Tuesday, September 29, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 29/09/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 29/09/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

29/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/29/the-gioi-hom-nay-29-09-2020/

 

Theo Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ đã vượt ngưỡng 6 triệu ca nhiễm covid-19 chính thức, trong khi số người chết trên toàn cầu là gần 1 triệu. Hơn 33 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Hoa Kỳ có số người chết được xác nhận cao nhất, hơn 200.000, theo sau là Brazil, với hơn 140.000, và Ấn Độ, hơn 95.000. Nhiều nước châu Âu đang phải vật lộn để kiềm chế làn sóng ca nhiễm thứ hai.

 

Giao tranh gia tăng ở Nagorno-Karabakh, một khu vực tranh chấp ở Azerbaijan và là nơi sinh sống của người Armenia. Hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga kêu gọi ngừng bắn. Cuộc xung đột là di sản từ cuộc chiến tranh biên giới trong giai đoạn Liên Xô sụp đổ, mặc dù kể từ sau khi ngừng bắn năm  1994 đến nay, cuộc xung đột chủ yếu vẫn  nằm trong tình thế bế tắc.

 

Tổng thống Donald Trump chỉ trả 750 đô la thuế thu nhập liên bang trong cả hai năm 2016 và 2017, theo tờ khai thuế mà New York Times có được, và ông không trả khoản thuế thu nhập liên bang nào trong mười trên 15 năm giai đoạn 2000 đến 2015. Các tài liệu cho thấy đế chế kinh doanh của tổng thống đang mắc nợ hàng trăm triệu đô la, và phải phụ thuộc vào các khoản vay do cá nhân ông bảo lãnh.

 

Chứng khoán toàn cầu tăng trở lại sau vài tuần biến động. Tại Mỹ, nơi cổ phiếu công nghệ sụt giảm kéo các chỉ số chính đi xuống, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 1,8% trong phiên giao dịch buổi chiều, trong đó nổi bật nhất là các công ty năng lượng và tài chính. Chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm.

 

Sina Corp, công ty công nghệ Trung Quốc sở hữu trang tiểu blog Weibo, sẽ hủy niêm yết trong một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD. Sina niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq từ năm 2000. Một số công ty Trung Quốc khác đã hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ hoặc thêm niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông hay Trung Quốc đại lục trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng.

 

Chính phủ Pháp đã trình ngân sách 2021. Đại dịch covid-19 và các đợt phong tỏa đã tạo ra lỗ hổng ngân sách, với mức thâm hụt dự kiến ​​là 10,2% GDP trong năm nay, một kỷ lục trong lịch sử gần đây của Pháp. Bộ trưởng tài chính Bruno Le Maire dự định chi 42 tỷ euro (49 tỷ USD) cho chương trình phục hồi kinh tế trị giá 100 tỷ euro vào năm tới.

 

Uber thắng trong cuộc chiến cấp phép với cơ quan giao thông công cộng của London. Một tòa án ra phán quyết công ty chia sẻ xe là một bên vận hành “phù hợp và đúng đắn”, sau khi giấy phép của họ bị tước lần đầu hồi 2017 vì lý do an toàn, rồi một lần nữa vào tháng 11 năm ngoái. Các tài xế không đăng ký đã giả danh những người có xác nhận. Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan hứa sẽ giám sát công ty chặt chẽ để đảm bảo công ty duy trì các tiêu chuẩn.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Trước thềm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ lần thứ nhất

Tổng thống Donald Trump kỳ vọng cuộc tranh luận trên truyền hình vào tối nay với Joe Biden, đối thủ của ông từ đảng Dân chủ, sẽ giúp ông lật ngược tình thế. Thăm dò cho thấy ông đang ở mức 43%, so với 50% số phiếu của Biden. Chi tiết về các khoản thanh toán thuế thu nhập liên bang thấp của Trump, được công bố trên New York Times, có thể còn làm ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của ông hơn nữa. Nhưng lịch sử cho thấy các cuộc tranh luận hiếm khi tạo ra khác biệt.

 

Theo phân tích của The Economist, kể từ năm 1976, mức thay đổi trung bình trong các cuộc thăm dò của đảng đương nhiệm từ hai tuần trước cuộc tranh luận đầu đến hai tuần sau cuộc tranh luận cuối là 0%. Kể từ năm 1960, vị trí dẫn đầu chỉ thay đổi một lần trong mùa tranh luận, vào năm 2000, khi George W. Bush vượt qua Al Gore một thời gian ngắn. Điều này cho thấy tình hình có thể bị thay đổi. Để làm được như vậy, ông Trump phải thuyết phục được các cử tri rằng ông có thể làm tốt hơn trong nhiệm kỳ hai. Vấn đề là nhiều cử tri đã quyết định rồi.

 

Nền kinh tế tồi tệ của Nam Phi

Ngay cả trước covid-19, Nam Phi đã trải qua cuộc suy thoái lần thứ hai trong hai năm. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức trên 20% trong suốt hơn 20 năm, và giờ còn tệ hơn. Hôm nay, Nam Phi dự kiến báo cáo tỷ lệ thất nghiệp khoảng 34%. Khoảng 3 triệu người được cho là đã mất việc làm giữa covid-19 và phong tỏa. Khoảng 2 triệu trong số này là phụ nữ. Những người lao động chân tay cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

 

OECD ước tính trong năm nay kinh tế Nam Phi sẽ giảm 11,5%, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác mà tổ chức này thực hiện dự báo. Năm tới, họ cho rằng GDP sẽ chỉ tăng 1,5%. Trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động gia tăng, bấy nhiêu có thể không đủ để ngăn thất nghiệp tiếp tục tăng. Trong khi đó, kế hoạch cải cách cơ cấu của bộ trưởng tài chính nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng lại sa vào một vũng lầy chính trị.

 

New York loay hoay mở lại trường học

Các trường công lập của Thành phố New York hôm nay mở cửa trở lại. Sau khi đã hoãn mở lại hai lần — và sau khi công đoàn giáo viên đe dọa hành động pháp lý và đình công — thị trưởng Bill de Blasio thông báo 1,1 triệu học sinh trường công lập của thành phố sẽ được quay lại lớp học. Gần một nửa số trường đã chọn tiếp tục hình thức học từ xa áp dụng từ trong phong tỏa, trong khi 54% còn lại sẽ kết hợp giữa học  từ xa và học trên lớp, đồng nghĩa phải có thêm giáo viên.

 

Thị trưởng dường như đã đánh giá thấp mức độ khó khăn của việc mở lại trường học trong bối cảnh đại dịch và thiếu hụt 11.900 giáo viên. Quản lý quá trình trở lại lớp học trên một đơn vị hành chính rộng lớn và đa dạng như vậy chắc chắn là khó khăn, nhưng giáo viên, hiệu trưởng và phụ huynh đã phàn nàn về sự thiếu chuẩn bị và thông báo hỗn loạn từ Sở Giáo dục thành phố. Học sinh vẫn chưa trở lại bàn học (và laptop), trong khi đã có 100 trường ghi nhận ít nhất một ca covid-19, trong đó có 65 giáo viên.

 

Tình hình ngành bán lẻ của Anh

Bất kỳ ai mong đợi phục hồi “hình chữ V” từ cuộc suy thoái coronavirus ở Anh có thể nhìn sang dữ liệu doanh số bán lẻ. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), các con số cao hơn 4% trong tháng 8 so với tháng 2 (tháng cuối cùng không bị đại dịch ảnh hưởng). Nhưng số liệu bán hàng thô không phải là toàn bộ câu chuyện. Hôm nay, British Retail Consortium, cơ quan thương mại của ngành, sẽ công bố một bản cập nhật trên phạm vi rộng hơn, và kém lạc quan hơn.

 

ONS cho biết chi tiêu trực tuyến hiện chiếm khoảng một phần tư tổng doanh số bán hàng, tăng từ khoảng một phần năm trước phong tỏa. Các dịch vụ như nhà hàng và tiệm cắt tóc đã chứng kiến mức hồi phục nhu cầu nhỏ. Cho đến nay, hơn 125.000 việc làm ngành bán lẻ đã bị mất và hơn 13.000 cửa hàng phải đóng cửa. Với việc thắt chặt giãn cách xã hội, sẽ còn nhiều tin xấu hơn chờ đợi các chủ shop.

 

Đức và làn sóng covid-19 thứ hai

So với các điểm nóng coronavirus như Pháp hoặc Tây Ban Nha, làn sóng thứ hai của Đức có vẻ vừa phải: các ca bệnh mới được xác nhận vào khoảng 1.500 ca mỗi ngày. Các trung tâm y tế phi tập trung thực hiện tốt công việc theo dõi tiếp xúc và việc đeo khẩu trang hiện là tiêu chuẩn. Song số ca nhiễm vẫn đang tăng dần, đặc biệt là ở các thành phố như Berlin và Hamburg. Điều này khiến Thủ tướng Angela Merkel lo lắng. Bà  chiều nay sẽ chủ trì một cuộc họp với thủ hiến 16 bang của Đức (những người chịu trách nhiệm chính về các biện pháp ngăn ngừa).

 

Như mọi khi, mỗi người một ý: Markus Söder, thủ hiến Bavaria, muốn giới thiệu một hệ thống “đèn giao thông” quốc gia, theo đó các khu vực bị ảnh hưởng nặng có nghĩa vụ thắt chặt các hạn chế, nhưng một số lãnh đạo của các bang miền đông tương đối ít bị thiệt hại thì phản đối những đề xuất như vậy. Trong khi đó, bà Merkel có những ưu tiên rõ ràng hơn: giữ nền kinh tế ổn định và trường học mở cửa. Các sự kiện công cộng lớn như các trận đấu bóng đá nằm ở cuối danh sách của bà. Sẽ có một cuộc thảo luận sôi nổi.

 

 

 

 


No comments: