Wednesday, September 8, 2010

BÁO ANH ĐÁNH GIÁ QUAN HỆ MỸ-VIỆT TRƯỚC ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC

Báo Anh đánh giá về quan hệ Mỹ-Việt trước ảnh hưởng của Trung Quốc

nghiencuubiendong.vn

Thứ tư, 08 Tháng 9 2010 00:00

http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1038-bao-anh-anh-gia-v-quan-h-m-vit-trc-nh-hng-ca-trung-quc

Những tham vọng mà Bắc Kinh đang đặt cược vào vấn đề Biển Đông đã khiến cho toàn bộ khu vực, Mỹ, đồng minh cảm thấy dường như Trung Quốc đã thực sự bước lên sân khấu tham gia cuộc chơi một cách công khai, mạnh bạo không còn “ẩn mình” như lời dạy của Đặng nữa. Tuy nhiên, điều đó lại tạo nên sự đoàn kết trong ASEAN, sự thắt chặt thêm các mối quan hệ đồng minh mà Mỹ đã thiết lập trong khu vực, thậm chí Mỹ còn tìm kiếm sự hợp tác trên tất cả các mặt với những quốc gia mà trước đây từng là cựu thù của Mỹ. Sự đoàn kết, liên minh, hợp tác đều với mục đích: cân bằng và kiềm chế những tham vọng thái quá của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đề cập đến vấn đề này, trên tờ Guardian ngày 31/8 có đăng bài "Vietnam, unlikely US all" của tác giá Mark Tran, cựu phóng viên thường trú của báo này tại Mỹ (1984-1999). Sau đây là nội dung bài viết.

----------------------------------

Tác giả cho rằng, Mỹ ngày càng tự mình gắn kết với kẻ thù cũ là Việt Nam nhằm đối phó với việc Trung Quốc khẳng định quyền bá chủ khu vực. Sự có mặt của tàu USS George Washington ngoài khơi bờ biển Việt Nam hồi đầu tháng 8 đã cho thấy việc nối lại tình hữu nghị ngày càng đậm sâu giữa hai cựu thù trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiếu chiến.


Sau 35 năm kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, chuyến thăm này đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, chuyến thăm của tàu USS George Washington cũng gửi tới Trung Quốc một thông điệp chính trị rõ ràng, đó là Mỹ cũng có lợi ích tại nơi mà Trung Quốc coi là sân sau của mình. Chỉ vài ngày sau đó, Đô đốc Robert Willard, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã đề cập tới những lợi ích đó trong chuyến thăm Philíppin. Ông Robert Willard nói với các phóng viên rằng quân đội Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển Biển Đông.


Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ diện tích 3,5km2 Biển Đông trong đó có các quần đảo tranh chấp mà Việt Nam, Đài Loan, Malaixia, Brunây và Philíppin cũng tuyên bố chủ quyền. Quân đội Trung Quốc đã chiếm các hòn đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam năm 1974 và đánh chìm tàu hải quân của Việt Nam trong cuộc chiến trên biển năm 1988. Gần đây hơn, Trung Quốc đã bắt giữ các ngư dân của Việt Nam, đe doạ các công ty dầu khí đa quốc gia hoạt động trên vùng nước của Việt Nam, tăng cường tập trận hải quân và thiết lập một căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam. Hiện nay quần đảo Trường Sa cũng đang bị tranh chấp. Khu vực này có các tuyến đường biển náo nhiệt và Trung Quốc cho rằng khu vực này có trữ lượng khí tự nhiên và dầu mỏ khoảng 17,7 tỷ tấn.


Trung Quốc đã đặt cược vào Biển Đông khi gần đây tuyên bố Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của nước này, ngang hàng với tuyên bố của nước này về Đài Loan và Tây Tạng. Những bình luận của ông Willard cũng đã củng cố những tuyên bố mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra hồi tháng 7 đã làm Trung Quốc khó chịu. Bà Clinton tuyên bố rằng Mỹ có "lợi ích chiến lược" trong việc chứng kiến các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua "tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền". Sự hiếu chiến của Trung Quốc đã đẩy Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Mỹ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng đầu tiên tại Hà Nội ngày 19/8 và được đánh giá là một điểm bước ngoặt trong các mối quan hệ giữa hai cựu thù. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia nhận định: "Sự hiếu chiến về quân sự của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông tạo ra một động lực để tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ nước nào thống trị các tuyến đường biển thương mại cũng như thực thi tuyên bố chủ quyền bằng áp lực. Việt Nam coi sự hiện diện của Mỹ như hàng rào chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc".


Kế tiếp sau đối thoại quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates dự kiến sẽ thăm Việt Nam vào tháng 10/2010. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ lần thứ 4 của ông Gates với các đối tác Việt Nam chỉ trong 2 năm và dự kiến 2 nước sẽ tổ chức các cuộc đàm phán quân sự (military-to-military talks) vào cuối năm 2010. Theo giáo sư Thayer, việc bán vũ khí, thiết bị và công nghệ quân sự vào thời điểm này chưa thể diễn ra song nhiều khả năng Việt Nam sẽ dỡ bỏ những hạn chế tự đặt ra trước đây và cho phép các quan chức quân sự của mình tham gia các khoá học, huấn luyện chuyên về quân sự tại các trường và các học viện quân sự của Mỹ. Trong quan hệ Mỹ-Việt hiện không chỉ có sự tăng cường trong hợp tác quân sự. Mới đây, báo chí đưa tin Mỹ đang đàm phán một thoả thuận gây tranh cãi với Việt Nam, theo đó Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho Việt Nam.


Các quan chức Việt Nam nhấn mạnh rằng hợp tác Mỹ-Việt "không phương hại tới bất kỳ một nước nào khác", và Trung Quốc, cho tới nay, vẫn chưa dùng thứ ngôn ngữ mà nước này luôn nhằm vào Mỹ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nhận thức được rõ ràng là sự kiên nhẫn của Trung Quốc cũng có giới hạn. Chuyên gia nghiên cứu về châu Á Kerry Brown của Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế Anh nhận định: "Việt Nam đang noi gương Trung Quốc trong việc xây dựng các liên minh ngoại giao của mình. Có một quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải tính toán, bất kể nước này sẽ có những hành động khẳng định mình tại khu vực như thế nào. Trung Quốc hiện nhận thức rằng Mỹ đã đưa ra một quan điểm về vấn đề tổng thể này, và điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể sống trong một thế giới vô tâm tự hài lòng bấy lâu nay nữa. Vấn đề mấu chốt giờ đây là bất kỳ một hành động nào của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ trở nên nhạy cảm hơn và sẽ tác động tới mối quan hệ của nước này với Mỹ. Việt Nam giờ đây có thể khai thác điểm này. Và đây chính là những gì mà Việt Nam dự tính sẽ làm"./.

.

.

.

No comments: