Saturday, September 18, 2010

TỪ "PHÉP THỬ" CỦA ĐỖ NGỌC BÍCH TỚI "PHÉP THỬ" CỦA BỘ PHIM "LÝ CÔNG UẨN"...

TỪ “PHÉP THỬ” CỦA ĐỖ NGỌC BÍCH ĐẾN “PHÉP THỬ” CỦA BỘ PHIM “LÝ CÔNG UẨN…” ĐỐI VỚI “TINH THẦN DÂN TỘC”

Hiền Chi

Thứ bảy ngày 18/9/2010

http://trannhuong.com/news_detail/6227/T%E1%BB%AA-%E2%80%9CPH%C3%89P-TH%E1%BB%AC%E2%80%9D-C%E1%BB%A6A-%C4%90%E1%BB%96-NG%E1%BB%8CC-B%C3%8DCH-%C4%90%E1%BA%BEN-%E2%80%9CPH%C3%89P-TH%E1%BB%AC%E2%80%9D-C%E1%BB%A6A-B%E1%BB%98-PHIM-%E2%80%9CL%C3%9D-C%C3%94NG-U%E1%BA%A8N%E2%80%9D-%C4%90%E1%BB%90I-V%E1%BB%9AI-%E2%80%9CTINH-TH%E1%BA%A6N-D%C3%82N-T%E1%BB%98C%E2%80%9D

.

Tháng 4 năm 2010, khi cô NCS thuộc loại “vô danh tiểu tốt” Đỗ Ngọc Bích, với tư cách cá nhân, công bố trên BBC một “phát minh” về “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” với một vài luận điểm rời rạc nhưng rõ ràng báng bổ “tinh thần dân tộc” thì đã dấy lên cả một “phong trào” tẩy chay cô ở khắp trong nước lẫn hải ngoại của hầu khắp độc giả và dư luận, cũng với tư cách các cá nhân. Điều đó là dễ hiểu vì cô phát biểu trực tiếp suy nghĩ của mình một cách rành rẽ và lộ liễu nên không ai phải suy luận đồ đoán mất công. Kết quả mà bài báo nhỏ nhoi vội vàng của cô Bích đem lại thật là to lớn khi ta thấy nó như một “phép thử” để đong đếm “tinh thần dân tộc” của bất kỳ CÁ NHÂN NGƯỜI VIỆT NAM nào. Và ta đã thấy cái “tinh thần dân tộc” ấy qua những lời phản bác dù mềm mỏng hay dữ dội nhưng hoàn toàn thống nhất từ mọi người và mọi phía.

.

Nay là tháng 9 năm 2010, gần ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim truyền hình “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, 19 tập, được đầu tư 100 tỉ đồng với sự trợ giúp nhiệt tình của phía Trung Quốc, được xếp vào loại phim “tâm điểm” của Đại lễ, dù mới chỉ được úp mở giới thiệu vài hình ảnh, vài trích đoạn, đã dấy lên một làn sóng dư luận dữ dội tới mức mà hiện tượng bài báo của cô Bích ngày nào chỉ đáng là “muỗi”.

.

Hiện nay chủ yếu có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Thứ nhất là thanh minh, bào chữa, bảo vệ bộ phim. Cố nhiên thuộc về những người trực tiếp và gián tiếp làm phim, những người ít nhiều có những quan hệ nhất định với bộ phim, hay có cả một vài chức sắc văn hoá, điện ảnh... Nhưng nhìn chung ý kiến của họ khá kín đáo, nghe ngóng và tự vệ.

Thứ hai là phê phán, phủ định bộ phim. Đây là dư luận xã hội đông đảo bao gồm nhiều tấng lớp, ngành giới, thành phần xã hội, trong đó có nhiều nhà văn hoá, xã hội. Nhìn chung ý kiến của họ là gay gắt, quyết liệt. Người ta có cảm giác bộ phim này đang giúp cho việc hình thành một làn sóng “bài nô dịch”, “bài Hoa” vốn đã ngấm ngầm có cơ bùng phát. Nhiều người đòi huỷ bỏ bộ phim này vì nó “báng bổ tinh thần dân tộc”; “báng bổ văn hoá Việt”, “báng bổ tổ tiên”...

.

Theo tôi, bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” và bài báo của cô Bích tuy cùng đề cập tới “tinh thần dân tộc” nhưng có nhiều điểm khác nhau. Bài báo của cô Bích là một phát ngôn trực tiếp “báng bổ tinh thần dân tộc”, nên nó đáng nhận được những phản đối mạnh mẽ, quyết liệt, dữ dội và trực tiếp của dư luận. Còn bộ phim “Lý Công Uẩn...” trước hết là một tác phẩm nghệ thuật. Cần đối xử với nó như một tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật thường mang yếu tố ẩn dụ, tượng trưng, thậm chí ám dụ... được thể hiện qua các hình ảnh và hình tượng nghệ thuật. Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật là một sự “mã hoá nghệ thuật” của một tư tưởng nào đó, nó đòi hỏi người thưởng thức, phẩm bình nó phải “giải mã nghệ thuật” nó một cách chuyên nghiệp và sâu sắc để từ đó nhận diện cái “tư tưởng nghệ thuật” đích thực của nó. Khi đã giải mã được cái tư tưởng nghệ thuật căn bản, được biểu hiện ra bằng các hình ảnh và hình thức nghệ thuật của nó, thì khi đó mới có sự đánh giá khách quan.

Trong khi dư luận đang hết sức bức xúc, thông tin thì mập mờ, phim thì chưa trình chiếu, nên các ý kiến tán đồng hay phản bác bộ phim đều chưa thể khách quan, khoa học. Có ý kiến phản đối việc chiếu bộ phim. Có ý kiến đoán rằng nếu chiếu sẽ không ai đi xem. Có ý kiến nói rõ sẽ từ chối xem phim... Tôi lại thấy rất cần công chiếu bộ phim này một cách rộng rãi cho mọi người Việt Nam được xem. Tôi tin rằng bộ phim sẽ có rất đông khán giả tới xem. Bởi họ đã được các nhà làm phim và dư luận xã hội chuẩn bị tâm lý từ trước, nên bộ phim không còn là một bộ phim giải trí thông thường, mà là bộ phim cho Đại lễ, bộ phim “nhạy cảm”, sẽ được cả xã hội quan tâm, chú ý, phẩm bình. Cũng là để công bằng với bộ phim. Cũng là để “tri bỉ tri kỷ”, để tránh tình trạng mập mờ thông tin, tình trạng không chuyên, hay tình trạng “thày bói xem voi”...

.

Nhưng quan trọng hơn, bằng việc tiếp xúc trực tiếp, toàn diện và sâu sắc với toàn bộ 19 tập của bộ phim, các nhà văn hoá, khoa học, nghệ thuật, các nhà chuyên môn và đông đảo người dân có cơ hội được chứng kiến một “phép thử” mới về “tinh thần dân tộc”. Chỉ có điều, “phép thử” về “tinh thần dân tộc” lần này không chỉ dành cho CÁC CÁ NHÂN NGƯỜI VIỆT NAM, mà còn dành cho CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC. Bởi vì bộ phim này mang tính XÃ HỘI chứ không chỉ mang tính CÁ NHÂN như phát ngôn của cô Bích.

HC

.

-----------------------

.

THƯ NGỎ GỬI VỊ TIẾN SĨ ĐẠI HỌC YALE

THƯ CỦA BBC VÀ TRẦN TÌNH CỦA ĐỖ NGỌC BÍCH

.

--------------------------

.

‘Đường tới thành Thăng Long gây cảm giác là phim Trung Quốc’

Thứ bảy, 18/9/2010, 11:33 GMT+7

http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/09/3BA20861/

Dự định lên sóng truyền hình vào tháng 9 nhưng đến nay, bộ phim tiền tỷ “Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vẫn đang phấp phỏng chờ hội đồng thẩm định xét duyệt.


> ‘Đường tới Thăng Long’ không giống dã sử Trung Quốc

.

Thiền sư Vạn Hạnh (trái) và Lý Công Uẩn trong phim.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/08/61/DSCF1742.jpg

.

Trong 2 ngày 28 - 29/8, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và lãnh đạo Cục Điện ảnh đã tiến hành xem xét bộ phim 19 tập về đề tài lịch sử. Căn cứ vào ý kiến các thành viên Hội đồng, Cục Điện ảnh đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành - đơn vị sản xuất bộ phim. Nội dung công văn nêu rõ, tuy đã cố gắng bám sát những mốc lịch sử quan trọng, có tính chuyên nghiệp cao... nhưng do đa số cảnh quay thực hiện ở Trung Quốc nên Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long dễ gây cho người xem cảm giác đây là bộ phim truyền hình Trung Quốc.

Cục cho rằng, một số chi tiết trong phim cần tái hiện đúng với lịch sử, tránh mang dáng dấp dã sử Trung Quốc. Những cảnh quay tại các địa danh quá quen thuộc của nước này hay những đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc tham gia bị yêu cầu cắt bỏ. Ngoài ra, công văn cũng đề nghị đơn vị sản xuất chỉnh sửa lại những lời thoại hoặc quá hiện đại hoặc mang màu sắc phim dã sử Trung Quốc...

Theo Cục Điện ảnh, phim còn có nhiều chi tiết chưa phản ánh đúng lịch sử như việc Lê Hoàn lên ngôi; địa danh diễn ra sự kiện Lê Hoàn đánh đuổi quân Tống (tại sông Bạch Đằng - Tây Kết chứ không phải núi Chu Tước như trong phim); chuyện con Lý Công Uẩn sau này sẽ thi đỗ Trạng nguyên (vì thời đó chưa có Trạng Nguyên); cảnh Lý Công Uẩn đứng trên núi cao nhưng lại bảo đây là thành Đại La...

Cục cũng đề nghị chỉnh lại phần kết phim. Theo đó, quyết định dời đô của Lý Công Uẩn là sự thể hiện tầm nhìn sáng suốt của ông trước nhu cầu phát triển của nhà nước Đại Cồ Việt chứ không phải bắt chước theo Trung Quốc.

.

Tạo hình của Vua Lý Công Uẩn và các bề tôi.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A2/08/61/DSCF0934.jpg

.

Trao đổi với VnExpress.net về Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thành viên Hội đồng thẩm định nhận định: “Đây là một bộ phim Trung Quốc, không có gì để tranh cãi. Đạo diễn Trung Quốc, biên kịch Trung Quốc”. Trong khi đó, giáo sư Đinh Xuân Dũng, ủy viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thụât Trung ương, cố vấn Hội đồng thẩm định kịch bản Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại cho rằng, phim có chất Việt Nam, thể hiện sinh động, với tình cảm sâu đối với lịch sử dân tộc, phản ánh trung thực với những nét cơ bản nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh về giai đoạn Đinh Tiền Lê và Lý với nhân vật trọng tâm là Lý Công Uẩn.

Theo ông, những hạn chế của bộ phim nên được thông cảm khi Việt Nam không có trường quay, không có đạo diễn thực sự đủ tầm, không có lực lượng diễn viên đông đảo, thiếu thốn đạo cụ, trang phục… “Cái quan trọng ở bộ phim là ý tưởng và bản lĩnh của người làm phim trong việc giữ bản sắc Việt Nam. Có thể sử dụng trường quay, trang phục (may tại Trung Quốc) thậm chí cả đạo diễn Trung Quốc song tính cách nhân vật, mối quan hệ của người Việt Nam trong phim vẫn giữ chuẩn. Chúng ta nên nhớ rằng, kịch múa Xô Viết - Nghệ Tĩnh, tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam trước đây do đạo diễn người Triều Tiên là Kim Hoàng dàn dựng” - ông Dũng nhấn mạnh.

.

Theo ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành - những chi tiết mà Cục Điện ảnh yêu cầu cắt gọt, chỉnh sửa chỉ là những tiểu tiết, xử lý rất đơn giản, không ảnh hưởng nhiều tới nội dung phim. “Chúng tôi hoàn toàn làm theo chỉ đạo của Cục Điện ảnh, hiện đã chuyển phần phim được chỉnh sửa lên Cục chờ xét duyệt” - ông Sơn cho biết. Ông cũng khẳng định, ông chính là người chấp bút cho kịch bản và nhà biên kịch Trung Quốc, Kha Chương Hòa chỉ là người cố vấn. Ông Sơn cho rằng, việc chỉnh sửa một bộ phim là điều rất bình thường.

Chiều 17/9, ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh cho biết, Cục đã nhận được bản phim chỉnh sửa của Công ty Cổ phần đầu tư Trường Thành vào ngày 11/9. Tuy nhiên, nhiều ủy viên trong Hội đồng thẩm định đang đi công tác nên việc kiểm định chưa thể tiến hành. Trong tuần tới, Cục Điện ảnh sẽ có kết quả cuối cùng về Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long.

Ngọc Trần
Ảnh, clip: Truong Thanh Media

.

.

.

No comments: