Friday, September 25, 2020

ỨNG VIÊN TỐI CAO PHÁP VIỆN AMY CONEY BARRETT ĐƯỢC CÁNH HỮU NHIỆT LIỆT TUNG HÔ (Associated Press)

 


Ứng viên Tối Cao Pháp Viện Amy Coney Barrett được cánh hữu nhiệt liệt tung hô

Michael Tarm and Michael Biesecker  -  Associated Press  

Thông dịch : Vy Nguyen và L. Ta   (Người Thông Dịch) 

24/09/2020

https://www.the-interpreter.org/post/ung-vien-toi-cao-phap-vien-amy-coney-barrett-%C4%91uoc-canh-huu-nhiet-liet-tung-ho

 

Translated from the Associated Press article High court front-runner Amy Coney Barrett hailed by right

Michael Tarm and Michael Biesecker, ngày 22 tháng 9, 2020

 

https://static.wixstatic.com/media/322f9a_a435165933cc47669b0598b3aa0de969~mv2.jpeg/v1/fill/w_740,h_538,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/322f9a_a435165933cc47669b0598b3aa0de969~mv2.webp

Tài liệu - Trong bức ảnh chụp ngày 19 tháng 5 năm 2018, Amy Coney Barrett, thẩm phán Tòa Thượng thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 7 (United States Court of Appeals for the Seventh Circuit), đọc diễn văn khai giảng tại trường Luật của Đại học Notre Dame ở thành phố South Bend, IN. Barrett, ứng cử viên triển vọng để thay thế vị trí của cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trong Tối Cao Pháp Viện (TCPV), đã chứng minh mình là người bảo thủ đáng tin cậy trong những vấn đề pháp lý gây tranh cãi nảy lửa từ phá thai đến kiểm soát vũ khí. (Robert Franklin/South Bend Tribune theo AP, Tài liệu)

 

                                                                  ***

 

CHICAGO (AP) — Ứng cử viên đầy triển vọng để thay thế cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trong Tối Cao Pháp Viện (TCPV), một thẩm phán toà thượng thẩm liên bang, đã chứng minh bản thân là người bảo thủ đáng tin cậy trong những vấn đề pháp lý gây tranh cãi nảy lửa, từ phá thai đến kiểm soát súng đạn.

 

Bà Amy Coney Barrett, một người Công giáo ngoan đạo, được những người bảo thủ tôn giáo và cánh hữu hoan nghênh với tư cách là người thừa kế tư tưởng của biểu tượng bảo thủ, cố Thẩm phán TCPV Antonin Scalia, mà bà Barrett từng làm dưới trướng với tư cách thư ký. Bà Barrett đã gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào thứ Hai 21/9, theo lời một nhân vật hiểu biết về quy trình xét duyệt các ứng cử viên TCPV chia sẻ ẩn danh với hãng thông tấn Associated Press.

 

Cánh tả cho rằng những quan điểm pháp lý của bà Barrett bị ảnh hưởng quá sâu sắc bởi tín ngưỡng tôn giáo của bà và họ lo sợ việc bà được đưa lên toà án tối cao của quốc gia sẽ tước bỏ quyền được phá thai mà phụ nữ phải đấu tranh vất vả để có được. Bà cũng sẽ thay thế vị thẩm phán được biết đến nhiều nhất qua việc đấu tranh cho quyền lợi và sự bình đẳng cho phụ nữ.

 

Tổng thống Trump đã tuyên bố ông sẽ chọn một nữ thẩm phán và bà Barrett được cho là đứng đầu danh sách những vị thẩm phán yêu thích của ông. Nữ thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Liên bang Hoa Kỳ Khu vực 7 (United States Court of Appeals for the Seventh Circuit) tại Chicago này đã từng lọt vào danh sách chung khảo trong năm 2018 cho đề cử vào TCPV lần thứ hai của Trump, vị trí cuối cùng đã thuộc về Brett Kavanaugh sau khi Thẩm phán Anthony Kennedy về hưu. Việc lựa chọn bà Barrett lần này có thể khiến những người ủng hộ ông Trump phấn khích trong những tuần trước Ngày Bầu cử.

 

Chỉ mới 48 tuổi, bà Barrett sẽ là vị thẩm phán trẻ nhất và nhiệm kỳ của bà có thể kéo đến hàng chục năm. Bà đã để lại dấu ấn trong ngành pháp lý chủ yếu với tư cách là một học giả tại trường Đại học Notre Dame, nơi bà bắt đầu giảng dạy ở tuổi 30. Lần đầu tiên bà khoác áo choàng thẩm phán là năm 2017 sau khi Trump đề cử bà vào Tòa Thượng thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 7.

 

Nhưng bà sẽ không phải là vị thẩm phán duy nhất với kinh nghiệm ít ỏi trên cương vị thẩm phán: Ông John Roberts và Clarence Thomas tại vị ở Tòa Phúc thẩm ngắn hơn bà Barrett, và bà Elena Kagan chưa bao giờ làm thẩm phán trước khi được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử vào năm 2009.

 

Bà Barrett đề cập đến bà Kagan khi được hỏi trong một cuộc thăm dò ý kiến về những vị thẩm phán bà ngưỡng mộ nhất tại Nhà Trắng năm 2017, và nói rằng bà Kagan đem “kiến thức và kỹ năng bà đã thu thập được khi còn là học giả để giải quyết các tranh chấp thực tế” đến toà.

 

Khi tên bà Barrett lần đầu được nhắc đến là người có thể được Trump chọn vào năm 2018, ngay cả một số người bảo thủ lo rằng lý lịch tư pháp thưa thớt của bà khiến họ khó dự đoán bà sẽ phán quyết như thế nào. Sau gần ba năm trôi qua, lý lịch tư pháp của bà giờ bao gồm 100 phán quyết do bà chấp bút và một vài bài bất đồng quan điểm đáng chú ý đã thể hiện khuynh hướng bảo thủ rõ ràng và nhất quán của mình.

 

Từ lâu, bà đã bày tỏ sự đồng tình với cách kiến giải Hiến pháp nguyên thuỷ (originalism), theo đó các thẩm phán cố gắng giải mã ý nghĩa gốc của các văn bản (dựa trên cách hiểu ban đầu của tác giả khi văn bản được phê chuẩn) để đánh giá nếu quyền lợi của ai đó có bị vi phạm hay không. Nhiều cánh tả phản đối cách giải quyết nghiêm ngặt ấy vì nó quá cứng nhắc và không cho phép Hiến pháp thay đổi theo thời cuộc. Sự ưa chuộc kiến giải nguyên thuỷ này của bà Barrett đã được thể hiện trong một vụ án về quyền sử dụng súng năm 2019, trong đó bà lập luận rằng một người bị kết án đại hình bất bạo lực không nên mặc nhiên bị cấm sở hữu súng. Gần như toàn bộ bài viết bất đồng chính kiến dài 37 trang của bà nói về lịch sử các quy định về súng dành cho những tội phạm bị kết án trong thế kỷ 18 và 19.

 

Và, tất cả các dấu hiệu cho thấy Barrett kiên quyết phản đối việc phá thai, mặc dù bà thường tránh trả lời các câu hỏi về chủ đề này.

 

Trong bản câu hỏi của Nhà Trắng năm 2017, bà Barrett được hỏi liệu có phải quan điểm của bà rằng việc phá thai luôn luôn trái đạo đức hay không. Bà không trả lời câu hỏi trực tiếp nhưng nói: “Nếu tôi được chuẩn thuận (cho Toà Thượng thẩm Khu vực 7), quan điểm của tôi về câu hỏi này hoặc bất kỳ câu hỏi nào khác sẽ không ảnh hưởng đến việc tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một thẩm phán.”

 

Trong một bài báo của Tạp chí Luật Texas năm 2013, Barrett đã liệt kê chưa đến 10 trường hợp theo bà được coi là "siêu tiền lệ", những trường hợp mà không thẩm phán nào dám đảo ngược ngay cả khi họ tin rằng những tiền lệ đó sai. Trong số đó có Brown v. Board of Education, phán quyết khẳng định ngăn cách chủng tộc trong trường học là vi hiến.

 

Một vụ án mà bà ấy không đưa vào danh sách: Roe v. Wade, vụ án mang tính bước ngoặt năm 1973 khẳng định quyền phá thai của phụ nữ. Các học giả không bao gồm nó, bà viết, bởi vì cuộc tranh cãi công khai xoay quanh nó chưa bao giờ giảm bớt.

 

Phá thai và quyền của phụ nữ là trọng tâm của quá trình chuẩn thuận đầy cam go vào năm 2017 sau khi bà Barrett được đề cử vào Toà Thượng thẩm Khu vực 7.

 

Những người khác chỉ ra tư cách thành viên của Barrett trong nhóm “Giảng Khoa vì Sự Sống” (Faculty for Life) của Đại học Notre Dame - và rằng bà đã ký một lá thư năm 2015 gửi các giám mục Công giáo khẳng định “giá trị của sự sống con người bắt đầu từ sự thụ thai cho đến cái chết tự nhiên”.

 

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein nói với bà Barrett rằng cách nghĩ về luật pháp của bà có thể đã bị chi phối bởi giáo luật, cụ thể: “Kết luận rút ra là giáo điều tỏ lộ trong tâm hồn bà.”

 

Barrett trả lời rằng quan điểm của bà đã tiến hoá và bà đồng ý rằng các thẩm phán không nên “đi theo quan điểm cá nhân của họ khi phán quyết một vụ án, ngoài những gì luật pháp yêu cầu.”

 

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, một đảng viên Cộng hòa ở tiểu bang Iowa, chỉ trích phe Dân chủ vì đã thúc ép Barrett về đức tin của cô, nói rằng đây có thể được coi là một "phép thử tôn giáo" cho công việc.

 

Thượng viện cuối cùng đã xác nhận bà trong một cuộc bỏ phiếu 55-43, với ba đảng viên Dân chủ tham gia đa số.

 

Gần ba năm làm thẩm phán của bà đã có ít nhất một vụ liên quan đến phá thai. Một phán quyết năm 2018 của hội đồng Khu vực 7 đã tuyên bố sắc luật của Indiana yêu cầu chôn cất hài cốt thai nhi sau khi phá thai hoặc sẩy thai, và cấm các phòng khám coi hài cốt như chất thải, là vi hiến. Đạo luật này, do Thống đốc khi đó là Mike Pence phê chuẩn, cũng cấm phá thai trên cơ sở chủng tộc, giới tính hoặc khuyết tật của thai nhi.

 

Bà Barrett cùng với ba thẩm phán bảo thủ khác đã yêu cầu hủy bỏ phán quyết trên và xử lại vụ án. Họ không có đủ số phiếu ủng hộ để làm điều đó. Nhưng họ đã đưa ra một bản bất đồng chung về quyết định xử lại, cho thấy rõ ràng rằng họ nghĩ rằng đạo luật ở Indiana này hợp hiến.

 

Bản bất đồng chính kiến, được viết bởi Thẩm phán Frank Easterbrook, lập luận rằng đạo luật này của bang Indiana sẽ được duy trì "nếu nó liên quan đến hài cốt của mèo hoặc chuột nhảy." Bà Barrett lớn lên ở New Orleans, là con cả của một luật sư cho Công ty Dầu mỏ Shell. Bà lấy bằng đại học về văn học Anh ngữ năm 1994 tại trường Cao đẳng Rhodes ở Memphis, Tennessee. Bà và chồng, Jesse Barrett, một cựu công tố viên liên bang, cùng tốt nghiệp từ trường Luật Notre Dame. Họ có bảy người con, trong đó có hai người được nhận nuôi từ Haiti và một người có nhu cầu đặc biệt.

 

Trước khi làm thư ký luật cho Thẩm Phán Scalia từ 1998 đến 1999, bà Barrett từng là thư ký luật cho Laurence Silberman một năm tại Tòa phúc thẩm Thủ đô DC. Giữa những khoảng thời gian làm thư ký luật và gia nhập chốn hàn lâm, bà làm việc từ năm 1999 đến năm 2001 tại công ty luật Miller, Cassidy, Larroca & Lewin ở Washington, D.C.

 

Thông dịch: Vy Nguyen và L. Ta

Biên tập viên: Khoa Le

 

 

 

 


No comments: