Wednesday, July 1, 2020

LAN MAN VỀ TRƯỜNG CÔNG, TƯ, CHUYÊN & QUỐC TẾ (Hiệu Minh Blog)




Hiệu Minh (Giang Công Thế)
01/07/2020

Trên VNE có thăm dò “Nếu đủ điều kiện, bạn muốn cho con học trường nào?” được hơn 100.000 người tham gia, trong đó trường quốc tế đang là lựa chọn số 1 (48%) trong khi trường công (23%) và chuyên (22%) có tỷ lệ ngang ngửa.

Nếu thăm dò này thực hiện tại Mỹ thì kết quả sẽ là trường tư sẽ dẫn đầu vì Mỹ không có trường chuyên kiểu VN được đầu tư, ưu tiên mọi nhẽ. Và khó có quốc gia nào lại đầu tư trường quốc tế vào Hoa Kỳ, chết từ vòng gửi xe.

Người Việt hướng ngoại là đương nhiên vì quan lớn, nhà giầu toàn gửi con du học. Kêu gọi “người Việt yêu hàng Việt” hơi bị khó do không có tấm gương nào để soi. Thăm dò trên phản ánh trung thực bức tranh nền giáo dục xứ ta.

Trong 4 loại hình trường trên, trường Quốc tế sẽ phát triển, có thực chất, có khi chỉ là tên gọi… nhưng là xu hướng của nước nghèo, sinh ra cho nước giầu đến mở trường. Trường Tư èo uột dù có nhiều tên tuổi nhưng tâm lý dân ta “ăn chắc mặc bền”, chọn nhà nước là đương nhiên do được ưu tiên.

Như vậy chỉ còn Chuyên và Công do nhà nước đẻ ra và nuôi nấng. Chuyên được ưu tiên tuyệt đối và Công như đứa con rơi. Đó chính là sự bất bình đẳng trong giáo dục… nhà nước. Chuyên dành cho nhà giầu, Công dành cho nhà nghèo và vừa vừa. Học phí có chênh lệch chút thì không thể so với học phí Công (miễn phí) – Tư (giá trên trời) bên Mỹ.
Giải pháp tốt nhất là xóa trường Chuyên, chuyển đổi (mua bán) thành trường Tư. Ai có tiền, con học giỏi thì vào trường Tư. Không đủ kinh phí thì cứ trường Công mà chơi, có ngày lên Bộ trưởng, thiếu gì VIP toàn học trường Công. Blog đã bàn chán chê từ năm 2013, giờ chỉ nhắc lại.

Lê Quang Tiến Kể chuyện thi gà

Nhớ chuyện anh Lê Quang Tiến (FPT?) kể vui trên VNE năm 2013 về chuyện đi thi gà chọi quốc tế năm 1975. Nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10. Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.

Thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, bật mý cách Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?

Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỹ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.

Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại “gà nòi” chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)…

Rồi “bọn gà” này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 “con” vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 “con gà” để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.

Mặc dù thuần túy chuyên môn đi chọi nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn như: Đủ thành phần nam, nữ; Cân đối số lượng giữa các trung tâm “gà” (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm); Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp…

Tôi từng tham gia đào tạo gà chọi IT đi thi thế giới những năm 1990 nên công nhận anh Tiến nói đúng CMNR. Trường Chuyên mang tiếng nuôi gà chọi là vì thế.

Chuyên biệt để làm gì – Kỷ niệm của tôi

Thời tôi học cấp 3 (1967-1970) cũng có lớp chuyên Toán (vì hồi đó bác Bửu thích Toán?), gọi là lớp đặc biệt, có khoảng 20 (++) bạn giỏi nhất tỉnh thời đó, thi vào cực khó.

Các bạn được 13,5kg gạo, tiền ăn 9VNĐ và 5VNĐ tiêu vặt, có phiếu vải 3m, ở trọ không mất tiền do dân cho ở nhờ, có bếp ăn chung với trường, toàn các thầy cô giỏi đứng lớp. Tôi không nhớ hết nhưng được nhà nước chu cấp hoàn toàn, việc của các bạn là giải tính đố. Thời đó bọn lớp bình thường như tôi và bọn đặc biệt như mặt đất và thiên đường, thiên đường được đầu tư gấp 20-30 lần lũ phổ thông với số 0 tròn vo.

Các bạn ý cũng đi thi miền Bắc, hình như có giải khuyến khích (không nhớ rõ), về được khen hết lời. Lúc đi nước ngoài có tới một nửa trong danh sách. Tôi tin sái cổ là trong tương lai các bạn sẽ chiếm giải hết Nobel mang về cho quê hương.

Nửa thế kỷ gặp lại (10-2019) thì lớp đặc biệt ấy và cánh phổ thông có tỷ lệ thành công/thất bại ngang nhau. Về phần chức tước cánh phổ thông có vẻ nhỉnh hơn vì có người trong lớp tôi suýt lên đại tướng CA, cấp tá đông như quân Nguyên… do đi lính nhiều.

Tới giờ tôi chỉ thừa nhận các bạn lớp chuyên ấy giỏi làm tính đố trên giấy. Một người được đầu tư 13,5kg gạo/tháng, 13VNĐ/tháng, so với thằng cu học phổ thông với đầu tư 0 kg gạo, 0 VNĐ, còn phải đóng học phí năm 5VNĐ, mà ra đời không giỏi hơn 20-30 lần thì chuyên biệt để làm gì.

Hãy bán trường Chuyên cho trường Tư để cho nền giáo dục công bằng về … cơ hội.

HM. 01-07-2020


-------------------------------

28/06/2020

Năm 2013, HM blog/FB (bị xóa) từng đăng loạt bài về trường chuyên, lớp chọn. Nay đăng lại cho vui vì khái niệm “chuyên” của VN đã bị méo mó, lạm dụng. Xin đăng ý kiến của chị Ngọc Thu trước.

Bài trên VNE https://vnexpress.net/giao-duc-chuyen-chua-bao-gio-loi-thoi-4122075.html của anh Giang Nguyễn, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ), đã khẳng định “Giáo dục năng khiếu và tài năng (Gifted and Talented Education) chưa bao giờ là lỗi thời cả. Nếu muốn biết cụ thể, hãy học tập những gì Singapore, châu Âu, Mỹ, Hàn, và Nhật đã và đang làm.”

Cua Times. Không rõ anh Giang Nguyễn có hiểu hết khái niệm trường chuyên của Mỹ mà phán kinh.

Tác giả Ngọc Thu. Ảnh: FB của chị

Tác giả Ngọc Thu. Vừa đọc bài trên blog bác Hiệu Minh “Chị FairfaxVA: Trường chuyên, lớp chọn không hoàn toàn dở”, có nhiều điều mình không đồng ý với tác giả. Điểm khác giữa cái gọi là “trường chuyên” (theo ý tác giả) ở Mỹ, so với các trường chuyên VN ở chỗ, các trường học ở Mỹ không luyện học sinh trở thành những con “gà chọi”. Các em nếu được học riêng cũng không phải để đi thi, để lấy thành tích, mà chỉ với mục đích giúp cho các em phát triển đúng khả năng và trình độ của mình.

Mình không đồng ý với tác giả khi cho rằng ở Mỹ có “đầy rẫy” cái gọi là “trường chuyên”. Ở Mỹ hầu hết các trường đều có chương trình dạy các lớp nâng cao, trung bình và thấp, đủ mọi trình độ phù hợp với khả năng của học sinh, chứ không có loại trường chuyên theo kiểu VN là chỉ đào tạo học sinh giỏi không thôi. Các “trường chuyên” ở Mỹ không chỉ chú trọng đến những học sinh giỏi, mà còn quan tâm đến những em học sinh kém phát triển.

Rất nhiều trường học ở Mỹ có chương trình giáo dục đặc biệt (Special Needs Education), dành cho những em chậm phát triển (Developmental Disabilities), những em bị rối loạn cảm xúc hành vi (EBD – Emotional Behavior Disorder), hoặc bị tàn tật (Physical Disabilities). Cả những em học sinh ở VN khi mới qua Mỹ, không biết tiếng Anh, cũng được dạy ở chương trình đặc biệt, có giáo viên song ngữ hoặc người phiên dịch, giúp các em theo kịp những học sinh bản xứ, để một thời gian sau các em có thể gia nhập vào dòng chính (mainstream) như những em sinh trưởng ở Mỹ.

Về chương trình nâng cao trong hệ thống trường công ở Mỹ, hiếm thấy có trường được nhận diện là “trường chuyên” theo kiểu VN, mà đa số các trường công dạy đủ các trình độ. Ở California, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ với dân số gần 40 triệu cũng chỉ thấy có trường, tạm gọi là “trường chuyên” dành cho học sinh giỏi, đó là trường Trung học California Academy of Mathematics and Science (CAMS), dạy các em từ lớp 9-12, có khoảng 650 học sinh theo học trong năm nay:https://lbcams.schoolloop.com/

Với những học sinh giỏi, phụ huynh không nhất thiết phải cho con vào học “trường chuyên” nhưng vẫn có thể giúp các em phát triển đúng khả năng. Con mình chưa từng học “trường chuyên” bao giờ mặc dù cháu có chỉ số IQ khá cao so với các học sinh bình thường, cũng như cháu đã được vào chương trình GATE (Gifted and Talented Education) khá sớm.

Không cần phải đợi đến lớp 2 mới cho các em thi để phát hiện tài năng, đôi khi giáo viên phát hiện sớm, ngay từ lớp mẫu giáo (Kindergarten) rồi khuyến khích phụ huynh cho các em làm test, như trường hợp con của mình. Các chương trình GATE ở Mỹ chỉ với mục đích giúp các em phát triển đúng khả năng của mình, không phải để luyện các em trở thành những con “gà chọi” như ở Việt Nam.

Các em được chọn vào chương trình GATE, ở bậc tiểu học có thể học chung trong lớp với các em học sinh bình thường, nhưng bài tập về nhà cho các em ở trình độ cao hơn (advanced level). Ở những trường có lớp GATE, phụ huynh có thể chọn cho con mình học ở lớp đó, hoặc trường không có lớp GATE, phụ huynh có thể chuyển con mình sang trường khác, nếu muốn.

Khi còn học tiểu học, mình đã không chuyển cho con tới học trường chuyên hay lớp chuyên, mà vẫn giữ cho cháu học bình thường ở trường lớp cũ cùng với bạn bè của cháu là những học sinh bình thường (bởi mình không chỉ chú trọng tới chuyện học mà còn lo chuyện đổi trường, đổi bạn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của cháu), nhưng mình đề nghị cô giáo cho cháu làm bài tập ở trình độ cao hơn, kết quả là cháu vẫn phát triển tốt.

Sang cấp 2 và cấp 3, thường các trường công đều có các lớp dành cho các em giỏi hơn học sinh bình thường (còn gọn là accelerated students). Cấp 2 thì có các lớp nâng cao như honors courses dành cho những em muốn thử thách (challenge) với bản thân mình. Hầu hết các trường cấp 3 đều có các lớp AP (Advanced Placement courses), chương trình IB (International Baccalaureate programs), và Advancement Via Individual Determination (AVID) dành cho những em có trình độ cao hơn, muốn học những lớp phù hợp với khả năng của các em.

Đúng như tác giả viết, đa số phu huynh gốc Việt nói riêng, phụ huynh gốc Á châu nói chung, đều muốn con mình học những lớp nâng cao. Mình biết có những trường hợp cha mẹ gốc Việt bắt ép con cái học hành quá sức, học ở trường chưa đủ, lại còn ghi danh những lớp dạy thêm, cho các em học trước chương trình. Ở cộng đồng Việt Nam sẽ thấy các quảng cáo dạy thêm ở trình độ nâng cao, giúp học sinh học giỏi hơn, khác với cộng đồng Mỹ, cũng có những lớp dạy thêm nhưng dành cho những em chậm phát triển, những em học sinh cá biệt.

Riêng mình thì 12 năm qua chưa từng tốn 1 xu cho con học thêm, bởi mình thấy không cần thiết, mà chỉ muốn con mình học những gì nó thích. Mình chỉ khuyến khích con cái học hành và làm việc phù hợp với khả năng của cháu, cháu có quyền mơ ước làm gì trong tương lai và cố gắng để thực hiện giấc mơ của mình nhưng đó là do cháu tự nguyện, chứ không phải do cha mẹ ép buộc. Mình chỉ cần con cái lớn lên có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc là đủ. Có nhiều tiền, có địa vị chưa hẳn đã là hạnh phúc khi còn nhỏ bị cha mẹ bắt ép phải học giỏi hơn người khác, không có thời gian vui chơi, tuổi thơ bị đánh cắp, không hẳn là cuộc đời mà cháu muốn được sống.



--------------------------------

Dec. 18, 2013
Ý kiến của chị Fairfax Virginia, phản hồi bài viết Lê Quang Tiến: Sự khác biệt giữa luyện “gà nòi” ở Việt Nam và Mỹ. Xin hẹn chị một cuộc gặp với một ly cafe Starbuck để trả nhuận…bàn phím.





No comments: