Mai Việt Tú chuyển ngữ
Thứ Năm, 02/09/2010
Xin cảm ơn độc giả Mai Việt Tú, và độc giả Trần Thị Hồng Sương, đã tham gia chuyển ngữ cuộc tranh luận "Mô hình Trung Quốc" theo kêu gọi của Dân Luận. Chúng tôi mong rằng qua bản dịch này, độc giả không chỉ nắm được những thông tin nhiều chiều về "mô hình Trung Quốc", mà còn học được phương pháp tranh luận của các bên tham gia.
Lời người dịch
Mặc dù không có thì giờ lướt mạng nhưng khi đi qua danluan.org thấy cần người dịch bài này. Tôi thấy cũng hay nên thức vài đêm thử dich xem sao mặc dù tiếng Việt không giỏi bằng tiếng Anh cho lắm.
Dĩ nhiên tôi muốn giữ bài dịch càng sát với bài gốc nhưng vì bài viết này có trình độ hơi cao nên có nhiều đoạn không thể dịch sát nghĩa mà phải đọc những tham khảo liên hệ rồi mô tả bằng tiếng việt cho đúng ý gốc. Ngoài ra, tôi có thêm một số giải thích làm cho rõ bắt đầu bằng MVT.
Hệ thống độc tài tại Việt Nam dù cho bất cứ hình thức độc tài nào cũng sẽ là điểm yếu cho quốc gia tạo sự nô lệ cho ngoại bang lũng đoạn kể cả TQ và Mỹ.
Sau bao lần chống trả, Vân Nam đã rơi vào quỹ đạo của TQ (xưa) vào thế kỷ 13 mà cho đến thế kỷ 21 này còn chết dí không thoát được. Trong khi cũng tại cái thế kỷ 13 ấy, cái Hội Nghị Diên Hồng đã đưa dân tộc Việt thoát khỏi cái quỹ đạo đó. Nếu các bạn có thì giờ nên đọc cuốn sách “Southern Expansion of the Chinese People: Southern Fields and Southern Ocean” (Sự xâm lăng theo hướng nam của người Tàu: Đất phía nam và Biển phía nam) của giáo sư tiến sĩ Charles Patrick Fitzerald của viện Đại Học Quốc Gia Úc, sách viết năm 1972 ấn bản tại Anh Quốc.
Hệ thống chính trị Việt Nam bây giờ sẽ đưa đến mất nước là điều tất yếu. Chỉ có một hệ thống Diên Hồng đúng đắn để đưa nước Việt tồn tại đời đời. Sau khi xem qua một số mô hình trên thế giới, tôi thấy nước Việt có thể xử dụng mô hình của Úc với một số thay đổi. Nước Anh đã để lại những nước họ đô hộ một gia tài quí báu là hệ thống quản trị. Sự linh động của mô hình tập trung vào quốc hội và từ đó đẻ ra chính phủ của Diên Hồng. Những lãnh đạo bộ trưởng kể cả thủ tướng của Úc cũng có thể bị đào thải ngay trong cái điện ấy mà chưa cần đến tiếng nói tối cao của dân. Trách nhiệm của những cơ quan quyền lực như thuế má, cảnh sát v.v... đều dưới sự kiểm soát của quốc hội. Tôi hy vọng có thì giờ viết một bài chi tiết để phân tách về mô hình đúng đắn cho nước Việt Nam.
Mai Việt Tú (MVT)
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Tháng 9 năm 2010
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Tháng 9 năm 2010
------------------------
James Miles – người mở đầu cho đề tài và là người điều tiết thảo luận
Nhiều nhà quan sát nhận xét sự tự hào – thậm chí là ngạo mạn – của nhiều quan chức Trung Quốc (TQ) từ lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 bùng nổ. Kinh tế của TQ, mặc dù nhận cả một quả đấm vào khu vực xuất khẩu, vẫn được đẩy mạnh. Hàng triệu công nhân mất việc vào những tháng đầu (của khủng hoảng), nhưng bây giờ các nhà máy không kiếm đủ công nhân và lương bổng đang bắt đầu gia tăng. Không cần đến các cuộc tranh luận một cách dân chủ về tình hình, TQ đơn giản là đã ra lệnh cho ngân hàng của họ mở vòi và tiền tệ lập tức lưu thông. Ngày xưa, hiếm ai ở phương Tây nằm mơ rằng mình sẽ cất tiếng ca tụng một quốc gia độc đảng (mà lại còn là một quốc gia cộng sản không dấu diếm), với thái độ nước đôi đối với nền kinh tế tư nhân và một sự khinh miệt tuyệt đối dành cho những ai bất đồng chính kiến. Giờ đây, thảo luận về một “mô hình Trung Quốc”, hoặc một “đồng thuận Bắc Kinh”, đã và đang trở thành sôi nổi và rộng khắp.
Thật là thú vị, không phải một người TQ mà là một người Mỹ, Joshua Cooper Ramo, là người đã sáng tạo ra thuật ngữ "sự đồng thuận Bắc Kinh" vào năm 2004. Ông Ramo, một cựu biên tập của báo Time, viết là TQ đang trong quá trình xây dựng “một siêu cường vĩ đại không đối thủ mà thế giới chưa từng thấy, một quốc gia ít dựa vào các công cụ truyền thống để phóng chiếu quyền lực hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử, và lãnh đạo [thế giới] bằng ví dụ bản thân cũng như kích thước đáng sợ của mình". Ông tiếp tục nói rằng TQ đã “vẽ một con đường cho các quốc gia khác trên thế giới, những người đang cố gắng tìm kiếm không chỉ con đường phát triển quốc gia, mà còn làm thế nào hòa hợp vào trật tự quốc tế theo cách mà họ thật sự độc lập". Con đường của Trung Quốc, ông nói, linh động đến mức mà khó có thể coi đó là một học thuyết. Nhưng nó đứng đó, đối đầu với sự đồng thuận Washington và nó “chấm dứt một lịch sử của sự ngang tàng” (của Mỹ).
Điều khiến người ta thú vị là bản thân các trí thức TQ cũng hồ hởi về tạo lập một con đường khác với con đường của Mỹ. Lãnh đạo TQ đã từ lâu dè dặt sơn phết quốc gia của họ là trọng tâm của thế giới, họ lo sợ là nếu làm như vậy có thể lôi kéo chính họ vào sự đối đầu với các siêu cường đang cạnh tranh với họ. Nhưng lúc này đã có những dấu hiệu của sự thay đổi. Quyền lực kinh tế TQ, giữa sự khó chịu của phương Tây, đã bắt đầu khuyến khích nó can thiệp lớn hơn ra ngoài. TQ đang bắt đầu làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trong quá trình hình thành trật tự thế giới, từ thế giới tài chính cho đến an ninh toàn cầu. Hàng loạt sách vở và bài viết đã và đang xuất hiện gần đây tại TQ quả quyết, hoặc tranh luận, một hình ảnh ẩn hiện của một “mô hình TQ”. Bài thảo luận có tính cách kích động của ông Ramo đã và đang trở thành thực tiễn.
Mặc dù thuật ngữ này chưa được định nghĩa một cách rõ ràng - không có sự đồng thuận nào về định nghĩa "mô hình Trung Quốc" hay "sự đồng thuận Bắc Kinh" - tôi vẫn mong những người tham gia (buổi tranh luận lần này) suy nghĩ về cuộc tranh luận theo chiều hướng như thế này: Có phải TQ, theo cách mà nó đang phát triển, đã làm đúng điều gì đó, mà các quốc gia phát triển, có nền dân chủ và kinh tế thị trường, lại làm sai? Nếu là như vậy, các quốc gia phát triển có nên thay đổi cách nghĩ về các hệ thống kinh tế và chính trị khác họ, và cách mà họ đang cố gắng định hướng cho các quốc gia nghèo, đang phát triển trên toàn thế giới? Nếu, giả sử rằng, hệ thống độc tài của Trung Quốc dã giúp nó phản ứng nhanh chóng và quyết đoán trước sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu, liệu chúng ta có nên hạn chế dân chủ? Nếu đối phó với những vấn đề - mà với nhiều người - còn lớn hơn, như thay đổi khí hậu, cần đến những nỗ lực nhanh chóng và có tác động rộng rãi để giảm lượng khí thải nhà kính, liệu chúng ta có nên tha thứ cho tình yêu của Trung Quốc dành cho hệ thống độc tài? Hay là sự thảo luận của một “mô hình TQ” lại che đậy sự yếu kém trong hệ thống của TQ, mà những yếu kém này sẽ hiện hình trong những năm sau này và làm thay đổi ý kiến của toàn cầu trở lại với chiều hướng kia (dân chủ đi với kinh tế thị trường)? Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc thường kích thích những tranh luận nảy lửa giữa các độc giả của tờ Economist. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận sinh động.
Mai Việt Tú chuyển ngữ
Thứ Sáu, 03/09/2010
Xin cảm ơn độc giả Mai Việt Tú, và độc giả Trần Thị Hồng Sương, đã tham gia chuyển ngữ cuộc tranh luận "Mô hình Trung Quốc" theo kêu gọi của Dân Luận. Chúng tôi mong rằng qua bản dịch này, độc giả không chỉ nắm được những thông tin nhiều chiều về "mô hình Trung Quốc", mà còn học được phương pháp tranh luận của các bên tham gia.
Bài phát biểu mở đầu của Stefan Halper – người bảo vệ mô hình TQ
Báo Economist đưa ra một tranh luận hứng thú, nhưng hình ảnh của nó đã sai lệch: “mô hình" TQ không phải là tốt hơn hay tệ hơn, mà là sự khác nhau. Hơn nữa, nó không nên được xem là “mô hình” và không nên tư duy theo chiều hướng như vậy. Trong cuốn sách của tôi, “Sự Đồng Thuận Bắc Kinh”, tôi mô tả nó như là một tập hợp phức tạp của những sự phát triển và đổi mới trong hơn 30 năm qua mà sự thành công do từ chất lượng đặc thù của văn hóa, nhân khẩu, địa lý và triết lý quản trị của TQ. Theo hướng tư duy như vậy, không có một “mô hình” nào để người ta bàn rằng có thể được sao chép hay xuất cảng đến những nơi như Châu Mỹ La-tinh hoặc vùng dưới Sahara của Phi Châu.
Đây không phải đề nghị rằng những nước đang phát triển – và các nước khác – trên thế giới đừng nên đi theo sát ví dụ của TQ và cố gắng thực hiện những chương trình giống hệt TQ. Những quốc gia từ Iran cho đến Miến Điện cho đến Venezuela đã và đang ăn cắp sáng tạo của TQ để giải quyết các vấn đề; chẳng hạn như những phương thức kiểm soát internet của Trung Quốc đang được ứng dụng tại Iran.
Nếu bỏ qua những chi tiết cơ bản của quá trình 30 năm đổi mới vĩ đại, chúng ta sẽ thấy thách thức thực sự của Trung Quốc. Họ xuất cảng một cái gì đơn giản hơn, hấp dẫn hơn đối với nhiều người và thực sự đang bào mòn vị trí thống trị của phương Tây. Đó là khái niệm cơ bản về chủ nghĩa độc tài thị trường (market authoritarianism) (MVT: Việt Nam rập khuôn mô hình của TQ và đặt tên là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”). Trên tất cả những thứ mà TQ gặt hái được và trên tất cả các thứ mà TQ bán cho thế giới, TQ chính là cái bảng quảng cáo lớn nhất cho con đường “hướng tới tư bản và vẫn duy trì nền độc tài”.
Sự quan trọng của vấn đề thật ra ít liên quan tới “những mô hình phát triển”, mà liên quan nhiều hơn đến thắng lợi trên mặt trận tư tưởng về mối quan hệ tối ưu giữa người cai trị và kẻ bị cai trị. Như đã nói chi tiết trong cuốn sách “Sự Đồng Thuận Bắc Kinh”, TQ đề cao các giá trị và tiêu chuẩn mang tính thách thức nền tảng hệ thống quản trị phương Tây và thu hút được sự chú ý mãnh liệt của tầng lớp ưu tú lãnh đạo ở "phần thế giới phía ngoài phương Tây". Nó (giá trị và tiêu chuẩn kiểu TQ) hứa hẹn với các vị lãnh đạo một quyền lực tuyệt đối mà không cần đến những người đại diện cho nhân dân trong hệ thống lập pháp, hoặc đám báo chí đầy thách thức, và nó cũng hứa hẹn với dân chúng công ăn việc làm, nhà cửa và một tương lai khá hơn. Nó chứng minh rằng cải tiến môi trường, nâng cao điều kiện bảo vệ lao động và dịch vụ xã hội có thể dẹp tạm qua một bên một thời gian để tạo ra “tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt”. Mấu chốt là nó không hứa hẹn một quảng trường công cộng để dân chúng biểu tình, hay các quyền về tự do ngôn luận, tín ngưỡng, hoặc hội họp. Dân chúng được gò ép tuân thủ người cầm quyền và tránh xa chính trị.
Thế nhưng, thành quả của TQ vẫn rất đáng nể. Đó là một quốc gia nghèo thuộc “thế giới thứ ba” đã vượt đến đỉnh cao của sức mạnh trên thế giới và, một cách ngạc nhiên, tạo ra sự ganh ghét của những quốc gia khác muốn thành đạt tương tự.
Hãy nhìn sơ qua một vài con số:
Tốc độ tăng trưởng của TQ ở đạt mức trung bình 11% mỗi năm trong suốt 30 năm qua. Dự trữ ngoại tệ mạnh của TQ lớn nhất thế giới, khoảng 2000 tỷ (MVT: không nói rõ nhưng có lẽ $US). Trong khi phương Tây chật vật mới tăng trưởng dương trong thời kỳ khủng hoảng 2007-2009, TQ tăng trưởng hơn 8%. Từ năm 1980 hàng trăm triệu người được đưa ra khỏi mức độ nghèo: theo thống kê của chính phủ TQ, tỷ lệ nghèo (định nghĩa theo lợi tức gia đình $7000 một năm) giảm bởi 50.5% từ năm 1981 đến 2005. Số trẻ tử vong giảm gần 40% từ năm 1990 đến 2005; xử dụng điện thoại trong khoảng thời gian này tăng hơn 94 lần, đến 57.1%. Lợi tức tiêu xài và tỷ lệ mua sắm gia tăng bởi 18% một năm, so sánh với Mỹ chỉ có 2%. Hơn nữa, có một sự gia tăng mạnh trong tỷ lệ làm chủ nhà ở TQ. Cho đến năm 2007, 80% nhà nằm ở các thành phố của TQ được làm chủ bởi những cá nhân.
Đây là những thành quả tuyệt vời – nhưng lãnh đạo cả một đất nước như TQ không phải là cuộc dạo chơi trong công viên. Mặc dù có những tiến bộ trong một số khu vực, tham nhũng lan tràn như một bệnh dịch, môi trường xuống cấp, tranh chấp lao động, bất công rõ rệt giữa các thành phố vùng ven biển và trong đất liền, một khủng hoảng bản sắc với sự suy giảm của chủ nghĩa Mao-ít, sự gia tăng khác biệt giữa các giai cấp và một sự hướng vọng của một chủ nghĩa quốc gia... tất cả là một phần của đời sống hàng ngày [ở TQ].
Đảng CSTQ vẫn là cái nguồn độc nhất của quyền lực, những vẽ vời như là “kiểm soát và cân bằng” (MVT: tam pháp độc lập và những bộ phận chính phủ và báo chí bổ xung kiểm soát lẫn nhau), “một tư pháp độc lập”, “một đối lập hữu hiệu” và “minh bạch” gần như không hiện hữu. Ngành thương mại được nhiều công ty nước ngoài đánh giá là ác mộng; làm ăn kiểu TQ và phương Tây rất khác nhau, những vi phạm sự riêng tư, ăn cắp sản phẩm trí tuệ – khoảng 200 tỷ đô thương mại một năm – và ăn cắp những bí mật công ty rất phổ thông (tại TQ).
Thế nhưng, nếu những thứ ấy làm lộ ra những vấn đề và những rạn nứt trong xã hội TQ, thì hệ thống độc tài thị trường này của TQ được chấp nhận bởi một số lớn trong số 1.4 tỷ người (TQ). Hơn nữa, đánh đổi hy sinh một quyền tự do để được công ăn việc làm, nhà cửa, ổn định và tăng trưởng của giá trị đời sống thì cũng hầu như được chấp nhận bởi 5 tỷ người trên thế giới hiện nay, những người mà thực ra cũng chẳng biết còn cách nào hơn.
Khi chính phủ nới rộng quan hệ thương mại, thì quan hệ chính trị theo đuôi, TQ bây giờ là nước đầu tư lớn nhất ở Phi châu và nhiều nơi ở Trung Á và Châu Mỹ La Tinh. Một hiệu ứng cục bộ của vòng tay ôm ấp của Trung Quốc là ví dụ về một thị trường độc tài nhưng thành công đã hạ thấp các nguyên tắc quản trị mà phương Tây đã vận dụng trong hơn 200 năm qua. Nói một cách bình dân hơn, điều này có nghĩa là với những công dân bị cai trị dưới một chính quyền ngưỡng mộ Trung Quốc (như Việt Nam chẳng hạn - Dân Luận), dù chỉ chút xíu, và đang tìm cách rập khuôn ví dụ thị trường độc tài của Trung Quốc, thì triển vọng về một xã hội dân sự và dân chủ là rất xa vời - thậm chí không hiện hữu.
Và như thế, điểm quan trọng ở đây không phải là “TQ đưa ra một mô hình phát triển tốt hơn phương Tây”. Nói về mô hình là không đúng trọng điểm. Thật ra, TQ đang âm thầm ảnh hưởng đến cách phát triển, đến các nền kinh tế và các cộng đồng trên thế giới - và bằng nới rộng chính trị - theo cách mà sẽ từ từ giới hạn ảnh hưởng và các giá trị của phương Tây, không cho vượt ra khỏi phạm vi khối NATO. Nói một cách thực tiễn, đó chính là chất xúc tác chính cho một quá trình to lớn và đáng lo ngại, đó là: TQ đang làm thu nhỏ phạm vi ý thức hệ của Phương Tây.
Shiroi Hasu chuyển ngữ
Thứ Sáu, 03/09/2010
Xin cảm ơn độc giả Shiroi Hasu, Mai Việt Tú, và độc giả Trần Thị Hồng Sương, đã tham gia chuyển ngữ cuộc tranh luận "Mô hình Trung Quốc" theo kêu gọi của Dân Luận. Chúng tôi mong rằng qua bản dịch này, độc giả không chỉ nắm được những thông tin nhiều chiều về "mô hình Trung Quốc", mà còn học được phương pháp tranh luận của các bên tham gia.
Bài phát biểu mở đầu của Susan Shirk – người chống lại mô hình TQ
Người Mỹ và châu Âu đang bi quan về tương lai khi hồi phục từ sự sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu. Khi tầm nhìn của họ bị sai lệch bởi sự lo sợ về khả năng suy thoái của phương Tây, họ đã đánh giá quá cao sức mạnh của hệ thống Trung hoa, cũng giống họ đã thần tượng hóa Nhật Bản vào thập niên 80. Đúng là nền kinh tế Trung Hoa đang phát triển thậm chí còn ấn tượng hơn nước Nhật trong thập niên 80. Từ khi thực hiện cải cách thị trường và mở cửa đón nhận thương mại và đầu tư nước ngoài vào năm 1978, Trung Hoa đã đạt được tăng trưởng về thu nhập hơn 7% tính trên đầu người chưa từng có tiền lệ trong suốt 3 thập niên qua.
Nhưng có nhiều lý do lý giải sự tăng trường kinh tế nổi bật của Trung Hoa, trong đó có một số lý do (như: 70% dân số trong tuổi lao động, hoặc thị trường nội địa to lớn của họ) không liên quan gì đến mức độ khôn ngoan của các chính sách phát triển. Hơn nữa, chiến lược kinh tế của Bắc Kinh đã phải mất hơn 30 năm cải cách và mở cửa. Các nhà kinh tế Trung Hoa cười nhạo về cái khái niệm cho rằng có một “mô hình phát triển” nhất quán của Trung Hoa.
Tại một cuộc họp tôi có tham dự gần đây ở Bắc kinh, các nhà kinh tế học phương Tây đã tranh cãi về lý do tại sao sự cất cánh về phát triển kinh tế trong thập niên 80 đã rất thành công. Đó có phải là sự giải thể chủ nghĩa tập thể trong nông nghiệp để trở về với trang trại cá thể? Liệu các thử nghiệm khu vực đã làm giảm bớt rủi ro trong cải cách? Phải chăng việc bãi bỏ tập quyền tài chính đã mang lại thêm động lực cho các quan chức chính phủ điạ phương để đẩy mạnh hoạt động thị trường? Có phải đang có khuynh hướng thị trường hóa dần dần xung quanh kế hoạch tập trung? Tuy nhiên các nhà kinh tế học Trung quốc vẫn quan tâm nhiều đến lý do tại sao cải cách thị trường đã khựng lại trong thập niên 2000. Họ chỉ trích các chính sách gần đây đối với việc mở rộng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, ưu ái các ngành công nghiệp nặng của nhà nước và xiết chặt doanh nghiệp tư nhân.
Sau khi đạt đến sự cất cánh về phát triển kinh tế qua phương thức thử nghiệm kinh tế thị trường, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu ném một lượng tiền khổng lồ vào đầu tư công nghiệp và hạ tầng cơ sở. Phương thức này đã thành công khi bắt chước rập khuôn các nước tiên tiến, công nghiệp hóa nhanh chóng và chuyển dời nhân công từ nông thôn ra đến các nhà máy ven biển. Nhưng giờ đây khi Trung Quốc đang chuyển sang một giai đọan mới, với đồng lương nhân công gia tăng và người công dân có học thức hơn và nhiều yêu cầu hơn, phương thức này không còn phù hợp nữa. Chính phủ giờ đây đang “diễn tập” những chiến lược mới, như phát triển “những phát kiến tự nhiên “, những thứ không có cơ hội thành công với cùng một lối huy động nguồn lực “từ trên bổ xuống” giống như trước. Tôi dám chắc rằng lúc các nhà cổ xúy cho một mô hình Trung hoa định hình được chính xác là mô hình này là như thế nào, thì người Trung hoa đã sẽ buộc phải thay đối tình thế bằng cách hủy bỏ nó đi rồi.
Người nước ngoài có thể “lác mắt” bởi nền kinh tế kỳ diệu của Trung Hoa, nhưng bản thân người dân Trung Hoa lại lo lắng hơn về những sản phẩm tiêu cực của nó. Khi bắt đầu cải cách thị trường, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo được thu hẹp trong thập niên đầu, nhưng kể từ đó, sự phân phối thu nhập đã trở nên bất bình đẳng với hệ số Gini 0.47 so với nhiều nước đang phát triển hoặc so với nước Mỹ. Tham nhũng đã trở thành nét đặc trưng ở nơi này.
Việc phản đối của dân chúng về sự nhiễm độc công nghiệp đối với sông ngòi thường xuyên xảy ra. Ô nhiễm môi trường đã lên đến mức độc hại – có đến 16 thành phố trong danh sách 20 thành phố ô nghiễm nhất thế giới thuộc về Trung hoa. Ngân hàng Thế giới đã ước tính tổng chi phí ô nhiễm không khí và nước của Trung quốc chiếm 5.8% GDP của năm 2007.
Người phương Tây đang phàn nàn về cách quyết định luộm thuộm, mất thời gian của các nền dân chủ và ghen tỵ với sự quyết đoán trong nền cai trị độc tài của Trung quốc. Trên thực tế, quá trình hình thành chính sách của người Trung quốc kém quyết đoán hơn người ta tưởng tượng rất nhiều. Việc đạt được sự đồng thuận quan liêu cho những quyết định táo bạo đã ngày càng trở nên khó khăn vì các lãnh đạo ngày nay thiếu đi quyền lực cá nhân của một Mao Trạch Đông hay một Đặng Tiểu Bình. Chính quyền trung ương không thể thực hiện các nghị quyết trong 35 đơn vị cấp tỉnh cho dù chính họ đã bổ nhiệm các chủ tịch và bí thư tỉnh. Chính quyền ban hành các quy định bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe, giáo dục và quỷ hưu trí. Nhưng các lãnh đạo cấp tỉnh, những người được thăng cấp nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế, đã phớt lờ những các quy định ấy.
Những người nước ngoài đang ngưỡng mộ Trung quốc có thể ngạc nhiên khi biết rằng mức tăng trưởng kinh tế nhanh đã làm giảm bớt độ an toàn chính trị cho các lãnh đạo chính trị Trung quốc. Những chính khách cộng sản đang tự hỏi liệu họ còn có thể tồn tại bao lâu nữa ở vị trí cao nhất trong một xã hội đang thay đổi nhanh hơn, cởi mở hơn và nhiều thông tin hơn thời Mao. Họ nhìn thấy những mối đe dọa đến quyền lực của mình đang ngày càng rõ rệt khắp nơi, và họ gia tăng kiểm soát thông tin, công luận và internet, không cho những người chống đối đến Bắc Kinh và trấn áp bất cứ tổ chức độc lập nào. Theo một phân tích gần đây của Trung quốc, chính phủ đã chi tiêu ngân sách cho an ninh trong nước nhiều như cho an ninh quốc phòng. Tuy vậy, thật ngạc nhiên khi những cuộc nổi dậy chống đối mạnh mẽ của các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương đã cho thấy khả năng kiểm soát và theo dõi của chính phủ đã có vấn đề.
Năm 1989 hàng triệu sinh viên đã biểu tình tranh đấu dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn và 132 thành phố khác trong khắp đất nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản đã phân tán trong việc đối phó với các cuộc biểu tình, và chỉ vì do quân đội đã theo lệnh Đặng Tiểu Bình dùng vũ lực để giải tán đám biểu tình, nền Cộng hòa Nhân dân mới tồn tại. Hệ thống chính trị vẫn mong manh trước cái nguy cơ hợp bởi các cuộc chống đối và sự phân tán trong giới lãnh đạo. Những nỗ lực của Đảng Cộng sản khi tạo ra những kênh “không bỏ phiếu” đã thất bại trong việc tỉa gọt bớt sự gia tăng hoạt động chống đối. Đồng thời, truyền thông thương mại và internet ngày càng làm khó che dấu hơn sự phân hóa trong giới trí thức nhìn từ góc độ công khai. Sự phân hóa trong giới lãnh đạo thể hiện qua intenet đã châm ngòi cho những cuộc cách mạng nổi dậy ở những chế độ độc tài khác. Cho dù tăng trưởng kinh tế ấn tượng mấy đi nữa, Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi số phận tương tự.
Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Năm, 23/09/2010
Phần phản biện của Stephan Halper - người ủng hộ mô hình Trung Quốc
Bà Susan Shirk bắt đầu lập luận của mình với một tuyên bố kỳ lạ: Bà nói rằng người Mỹ, những ai đang lo lắng về sự đi xuống của phương Tây và "đánh giá quá cao sức mạnh của hệ thống Trung Quốc", chẳng qua chịu ảnh hưởng của một cách nhìn lệch lạc. Nhưng sau đó, khi đề cập đến tăng trưởng chóng mặt của Nhật Bản cách đây 2 thập niên, bà nói rằng, thực sự kinh tế Trung Quốc phát triển còn "ấn tượng hơn" cả Nhật Bản thời những năm 1980. Xin lỗi nếu tôi có nhầm lẫn, nhưng "ấn tượng hơn cả Nhật Bản" không phải là chỉ dấu rằng các nhà hoạt định kinh tế Trung Quốc đã làm đúng điều gì đó, và rằng chúng ta cần phải lo ngại với một Trung Quốc đang nổi lên hay sao? Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc đang thúc đẩy các giá trị "độc tài" của mình và mở rộng sự trợ giúp của nó tới các quốc gia ở thế giới thứ ba.
Nhưng chúng ta hãy bắt đầu với "sự đi xuống của phương Tây":
Nếu tăng trưởng có nghĩa là công ăn việc làm, của cải, quyền lực và chất lượng cuộc sống tốt hơn, tại sao người Mỹ không nên lo lắng về tốc độ tăng trưởng chưa từng có 10-11%/năm của Trung Quốc? (So với tốc độ tăng trưởng trung bình của Hoa Kỳ là 2,8% trong thập niên vừa qua).
Tại sao chúng ta không nên lo lắng về những vụ thâu tóm liên tục của Trung Quốc nhắm vào tài nguyên khoáng sản và năng lượng tại nhiều quốc gia đang phát triển - một bước đi cả quyết khiến nhiều chính quyền độc tài trên thế giới sắp sụp đổ lại tiếp tục được duy trì, và khiến quá trình phát triển ở khu vực bị bóp méo, làm giá đồng, dầu, thép, thiếc và gỗ trên thế giới tăng vọt, và làm ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng toàn thế giới?
Liệu người Mỹ có nên lo lắng về sự suy giảm của quyền lực phương Tây ở Liên Hợp Quốc và WTO, nơi mà chiến lược "ngoại giao kèm tờ séc" của Trung Quốc đang lôi kéo một lượng lớn người ủng hộ và thần tượng - mỗi khi lợi ích của Trung Quốc và Hoa Kỳ có sự xung đột?
Liệu người Mỹ có nên tảng lờ tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng họ có "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khu vực biển Đông, nơi mà, nếu tuyên bố đó được chấp nhận, sẽ cản trở quyền tự do đi lại và truy cập tự do tới cộng đồng Châu Á chia sẻ khu vực biển này. Nỗ lực lộ liễu của Trung Quốc nhằm độc chiếm tài nguyên dưới đáy biển và các dự trữ khí đốt do 9 quốc gia khác tuyên bố chủ quyền liệu có khiến tình hình càng trở nên đáng báo động?
Người Mỹ nên hay không nên hỏi tại sao Trung Quốc tăng cường tài trợ cho bộ máy quân sự 2,3 triệu người (lớn nhất thế giới) với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (17,8% vào năm ngoái, so với Hoa Kỳ 3,4%)?
Và trong khi bà Shirk lo ngại rằng chúng ta đang "đánh giá quá cao sức mạnh của hệ thống Trung Quốc", hãy cùng nhìn nhanh vào kết quả phát triển kinh tế thực của Trung Quốc trong những ngày kinh tế thế giới suy thoái. Khi Hoa Kỳ và các nền kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm - Hoa Kỳ thực tế tăng trưởng âm 6,2% trong quý 4 năm 2008 - thì Trung Quốc tăng trưởng 9% năm 2009.
Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và Châu Âu đã, trong hai thập niên qua, giúp nó tạo ra lượng dự trữ ngoại tệ mạnh lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới - với con số hiện tại 2 ngàn tỷ USD. Con số này, cộng với tỷ lệ tiết kiệm lớn nhất thế giới, đã cho phép những nhà hoạch định kinh tế TQ duy trì công ăn việc làm, mở rộng nhà cửa, đầu tư vào công nghiệp nặng, xây dựng đường xá và đường sắt, và hỗ trợ cho khu vực xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề do giảm cầu ở thị trường Hoa Kỳ. Trong cùng lúc, các nhà hoạch định kinh tế còn phải đương đầu với những thách thức thực sự như dập tắt biểu tình bạo động ở Tây Tạng và ở Tân Cương, rồi "những thanh niên bực bội trên mạng", rồi những yêu cầu của công nhân đòi tăng lương, và rồi những tranh cãi của hàng loạt các tập đoàn quốc tế về điều kiện kinh doanh, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân. Nếu chúng ta phải so sánh giữa cách quản lý của Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì thành tựu của Trung Quốc lại càng ấn tượng.
Mặc dù Trung Quốc cho chúng ta một ví dụ về những gì một quốc gia đang phát triển có thể đạt được, nó không đưa ra một mô hình để người khác có thể sao chép. Bà Shirk đã nhấn mạnh điểm này khi bà nói hơn "70% dân số đang ở độ tuổi lao động hoặc một thị trường nội địa khổng lồ" để giải thích tiến trình kinh tế đáng nể của Trung Quốc. Ở đây chúng ta đồng ý với nhau rằng, Trung Quốc là một ví dụ độc nhất, một ví dụ đặc biệt; một lượng lớn người lao động và một thị trường nội địa lớn như thế không tồn tại ở các quốc gia đang phát triển khác.
Thật không may, chủ đề tranh luận, như được diễn giải bằng từ ngữ, đã khiến cuộc trao đổi này trở nên bối rối, bằng cách đưa ra một lựa chọn lầm lẫn. Câu hỏi không phải là liệu Trung Quốc có đưa ra một mô hình tốt hơn hay tồi hơn phương Tây. Cách quản trị của Trung Quốc là độc nhất. Nó không thể được tái tạo dễ dàng hơn dân chủ Hoa Kỳ được tái tạo ở Pháp , Iraq hay Venezuela . Nó là một biến thể của mô hình Châu Á, đầu tiên được phát triển bởi Nhật Bản vào năm 1932 tại Machukuo, sau đó được chắt lọc bởi người Triều Tiên, người Đài Loan và người Singapore. Nó được đặc trưng bởi tỷ lệ tiết kiệm cao, giáo dục tốt, các giá trị Khổng Giáo nhấn mạnh vào gia đình và sự hài hòa, và sự nhấn mạnh vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Và sự giống nhau đến đó là hết; các chính quyền độc tài Châu Á được đề cập ở trên đã tiến hóa sang đa nguyên - đa đảng. Trung Quốc, sau 60 năm, vẫn dừng lại ở độc tài. Sự phức tạp của nó, kích thước của nó, và Đảng CS đầy sức mạnh khiến mô hình TQ không thể nào sao chép được. Và như thế, cách nghĩ có thể mô tả kinh nghiệm Trung Quốc như một "mô hình" đơn giản là sự áp dụng sai thuật ngữ [ý nói không nên dùng từ "mô hình"].
Điều đáng quan tâm hơn là sự thất bại của Đồng Thuận Washington (mô hình phát triển phương Tây) trong những năm 1980 đã mở cửa cho Trung Quốc vào thế giới đang phát triển - và đó là điều cần thiết để các chính quyền độc tài lan rộng. Trong khi Đồng Thuận Washington (được thực hiện thông qua Ngân hàng Thế Giới WB và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF) cho vay để đổi lấy cải cách chính quyền, bãi bỏ điều tiết [nền kinh tế] và minh bạch hóa, thường thất bại trong việc cải thiện tình hình của các quốc gia tham gia. Hơn nữa, không chỉ vốn vay của Trung Quốc được đưa ra mà không cần cải cách, nó cũng hứa hẹn không can thiệp vào nội bộ các quốc gia, và sẽ bảo vệ các đối tác của mình trước những lệnh cấm dựa trên đạo đức tại các hiệp hội quốc tế. Nhưng những gì bạn nhìn thấy chỉ là một phần những gì bạn nhận được.
Ảnh hưởng lâu dài hơn của sự hào phóng tới từ Trung Quốc là nó khuyến khích tư tưởng quản trị mang tính đối nghịch và thách thức, phần nào đẩy lùi các giá trị mà phương Tây đã dựa vào để phát triển trong hàng thế kỷ qua. Đối mặc với lựa chọn dân chủ hay độc tài, hầu hết các lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển sẽ chọn độc tài vì nó ít phức tạp hơn. Đạo đức dân chủ trông có vẻ nhợt nhạt khi so sánh với sự trợ giúp và bảo vệ của Trung Quốc.
Đáng buồn, bà Shirk, quá chú tâm vào sức mạnh kinh tế và quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ, đã bỏ qua sự thách thức thực sự mà Trung Quốc đưa ra, đó là cuộc chiến ý thức hệ về cách quản trị, mà ở đó chế độ độc tài Trung Quốc đang chiến thắng tại các quốc gia "nằm ngoài thế giới của phương Tây".
Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Sáu, 24/09/2010
Phần phản biện của Susan Shirk - người phản đối mô hình Trung Quốc
Ông Stefan Halper đồng ý với tôi rằng Trung Quốc không có một mô hình phát triển cụ thể để các quốc gia khác có thể làm theo. Ông cũng tán đồng rằng tốc độ tăng trưởng cực nhanh của Trung Quốc cũng đồng thời tạo ra bất bình đẳng nghiêm trọng, tham nhũng và ô nhiễm môi trường, và trên nhiều phương diện, Trung Quốc là một siêu cường dễ vỡ. Rồi ông chuyển hướng cuộc tranh luận về phía Trung Quốc đang triển khai "một cuộc chiến ý thức hệ" với phương Tây và đang chiến thắng. Theo ông Halper và ông Joshua Cooper Ramo, tồn tại trên đời một thứ gì đó có tên là "đồng thuận Bắc Kinh" chứa đựng một "thị trường độc tài" đang cạnh tranh với những giá trị phương Tây.
Trái ngược với những phép đơn giản hóa của các tác giả như Halper và những người khác, thực ra không có một sự đồng thuận nào ở Bắc Kinh, cũng như ở nơi khác tại Trung Quốc, về một tập hợp các tư tưởng chính trị thay thế [cho tư tưởng phương Tây]. Ngược lại, các giá trị như minh bạch, pháp trị và dân chủ đang vươn lên bên trong Trung Quốc. Và trên bình diện quốc tế, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến ý thức hệ theo kiểu Sô Viết cũ chống lại Hoa Kỳ hay làm thay đổi những mong mỏi đại chúng dành cho các giá trị tự do và dân chủ trên toàn cầu.
Ở trong nước, lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc biết rằng nếu chỉ thành công kinh tế sẽ không đủ để duy trì sự ủng hộ của đông đảo quần chúng trong một xã hội năng động, có giáo dục và đầy đủ thông tin. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng bực tức vì thức ăn và thuốc uống chứa độc tố giống như những người tiêu dùng quốc tế. Nông dân đã nổi dậy đầy bạo lực chống lại các quan chức địa phương, những người cấu kết với các doanh nghiệp để thu mua ruộng đất của họ một cách rẻ mạt. Người dân thành thị xuống đường chống lại các dự án công nghiệp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình họ bằng cách đổ chất thải trực tiếp xuống sông ngòi.
Các lãnh đạo Trung Quốc không dám đứng dưới một cuộc bầu cử tự do, nhưng họ đã đưa ra những cơ chế ở dạng dân chủ để giám sát và trừng phạt các quan chức địa phương, những người thất bại trong việc bảo vệ phúc lợi công. Các phương tiện truyền thông thương mại và Internet, mặc dù đã bị kiểm duyệt, vẫn được cởi trói để đưa tin về các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa hay môi trường. Nhiều dự án đã buộc phải có phần trình bày rộng rãi trước công chúng về tác động của nó đến môi trường. Các cơ quan chính quyền phải ghi nhận bình luận của công chúng về các dự thảo luật. Và các công dân đã có quyền kiện chính quyền ra tòa.
Liệu những phương pháp này có hiệu quả bằng các cuộc bầu cử tự do? Rõ ràng là không, chừng nào Đảng CS Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ quyền chọn các quan chức chính quyền (bao gồm cả các thẩm phán). Nhưng nó cho thấy Trung Quốc ngày hôm nay, các lãnh đạo cộng sản đã phải dùng đến các biện pháp quản trị dân chủ để duy trì niềm tin.
Và điều này cũng đúng khi chúng ta nói về các giá trị. Các chính trị gia Trung Quốc củng cố tính chính danh của họ không phải chỉ bằng tỏ ra mình yêu nước hay có các giá trị Khổng Giáo truyền thống, mà còn bằng cách ca ngợi các giá trị minh bạch, pháp quyền và dân chủ. Cứ thử tìm kiếm các thuật ngữ này bằng bộ máy tìm kiếm của Trung Quốc, bạn sẽ ngạc nhiên vì chúng xuất hiện với tần suất lớn trong các bài phát biểu và lý luận chính thức. (Nhân đây, thưa điều hành viên James Miles, những bài viết tiếng Trung sử dụng các thuật ngữ này còn nhiều hơn là họ đề cập đến một "mô hình Trung Quốc").
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc đã chui ra khỏi kén và trở thành một nhân vật đáng tranh cãi và đáng nể trên mọi lục địa. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin hay Trung Đông không liên quan gì đến ý thức hệ, mà là về lợi ích kinh tế của nó. Là một quốc gia đến sau trong trò chơi năng lượng quốc tế, Trung Quốc đã đặt đầu tư của mình vào các quốc gia bị bỏ rơi bởi các công ty và chính quyền phương Tây do phương pháp cai trị tồi tệ của mình. Để công việc thuận lợi, Trung Quốc xây đường và nhà máy phát điện; các thương nhân và những công ty xuất khẩu vũ khí đi theo để tranh thủ lợi ích của các cơ hội thương mại mới này. Nhưng trái với tuyên bố của ông Halper, không có chứng cứ cho thấy rằng chính quyền Trung Quốc đỡ đầu cho các nhà độc tài để giúp họ đè bẹp các thách thức dân chủ, hoặc rằng sự có mặt của Trung Quốc làm giảm khả năng xuất hiện một xã hội dân sự thực sự ở các quốc gia nói trên. Với một xác suất tương tự, sự có mặt của Trung Quốc có thể tạo ra "nỗi sợ hãi Trung Quốc", một động lực lớn cho các phong trào dân sự chống chính quyền ở các quốc gia này.
Hơn nữa, Trung Quốc không có xu hướng tiến hành "cuộc chiến ý thức hệ" với phương Tây. Như điều hành viên đã chỉ ra, điều đáng ngạc nhiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là nó cố tránh một cuộc chiến tranh lạnh ý thức hệ với Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh vào những cái chung, thay vì làm nổi bật những điểm khác biệt.
Cuối cùng, quan điểm của ông Halper rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc làm giảm đi sự ủng hộ dành cho các giá trị phương Tây trên khắp thế giới, trên thực tế, là không có cơ sở. Các thăm dò quốc tế về quan điểm công chúng chứng tỏ không có sự thoái trào ủng hộ cá tư tưởng dân chủ tại các quốc gia ngoài phương Tây trong thập niên vừa qua, khi sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của TQ gia tăng. Thăm dò của Pew Center for People and the Press cho thấy ngược lại, ngay tại các quốc gia Hồi Giáo thống trị, đa số hay nhiều người tham gia thăm dò có xu hướng ủng hộ dân chủ. Thăm dò của Pew cho thấy người dân các nước như Brazil và Ai Cập mong muốn "bầu cử trung thực với ít nhất 2 đảng". Người dân ngưỡng mộ thành công kinh tế của Trung Quốc, nhưng rõ ràng không mấy ai thích sống ở một quốc gia như Trung Quốc.
.
.
.
No comments:
Post a Comment