Friday, September 24, 2010

BÂY GIỜ MỸ CẦN GÂY SỨC ÉP về VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

www.nghiencuubiendong.vn
Thứ sáu, 24 Tháng 9 2010 10:28

Hãng AP mới đây đã trích lời Trợ lý NT Mỹ Kurt Campbell và Cố vấn các vấn đề châu Á Nhà trắng phát biểu với các Đại sứ ASEAN rằng: lập trường cứng rắn của Mỹ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã mang lại hiệu quả mong muốn, “khiến Trung Quốc phải có cách tiếp cận hợp tác hơn”. Do đó Mỹ nên tận dụng thời cơ này tạo dựng áp lực chính trị quốc tế lên Trung Quốc trong khi hạn chế khả năng áp đặt chủ quyền của họ. Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại New York là một cơ hội tốt để Mỹ thể hiện quyết tâm ở cấp cao nhất. Đề cập đến vấn đề này, trên tờ The Heritage Foundation ngày 22/9 đăng bài “Bây giờ không phải là lúc lưỡng lự, Mỹ cần gây sức ép về vấn đề Biển Đông” (Not the Time to Go Wobbly: Press U.S. Advantage on South China Sea ) của Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Heritage Foundation. Sau đây là một số nội dung chính bài viết.
  
Tại ARF vừa qua, NT Clinton đã đưa ra một thông điệp với lời lẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trung Quốc luôn giữ quan điểm rằng các tuyên bố về chủ quyền trên biển xuất phát từ “các đặc điểm trên đất liền”. Với việc tuyên bố rằng các tuyên bố chủ quyền về đất liền của Trung Quốc phải hợp pháp thì mới có giá trị tham chiếu sang chủ quyền trên biển, từ ngữ mà NT Clinton sử dụng đã lấp đi lỗ hổng trong lập trường của Mỹ.

Mỹ không có tuyên bố chủ quyền cũng như không ủng hộ bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, tuy nhiên, Mỹ có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải tại khu vực này. Với việc đặt dấu hỏi đối với tuyên bố chủ quyền đất liền của Trung Quốc, Mỹ đã đặt dấu hỏi đối với tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này.

Một nguồn tin cao cấp tiết lộ với báo Washington Post rằng, NT Clinton ban đầu định phát biểu rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ vùng biển là “vô giá trị”.

Bây giờ không phải là lúc lưỡng lự đối với tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam và Philippin là những nước có tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc rõ ràng cảm thấy an tâm hơn khi Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong tranh chấp này. Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ sắp tới là cơ hội lý tưởng để nêu rõ quan điểm trên.

Ngoại giao Trung Quốc đã tấn công quan điểm của NT Clinton trong việc giải quyết bất đồng. NFN/BNG Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ nước nào không liên quan đến Biển Đông can dự vào tranh chấp. Chúng tôi phản đối việc quốc tế hóa, đa phương hóa hoặc mở rộng vấn đề”. Tóm lại, Trung Quốc phản đối cách giải quyết vấn đề không theo phương thức song phương. Họ biết rằng sức mạnh đối phương sẽ tăng theo số lượng.

TTh Obama không bị ảnh hưởng gì khi nhắc lại đề nghị làm trung gian. Tuy nhiên, ông nên nêu lại sự hoài nghi đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà NT Clinton đã đưa ra hồi tháng 7. Chính quyền Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc. Với một tranh chấp nghiêm trọng hơn với Nhật Bản đang diễn ra, Trung Quốc sẽ tìm cách giảm thiểu tối đa trên mặt trận kia. Bây giờ chính là lúc cần gây sức ép với họ.

Mặc cho những nỗ lực của NT Clinton, chính quyền Mỹ hiện vẫn mắc lỗi trong việc gắn quan điểm của Mỹ với việc thông qua Công ước LHQ về luật biển. Tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc không hoàn toàn dựa trên UNCLOS mà nó chỉ là cái vỏ bọc của họ. Trung Quốc có thể giải quyết toàn bộ tranh chấp bằng cách xóa bản đồ và nói rằng, tuyên bố chủ quyền của họ hoàn toàn dựa trên UNCLOS, như vậy sẽ hướng phương thức giải quyết tranh chấp theo cơ chế mà họ tạo ra.

Lập trường của Trung Quốc là, Biển Đông thuộc về Trung Quốc bởi vì nó thuộc về Trung Quốc. Đơn giản là như vậy cho dù có UNCLOS hay không có nó. Lập trường này của Trung Quốc sẽ không thay đổi cho dù Mỹ có thông qua UNCLOS hay không. Trên thực tế, việc áp dụng UNCLOS có thể khiến tranh chấp trở nên phức tạp hơn tình hình hiện tại. Lập trường của Mỹ sẽ tăng thêm sức nặng nếu họ đã thông qua UNCLOS.

Mỹ cần có thêm một số hành động như:

- Gây sức ép để Trung Quốc từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn là cách tốt nhất để Trung Quốc lộ rõ ý định của mình tại khu vực Biển Đông.
- Cùng với bạn bè và đồng minh trong khu vực tiếp tục tìm kiếm lập trường chung về vấn đề này.
- Cùng với các đối tác và đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippin xây dựng khả năng phòng thủ biển.
- Tại các vùng biển mở, Hải quân Mỹ cần tiếp tục thực thi quyền hàng hải quốc tế của mình.
- Tăng cường đầu tư nhằm duy trì lâu dài sự có mặt quân đội Mỹ.

NT Clinton đã làm đúng khi đặt quyền lợi của Mỹ vào việc duy trì tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, đồng thời có lập trường chung với các nước bạn bè và đồng minh trong khu vực. Chính phủ Mỹ cần tạo dựng áp lực chính trị quốc tế lên Trung Quốc trong khi hạn chế khả năng áp đặt chủ quyền của họ. Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại New York là một cơ hội tốt để Mỹ thể hiện quyết tâm ở cấp cao nhất.

Trần Quang  (gt)
 .
----------------------------
.
.
.

No comments: