lý và đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong học sinh. Nay nếu xem phim, thấy Thủ Độ là người hoàn toàn tốt, chẳng biết các em sẽ nghĩ sao? Giá mà thay vì làm phim về Trần Thủ Độ thì làm phim về vua Trần Nhân Tông hay Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có hơn không? Vả chăng làm phim “Trần Thủ Độ” là cốt để chào mừng 1000 năm Thăng Long, nhưng việc dời đô về Thăng Long là công lao của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), vậy thì làm phim về Lý Thái Tổ có phải là hợp lý hơn không? (4). Trần Thủ Độ có dính dáng gì với việc dời đô?

Tôi biết bài viết này sẽ không làm thay đổi ý định của đoàn làm phim, nhưng vì nhớ lời di huấn của người xưa“Biết mà không nói là có tội” nên mới có bài này.

____________________________________________________

(1) Phế Đế tức Trần Đế Nghiễn bị vua Trần Nghệ Tông phế làm Linh Đức đại vương rồi phải thắt cổ chết ở phủ Thái Dương. Trần Thuận Tông sau này bị Hồ Quí Ly ép nhường ngôi cho thái tử Án tức Thiếu Đế rồi bị Quí Ly giết ở quán Ngọc Thanh (Theo Đại Việt sử ký tiền biên).

(2) Thuộc huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

(3) Chỉ việc Trần Dụ Tông thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh (Đại Việt sử ký tiền biên).

(4) Gần đây tôi mới được biết người ta đã làm phim về Lý Công Uẩn nhưng đến 90% giống Tàu nên bị dư luận công kích kịch liệt. Nghĩ thật đáng buồn cho điện ảnh Việt Nam.


© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 18.09.2010 theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn .
. Trích đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com .

.

Đọc thêm : Vẫn là ước mơ xa (nguoidaibieu.com.vn)

.

.

.

No comments: