Wednesday, September 8, 2010

ĐÂU PHẢI LÀ VÙNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC MÀ LA LÀNG

Đâu phải là vùng duyên hải của Trung Quốc đâu mà la làng
Ralph Cossa – Nguyên Hân lược dịch

08-09-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7754

Nhờ ai đó rảnh vui lòng cho người phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QDGPNDTQ) một tấm bản đồ. Mấy tháng vừa qua, kể từ lúc còn là tin đồn, rồi phủ nhận, và rồi xác nhận việc hàng không mẫu hạm George Washington có thể sẽ tham dự cuộc thao diễn nhằm “biểu dương sức mạnh” của hải quân ở vùng duyên hải phía tây của Nam Hàn, người của QDGPND cho đến nay vẫn tuyên bố họ “kiên quyết chống máy bay và tàu chiến nước ngoài tiến hành hoạt động trong vùng biển Hoàng Hải (Yellow Sea) và vùng duyên hải của Trung Quốc mà điều này có thể phương hại đến lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Vùng duyên hải Trung Quốc? Trong lúc khu vực hoạt động của chiếc George Washington chưa được lên kế hoạch, thì người ta giả định là chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ hoạt động ngay trong hay gần lãnh hải của Nam Hàn, đâu đó gần chỗ chiếc chiến hạm Cheonan của Hải quân Nam Hàn bị đánh chìm bởi thủy lôi của Bắc Hàn. Chỗ này cách bờ biển gần nhất của Trung Hoa 195 cây số ở bán đảo Shandong và cách 280 cây số tính từ đây tới thành phố gần nhất tương đối lớn một chút, là thành phố Dalian. Làm sao điều này có thể phương hại đến nền an ninh của Trung Quốc?

Bất chấp những dự kiện địa lý như thế, người thuyết minh của QDGPND cảnh cáo cái khả năng “đụng nhau” giữa những chiến hạm của Trung Quốc và Hoa Kỳ/Nam Hàn, cùng lúc người khác lên tiếng hăm dọa “Nếu người nào đó gây tổn hại cho tôi, tôi phải gây tổn hại lại người đó.” Kể từ lúc nào mà hoạt động ở hay gần vùng duyên hải của Nam Hàn – vùng biển Hoàng Hải tiếp giáp Bắc và Nam Hàn cũng như bờ duyên hải Trung Hoa – đồng nghĩa với hăm dọa Trung Quốc hay gây tổn hại cho họ?

.

Có phải QDGPND Trung Quốc giờ đây cho rằng cảng Incheon của Nam Hàn là một phần duyên hải của họ? Liệu tàu của Hoa Kỳ (hay Nam Hàn) phải xin phép Trung Quốc để đi qua vùng hải phận quốc tế rất gần với đất liền của Đại Hàn hơn là Trung Quốc? Điều này, dĩ nhiên là lố bịch. Điều nực cười là thoạt đầu Hoa Kỳ không có kế hoạch điều chiếc hàng không mẫu hạm George Washington vào vùng biển Hoàng Hải. Thực thế, cả Hoa Thạnh Đốn lẫn Hán Thành đều hy vọng một cuộc biểu dương sức mạnh sẽ không cần thiết chút nào, đó là lý do tại sao họ hoãn kế hoạch thao diễn hải quân chung; thay vào đó, họ đưa Bắc Hàn ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBALHQ), một phương cách “đứng đắn” để gởi ra một thông điệp.

Không may, chính thái độ của Bắc Kinh ở HĐBALHQ – nơi mà Bắc Kinh đứng ra làm luật sư biện hộ cho Bình Nhưỡng mặc dù trước đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cam kết là sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng kết quả điều tra của quốc tế trong vụ tấn công chiến hạm Cheonan “một cách công bằng và khách quan” và “không bảo vệ ai qua chuyện xem xét này” – đã thúc đẩy chuyện thao diễn quân sự này đến chỗ cần thiết phải làm, để chống lại cái mà Bình Nhưỡng tuyên bố là “chiến thắng ngoại giao vĩ đại” của họ ở Liên Hiệp Quốc.

Ngay cả sau khi Trung Quốc có những động thái như thế ở HDBA Liên Hiệp Quốc, sự chọn lựa của Hải quân Hoa Kỳ là hạn chế sự liên quan của chiếc hàng không mẫu hạm George Washington qua lần thao diễn quân sự hỗn hợp lần đầu tiên ở vùng duyên hải phía đông của Nam Hàn, như là một phần biểu dương sức mạnh quân sự có ý nghĩa, nhắm vào Bình Nhưỡng để Bắc Hàn thấy rằng mức chịu đựng của Nam Hàn và Hoa Kỳ có giới hạn, và những hành động gây hấn, khiêu khích trong tương lai sẽ không được tha thứ.

Và rồi là tối hậu thư của Trung Quốc gởi đến và cảnh cáo Hải quân Hoa Kỳ không được vào vùng “duyên hải – mà thực ra, đó là quốc tế -- của Trung Quốc, đi kèm ngay sau đó là một loạt than phiền từ nhiều bạn bè và đồng minh (đặc biệt là Nam Hàn và Nhật Bản), họ cằn nhằn “cái điều” là Hoa Kỳ tuồng như khúm núm nhượng bộ trước sự đòi hỏi của Trung Quốc. Điều này làm cho cuộc viếng vùng biển Hoàng Hải của hàng không mẫu hạm trở nên thiết yếu, nếu Hải quân Hoa Kỳ, chưa nói đến cái nguyên tắc tôn trọng sự tự do giao thông trên mặt biển đã có lâu đời, muốn duy trì bất kỳ niềm tin và uy tín nào của mình ở Đông Á châu.

Phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ đã lập đi lập lại rằng hoạt động hải quân này là không nhằm nhắm vào Trung Quốc; cuộc thao diễn này đã, và đang nhằm gởi cho Bắc Hàn một lời cảnh cáo. Tuy nhiên, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, qua những cảnh cáo và tuyên bố thô bạo và thái quá, cũng làm bất lợi cho Trung Quốc. Vấn đề là, tại sao nên nỗi thế?

Cho những ai có khuynh hướng cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân đang cố tạo hay thổi phồng một kẻ thù để lấy cớ gia tăng ngân qũy quốc phòng hay nhằm đẩy giới dân sự -- những người có thể “mềm mỏng trong vấn đề quốc phòng – vào cái thế thụ động. Có lẽ thế! Nhưng tôi cũng thấy có những ý đồ khác.

Một kết quả rõ ràng qua việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lên án Hoa Kỳ là một sự gia tăng thấy rõ của cái gọi là cảm tính yêu nước và chống Hoa Kỳ. Chỉ cần đọc Nhật báo Trung Quốc (China Daily) hay Thời báo Toàn cầu (Global Times) người ta sẽ thấy sự lên án hằng ngày về việc người Hoa Kỳ sỉ nhục và vô cảm với những mối quan tâm của người Trung Hoa. Có thể nào chăng rằng sự mê mệt, quyến rũ của người Trung Hoa, đặc biệt là giới trẻ -- qua việc ông tổng thống Barack Obama và tiến trình người dân Hoa Kỳ chọn người lãnh đạo cho họ -- lại đặc biệt được xem như là sự hăm dọa cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và cũng là sự hăm dọa cho giới lãnh đạo dân sự mà họ đang chuẩn bị cho cuộc “bầu cử” lãnh đạo của chính họ vào năm 2012 tới?

Chúng ta đã từng chứng kiến một hiện tượng tương tự 12 năm về trước, là trong thời chính phủ Tổng thống Bill Clinton, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã gởi nhiều nhóm đến các trường đại học của Trung Quốc ngay liền sau khi NATO đánh nhầm bom vào Toà Đại sứ Trung Quốc ở Belgrade, họ khẳng định rằng cuộc đánh bom nhầm kia thực sự là một cuộc tấn công cố ý và khêu dậy cái cảm tính chống Hoa Kỳ và điều này đã đưa đến chuyện Toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh bị ném đá và các lãnh sự quán bị tấn công. Nghe giống như chuyện đã rồi giờ tái diễn lần nữa.

Gỉa như Quân đội Giải phóng Nhân dân muốn bảo đảm cuộc thao diễn hải quân của Hoa Kỳ và Nam Hàn không nhắm vào hoặc hăm dọa đến Trung Quốc, hiện đang có cách để thảo luận vấn đề này, bao gồm cái cơ chế tham khảo gọi là Thỏa thuận An toàn Hàng hải Quân sự giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Dĩ nhiên, điều đó ắt hẳn bắt buộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực sự ngồi xuống và đối thoại với quân đội Hoa Kỳ (3), là điều tuồng như ngày càng cho thấy họ miễn cưỡng không muốn làm. Biết đâu, nếu họ tiếp tục cuộc thảo luận quân sự đối với quân sự (military-to-military) mà hiện đang bị tránh né, thì Hải quân Hoa Kỳ có thể cung cấp cho họ một số bản đồ phác họa vùng duyên hải của mọi người.


© DCVOnline

Nguồn:
(1) Not China's coastal waters. The Japan Times Online, 1 September 2010
(2) Ông Ralph Cossa là chủ tịch Diễn đàn Á châu CSIS, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở ở Honolulu.
(3) Chú thích của người dịch: Trung Quốc đình chỉ mối quan hệ quân-sự-với-quân-sự (military-to-military) giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chấm dứt những cuộc họp định kỳ giữa hai quân đội vào hôm đầu năm nay sau khi Hoa Thạnh Đốn xác nhận Hoa Kỳ sẽ bán cho Đài Loan một số vũ khí phòng thủ trị giá 6 tỉ 4 đô-la.

.

.

.

No comments: